Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Giữ gìn bản sắc ngôn ngữ tiếng Việt:

Cần sớm có những việc làm cụ thể
          Trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay đã hội đủ những yêu cầu cho sự nghiệp phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội. Mặc dù trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, chịu sự đô hộ, đồng hoá của ngoại bang song nền văn hoá của người Việt vừa được giữ vững, vừa chắt lọc, kế thừa những tinh hoa văn hoá nhân loại, làm giàu thêm nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Trong gần 100 năm dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, ngôn ngữ tiếng Việt tiếp tục giữ vững tính độc lập v à bản sắc Lạc Hồng đồng thời tiếp thu có chọn lọc nền ngôn ngữ hiện đại của người Pháp, người Anh đáp ứng nhu cầu tiếp cận nền khoa học kỹ thuật hiện đại của nhân loại.
          Từ khi nước ta bước vào giai đoạn hội nhập sâu với thế giới, ngôn ngữ tiếng Việt chịu sự chi phối mạnh mẽ của ngôn ngữ nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó nổi bật là tiếng Anh. Từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng xã hội, ở đâu cũng thấp thoáng bóng dáng của ngôn ngữ tiếng Anh. Việc sử dụng một số từ ngoại lai trong các văn bản pháp quy dường như mặc nhiên được thừa nhận bởi trong tiếng Việt còn thiếu. Tuy nhiên cũng có những nơi đã có sự lạm dụng thái quá. Việc sử dụng tiếng Anh lai tạp, tuỳ tiện trong giới trẻ (tuổi tin - teen), nhất là trong giao tiếp ngày càng phát triển và đã đến mức báo động.
          Thực tiễn trên đặt ra cần có sự chuẩn hoá, thống nhất trong sử dụng tiếng Việt, nhất là trong cách viết, cách đọc. Lấy ví dụ như cách viết chữ i và y trong các từ như sỹ - , quy - qui… Việc viết tên người, địa danh nước ngoài hiện nay một số tờ báo, truyền hình cứ bê nguyên xi tiếng nước ngoài vào trang viết khiến hầu hết người xem đành “bó tay”. Hàng loạt thuật ngữ đã được Việt hoá từ lâu như Ác - hen - ti - na, Bra-xin, a-xit, ba-zơ, ba-zan, can-xi, cac-bon, ma-giê, v.v. lại được thay bằng nguyên dạng hoặc gần dạng Anh, Pháp, thành: Argentina, Brazil, acid, base, basalt, calcium, carbon, magnesium, v.v… Còn cách đọc thì mỗi nơi một kiểu, thử xem vài ví dụ: tên gọi tắt của các nhóm nước như G7, G8, G20... được các phát thanh viên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đọc là “gờ bảy”, “gờ tám”, “gờ hai mươi”; trong khi đồng nghiệp của họ ở Đài truyền hình TP.HCM (HTV) đọc là “giê bảy”, “giê tám”, “giê hai mươi”, chữ GDP (viết tắt của tổng sản phẩm quốc nội) nơi đọc là “giê đê pê” lại có nơi đọc là “gi đi pi” vv…

         Thực tế cho thấy các chữ cái đã nhảy múa xoay quanh ba hệ thống chưa có sự thống nhất: 1-Hệ thống “a-bờ-cờ”; 2-Hệ thống “a-bê-xê”; và 3-Hệ thống tên chữ cái tiếng Anh “ây-bi-xi” và cách phiên âm ra tiếng Việt. Việc các chữ trong cùng một bảng chữ cái luôn “nhảy múa” bằng những tên gọi khác nhau ở từng nơi từng lúc đã làm tiếng Việt trở nên thiếu chặt chẽ và kém chính xác.  
Nhiều chuyên gia ngôn ngữ các nước trên thế giới đã thừa nhận vẻ đẹp, sự trong sáng, phong phú trong ngôn ngữ Việt. Đây cũng là một công cụ đã giúp cho Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... và bao thế hệ hào kiệt, văn sỹ viết nên những áng văn bất hủ, để lại cho hậu thế. Sinh thời Hồ Chủ tịch đã nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó nhằm làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?” Còn cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nhắc nhở: “Khi xã hội có nhiều người nói tiếng bồi, đó là một xã hội bị nô dịch về ngôn ngữ”. Vậy lẽ nào với một quốc gia đầy tự hào trước nhân loại với hàng ngàn năm lịch sử văn hiến, một đất nước đã vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, đã có nền độc lập tự chủ lại tự đưa mình vào cái vòng “nô dịch” về ngôn ngữ?
Thời gian gần đây đã có nhiều ý kiến của các nhà giáo dục, nhà khoa học nêu lên sự cần thiết có một Bộ Luật về ngôn ngữ. Khi ngôn ngữ đã được Luật hoá, vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” và sự tiếp nhận ngôn ngữ bên ngoài để làm giàu tiếng Việt mới đi vào thực chất. Và đó chính là cách làm khoa học, đúng đắn để tiếng Việt thực sự là một ngôn ngữ quốc gia, một công cụ giao tiếp và tư duy hữu hiệu để phát triển đất nước.  
                                                                    Đinh Hoàng
Bạn có thể xem trên trang blog: hdinhkhai.blogtiengviet.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét