Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

Hội kín cũng cần quản lí

 

 Chuyện hội trên mạng

Những hội, nhóm công khai và kín trên nền tảng mạng xã hội có lẽ đã hình thành ngay sau khi những trang mạng được thiết lập và ứng dụng. Sự xuất hiện hội nhóm là tất yếu bởi sự tiện lợi của nó trong kết nối quan hệ, chia sẻ thông tin, trao đổi vấn đề cùng quan tâm. Nhiều hội, nhóm có giá trị tích cực giúp người dùng có thể chia sẻ thông tin hữu ích, tiện dụng, tuy nhiên cũng có nhiều nhóm “rác”, lan truyền quan điểm tiêu cực, sai trái, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Trên các trang mạng có chức năng ẩn danh như Zalo, Instagram… trong đó phổ biến nhất là mạng Zalo đang được nhiều người sử dụng với hình thức nhóm riêng tư. Thông thường những hội nhóm nhỏ chừng mấy chục hoặc vài trăm thành viên nhưng cũng có những nhóm thu hút hàng nghìn người tham gia. Rất nhiều nhóm tiêu cực được hình thành gần đây như: “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, “Hội những người muốn tự tử”,  “Hội lô đề miền Bắc”, “Hội thông chốt giao thông”. Riêng “Hội bùng app (ứng dụng) vay tiền” đã có tới hơn ba mươi nghìn thành viên...


Một hội chia sẻ cách "bùng" tiền các ứng dụng cho vay.

Tuy là những hội có quan hệ lỏng lẻo, ít ràng buộc nhưng nó lại có sức lan tỏa, tác động, ảnh hưởng đến rất nhiều người. Nếu đó là những vấn đề tiêu cực, thậm chí trái với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chi phối tới công tác quản lí xã hội của cơ quan chức năng thì hệ quả có thể sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thậm chí là an ninh quốc gia.

Hiện chưa có bộ luật về tổ chức hội song Chính phủ đã có Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định cụ thể về điều kiện thành lập, tên gọi, trụ sở, tôn chỉ mục đích, nội dung hoạt động cụ thể với các hội.

Tại khoản 1 Điều 2 Nghị đinh này thì Hội được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật… Tóm lại, mọi tổ chức Hội đều được pháp luật quy định rất cụ thể, quản lí chặt chẽ. Dù vậy thực tiễn vẫn xảy ra những lệch lạc, tiêu cực trong quý trình hoạt động khiến các cơ quan quản lí phải vào cuộc chấn chỉnh.

Dù trong môi trường cuộc sống thực tiễn hay trên môi trường mạng xã hội thì mọi hội nhóm đều không thể tự do vô chính phủ. Mỗi hội, nhóm khi hình thành cần có người chịu trách nhiệm, được đặt dưới quản lí chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Đã đến lúc cần có quy định cụ thể để quản lí các hội nhóm trên môi trường mạng, nhất là trong thực hiện chủ trương của Nhà nước ta về xây dựng một xã hội số lành mạnh, văn minh và an toàn./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18/11/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét