Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

Bó tay với "đinh tặc"?

 

“Đinh tặc” có phải “bệnh nan y”?

Gần đây báo chí nêu gương về việc một nhóm thiện nguyện tại TP Hồ Chí Minh có sáng kiến chế tạo ra chiếc máy hút đinh trên quốc lộ mang lại hiệu quả cao, chỉ vài tiếng đã hút được hàng cân đinh (loại được “chế thức” rải ra đường để bẫy phương tiện giao thông, nhất là xe máy).

Trước đó báo chí từng nêu gương một số cá nhân tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã tự chế tạo máy hút đinh và hằng ngày tự đi hút đinh trên đường giúp mọi người không bị rơi vào tay “đinh tặc” với dịch vụ chặt chém vô lương tâm. 


Một trong những sáng kiến máy hút đinh tại TP Hồ Chí Minh

Cách đây cũng khá lâu, chuyện đinh tặc từng xảy ra tại Hà Nội và một vài tỉnh phía Bắc. Sau khi một số vụ việc rải đinh xảy ra, báo chí phản ánh, các lực lượng chức năng đã sử dụng biện pháp nghiệp vụ và bắt quả tang các nghi phạm, xử lí kiên quyết, mạnh tay. Chính vì vậy, những năm gần đây hầu như không còn tái hiễn nạn “đinh tặc” tại nhiều địa phương phía Bắc. Điều đó chứng tỏ nạn “đinh tặc” không phải là vấn đề quá nan giải khiến cơ quan quản lí an ninh trật tự phải bó tay.

Liệu những kinh nghiệm triệt “đinh tặc” của các đơn vị chức năng phía Bắc có áp dụng được ở những địa phương khác, nhất là tại một vài tỉnh thành phía Nam?

Những năm qua các vụ cướp giật, nhất là cướp tiệm vàng, ngân hàng đều được lực lượng chức năng tìm ra, bắt được thủ phạm trong thời gian ngắn chứng tỏ trình độ nghiệp vụ hiện khá tốt khiến tội phạm dạng này chùn tay.

Những sáng kiến, những tấm gương thiện nguyện vì cộng đồng khắc phục hệ quả nạn “đinh tặc” là đáng trân trọng và cần biểu dương. Tuy nhiên việc tạo ra những chiếc đinh và rải bẫy là quá dễ dàng, rẻ mạt so với lợi nhuận thu được khiến tội phạm phát triển. Điều đó khiến những việc làm tốt như trên chẳng khác nào công dã tràng xe cát Biển Đông!

Ai là kẻ rải những chiếc đinh trên đường? Theo một logic thông thường thì mọi người đều biết chắc chắn đó là một trong những chủ quán dịch vụ sửa chữa xe máy. Nghi phạm hoặc kẻ “hưởng lợi” từ hoạn nạn của người khác có thể khoanh vùng. Bằng biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành có lẽ không khó để tìm ra thủ phạm “đinh tặc”, vấn đề là lực lượng chức năng đã quan tâm và quyết tâm chống tội phạm đến cùng hay chưa. Bên cạnh đó chính quyền địa phương nơi thường xảy ra vấn nạn này cũng cần tích cực tuyên truyền vận động các cơ sở dịch vụ sửa chữa xe máy chấp hành nghiêm pháp luật, xây dựng uy tín bằng chất lượng và đạo đức kinh doanh.

Dẹp nạn “đinh tặc” cần phối hợp các lực lượng, đồng bộ các giải pháp để triệt từ gốc chứ không thể mãi trông vào những hành động nghĩa hiệp bất đắc dĩ./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 26/12/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét