Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

Ngộ nhận của người đẹp

 Hoa hậu không phải một nghề

Cuộc thi sắc đẹp ban đầu tại một số nước châu Âu, Mỹ từ cuối thế kỉ 19 là cuộc thi mang tính truyền thống tập trung vào việc đánh giá và xếp hạng các chỉ số hình thể của các thí sinh. Các cuộc thi người đẹp hiện nay đã phát triển bao gồm vẻ đẹp bên trong với các tiêu chí bao gồm đánh giá về nhân cách, trí thông minh, tài năng, tính cách và việc tham gia từ thiện, thông qua các cuộc phỏng vấn riêng với giám khảo và trả lời các câu hỏi công khai trên sân khấu. Thuật ngữ cuộc thi sắc đẹp ban đầu dùng để chỉ Tứ đại Hoa hậu (Big Four- cụm từ để chỉ bốn cuộc thi sắc đẹp được coi là lớn và danh giá nhất hành tinh: Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Quốc tế (Miss International) và Hoa hậu Trái đất (Miss Earth)).


Hoa hậu Ý Nhi

Đến đầu thế kỉ 21, mức độ quan tâm đến các cuộc thi sắc đẹp tại Bắc Mỹchâu Âu và Đông Á suy giảm nhanh chóng do những chỉ trích về giá trị được cho là “hữu danh vô thực” mà cuộc thi mang lại, phê phán việc đánh giá chấm điểm cơ thể người phụ nữ. Tuy nhiên, những quốc gia Nam Mỹ và Đông Nam Á vẫn tiếp tục tích cực tổ chức các cuộc thi hoa hậu, việc này được cho là đáp ứng ham muốn dùng sắc đẹp để đổi lấy sự giàu sang, tâm lí thích “hư danh” của công chúng. Có thể nói cái danh và cái lợi là mục tiêu của không ít nếu không muốn nói là đa số trong các thí sinh dự thi hoa hậu ngay nay. Chính vì thế mà thí sinh dự thi sắc đẹp phải bỏ ra không ít tiền của, công sức để đầu tư, kể cả thuê “bầu sô”. Chính vì vậy không phải ai cũng có đủ điều kiện để tham gia các cuộc thi người đẹp quy mô lớn. Một thí sinh đạt được kết quả tốt trong cuộc thi sắc đẹp sẽ mở ra những cơ hội cho cuộc đời song nó cũng đồng hành với áp lực trách nhiệm của danh tiếng và những cạm bẫy chực chờ.

Trong các tiêu chí đánh giá để chọn hoa hậu thì tài năng, tính cách, bộc lộ trí thông minh, nỗ lực tham gia hoạt động từ thiện là có thể đầu tư trong một thời gian nhất định cùng những kĩ năng thể hiện để thuyết phục ban giám khảo. Riêng tiêu chí nhân cách, phẩm chất của mỗi thí sinh không thể có trong một sớm một chiều và ban giám khảo tinh đến đâu cũng khó nhận biết, đánh giá chính xác qua những “thao diễn” của thí sinh. Có lẽ vì thế mà từ khi có các cuộc thi người đẹp, trên thế giới và cả Việt Nam ta đã xảy ra không ít những bê bối như gian lận, mua danh, chọn sai hoa hậu… để rồi phải thu hồi vương miện và danh hiệu.

Nhận vương miện cao quý hoa hậu là một hành trình mới không phải chỉ có hoa hồng, đó là một trách nhiệm mới nặng nề đặt lên vai một cá nhân trên chặng đường mới mà cộng đồng ủy thác. Nếu chỉ coi danh hoa hậu là đích đến cao nhất của cuộc đời, vương miện như một tấm bằng để hành nghề thì đó cũng là lúc thí sinh đang đánh rơi danh phận cao quý./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17/8/2023


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét