Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

              Sống chung với phí   
       
          Đố ai biết trên thế giới hiện nay có nước nào nhiều loại phí hơn Việt Nam ta?
Dân ta đã quen sống chung với các loại phí nên thành ra cũng quen dần, có phát sinh thêm vài ba loại cũng cảm thấy bình thường.
Bộ Giao thông vận tải đang trình Chính phủ dự thảo thu phí Bảo trì đường bộ. Hiện đã có phí cầu đường, phí xăng dầu rồi nhưng có lẽ cơ quan chức năng thấy số tiền thu được còn ít (không biết do giá thu thấp hay chi phí quản lý cao nên hiệu quả thu ngân sách hạn chế?)
Tuy nhiên cả 2 kịch bản thu được trình đều có những bất cập, khó có thể công bằng với các đối tượng sử dụng:
Kịch bản 1 là thu phí sử dụng đường bộ trực tiếp từ đầu ô tô theo nhóm xe và ô tô sử dụng dầu diesel đóng phí cao hơn xe sử dụng xăng 1,5 lần (thu được 6.146 tỉ đồng/năm); thu phí sử dụng đường bộ qua giá xăng dầu được tiêu thụ trên cả nước với mức thu 1.000 đồng/lít (thu được 2.971 tỉ đồng/năm); ngân sách Nhà nước cấp bổ sung 3.083 tỉ đồng để đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ.
Với kịch bản 2, ngoài thu phí theo đầu phương tiện như phương án 1, ngân sách Nhà nước sẽ cấp bổ sung cho quỹ bảo trì đường bộ 6.054 tỉ đồng/năm bằng nguồn từ thuế nhập khẩu xăng dầu, ấn định 1.000 đồng/lít. Bên cạnh đó sẽ cấp ngân sách trung ương cho quỹ Trung ương (1.868 tỉ đồng/năm), ngân sách các tỉnh thành cấp cho quỹ địa phương (1.397 tỉ đồng/năm).
Phương án thu phí bảo trì đường bộ bằng cách thu trực tiếp từ đầu ô tô, thu gián tiếp qua giá xăng, từ ngân sách nhà nước cấp bổ sung trực tiếp cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ đang được xem là phương án chính.
Tuy sẽ loại bỏ các trạm thu phí do nhà nước quản lý song hiện còn rất nhiều trạm thu phí của các nhà đầu tư cầu đường đang trong hạn thu hồi vốn đầu tư. Vậy thì nghiễm nhiên phương tiện qua các con đường có trạm thu này phải đóng thêm một loại phí nữa. (Nếu ai đã từng đi trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước mới thấy cơ man nào là các trạm thu phí, có chỗ 2 trạm còn nhìn thấy mặt nhau vì chỉ cách có mấy cây số, đi vài chục cây phải đóng mấy lần phí là chuyện tất yếu).
Còn chuyện thu phí trên đầu phương tiện thì cũng rất nhiều nhiêu khê, không hề đơn giản, nhất là với xe máy. Việc thu này sẽ do ai đảm nhiệm, hay là mỗi phường xã lại phải thêm một biên chế làm việc này. Hai nữa lâu nay phương tiên xe máy của người dân thường mua bán trao tay, qua rất nhiều người, chủ ban đầu có khi ở Cà Mau nhưng người đang sử dụng thực tế lại ở Hà Giang! vậy thì thu phí ở ai?
Mọi việc thực ra chẳng mấy phức tạp nếu Nhà nước đủ nguồn ngân sách chi cho việc bảo trì đường bộ, cho nên mới có thêm “sáng kiến” này. Với các cơ quan chức năng của ta hiện nay do năng lực quản lý có hạn nên thường tính đến những phải pháp đơn giản và dễ dàng nhất. Chẳng hạn như không quản lý được thị trường vàng thì tính đến việc cấm mua bán vàng miếng trên thị trường tự do là đơn giản nhất. Cũng như vậy, thiếu nguồn tiền thì cứ thu phí của dân và doanh nghiệp là dễ nhất, đố ai tránh được. Cũng ít ai muốn nghĩ đến việc sử dụng nguồn quỹ từ phí này sao cho hiệu quả. Mọi người đã biết Quỹ bình ổn giá xăng dầu do người sử dụng xăng dầu đóng mỗi lít 300-500đ, mỗi năm thu về mấy ngàn tỉ đồng nhưng có thấy bình ổn gì đâu, giá xăng thế giới chỉ cần tăng lên ít ngày là đã có ngay phương án tăng giá của TCTy xăng dầu VN, mỗi lần tăng từ 1500 đến 2500 đồng. Nhưng, khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu nhiều ngày, người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông ý kiến mãi mới được doanh nghiệp điều chỉnh giảm và cũng chỉ tượng trưng mấy trăm đồng/lít mà thôi. Giá như vậy nhưng các Công ty xăng dầu kinh doanh mấy năm qua đều lãi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Cho nên có thể gọi Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ “hỗ trợ doanh nghiệp” để kinh doanh có lãi thì đúng hơn.
Hiện nay có rất nhiều nguồn thu đáng lẽ phải được thu về cho việc nâng cấp, bảo trì hệ thống đường sá nhưng còn bị bỏ ngỏ, nguồn lợi rơi vào những cá nhân, nhóm lợi ích và doanh nghiệp. Đơn giản như phí trông giữ xe ở các thành phố lớn hàng ngày thu về không ít song Nhà nước chưa quản lý được. Hay nguồn thu ngân sách trong quản lý doanh nghiệp FDI thất thu do tình trạng chuyển giá, năm nào các doanh nghiệp này (gần đến 40% doanh nghiệp) cũng báo lỗ, do vậy không phải nộp thuế, tuy nhiên họ lại không ngừng mở rộng sản xuất kinh doanh?!…
Trước tình trạng trên, người dân cần xác định phải sống chung với phí, khó có những chuyển biến khác được. 
 Biết đâu, đến một ngày đẹp trời nào đó lại có "sáng kiến" thu những loại phí mới để xây dựng các quỹ, chẳng hạn như Quỹ bảo trì đường sắt, Quỹ bảo trì đường thuỷ, Qũy bảo trì đường biển vv và vv… vì rằng những lĩnh vực này cũng đang nhiều bức xúc lắm!
                                                            Đinh Hoàng
                                                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét