Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

Vòng kim cô mang tên quy hoạch

 

Quyền lực của Quy hoạch

Với mỗi cá nhân đang sở hữu đất đai thì điều không may là bỗng dưng loại tài sản đặc biệt này được đưa vào quy hoạch. “Đáng sợ” hơn là quy hoạch đó lại đang bị “treo”!

Khi đất được quy hoạch có nghĩa nó đã được đưa vào một kế hoạch sử dụng trong tương lai phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… Trường hợp đất đai được thu hồi và đưa ngay vào cho một kế hoạch, dự án cụ thể trước mắt thì khác, khi đó người dân sẽ sớm được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Còn đất đai đưa vào quy hoạch mới chỉ là dự án trên văn bản pháp quy, có thể 10, 15, 20 và xa nhất là 50 năm sau mới triển khai. Tuy chưa biết khi nào đất mới thu hồi, triển khai dự án song khi đã vào quy hoạch thì người sở hữu lập tức hạn chế những quyền quan trọng nhất với tài sản của mình. Ví dụ nếu là đất ở thì chủ sở hữu không thể đầu tư xây dựng nhà cửa, chia tách sở hữu cho con cháu…  


Quy hoạch treo khiến cuộc sống người dân khó khăn trăm bề

Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội ban hành năm 2017 bao gồm nhiều lĩnh vực song được quan tâm nhất có lẽ là quy hoạch về đất đai. Trong 59 điều khoản của bộ luật, không có quy định về hủy mà chỉ được phép điều chỉnh quy hoạch. Do đó đòi hỏi cơ quan chức năng khi xây dựng quy hoạch cần hết sức cẩn trọng không chỉ với lợi ích công cộng mà còn là lợi ích của người dân. Khi một quy hoạch xây dựng không phù hợp thực tiễn, thiếu tính khả thi nó sẽ dần trở thành “quy hoạch treo”. Thời gian của một quy hoạch được quy định từ 20 đến 50 năm, nếu bị treo đương nhiên sẽ dài hơn những mốc thời gian trên. Quyền lợi của người sở hữu đất sẽ thế nào khi tài sản của mình bị “treo” hàng chục năm trời? Quy hoạch sử dụng đất có thể ví như “chiếc vòng kim cô” đã được “gắn lên đầu” khiến người có đất không thể vùng vẫy! “Đất đã quy hoạch” cũng là “câu niệm thần chú” của công chức quản lí đất đai mỗi khi người dân đòi hỏi, khiếu nại quyền lợi chính đáng.

Việc xây dựng quy hoạch hiện nay đang mang dấu ấn của một thời kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa. Những quy hoạch hoành tráng được thiết kế một cách dễ dãi, thiếu minh bạch, không lường hết khả năng, nguồn lực để thực hiện. Đôi khi quy hoạch chỉ như nhằm tạo dấu ấn cho một nhiệm kì lãnh đạo. Đây là căn nguyên khiến rất nhiều quy hoạch đang trở thành “quy hoạch treo”.

Quy hoạch như một thứ quyền lực vô hình. Chưa có cán bộ, công chức nào bị quy trách nhiệm, xử lí kỉ luật khi tạo ra những bản “quy hoạch treo”. Cũng chưa có người dân nào bị quy hoạch treo gây tổn hại về kinh tế, ảnh hưởng đời sống vật chất, tinh thần đã được bồi thường từ cơ quan chức năng. Dù mới qua 6 năm đi vào thực tiễn song xem ra đã có không bấ ít bất cập với một bộ luật rất quan trọng là Luật Quy hoạch.

Bác Hồ từng dặn: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh...”. Thực hiện quy hoạch đang xảy ra những bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người dân rất cần được điều chỉnh./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08/11/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét