Hậu cần cho xe điện Với xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính, việc
sử dụng phương tiện giao thông sử dụng điện đang “bứt tốc”, từng bước thay
thế xe nhiên liệu hóa thạch tại nước ta. Hạ tầng giao thông ngoài hệ thống đường sá còn một thiết chế
dịch vụ hậu cần không thể thiếu đó là các trạm bán xăng dầu. Hệ thống trạm
xăng dầu hiện nay ngày càng được phủ rộng, trên các tuyến quốc lộ chỉ mươi
cây số đã có một điểm, nhiều nơi chỉ cách vài cây số đã có mấy trạm cạnh
tranh nhau. Tuy nhiên, nếu ai đã có ô tô điện khi đi trên đường thì không dễ
để tìm thấy một trạm sạc điện - loại “nhiên liệu” của phương tiện này. Là một doanh nghiệp sản xuất xe điện lớn nhất tại Việt Nam,
hiện mới chỉ có hãng VinFast là đã đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc điện sử
dụng riêng. Dù đã bắt đầu phủ sóng trạm sạc cho xe điện ở nhiều tỉnh, thành
phố song hãng này đang quy định chỉ có khách hàng sử dụng xe VinFast mới được
phép sạc tại trạm sạc VinFast, đồng nghĩa xe điện thương hiệu khác chưa được
dùng trụ sạc của hãng. Điều này cũng dễ hiểu bởi doanh nghiệp đã bỏ ra một
khoản chi phí lớn cung ứng dịch vụ cho phát triển hàng hóa của mình trên một
thị trường cạnh tranh. Một trạm sạc của VinFast Với xu thế phát triển phương tiện giao thông xanh hóa hiện
nay, có thể một thời gian không lâu xe ô tô, xe máy điện sẽ trở thành loại
phương tiện phổ biến. Đây cũng là một xu thế tích cực hỗ trợ cho mục tiêu giải
pháp giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Thủ tướng đã cam kết trong
khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78. Tuy nhiên để
tiến trình này tăng trưởng tốt trước hết cần có một hạ tầng cung ứng dịch vụ
tiện lợi là hệ thống trạm sạc điện. Được biết, với chế độ sạc tiêu chuẩn thì thời gian sạc xe ô tô
điện khoảng từ 8 tiếng - 12 tiếng cho 1 lần sạc đầy. Nếu ứng dụng chế độ sạc
nhanh thì thời gian đầy pin cũng mất khoảng 1 tiếng. Rất khó để có thể thuyết
phục tất cả các hãng sản xuất xe điện đều đầu tư xây dựng trạm sạc riêng bởi
chi phí về trang thiết bị, đất đai là không nhỏ. Và khi không có hệ thống hậu
cần tiện lợi thì khó kích thich được người dân sử dụng xe điện. Để giải bài
toán cho loại hạ tầng cung ứng dịch vụ này rất cần đến sự điều tiết của Nhà
nước bằng những cơ chế chính sách ưu đãi. Ví như chính sách giá mua bán điện tái
tạo hấp dẫn của Chính phủ đã từng tạo ra sự bùng nổ phát triển hệ thống năng
lượng gió, mặt trời tại nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… Và khi có chính
sách tốt cũng sẽ khuyến khích được cả các doanh nghiệp đã xây dựng hạ tầng
loại này đưa vào kinh doanh chia sẻ. Tin rằng, nếu có chính sách phù hợp thì sẽ không thiếu nguồn
đầu tư vào loại hạ tầng dịch vụ là trạm sạc xe điện./. Đinh
Hoàng Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 02/12/2023 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét