Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

Tăng phí chỉ đạt mục tiêu tăng thu

 

Mục tiêu kiểm soát hay tăng thu?

Bộ Tài chính đang dự thảo tờ trình Nghị định về thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải và cho biết, một loạt tỉnh đề nghị thu phí đối với ô tô và xe máy. Tuy nhiên Bộ Tài chính nêu quan điểm chưa đồng tình việc thu loại phí này trong điều kiện hiện nay. Vậy lí do thực sự là gì để các tỉnh sốt sắng đề xuất thu loại phí này, có thực sự xuất phát từ thực trạng ô nhiễm khí thải của phương tiện xe máy, ô tô với từng địa phương?

Cứ giả sử nhiều địa phương đang rất sốt sắng vấn đề môi trường liên quan đến phương tiện giao thông. Như vậy thì cách nhanh nhất, trực tiếp nhất giúp giảm thiểu ô nhiễm phải là kiểm soát khí thải của các phương tiện ô tô, xe máy. Để giúp giảm ô nhiễm thì trước tiên cần tổ chức tốt việc đo kiểm khí thải phương tiện, trên cơ sở đó dừng hoạt động với các phương tiện giao thông không đảm bảo tiêu chuẩn, gây ô nhiễm; cùng với đó là có giải pháp hỗ trợ người dân trong duy tu, bảo dưỡng phương tiện để đạt tiêu chuẩn khí thải. Mọi người đều biết, với phương tiện dù cũ nhưng được bảo dưỡng, duy tu đúng thì vẫn có thể đạt chuẩn khí thải theo quy định.


Dù tăng thu phí thì vẫn rất khó hạn chế phương tiện

Lại nói về phương án nếu được thu phí khí thải thì liệu có giúp giảm thiểu nhanh chóng ô nhiễm môi trường hay không? Dù có thu phí thì tin rằng đa số người dân, doanh nghiệp đang sở hữu phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại hằng ngày hoặc dùng làm phương tiện mưu sinh sẽ không vì mất thêm chi phí khí thải mà không dùng phương tiện nữa, có chăng một tỉ lệ ít ỏi nào đó sẽ hạn chế sử dụng mà thôi. Và như vậy hiệu quả hạn chế ô nhiễm khí thải ô tô, xe máy rất khó có thể giảm xuống. Điều mang lại hiểu quả nhanh và dễ nhận ra nhất, đó là nguồn thu về ngân sách địa phương từ việc phí khí thải với ô tô, xe máy.

Hiện nay phí môi trường đã được thu ngay khi người dân mua xăng dầu với mức không thấp, dù đã được Quốc hội cho phép hạ bớt. Thu phí bảo vệ môi trường qua xăng dầu là trực tiếp, đúng đắn nhất và bình đẳng khi sử dụng cho giao thông hay sản xuất kinh doanh. Mặt khác nếu thu phí khí thải ô tô, xe máy tức là thêm một lần thu phí môi trường với xăng dầu, là phí chồng phí, trái với nguyên tắc thu thuế, phí mà Quốc hội đã đề ra.

Có lẽ nhận ra điều này nên dù nhiều địa phương đề xuất thu phí khí thải ô tô, xe máy song Bộ Tài chính đã không đồng tình. Đây là quan điểm đúng đắn, phù hợp trong tình hình hiện nay, dù Bộ Tài chính là cơ quan quản lí luôn muốn có thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30/12/2023

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Cần thay đổi chính sách quản lí vàng

 

 Bất thường chuyện “quản” vàng

Cách đây 11 năm Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lí hoạt động kinh doanh vàng. Điểm nhấn trong Nghị định là việc dừng nhập khẩu vàng với các doanh nghiệp, Nhà nước độc quyền nhập và kinh doanh bằng thương hiệu vàng miếng SJC.

Nhiều năm qua cơ bản không còn những cơn sốt giá vàng, dù thị trường này có lúc tăng giảm song không còn trào lưu đua nhau mua bán vàng. Có thể thấy Nghị định 24 đã hoàn thành sứ mệnh, loại bỏ một thị trường bất ổn đầy may rủi với cá nhân đầu tư theo phong trào.


Tuy nhiên việc “khóa van” lưu thông vàng với thị trường thế giới ngày càng bộc lộ những bất cập cả về giá cả và kinh doanh. Giá vàng trong nước đã không vận hành theo giá quốc tế và luôn neo ở mức chênh lệch quá cao, nhất là thương hiệu SJC (thường cao hơn đến 7-8 triệu đồng mỗi lượng, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng/lượng). Mấy ngày qua giá vàng SJC đã lên hơn 77 triệu động/lượng. Sự chênh lệch lớn này có sức hút mạnh mẽ với động cơ kinh doanh vàng qua đường nhập lậu. Thời gian qua đã phát hiện không ít vụ buôn lậu vàng có giá trị rất lớn. Ví dụ năm 2022 Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã phát hiện đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam tại Quảng Trị với trên 3 tấn vàng, tổng trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng.

Liệu đã có bao nhiêu tấn vàng lậu từng “chui” được vào thị trường nội địa hàng chục năm qua? Thị trường, địa chỉ tiêu thụ vàng lậu ở đâu? Liệu hàng tấn vàng chui có thể biến hóa thành thương hiệu uy tín và lưu thông? Chỉ một vụ buôn lậu trên đã làm thiệt hại hơn 1,6 nghìn tỉ tiền thuế song có thể vẫn rất nhỏ so với nhiều nghìn tỉ rơi vào túi gian thương từ độ chênh hàng chục triệu đồng trên mỗi cây vàng.

Cùng với những bất ổn trên là chuyện lạ về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được giao độc quyền vàng miếng SJC. Cứ ngỡ độc quyền thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp này hưởng lợi thế kinh doanh và sẽ lãi khủng. Tuy nhiên, tưởng vậy mà không phải vậy. Trong năm 2022, theo báo cáo kiểm toán, doanh nghiệp SJC ghi nhận tổng doanh thu là 27.154 tỉ đồng nhưng chỉ đạt lợi nhuận vỏn vẹn gần 48,6 tỉ đồng. Trong khi đó, Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có tổng doanh thu hơn 32.211 tỉ đồng đã đạt lợi nhuận sau thuế cùng năm đó là 1.811 tỉ đồng. Hiện SJC chưa có báo cáo 6 và 9 tháng năm 2023, trong khi PNJ báo lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng năm 2023 là gần 1.340 tỉ đồng trên doanh thu 23.617 tỉ đồng. Các năm 2020 và 2021 khi so sánh giữa hai doanh nghiệp trên cũng đều có chênh lệch khá xa, có thể ví như gã khổng lồ đứng cạnh chú bé tí hon, mà phần “bé tí” luôn là doanh nghiệp SJC!

Tại các kì họp Quốc hội đã qua, một số đại biểu từng nêu ý kiến về việc xem xét bãi bỏ hoặc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP vì xảy ra những bất cập không nhỏ.

Chính sách quản lí cần linh hoạt để theo kịp thực tiễn cuộc sống. Một chính sách “bất biến” cả thập kỉ trong một thị trường đầy biến động có thể coi là một sự bất thường. Vậy ai hưởng lợi, ai thiệt hại với hiện tượng giá vàng dẫn đầu thế giới hiện nay?

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29/12/2023

Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

Bó tay với "đinh tặc"?

 

“Đinh tặc” có phải “bệnh nan y”?

Gần đây báo chí nêu gương về việc một nhóm thiện nguyện tại TP Hồ Chí Minh có sáng kiến chế tạo ra chiếc máy hút đinh trên quốc lộ mang lại hiệu quả cao, chỉ vài tiếng đã hút được hàng cân đinh (loại được “chế thức” rải ra đường để bẫy phương tiện giao thông, nhất là xe máy).

Trước đó báo chí từng nêu gương một số cá nhân tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã tự chế tạo máy hút đinh và hằng ngày tự đi hút đinh trên đường giúp mọi người không bị rơi vào tay “đinh tặc” với dịch vụ chặt chém vô lương tâm. 


Một trong những sáng kiến máy hút đinh tại TP Hồ Chí Minh

Cách đây cũng khá lâu, chuyện đinh tặc từng xảy ra tại Hà Nội và một vài tỉnh phía Bắc. Sau khi một số vụ việc rải đinh xảy ra, báo chí phản ánh, các lực lượng chức năng đã sử dụng biện pháp nghiệp vụ và bắt quả tang các nghi phạm, xử lí kiên quyết, mạnh tay. Chính vì vậy, những năm gần đây hầu như không còn tái hiễn nạn “đinh tặc” tại nhiều địa phương phía Bắc. Điều đó chứng tỏ nạn “đinh tặc” không phải là vấn đề quá nan giải khiến cơ quan quản lí an ninh trật tự phải bó tay.

Liệu những kinh nghiệm triệt “đinh tặc” của các đơn vị chức năng phía Bắc có áp dụng được ở những địa phương khác, nhất là tại một vài tỉnh thành phía Nam?

Những năm qua các vụ cướp giật, nhất là cướp tiệm vàng, ngân hàng đều được lực lượng chức năng tìm ra, bắt được thủ phạm trong thời gian ngắn chứng tỏ trình độ nghiệp vụ hiện khá tốt khiến tội phạm dạng này chùn tay.

Những sáng kiến, những tấm gương thiện nguyện vì cộng đồng khắc phục hệ quả nạn “đinh tặc” là đáng trân trọng và cần biểu dương. Tuy nhiên việc tạo ra những chiếc đinh và rải bẫy là quá dễ dàng, rẻ mạt so với lợi nhuận thu được khiến tội phạm phát triển. Điều đó khiến những việc làm tốt như trên chẳng khác nào công dã tràng xe cát Biển Đông!

Ai là kẻ rải những chiếc đinh trên đường? Theo một logic thông thường thì mọi người đều biết chắc chắn đó là một trong những chủ quán dịch vụ sửa chữa xe máy. Nghi phạm hoặc kẻ “hưởng lợi” từ hoạn nạn của người khác có thể khoanh vùng. Bằng biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành có lẽ không khó để tìm ra thủ phạm “đinh tặc”, vấn đề là lực lượng chức năng đã quan tâm và quyết tâm chống tội phạm đến cùng hay chưa. Bên cạnh đó chính quyền địa phương nơi thường xảy ra vấn nạn này cũng cần tích cực tuyên truyền vận động các cơ sở dịch vụ sửa chữa xe máy chấp hành nghiêm pháp luật, xây dựng uy tín bằng chất lượng và đạo đức kinh doanh.

Dẹp nạn “đinh tặc” cần phối hợp các lực lượng, đồng bộ các giải pháp để triệt từ gốc chứ không thể mãi trông vào những hành động nghĩa hiệp bất đắc dĩ./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 26/12/2023

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2023

Bất ổn trường học

 

Băn khoăn phía sau cổng trường

Ở mọi quốc gia, ngôi trường là nơi ươm mầm cho tương lai. Trong quốc sách hàng đầu thì ngôi trường, học sinh và người thầy là những thành tố quyết định và quan trọng nhất. Phía sau cổng trường, những mầm ươm tương lai đang ngày ngày được chăm bẵm, vun trồng để mang về những cây đời xanh tương về nhân cách, tri thức. Như vậy, nơi đây phải là một môi trường lí tưởng nhất, nơi hội tụ những nhân cách, trí tuệ và tình yêu thương con người.

Tuy nhiên, gần đây liên tục phát lộ những chuyện không vui phía sau cổng trường khiến cả xã hội băn khoăn, đó là các vụ bạo hành. Điều đáng nói, những vụ việc buồn chỉ được biết khi nó được học sinh tung lên mạng xã hội. Đơn cử một vài vụ việc:

Ngày 29/9 xuất hiện clip phát tán hình ảnh một học sinh Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội quỳ khóc trước cửa lớp, sau đó được cô giáo chủ nhiệm túm áo lôi vào lớp.

Ngày 30/10, lan truyền đoạn video khoảng 15 giây quay lại cảnh một nam sinh vừa chửi thề vừa tát và đấm tới tấp vào mặt nam sinh khác trong lớp học. Đó là sự việc xảy ra tại phòng học của Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).


Nhóm HS Trường THCS Văn Phú khóa cửa, chửi bới và ném dép vào người cô giáo.

Còn tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thì xảy ra việc nhiều học sinh trong một lớp có hành vi rất vô lễ với giáo viên. Sau tiết dạy âm nhạc, cô giáo đã bị nhóm học sinh lớp 7 liên tục chửi bậy, ném giấy rác vào người rồi chốt cửa lớp, không cho ra ngoài. Việc này cũng chỉ được biết khi xuất hiện đoạn video phát tán ngày 29/11, v.v.

Từ những sự việc như trên, dư luận không khỏi đặt sự nghi vấn, liệu còn bao nhiêu vụ tương tự tại nhà trường chưa bị phát lộ? Môi trường giáo dục liệu đang có những vấn đề gì?

Theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” thì người thực hiện hành vi phát tán những thông tin trái với quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt. Hành vi phát tán clip bạo lực học đường được coi có thể gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, trái với thuần phong, mĩ tục, về nguyên tắc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với học sinh đã đưa video clip lên mạng. Song, ở khía cạnh khác, nếu những thông tin đó không được công khai rồi cơ quan chức năng liên quan vào cuộc xử lí thì hệ quả sẽ thế nào?

Dư luận đang có những ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên xử lí nặng với học sinh phát tán clip lên mạng, tựa ý kiến tranh luận lâu nay về hành vi tố cáo nặc danh nhưng là tố cáo đúng.

Dân chủ, công khai, minh bạch là nền tảng quản lí xã hội hiệu quả nhất trong thời đại bùng nổ thông tin. Pháp luật đang đòi hỏi có định chế, phương thức hiệu quả để tiếp nhận, xác minh và bảo vệ người cung cấp thông tin, kể cả khi họ dấu tên, nếu đó là thông tin có cơ sở. Trong nhà trường cũng vậy, cần có kênh phù hợp, khả dĩ để các em không e ngại hoặc lo sợ khi tố giác những chuyện tiêu cực phía sau cổng trường./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 20/12/2023

Thứ Hai, 11 tháng 12, 2023

Cán bộ rất giàu

 

Chuyện cán bộ chơi golf

Môn thể thao golf được du nhập vào Việt Nam và phát triển nhanh cùng sự tăng tốc của nền kinh tế. Tuy nhiên với chi phí cao nên rất ít người có điều kiện để tham gia môn thể thao này. Khách chơi chủ yếu là chủ doanh nghiệp, khách du lịch nước ngoài…

Không riêng ở ta, với nhiều nước trên thế giới, golf được coi là môn thể thao “quý tộc” bởi mức chi phí quá cao. Phí chơi gôn được chia làm 3 loại: Với hội viên mức phí dao động khoảng 15-27 đôla cho mỗi lần chơi. Khách mời của hội viên khoảng 60-80 đôla. Phí cho khách vãng lai trên dưới 100 đôla. Để sở hữu một chiếc thẻ hội viên, người chơi golf phải trả chừng 30.000 USD - 130.000 USD tùy sân (khoảng 1,5 đến 3,15 tỉ đồng). Mỗi năm, phí thường niên dao động khoảng trên dưới 1.000 USD - 2.000 USD. Bộ đồ nghề cho mỗi tay chơi gồm một bộ gậy, túi, găng tay, giày. Trong đó, đắt nhất là bộ gậy, gồm đủ các loại từ gậy gỗ, sắt và loại chuyên biệt với giá dao động quanh mức 1.700 - 2.000 USD và cao hơn. Hội viên được miễn lệ phí sân khi chơi nhưng phải trả tiền “boa” cho người phục vụ khoảng 10-15 đôla. Để trở thành một tay golf chơi được phải tập luyện hàng năm trời, chi phí ban đầu cho thầy dạy cũng lên tới 50 đôla cho mỗi buổi tập/1 giờ…

Như vậy, để có điều kiện chơi golf phải là người có thu nhập cao, thậm chí rất cao.


Golf được coi là môn thể thao cho người giàu

Những ngày gần đây dư luận đang quan tâm đến chuyện một lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh trong một tuần làm việc “bận” tới 3 ngày đi… chơi golf!

Chuyện đúng sai của việc cán bộ chơi golf trong giờ hành chính rồi sẽ được làm sáng tỏ và mong lãnh đạo tỉnh này xử lí nghiêm nếu có vi phạm. Tuy nhiên điều đáng nói lại ở khía cạnh khác, đằng sau của câu chuyện cán bộ chơi golf. Với mức lương của một giám đốc Sở hiện chưa đến 20 triệu/tháng, trừ chi phí sinh hoạt tối thiểu cũng khó có thể đủ để tham gia môn thể thao quý tộc này. Vậy thì số chi phí không nhỏ chơi golf hằng tuần đó sẽ lấy từ đâu?

Nhiều người biết sân golf ở Việt Nam ta cũng là nơi không ít chủ doanh nghiệp lấy làm địa chỉ “tiếp khách” là công chức có quyền lực ở địa phương. Chủ doanh nghiệp không phải ai cũng thư thả, nhiều thời gian cho việc du hí, song sân golf lại là nơi thuận lợi để kết nối quan hệ, nơi có thể mang lại lợi thế và lợi ích cho chuyện làm ăn. Việc doanh nghiệp mời một cán bộ nào đó chơi golf, thậm chí bao trọn gói để họ trở thành hội viên sân golf sẽ tốn không ít tiền bạc, nhưng cũng rất khó để tìm ra dấu hiệu cụ thể của hành vi đưa và nhận hối lộ. Dân gian có câu “thóc đâu mà đãi gà rừng”, một đồng tiền của doanh nghiệp bỏ ra phải mang lại rất nhiều hơn thế thì họ mới “đầu tư”.

Khi một cán bộ công khai lối sống quá cao so với khả năng thu nhập của mình sẽ để lại cho cấp dưới, người dân nhiều câu hỏi, tâm tư, dù ít ai dám hỏi. Song niềm tin vào lãnh đạo cũng xói mòn và mất dần từ những “tấm gương” như thế./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 09/12/2023

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2023

Cần có chính sách phát triển xe điện

 

Hậu cần cho xe điện

Với xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, việc sử dụng phương tiện giao thông sử dụng điện đang “bứt tốc”, từng bước thay thế xe nhiên liệu hóa thạch tại nước ta.

Hạ tầng giao thông ngoài hệ thống đường sá còn một thiết chế dịch vụ hậu cần không thể thiếu đó là các trạm bán xăng dầu. Hệ thống trạm xăng dầu hiện nay ngày càng được phủ rộng, trên các tuyến quốc lộ chỉ mươi cây số đã có một điểm, nhiều nơi chỉ cách vài cây số đã có mấy trạm cạnh tranh nhau. Tuy nhiên, nếu ai đã có ô tô điện khi đi trên đường thì không dễ để tìm thấy một trạm sạc điện - loại “nhiên liệu” của phương tiện này.

Là một doanh nghiệp sản xuất xe điện lớn nhất tại Việt Nam, hiện mới chỉ có hãng VinFast là đã đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc điện sử dụng riêng. Dù đã bắt đầu phủ sóng trạm sạc cho xe điện ở nhiều tỉnh, thành phố song hãng này đang quy định chỉ có khách hàng sử dụng xe VinFast mới được phép sạc tại trạm sạc VinFast, đồng nghĩa xe điện thương hiệu khác chưa được dùng trụ sạc của hãng. Điều này cũng dễ hiểu bởi doanh nghiệp đã bỏ ra một khoản chi phí lớn cung ứng dịch vụ cho phát triển hàng hóa của mình trên một thị trường cạnh tranh.


                           Một trạm sạc của 
VinFast 

Với xu thế phát triển phương tiện giao thông xanh hóa hiện nay, có thể một thời gian không lâu xe ô tô, xe máy điện sẽ trở thành loại phương tiện phổ biến. Đây cũng là một xu thế tích cực hỗ trợ cho mục tiêu giải pháp giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng đã cam kết trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78. Tuy nhiên để tiến trình này tăng trưởng tốt trước hết cần có một hạ tầng cung ứng dịch vụ tiện lợi là hệ thống trạm sạc điện.

Được biết, với chế độ sạc tiêu chuẩn thì thời gian sạc xe ô tô điện khoảng từ 8 tiếng - 12 tiếng cho 1 lần sạc đầy. Nếu ứng dụng chế độ sạc nhanh thì thời gian đầy pin cũng mất khoảng 1 tiếng. Rất khó để có thể thuyết phục tất cả các hãng sản xuất xe điện đều đầu tư xây dựng trạm sạc riêng bởi chi phí về trang thiết bị, đất đai là không nhỏ. Và khi không có hệ thống hậu cần tiện lợi thì khó kích thich được người dân sử dụng xe điện. Để giải bài toán cho loại hạ tầng cung ứng dịch vụ này rất cần đến sự điều tiết của Nhà nước bằng những cơ chế chính sách ưu đãi. Ví như chính sách giá mua bán điện tái tạo hấp dẫn của Chính phủ đã từng tạo ra sự bùng nổ phát triển hệ thống năng lượng gió, mặt trời tại nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… Và khi có chính sách tốt cũng sẽ khuyến khích được cả các doanh nghiệp đã xây dựng hạ tầng loại này đưa vào kinh doanh chia sẻ.

Tin rằng, nếu có chính sách phù hợp thì sẽ không thiếu nguồn đầu tư vào loại hạ tầng dịch vụ là trạm sạc xe điện./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 02/12/2023