Lòng tin
Nghe tin anh Thọ được về nghỉ mất sức, nhân dịp nghỉ ngày lễ giáp ngày chủ nhật tôi đã tranh thủ đến thăm gia đình anh. Thực ra giữa tôi và anh Thọ ban đầu quen nhau cũng chỉ tình cờ chứ không phải cùng học, cùng đơn vị hay đồng hương, đồng khói gì. Hồi đó tôi là một tân binh, sau khoá huấn luyện, bắn đạn thật được 30 điểm nên đơn vị thưởng 7 ngày phép. Chiều tối hôm đó sau 2 chặng xe buýt chen chúc tôi mới tới bến xe khách lấy vé về đơn vị. Cùng đứng xếp hàng mua vé cạnh tôi có một anh đeo quân hàm trung sỹ Pháo binh. Tính anh xởi lởi, luôn chủ động bắt chuyện với mọi người. Thấy tôi đeo quân hàm Công binh, anh hỏi:
- Chắc bạn ở Đoàn 06.
- Vâng, em mới nhập ngũ mấy tháng, được thưởng mấy ngày phép, hôm nay về đơn vị.
- Tốt, chắc bắn giỏi hả? Mình nhập ngũ được 2 năm rồi, mình làm khung huấn luyện bên E24. Vạn sự khởi đầu nan, cậu lập được thành tích thế nên cố gắng phấn đấu phát huy. “Nghề bộ đội” bọn mình đòi hỏi khắt khe và “vất” lắm.
Sau đó tôi biết tên anh là Thọ, hơn tôi 2 tuổi, tiểu đội trưởng đơn vị Pháo binh. Anh vừa đi xác minh lý lịch một chiến sỹ ở Ninh Bình, hôm nay về đơn vị.
Đến giờ bến bán vé, khi sờ túi lấy tiền tôi giật mình vì không thấy chiếc ví đâu. Lúc đó mới sực nhớ ra, lúc chen chúc trên xe buýt 2 gã thanh niên cứ ép sát tôi, có lẽ đó là lúc tôi bị chúng móc ví. Thấy tôi hoảng hốt, mặt tái nhợt, anh Thọ hỏi:
- Cậu sao thế, mất tiền à?
- Vâng, có lẽ lúc em đi xe buýt bị mất ví rồi!
- Ồ, thế có mất giấy tờ gì quan trọng không?
- Không ạ, chỉ tờ giấy phép và ít tiền mẹ cho đi đường.
- Thôi, để mình mua vé cho, nếu sau này gặp lại thì mình xin, không thì thôi, cảnh lính tráng với nhau cả mà.
- Vâng ạ, em cám ơn, hôm nào ngày nghỉ có phụ cấp em sẽ đến gửi lại anh.
Hôm đó nếu không có anh thì không biết tôi sẽ xử lý ra sao, chắc phải đi bộ hơn 50 km để về đơn vị!
Sau lần đó, thỉnh thoảng tôi lại sang đơn vị anh chơi và anh cũng đôi lần sang đơn vị thăm tôi. Anh coi tôi như người em, cho tôi nhiều lời khuyên quý báu trong cuộc sống của một chiến sỹ. Khi được đơn vị lựa chọn cử đi học sỹ quan, tôi còn phân vân, vì muốn khi hết nghĩa vụ về thi vào đại học, anh nói:
- Cậu đã tốt nghiệp cấp 3, có trình độ văn hoá phổ thông, nên đi học để thành sỹ quan sẽ có điều kiện cống hiến tốt hơn. Phục vụ lâu dài trong quân đội cũng tốt. Mình chỉ hết cấp 2, rất tiếc khó có cơ hội được đi đào tạo cơ bản như cậu.
Nghe lời anh, tôi nay đã trở thành một sỹ quan, một cán bộ đại đội...
Đơn vị nơi tôi công tác cách nhà anh chừng 25 km. Anh Thọ lấy vợ hơi muộn, vợ anh là giáo viên, hai người đã có một cháu trai. Là ngày nghỉ nên cả gia đình anh đều ở nhà.
Căn nhà đơn sơ của anh chị ngoài mấy tâm huân chương của anh, phía góc nhà, nơi có bàn học tập tôi thấy trên tường treo rất nhiều giấy khen về thành tích học tập của cháu Tâm, con trai vợ chồng anh Thọ, ngoài thành tích hàng năm, cháu còn được đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong bữa cơm thận mật, tôi luôn miệng tấm tắc khen cháu Đức, đứa con chăm ngoan, học giỏi. Chị Lý - vợ anh Thọ vui vẻ nói:
- Nhìn cháu là tôi lại nhớ tới buổi tối hôm đó. Chúng tôi thật biết ơn chú Liêm. Nếu không có chú ấy giúp đỡ thì không biết sẽ ra sao…
- Liêm nào nhỉ? - Tôi vội cắt ngang.
- Chú Liêm cũng là bộ đội, người cao gầy, có cái nốt ruồi ở bên má trái. Chuyện dài lắm, lát nữa nhà tôi sẽ kể chú nghe. Sau này, đi công tác nếu anh có gặp chú ấy thì cho chúng tôi gửi lời hỏi thăm sức khỏe và cám ơn.
Liêm có nốt ruồi bên má trái ư? Phải chăng là cậu ấy?...
Nguyễn Thanh Liêm là một chiến sỹ tích cực trong trung đội do tôi phụ trách. Dịp ấy, chúng tôi đang bước vào giai đoạn huấn luyện nước rút cuối khóa bỗng Liêm nhận được điện gia đình báo tin mẹ Liêm ốm nặng. Lúc này biết rằng có đề nghị thì đại đội cũng chưa chắc đã giải quyết cho Liêm đi tranh thủ. Thế là tôi đã “linh động” cho Liêm về 4 ngày để thăm gia đình. Tôi dự tính: cho Liêm đi vào chiều thứ 5, đến chiều chủ nhật phải có mặt. Tối chủ nhật đại đội điểm danh, Liêm lên là vừa. Cho Liêm đi tôi rất yên tâm, tin tưởng vì Liêm là một chiến sỹ tích cực lại chưa bao giờ sai lời hứa.
Tôi cứ nghĩ chậm lắm thì Liêm cũng lên chuyến xe 5 giờ chiều. Vậy mà khi trời đã tối vẫn không thấy tăm hơi gì. Đã 8 giờ 15 phút. Tôi sốt ruột, hết đi ra lại đi vào, thỉnh thoảng lại đảo sang phòng nghỉ chiến sỹ xem Liêm đã lên chưa. Rồi 9 giờ kém 15 phút - giờ điểm danh đại đội, Liêm vẫn chưa về đơn vị.
Chuyện vỡ lở, chỉ huy đại đội đã phát hiện ra việc tôi tự động cho chiến sỹ về thăm nhà mà không báo cáo. Đồng chí đại đội trưởng gọi tôi lên phòng riêng và nghiêm khắc phê bình. Trước khi tôi ra khỏi phòng, anh còn hỏi thêm:
- Cậu Liêm đi có mang theo giấy phép chứ? liệu có chuyện gì xảy ra trên đường không?
- Dạ có ạ.
Từ lúc đó, đã bực bội tôi lại thêm sự lo lắng. Liệu có chuyện gì xảy ra với Liêm thì sao? Mà rất có thể lắm chứ?
Mãi 7 giờ sáng hôm sau Liêm mới trở về đơn vị. Tôi đang ngồi trong phòng, Liêm bước vào lễ phép:
- Báo cáo thủ trưởng, em có mặt. Song…em đã chậm một đêm vì…Chưa kịp nghe hết câu Liêm nói và hỏi tình hình mẹ ốm thế nào, tôi đập tay xuống bàn mạnh đến nỗi cốc chén nhảy cả xuống đất, quát:
- Thôi, không phải báo cáo gì nữa. Đồng chí về viết bản tự kiểm điểm. Hãy tự nhận hình thức kỷ luật thích đáng. Tôi đã quá tin vào anh mới thế đấy!
- Báo cáo thủ trưởng… vì em…
- Không báo cáo nữa, về kiểm điểm!
Thế rồi chẳng cần suy xét thêm lý do, tôi đã tổ chức sinh hoạt và đưa ra ý kiến thi hành kỷ luật cảnh cáo Liêm trước toàn đại đội vì chậm phép một đêm.
Từ sau ngày bị kỷ luật, tôi thấy tính tình Liêm như trầm mặc hẳn. Mọi nhiệm vụ, mọi phong trào của đơn vị Liêm tham gia đầy đủ song không sôi nổi, xông xáo như trước. Có lẽ lúc này Liêm thực hiện nhiệm vụ vì lương tâm, trách nhiệm chứ không còn sự nhiệt tình. Liêm có ý lảng tránh, ít muốn gặp tôi. Chất lượng học tập của Liêm cũng giảm sút trông thấy. Vốn ham mê văn nghệ nhưng từ đó ít thấy Liêm ca hát. Ánh mắt của Liêm như có điều gì đó suy tư, đượm buồn…
Rồi khóa huấn luyện cũng kết thúc. Liêm đạt loại trung bình và đi nhận nhiệm vụ như mọi chiến sỹ khác.
***
Qua câu chuyện của vợ chồng anh Thọ tôi mới biết rõ chuyện về Liêm hơn hai năm trước:
Vì lỡ chuyến xe cuối cùng trong ngày, Liêm đã quyết định “cuốc” bộ hơn 20 km để về đơn vị cho kịp thời gian. Đang bước mải miết, Liêm bỗng thấy một phụ nữ đang ngồi vật vã bên vệ đường, cạnh chiếc xe đạp đổ nghiêng. Liêm bước tới hỏi:
Nghe tiếng hỏi, người phụ nữ ngước lên vẻ mặt nhăn nhó, nói:
- Tôi đau quá…nhờ anh đưa giùm tới bệnh viện, tôi chết mất…
Thoạt nhìn Liêm hiểu ngay - người phụ nữ có chửa, bụng cao vượt mặt. Có lẽ chị ta đau đẻ? Vậy thì phải đến bệnh viện ngay, nếu không sẽ nguy hiểm cho cả mẹ và con “Liêm thoáng nghĩ nhanh”.
Khó khăn lắm Liêm mới đưa được người phụ nữ tới bệnh viện huyện cách đó 6 km. Trên đường, nhiều lúc đau quá chị ta lại đòi xuống xe ngồi lặng đi một lát cho đỡ. Tận 11 giờ đêm hôm ấy chị mới sinh con.
Đêm đó, vì đã quá khuya, Liêm đành phải nghỉ lại tại bệnh viện. Sáng hôm sau Liêm lên thăm lại người phụ nữ rồi trở về đơn vị. Chị gặng hỏi mãi Liêm mới nói tên mình, rằng đơn vị đóng quân gần đây.
Nghe xong câu chuyện, nhẩm tính lại thời gian, tôi biết chắc đó chính là Liêm - người chiến sỹ mà tôi đã đề nghị đại đội thi hành kỷ luật mấy năm trước. Tôi nói với vợ chồng anh bạn:
- Em nhớ ra rồi. Cậu ấy là Nguyễn Thanh Liêm, trước đây là chiến sỹ của em. Nhưng … bậy giờ không rõ Liêm công tác ở đơn vị nào, nếu gặp lại em sẽ nói.
Tuy nhiên, tôi đã không dám nói với anh chị việc mình đã làm với Liêm khi ấy…
***
Không biết bây giờ Liêm ở đâu? Liêm còn giận tôi nữa không? Bỗng dưng tôi lại khát khao mong được gặp lại Liêm đến thế. Tôi sẽ nhận lỗi với Liêm dù đã muộn, nhưng như vậy có lẽ lòng tôi thanh thản hơn. Tôi đã nhận ra, làm một người lãnh đạo, chỉ huy, tính nguyên tắc là rất cần thiết, song phải luôn luôn bình tĩnh suy xét và nhất là phải có lòng tin vào chiến sỹ của mình. Có như vậy mới phát huy được những ưu điểm, những khả năng tiềm tàng của họ.
Có lòng tin vào tôi, anh Thọ và tôi trở thành một đôi bạn thân, tôi nhận được từ anh nhiều sự giúp đỡ và trưởng thành.
Không có lòng tin vào một chiến sỹ, phải chăng tôi đã làm mất đi một chiến sỹ tốt?
Đinh Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét