Mới nhưng có đổi mới? Mới là nói
đến cái chưa từng có, mới xuất hiện… có thể nó tốt nhưng cũng có thể không
tốt. Còn đổi mới là chỉ những hoạt động của con người làm thay đổi những cái
cũ, lạc hậu bằng cái mới tiến bộ hơn. Nền giáo dục
của ta suốt hàng chục năm qua nỗ lực đổi mới nhưng vẫn nhiều “bùng nhùng”
khiến dư luận lo ngại, thậm chí có vấn đề gây bức xúc. Chủ trương tích hợp
các môn học được cho là một trong những sự đổi mới của ngành giáo dục. Tuy
nhiên, bước vào thực hiện, qua giảng dạy tích hợp hai năm qua đã lộ nhiều bất
cập cùng nguy cơ không bảo đảm chất lượng giảng dạy. Trước nhiều
ý kiến phản biện, Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có một phát
biểu dạng nước đôi về tích hợp: “một là quay về đơn môn như cũ, hai là kiên
trì đổi mới”. Nói là
“tích” nhưng thực tiễn đang diễn ra lại là “cộng”. Chẳng hạn, trong chương
trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học cơ sở, có bộ môn tích hợp đó là
Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý. Hai môn học này thực chất là ghép kiến
thức của 5 môn riêng lẻ trước đó gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và
Lịch sử. Trong khi đó tất cả giáo viên chỉ được đào
tạo đơn môn nhưng nay buộc phải dạy đa môn, giáo viên Sinh học phải dạy cả
Vật lý, Hóa học và ngược lại… Bắt giáo viên giảng dạy những môn học không
được đào tạo chuyên sâu mà mong có chất lương cao hơn là một sự duy ý chí, thiếu
cơ sở khoa học và thực tiễn.
Được biết
nội dung chương trình khi biên soạn cũng do các giáo sư, tiến sĩ “đơn môn” chủ
biên chứ không có “giáo sư tích hợp”, “tiến sĩ tích hợp” thực hiện nên chương
trình cũng chỉ là những phép cộng đơn thuần. Thực tế, trong sách giáo khoa,
kiến thức bộ môn khoa học tự nhiên được viết thành các chủ đề hoặc chương
riêng. Chương này có thể là Vật lý, chương sau sẽ là Hoá học, chương sau nữa
là Sinh học và sắp xếp lẫn lộn như thể “xôi đỗ”. Kiến thức trong các bài học
hay trong chương cũng thuần túy là kiến thức phân môn, không thấy sự “tích
hợp” như kì vọng. Vậy tích hợp đang đổi mới ở điểm nào khi mà khâu đầu tiên
là biên soạn chương trình vẫn chưa thấy mới? Đã có ý kiến cho rằng cần tổ
chức những tiết giảng tích hợp mẫu do chính người biên soạn chương trình thực
hiện, trên cơ sở đó tập huấn cho đội ngũ giáo viên tại cơ sở làm theo. Sai sót
trong xây dựng một công trình ta có thể dỡ ra xây lại; trồng một loại cây
không đúng kĩ thuật, không hợp thổ nhưỡng… có thể trồng lại, sửa sai. Việc trồng
người mà xảy ra sai lầm thì hệ quả sẽ nguy hiểm khôn lường và đâu dễ khắc
phục, sửa sai? Nên chăng
ngành giáo dục cũng nên đổi mới trong chính tư duy, đó là sự cầu thị./. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 08/8/2023 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét