Chuyện cán bộ chơi golf Môn thể thao golf
được du nhập vào Việt Nam và phát triển nhanh cùng sự tăng tốc của nền kinh
tế. Tuy nhiên với chi phí cao nên rất ít người có điều kiện để tham gia môn
thể thao này. Khách chơi chủ yếu là chủ doanh nghiệp, khách du lịch nước
ngoài… Không riêng ở ta,
với nhiều nước trên thế giới, golf được coi là môn thể thao “quý tộc” bởi mức
chi phí quá cao. Phí chơi gôn được chia làm 3 loại: Với hội viên mức phí dao
động khoảng 15-27 đôla cho mỗi lần chơi. Khách mời của hội viên khoảng 60-80
đôla. Phí cho khách vãng lai trên dưới 100 đôla. Để sở hữu một chiếc thẻ hội
viên, người chơi golf phải trả chừng 30.000 USD - 130.000 USD tùy sân (khoảng
1,5 đến 3,15 tỉ đồng). Mỗi năm, phí thường niên dao động khoảng trên dưới
1.000 USD - 2.000 USD. Bộ đồ nghề cho mỗi tay chơi gồm một bộ gậy, túi, găng
tay, giày. Trong đó, đắt nhất là bộ gậy, gồm đủ các loại từ gậy gỗ, sắt và
loại chuyên biệt với giá dao động quanh mức 1.700 - 2.000 USD và cao hơn. Hội
viên được miễn lệ phí sân khi chơi nhưng phải trả tiền “boa” cho người phục
vụ khoảng 10-15 đôla. Để trở thành một tay golf chơi được phải tập luyện hàng
năm trời, chi phí ban đầu cho thầy dạy cũng lên tới 50 đôla cho mỗi buổi
tập/1 giờ… Như vậy, để có
điều kiện chơi golf phải là người có thu nhập cao, thậm chí rất cao. Golf được coi là môn thể thao cho người giàu Những ngày gần
đây dư luận đang quan tâm đến chuyện một lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát
triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh trong một tuần làm việc “bận” tới 3 ngày đi…
chơi golf! Chuyện đúng sai
của việc cán bộ chơi golf trong giờ hành chính rồi sẽ được làm sáng tỏ và
mong lãnh đạo tỉnh này xử lí nghiêm nếu có vi phạm. Tuy nhiên điều đáng nói
lại ở khía cạnh khác, đằng sau của câu chuyện cán bộ chơi golf. Với mức lương
của một giám đốc Sở hiện chưa đến 20 triệu/tháng, trừ chi phí sinh hoạt tối
thiểu cũng khó có thể đủ để tham gia môn thể thao quý tộc này. Vậy thì số chi
phí không nhỏ chơi golf hằng tuần đó sẽ lấy từ đâu? Nhiều người biết
sân golf ở Việt Nam ta cũng là nơi không ít chủ doanh nghiệp lấy làm địa chỉ
“tiếp khách” là công chức có quyền lực ở địa phương. Chủ doanh nghiệp không
phải ai cũng thư thả, nhiều thời gian cho việc du hí, song sân golf lại là
nơi thuận lợi để kết nối quan hệ, nơi có thể mang lại lợi thế và lợi ích cho chuyện
làm ăn. Việc doanh nghiệp mời một cán bộ nào đó chơi golf, thậm chí bao trọn
gói để họ trở thành hội viên sân golf sẽ tốn không ít tiền bạc, nhưng cũng
rất khó để tìm ra dấu hiệu cụ thể của hành vi đưa và nhận hối lộ. Dân gian có
câu “thóc đâu mà đãi gà rừng”, một đồng tiền của doanh nghiệp bỏ ra phải mang
lại rất nhiều hơn thế thì họ mới “đầu tư”. Khi một cán bộ công
khai lối sống quá cao so với khả năng thu nhập của mình sẽ để lại cho cấp
dưới, người dân nhiều câu hỏi, tâm tư, dù ít ai dám hỏi. Song niềm tin vào lãnh đạo cũng xói mòn và mất
dần từ những “tấm gương” như thế./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 09/12/2023 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét