Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Cần thay đổi chính sách quản lí vàng

 

 Bất thường chuyện “quản” vàng

Cách đây 11 năm Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lí hoạt động kinh doanh vàng. Điểm nhấn trong Nghị định là việc dừng nhập khẩu vàng với các doanh nghiệp, Nhà nước độc quyền nhập và kinh doanh bằng thương hiệu vàng miếng SJC.

Nhiều năm qua cơ bản không còn những cơn sốt giá vàng, dù thị trường này có lúc tăng giảm song không còn trào lưu đua nhau mua bán vàng. Có thể thấy Nghị định 24 đã hoàn thành sứ mệnh, loại bỏ một thị trường bất ổn đầy may rủi với cá nhân đầu tư theo phong trào.


Tuy nhiên việc “khóa van” lưu thông vàng với thị trường thế giới ngày càng bộc lộ những bất cập cả về giá cả và kinh doanh. Giá vàng trong nước đã không vận hành theo giá quốc tế và luôn neo ở mức chênh lệch quá cao, nhất là thương hiệu SJC (thường cao hơn đến 7-8 triệu đồng mỗi lượng, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng/lượng). Mấy ngày qua giá vàng SJC đã lên hơn 77 triệu động/lượng. Sự chênh lệch lớn này có sức hút mạnh mẽ với động cơ kinh doanh vàng qua đường nhập lậu. Thời gian qua đã phát hiện không ít vụ buôn lậu vàng có giá trị rất lớn. Ví dụ năm 2022 Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã phát hiện đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam tại Quảng Trị với trên 3 tấn vàng, tổng trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng.

Liệu đã có bao nhiêu tấn vàng lậu từng “chui” được vào thị trường nội địa hàng chục năm qua? Thị trường, địa chỉ tiêu thụ vàng lậu ở đâu? Liệu hàng tấn vàng chui có thể biến hóa thành thương hiệu uy tín và lưu thông? Chỉ một vụ buôn lậu trên đã làm thiệt hại hơn 1,6 nghìn tỉ tiền thuế song có thể vẫn rất nhỏ so với nhiều nghìn tỉ rơi vào túi gian thương từ độ chênh hàng chục triệu đồng trên mỗi cây vàng.

Cùng với những bất ổn trên là chuyện lạ về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được giao độc quyền vàng miếng SJC. Cứ ngỡ độc quyền thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp này hưởng lợi thế kinh doanh và sẽ lãi khủng. Tuy nhiên, tưởng vậy mà không phải vậy. Trong năm 2022, theo báo cáo kiểm toán, doanh nghiệp SJC ghi nhận tổng doanh thu là 27.154 tỉ đồng nhưng chỉ đạt lợi nhuận vỏn vẹn gần 48,6 tỉ đồng. Trong khi đó, Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có tổng doanh thu hơn 32.211 tỉ đồng đã đạt lợi nhuận sau thuế cùng năm đó là 1.811 tỉ đồng. Hiện SJC chưa có báo cáo 6 và 9 tháng năm 2023, trong khi PNJ báo lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng năm 2023 là gần 1.340 tỉ đồng trên doanh thu 23.617 tỉ đồng. Các năm 2020 và 2021 khi so sánh giữa hai doanh nghiệp trên cũng đều có chênh lệch khá xa, có thể ví như gã khổng lồ đứng cạnh chú bé tí hon, mà phần “bé tí” luôn là doanh nghiệp SJC!

Tại các kì họp Quốc hội đã qua, một số đại biểu từng nêu ý kiến về việc xem xét bãi bỏ hoặc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP vì xảy ra những bất cập không nhỏ.

Chính sách quản lí cần linh hoạt để theo kịp thực tiễn cuộc sống. Một chính sách “bất biến” cả thập kỉ trong một thị trường đầy biến động có thể coi là một sự bất thường. Vậy ai hưởng lợi, ai thiệt hại với hiện tượng giá vàng dẫn đầu thế giới hiện nay?

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29/12/2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét