Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023

Tiêu dùng là tăng trưởng

 

Nên kích cầu qua thuế

Nhu cầu tiêu dùng tăng là một kênh quan trọng và bền vững nhất kích thích nền kinh tế của một quốc gia tăng trưởng, nhất là những nước có dân số đông.

Với quy mô dân số một trăm triệu người như Việt Nam thì nhu cầu tiêu dùng chính là một nguồn đầu tư không nhỏ cho nền kinh tế tăng trưởng. Nhà đầu tư cộng đồng này đôi khi chưa được quan tâm đúng mức với một nền kinh tế hướng ngoại, tập trung mạnh cho xuất khẩu như nước ta.

Hiện nay trước thực trạng nền kinh tế thế giới đang đà suy giảm tăng trưởng cộng với bất ổn địa chính trị cho thấy chưa có nhiều triển vọng kinh tế tăng trưởng mạnh trong tương lai gần. Do đó nhu cầu hàng xuất khẩu khó có thể tăng lên, thậm chí còn suy giảm. Cùng với đầu tư công, tiêu dùng nội địa đang đóng vai trò quan trọng giữ ổn định và bền vững cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên yếu tố tiêu dùng lại liên quan trực tiếp đến thu nhập của dân cư và giá cả hàng hóa. Khi thu nhập tăng, giá cả hàng hóa rẻ thì tiêu dùng tất yếu sẽ tăng.

Hồi tháng 9, Chính phủ Chính phủ Thái Lan từng đề ra kế hoạch phát 560 tỉ baht (tương đương 16 tỉ đô la Mỹ) dưới dạng tiền kĩ thuật số cho 55 triệu dân (281 đô la mỗi người) để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong nước. Đây là một trong những biện pháp được Thủ tướng nước này triển khai nhằm vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng trì trệ. Năm 2020 thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng từng phát hàng triệu phiếu khuyến mãi (trị giá 1,7 tỉ đô la) để người dân mua hàng giảm giá trên các nền tảng thương mại điện tử nhằm kích cầu tiêu dùng.


Giảm thuế sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh

Thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định giảm thuế GTGT xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Đây là một giải pháp trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và gián tiếp hỗ trợ người tiêu dùng rất hiệu quả, bởi cuối cùng thì tiền thuế cũng được tính vào giá cả hàng hóa. Tuy nhiên với một số nhóm hàng hóa không được giảm theo Nghị định và việc giảm 2% thuế VAT trong thời gian này cũng chỉ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỉ đồng.

Theo các báo cáo của chính phủ trước kì họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều khả năng mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay không thể đạt mục tiêu đề ra là 6,5%. Một số ý kiến đang đề xuất nên giảm thuế VAT 2% cho tất cả các nhóm hàng hóa, vừa tránh được những phức tạp khi áp dụng (vì phải phân loại khi doanh nghiệp cùng lúc kinh doanh nhiều nhóm, loại hàng hóa) vừa hỗ trợ doanh nghiệp trước khó khăn chung và hỗ trợ người tiêu dùng đẩy mạnh chi tiêu. Chính phủ nên cân nhắc đề xuất này bởi kết quả thu ngân sách của ngành thuế trong 10 tháng qua có những tín hiệu khả quan./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 02/11/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét