Tăng trưởng xanh cần loại bỏ “tư duy xám” Tăng trưởng xanh đã và đang là xu thế của toàn thế giới. Tất
cả các ngành từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… đều hướng tới tăng trưởng
xanh và kinh tế tuần hoàn. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo
trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26
(COP26), Thủ tướng nước ta Phạm Minh Chính đã cam kết trước thế giới là Việt
Nam sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, một cam kết được các
lãnh đạo nhiều quốc gia coi là dũng cảm và đáng trân trọng. Để có thể thực hiện được cam kết trên, tuy thời gian đến gần
30 năm song hiện tại đã cần bắt đầu “tăng tốc” nếu không sẽ khó đạt mục tiêu vì
đó không phải là thời gian quá dài với một quốc gia đang đẩy mạnh công nghiệp
hóa như Việt Nam. Một trong những ngành cần đi đầu, đột phá trong kinh tế
xanh, trực tiếp giúp giảm phát thải là bảo toàn và phát triển rừng. Trong khi
đó tài nguyên rừng và đất rừng nhiều năm qua đã bị khai thác dạng hủy hoại, thâm
dụng, tận thu không hồi phục. Vì một dự án sân golf mà mấy năm trước tại Gia
Lai người ta định phá bỏ cả một cánh rừng thông lâu năm quý giá. Hồi đầu năm nay, UBND tỉnh Thái Bình có công văn gửi Bộ Tài
nguyên & Môi trường xin ý kiến về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương Dự
án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành, huyện Tiền Hải. Đây là hợp phần trong
dự án Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ huyện Tiền
Hải. Đáng nói là dự án này gần như nằm hoàn toàn trên diện tích 12.500ha chuyển
đổi từ khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có nguy cơ bị thu hẹp gần 90% diện tích Trước khi nhận được ý kiến phản hồi của Bộ Tài nguyên & Môi
trường thì UBND tỉnh Thái Bình đã có quyết định gần như “xóa sổ” khu Bảo tồn
thiên nhiên Tiền Hải (thu hẹp gần 90% diện tích, từ 12.500ha xuống còn
1.320ha), trong đó có hơn 370ha rừng đặc dụng. Được biết, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập
nước Tiền Hải là vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là
một trong 63 vùng chim quan trọng có ý nghĩa toàn cầu, đã được quốc tế công
nhận. Việc trồng rừng ngập mặn tại đây những năm quan còn có sự tham gia của
một số tổ chức quốc tế. Thái Bình là một tỉnh diện tích không lớn và đất rừng lại càng
hiếm hoi lẽ ra lãnh đạo cần có tư duy trân trọng, giữ gìn những thảm xanh
hiện có và phát triển thêm với lợi thế đất ngập mặn để góp phần hiện thực hóa
cam kết của Chính phủ về giảm phát thải. Phát triển du lịch, dịch vụ có ý
nghĩa rất quan trọng với một tỉnh thuần nông như Thái Bình, tuy nhiên sự phát
triển ấy cần đặt trong bối cảnh và xu thế chung của quốc gia, của thế giới là
tăng trưởng xanh, bền vững. Tư duy phát triển chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, hủy diệt
rừng thực sự là một “tư duy màu xám” cần loại bỏ!/. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 26/8/2023 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét