Sao chỉ “hậu trách nhân”? Hầu như sau mỗi cuộc thi hoa hậu của ta đều để lại những
chuyện “hậu hoa hậu” không vui. Nhiều người đẹp sau khi giành vương miện đã
sớm gây ra điều tiếng, người thì do phát ngôn, người thì bởi cách hành xử...
Dư luận thông thường cũng chỉ quan tâm “mổ xẻ” những sai sót, lỡ miệng của
tân hoa hậu, á hậu. Đây thực sự là một định kiến, một sự nhìn nhận phiến diện
rất không công bằng với cá nhân người đẹp. Người xưa từng dạy “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”. Trong mỗi
gia đình khi con cái không được dạy bảo cẩn thận khiến nhân cách, đạo đức
khiếm khuyết thì trước tiên cần trách cứ các đấng sinh thành vì đó là “sản
phẩm” của họ. Đưa ra xã hội một con người chưa hoàn thiện, nhiều sai lỗi thì
trước hết cần xem xét trách nhiệm của gia đình, rồi nhà trường, cuối cùng là
xã hội. Tương tự như vậy, mỗi cuộc thi sắc đẹp
chắc chắn sẽ có những hoa hậu, á hậu song chọn ra được tân hoa hậu như thế
nào là do cách nhìn nhận, đánh giá của Ban giám khảo (BGK). Như vậy có thể
thấy, BGK là một thành tố rất quan trọng ảnh hưởng đến kết quả, chất lượng mỗi
cuộc thi sắc đẹp. Chẳng hạn như cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam năm 2023 (Miss
World Vietnam 2023) BGK gồm 6 thành viên đã có đến 3 hoa hậu (Lương Thùy
Linh, Trần Tiểu Vy, Đỗ Thị Hà) thuộc đơn vị tổ chức cuộc thi quản lí, 3 thành
viên còn lại gồm bà Phạm Kim Dung (trưởng ban tổ chức, trưởng ban giám khảo), nhà thiết kế Lê Thanh Hòa, diễn
viên Vân Trang (tất thảy là những tên tuổi nhiều người lần đầu nghe tới).
Ngoài ra có thêm đương kim Miss World 2022
Karolina Bielawska (24 tuổi, người Ba Lan) tham dự với vai trò giám khảo
khách mời trong đêm chung kết.
Ngay từ khi công bố danh sách nhân sự
BGK cuộc thi hoa hậu này hồi đầu năm dư luận đã nhiều ý kiến trái chiều, có
người cho rằng BGK toàn là “cây nhà lá vườn” vì không thấy bóng dáng một nhà
hoạt động xã hội, một chuyên gia chuyên ngành liên quan có tên tuổi nào! Ba
hoa hậu tham gia BKG cũng có thể ví như “sinh viên tốt nghiệp khóa trước chấm
thi cho sinh viên khóa sau”. Do vậy, kết quả cuộc thi cũng có thể chỉ chọn
được những sản phẩm “cây nhà lá vườn”, không thể đòi hỏi cao hơn. Và kết quả
cho thấy đúng là BGK đã chọn ra những hoa hậu, á hậu vẫn còn khiếm khuyết
nhận thức trong đó có cả nhận thức về vị thế của chính bản thân. Chỉ cần đội
chiếc vương miện lên đầu là hoa hậu đã nghĩ mình cao hơn tất cả mọi người, dù
đó là danh nhân hay lãnh tụ! Do vậy xin đừng quá kì vọng và phê
phán, trách cứ thái quá các người đẹp khi họ chưa hoàn thiện mà hãy góp ý với
những người có thẩm quyền của cuộc thi (người quyết định về tổ chức cuộc thi,
quyết định nhân sự BGK) - những người đã chọn ra sản phẩm mang tên hoa hậu.
Các cấp quản lí cũng cần vào cuộc để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc
thi. Nếu chỉ phê phán hoa hậu, quên đi trách nhiệm những thành tố này thì các
cuộc thi trong tương lai chất lượng khó có thể tốt hơn nếu không muốn nói sẽ ngày
một đi xuống./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 24/8/2023 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét