Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Một quy định sẽ khó khả thi

 

Pháp luật cần dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn cuộc sống

Dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được soạn thảo có nội dung cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong máu với người điều khiển phương tiện giao thông.    

Điều này có nghĩa bất kì ai muốn sử dụng phương tiện giao thông thì tuyệt đối không được sử dụng rượu bia, dù chỉ một ngụm nhỏ loại rượu nhẹ như vang, sâm banh. Thực tiễn hiện nay với người trưởng thành, người có sức khỏe bình thường hầu hết đều sử dụng phương tiện giao thông cá nhân hằng ngày. Quy định như trên chẳng khác nào với đa số người, rượu bia là thứ bị cấm!


Rượu bia là một loại hàng hóa được phép kinh doanh và người trưởng thành được phép sử dụng. Rượu bia đã xuất hiện, cùng song hành với cuộc sống con người như một nét văn hóa ẩm thực từ hàng nghìn năm qua. Sử dụng một liều lượng nhất định, rượu bia còn có lợi cho sức khỏe con người. Rượu bia là thứ không thể thiếu trong các bữa tiệc từ tập thể cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đến đám hiếu hỉ hay tại gia đình những ngày tết cổ truyền. Ngay tại các buổi lễ thết đãi ngoại giao cấp Nhà nước, rượu nhẹ vẫn được sử dụng như một nét văn hóa kết nối tình hữu nghị. Tóm lại rượu bia không phải là thứ xấu xa, chỉ có con người lạm dụng khiến nó gây hệ quả và mang tiếng xấu mà thôi.

Khoa học đã xác định được rượu bia gây tác động xấu cho sức khỏe khi con người lạm dụng, uống nhiều khiến nồng độ cồn trong máu tăng cao và đến một mức độ nhất định gây mất kiểm soát hành vi. Pháp luật hiện hành quy định người có nồng độ cồn ở mức 3 (trên 0,4 mg/lít khí thở hoặc quá 80 mg/100 ml máu) sẽ bị xử lí hành chính khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lí hình sự. 

Việc xử phạt nặng với hành vi vi phạm pháp luật giao thông liên quan đến rượu bia là rất cần thiết. Việc tăng cường kiểm tra xử lí lỗi này thời gian qua đã có tác động tốt tới ý thức mọi người. Nay ngồi tại bữa tiệc hiếu hỉ, chỉ cần người được mời rượu nói phải lái ô tô, xe máy sau bữa ăn là chẳng ai ép uống như trước đây.

Đưa vào điều khoản pháp luật chỉ cần có nồng độ cồn trong khí thở sẽ xử phạt là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam.

Các cơ quan tham gia soạn thảo luật cần phối hợp với các ngành y tế, khoa học để đưa ra những quy chuẩn, hàm lượng, nồng độ cồn phù hợp nhất bảo đảm ở một mức độ tối thiểu cho phép con người sử dụng mà vẫn an toàn. Bên cạnh đó cũng cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này./.  

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  31/01/2024  

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Tăng trưởng xanh

 

 Không gian cho tăng trưởng xanh

 Cuối tháng 12/2023, tỉnh Bình Định đã hoàn tất việc chuyển toàn bộ hơn 43,4 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ tài sản cho Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 do thu hồi đất của khách sạn Bình Dương trả lại bờ biển cho cộng đồng (tại số 493 An Dương Vương phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn).

Được biết, Bình Dương là khách sạn đầu tiên được UBND tỉnh Bình Định thực hiện bồi thường trong 3 khách sạn sát biển Quy Nhơn buộc phải di dời gồm Bình Dương, Hải Âu và Hoàng Yến. Đây là những khách sạn lớn, đang kinh doanh tốt, đóng góp lớn cho ngân sách địa phương. Việc di dời các khách sạn nhằm xây dựng công viên, trả lại không gian biển cộng đồng, tạo thông thoáng cho bờ vịnh Quy Nhơn. Đây là một tư duy và tầm nhìn đáng khen ngợi, phù hợp trong xu thế tăng trưởng xanh hiện nay. Tính toán về thiệt hại kinh tế trước mắt chắc chắn địa phương này phải bỏ ra một khoản ngân sách và quỹ đất không nhỏ để đánh đổi cho sự phát triển bền vững, lâu dài.

Cũng cùng mục tiêu sử dụng không gian cho phát triển kinh tế, từ 1/1/2024, TP Hồ Chí Minh chính thức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè. Chủ trương này được giải thích với mục tiêu giúp công tác quản lí trật tự lòng đường, vỉa hè quy củ, nền nếp hơn, đồng thời có được nguồn thu để duy tu, bảo trì hạ tầng... Việc làm này khả năng sẽ mang lại cho ngân sách thành phố một khoản thu không nhỏ bởi chỉ tính riêng quận 1 đã có khoảng 54 tuyến đường mà vỉa hè đủ điều kiện tổ chức dùng tạm một phần cho việc kinh doanh dịch vụ, buôn bán. Quan điểm phát triển của lãnh đạo địa phương này rõ ràng khác hẳn với câu chuyện trả lại mặt tiền biển cho cộng đồng của tỉnh Bình Định, bởi nó sẽ thu hẹp không gian công cộng đô thị vốn đã quá chật hẹp.


Vỉa hè tại TP HCM sẽ được bán?

Quản lí vỉa hè của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là câu chuyện dài kì nhiều năm qua chưa có giải pháp quản lí hữu hiệu, nhiều lần ra quân lập lại trật tự đều như “bắt cóc bỏ đĩa”. Lấn chiếm vỉa hè kinh doanh khiến bộ mặt đô thị luôn nhếch nhác và cản trở giao thông. Nay khi người kinh doanh đã bỏ tiền thuê vỉa hè thì khác chi họ đã sở hữu riêng, sao dễ đưa vào nền nếp, quy củ như mong đợi của nhà quản lí? Cách làm này như một sáng kiến chỉ phù hợp cho hiện trạng “không quản được thì bán”!

Mặt khác, về pháp lí thì lòng đường, hè phố thuộc tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hiện tại phương thức khai thác sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố chưa được quy định tại Luật Quản lí, sử dụng tài sản công và Nghị định số 33/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lí, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Xây dựng đô thị xanh, văn minh rất cần những không gian thông thoáng cho cộng đồng. Tận dụng mọi không gian nhằm tăng thu ngân sách chắc chắn sẽ chỉ mang lại đôi chút lợi ích trước mắt, không phù hợp xu hướng tăng trưởng xanh hiện nay./. 

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  25/1/2024

Kiểm định một triết lí

 

Khi giấc mơ tan…

Vào ngày 27/2/2023, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức công bố hợp đồng với HLV Troussier, một nhà cầm quân người Pháp. Ông sẽ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam trong 3 năm. Trong buổi lễ, đại diện VFF đã giải thích lí do kí hợp đồng 3 năm, dài hơn so với các hợp đồng trước (1 hay 2 năm) để hướng tới mục tiêu dài là World Cup 2026.

HLV Troussier, người kế nhiệm HLV Park Hang Seo đã chọn triết lí với lối chơi kiểm soát bóng. Các đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo có triết lí chơi bóng phòng ngự phản công. Lối chơi này đã mang lại thành quả suốt gần 5 năm, đưa bóng đá Việt Nam lên tầm cao khiến nhiều quốc gia châu Á khen ngợi.

Cho đến nay, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tròn 1 năm HLV Troussier dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam, cũng có nghĩa chỉ còn 2 năm cho mục tiêu World Cup 2026. Vậy triết lí kiểm soát bóng sau một năm (không phải là ngắn) đã mang lại thành quả cụ thể thế nào, bởi muốn nói gì thì nói, kết quả trên thực địa mới là mục tiêu và sự kiểm chứng của mọi triết lí.


Đội tuyển Việt Nam bị loại sau trận thua Indonesia

Sau không ít trận giao đấu với cả các đội trong nước và nước ngoài cho đến tận trước ngày tham dự Asian Cup, triết lí của HLV người Pháp ngày càng gieo nghi ngờ cho cả chuyên gia và người hâm mộ vì chưa thấy hiệu quả. Tuy nhiên một số người ủng hộ ông vẫn khuyên cần kiên trì cho mục tiêu dài hạn của nền bóng đá Việt Nam. Với triết lí riêng, ông Troussier ít trọng dụng những ngôi sao từng mang lại thành công những năm qua của các đội tuyển Việt Nam. Không kế thừa di sản có lẽ là cách để HLV mới muốn chứng minh khả năng của mình.   

Trận ra quân Asian Cup gặp đội tuyển hàng đầu khu vực là Nhật Bản đã gieo niềm hi vong cho CĐV và những người ủng hộ HLV Troussier. Song ngay sau trận đấu bùng nổ đó cũng đã có chuyên gia nhận định rằng các tình huống cố định mang lại hai bàn thắng chưa phản ánh thực chất lối chơi vẫn bế tắc (chỉ kiểm soát bóng khu vực sân nhà do đội bạn nhường thế trận, không thể kiểm soát được phía sân đối phương). Và sang trận gặp đội Indonesia với lối chơi tấn công giàu sức mạnh và tốc độ, mục tiêu kiểm soát bóng của đội tuyển Việt Nam đã phá sản. Trong buổi họp báo sau trận thua Indonesia tối 19/1, HLV Troussier chia sẻ: “Đây là trận đấu có chất lượng cao và kết quả được định đoạt bởi một tình huống penalty, một sai sót nhỏ trong vòng cấm. Một chi tiết nhỏ đã ảnh hưởng đến toàn đội...”. Tuy nhiên nhiều nhận định của chuyên gia, đây là trận đấu chất lượng không tốt của tuyển Việt Nam và không nên đổ lỗi cho cầu thủ khi HLV đã tin dùng họ.

Có lẽ một năm đã đủ để kiểm định một triết lí và khả năng phù hợp của một HLV với đội tuyển bóng đá quốc gia. Nếu VFF vẫn muốn kiên trì chờ đợi điều gì đó thì giấc mơ tham dự vòng chung kết World Cup 2026 sẽ dừng lại ở giấc mơ. Khi giấc mơ tan, tỉnh dậy có thể nhận ra, bóng đá Việt Nam chỉ đứng thứ ba hay thứ tư trong khu vực Đông Nam Á mà thôi!/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  24/01/2024

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2024

Xe không biết vi phạm

 

Giam giữ vật vô tri

Theo quy định của pháp luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ và Luật Xử lí vi phạm hành chính) thì khi xảy ra tai nạn giao thông hoặc người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm, cơ quan chức năng có thể tạm giữ phương tiện có thời hạn để xử lí và xử phạt.

Không nói tới việc giữ phương tiện phục vụ cho việc điều tra vụ tai nạn, các phương tiện do người điều khiển vi phạm phải xử lí trong một số trường hợp, nhất là vi phạm nồng độ cồn thì phương tiện cũng bị tạm giữ. Đây là một quy định xử lí có vẻ cứng nhắc đang gây ra những bất cập và hệ quả không đáng có cho cả cơ quan quản lí và người sở hữu phương tiện.


Xe vi phạm tạm giữ nằm chất đống hư hỏng tại một bãi của TP Hồ Chí Minh

Về phía quản lí, các địa phương hiện đang lúng túng hướng xử lí trước thực trạng rất nhiều kho bãi tạm giữ phương tiện (đặc biệt là xe máy) ngày một quá tải. Chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh hiện đã có 31.511 xe vi phạm bị tạm giữ, tịch thu, (34 ô tô, 1.252 xe ba bánh, 30.219 xe máy và 6 xe đạp). Trong các đợt cao điểm xử lí vi phạm giao thông gần đây, mỗi ngày lực lượng cảnh sát giao thông TP. Hồ Chí Minh tạm giữ gần 500 xe vi phạm. Tại Hà Nội chưa có con số thống kê chính xác song có lẽ số lượng cũng chẳng kém so với TP. Hồ Chí Minh. Nếu thống kê số lượng phương tiện tạm giữ của 63 tỉnh, thành phố sẽ là một con số rất lớn. Chưa nói thiệt hại về phương tiện bị hư hại, xuống cấp vì phơi mưa nắng, chỉ riêng chi phí mặt bằng và trông giữ cũng là con số không nhỏ. Còn với người sở hữu phương tiện, khi vi phạm thì các giấy tờ như bằng lái, đăng kí xe… đã bị thu giữ, họ đâu có thể tự ý lấy phương tiện để lưu thông? Nếu cố tình vi phạm thì dù không còn xe họ vẫn có thể mượn của người khác để sử dụng, do đó việc giam giữ xe đâu mấy tác dụng? Mặt khác với nhiều gia đình, chiếc xe còn là phương tiện mưu sinh dùng chung, khi chiếc xe bị giam giữ cũng có nghĩa mất đi phương tiện làm ăn.

Phương tiện giao thông là một vật vô tri, không bao giờ có chuyện chiếc xe vi phạm mà chỉ có con người sử dụng vi phạm pháp luật. Tạm giam phương tiện thực chất là giam giữ một vật vô tri và nó không có tác dụng ngăn ngừa vi phạm.

Đã đến lúc cơ quan quản lí cần nghiên cứu, tham mưu cấp thẩm quyền điều chỉnh quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  18/01/2024

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Văn minh và pháp lí thương mại

 

Sao trì hoãn văn minh thương mại?

Tôi nhớ mãi một câu chuyện từ những năm 80 thế kỉ trước. Trong chuyến đi công tác, trên đường về cơ quan, tiện tuyến đường đi qua gần nhà nên cậu lái xe mời tôi và một cán bộ khác ghé thăm gia đình. Tới chợ phố huyện cậu lái xe vào mua con gà để tiếp khách vì nhà không nuôi được. Giữa lúc khách và chủ đang rôm rả bữa cơm chiều thì thấy nhà hàng xóm nháo nhác ngoài cổng tìm con gà bị mất. Có người còn nói đổng như cố để người trong gia đình cậu lái xe nghe được: “Hình như ban nãy thấy có nhà nào   băm chặt gì đấy, hay là thịt gà?”. Dù biết rõ không có chuyện bắt trộm gà hàng xóm song cả chủ và khách bỗng chùng xuống, mất đi không khí vui vẻ. Dù ngay tình song nếu hàng xóm biết nhà này vừa thịt gà trong khi không nuôi được thì cũng chẳng có gì minh chứng cho sự trong sạch.


Hóa đơn mua hàng vẫn xa lạ với chợ truyền thống

Nay đã bước sang thế kỉ 21, thời đại khoa học công nghệ 4.0 nên mọi chuyện đều có thể minh bạch và kiểm chứng, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Minh bạch thương mại thông qua tờ hóa đơn mang lại lợi ích cho nhiều phía từ Nhà nước đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhà nước kiểm soát được doanh thu và quản lí nghĩa vụ thuế của bên bán hàng; doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh giám sát và quản lí tốt việc kinh doanh; người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa có xuất xứ rõ ràng và sự bảo đảm về chất lượng. Ví như câu chuyện mua con gà kể trên nếu thời đó cũng có tờ hóa đơn mua hàng thì chẳng có chuyện gì đáng lo.

Dù đã bước vào thời mà công nghệ thông minh đã khá phổ biến song hiện nay văn minh thương mại của ta cũng vẫn như thời sơ khai, hầu hết hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí cả một số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm nhiều tới chuyện xuất hóa đơn trong kinh doanh. Với người mua hàng thì cũng chưa có thói quen đòi hỏi hóa đơn bán hàng, dù đó là một quyền lợi, nhất là khi xảy ra tranh chấp thương mại.

Cách đây hơn 3 năm Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022 trong đó có điều khoản yêu cầu các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán. Thực hiện Nghị định, đã có một số địa phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai thực hiện, dù ban đầu phải bỏ ra một số chi phí cho thiết bị đầu cuối kết nối mạng, in xuất hóa đơn. Tuy nhiên còn khá nhiều doanh nghiệp đang viện lí do khó khăn, nhất là chi phí để trì hoãn thực hiện một chủ trương đúng đắn của Nhà nước.

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tiêu cực tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong đó nổi lên vấn đề gian lận, trốn lậu thuế bị phát hiện và xử lí.

Nguồn lợi thu được từ chuyện không minh bạch doanh thu, gian lận nghĩa vụ thuế chắc chắn không phải nhỏ nên lí do về chi phí thực hiện xuất hóa đơn điện tử phải chăng chỉ là… lí do?/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  17/01/2024

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2024

Vấn nạn cổng trường

 

Cần xóa nạn bán hàng rong cổng trường

Là một phụ huynh đưa đón con cháu đi học nhiều năm tại Hà Nội tôi luôn phải có những “đối sách” để ngăn sự thèm muốn của con cháu trước những món quà được bày bán tại cổng trường học. Khi trẻ còn ở tuổi mầm non thì dọa “thứ đó ăn vào đau bụng đấy”, hoặc “hết tiền, không có tiền mua đâu”; lớn hơn một chút, khi chúng đã có chút nhận thức thì bảo “thứ đó rất bẩn do bụi đường bay vào”,v.v. Dù vậy trước cảnh những đứa trẻ khác vẫn được bố mẹ cưng chiều mua cho, chúng luôn tỏ ra thèm thuồng, tiếc nuối.

Tại nhiều cổng trường mầm non, trường tiểu học ở Hà Nội hàng bán rong vẫn được bày bán công khai với các loại đa dạng như bim bim, kem, nước ngọt, trà sữa, chả xiên, xúc xích… đủ màu sắc bắt mắt. Hàng hóa phơi giữa không khí bụi bặm không đượ

c che đậy tiềm ẩn nguy cơ cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Lo ngại nhất là các mặt hàng này dù dành co các em nhỏ nhưng đều không có nguồn gốc, xuất xứ, chủ yếu từ sự gia công chế biến của người bán, một số nhập từ nước ngoài. Những loại thực phẩm này luôn thu hút đối với học sinh bởi chúng có giá thành rẻ, hương vị, hình thức hấp dẫn.

 


Việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong thời gian dài, tích lũy dần trong cơ thể sẽ gây nhiều bệnh như tim mạch, béo phì, dạ dày, ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Mặt khác, việc này có thể dẫn tới tình trạng mất cân bằng về dinh dưỡng nếu trẻ ăn thường xuyên các món chiên xào, chứa nhiều muối, đường, chất béo. Ngoài ra, người bán hàng rong trước cổng trường thường không có kiến thức về an toàn thực phẩm, không nắm bắt được các quy định về nhãn mác thực phẩm, quy định về điều kiện kinh doanh… Ngoài sự nguy hại về an toàn thực phẩm thì nay còn một mối nguy hiểm khôn lường nếu các đối tượng xấu trà trộn chất gây nghiện vào đồ ăn vặt bán rong!

Từ năm 2007 Chính phủ đã có Nghị định số 39/2007/ NĐ-CP; năm 2009 UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 46/2009/QĐ-UBND về quản lí hoạt động bán hàng rong trong đó có điều khoản nêu rõ việc cấm bán hàng tại khu vực trường học. Tuy nhiên hàng chục năm qua những quy định của pháp luật như không tồn tại với những người kinh doanh hàng rong cổng trường và chính quyền sở tại cũng có vẻ “quên” sự tồn tại của những văn bản đã được ban hành.

Đã đến lúc các cơ quan quản lí, nhất là tại cấp phường, xã cần nhận thức rõ những hiểm họa từ việc kinh doanh hàng rong tại cổng trường, quyết liệt vào cuộc xóa bỏ hẳn tập quán kinh doanh này, trả lại môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ em./.

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  10/01/2024

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

Cúng giỗ cần thiết thực

 

Không giỗ… người sống!

Ngày giỗ còn gọi là húy nhật hay kị nhật, tổ chức vào ngày mất của một người tính theo âm lịch. Đây là dịp để hằng năm con cháu và người thân tổ chức cúng cơm tưởng nhớ đến người đã khuất.

Cúng giỗ là một truyền thống văn hóa đẹp của người Việt, không có ở nhiều nước khác, thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn, tấm lòng kính trọng, nhớ ơn của người đang sống với người đã khuất.


Tuy nhiên thời nay “phú quý sinh lễ nghĩa”, việc cúng giỗ đôi khi không còn đúng với nét đẹp truyền thống. Tại một số địa phương vẫn còn tập tục giỗ lớn, giỗ nhỏ đều mời hết họ hàng gần xa, thậm chí cả khách có các mối quan hệ khác (không phải họ hàng). Khách được mời dự cỗ giỗ đều phúng lễ phong bì chẳng khác nào góp tiền ăn cỗ. Vì thế không ít người dù ứng xử với ông bà cha mẹ khi còn sống chưa tròn đạo hiếu, thậm chí bất hiếu song khi người thân mất đi lại luôn tổ chức giỗ chạp linh đình, mâm cao cỗ đầy và mời hết cả thân sơ, xa gần nhằm trục lợi hoặc quảng bá lòng hiếu thảo.  

Do hiện nay hầu hết người lao động, lớp trẻ đều vào làm công nhân trong các khu công nghiệp không dễ được nghỉ ngày làm việc nên tại quê tôi hình thành lệ ngày Chủ nhật, thứ bảy trở thành những ngày làm đám giỗ. Nếu ngày kị nhật rơi vào ngày làm việc thì Chủ nhật trước đó sẽ làm giỗ để con cháu, họ hàng có mặt đông đủ. Nhiều người nói vui việc giỗ chạp nay chủ yếu là giỗ… người sống bởi người mất chắc gì biết là con cháu cúng lệch ngày!  

Cách đây từ hơn chục năm tại quê tôi các dòng họ đã đề ra quy ước là các ngày giỗ sơ không được đi lễ và nhận nhận phong bì tiền. Chính vì vậy việc làm cỗ to, mời rộng trong ngày giỗ thường hằng năm đã dần được hạn chế về quy mô.

Người quá cố, nhất là đã đi xa hàng mấy chục năm thì việc giỗ chạp chỉ có ý nghĩa với con cháu trong gia đình, họ hàng thật gần gũi vì đó là dịp để nhắc nhớ con cháu tri ân, không quên tổ tiên. Muốn đạt được mục đích như vậy thì ngoài cỗ bàn đầy đặn cũng cần có việc người lớn, người cao tuổi dành thời gian kể những câu chuyện hay, nhất là về thành tựu, công lao mà đấng sinh thành đã đạt được khi còn sống để cháu con biết, từ đó thêm tự hào và noi gương.

Ngày giỗ mà chỉ chú tâm cỗ bàn thịnh soạn rồi thi nhau nhậu nhẹt say xỉn thì chẳng còn ý nghĩa gì thiết thực ngoài sự lãng phí tiền bạc và thời gian./.  

  Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  04/01/2024