Kỷ niệm bên dòng sông quan họ
Cả đại đội 16 của chúng tôi bỗng xôn xao hẳn lên khi được tin có đội văn nghệ xung kích sắp đến thăm và biểu diễn phục vụ đơn vị. Người nhận được tin này là đại đội trưởng Nguyễn Hữu Hưởng. Qua anh chúng tôi được biết đó là đội văn nghệ nghiệp dư của một huyện ở quê hương quan họ. Tuy đã trạc ngoại “tam tuần” song anh cũng rất vui vì biết rõ chính đội văn nghệ này đã lên đơn vị biểu diễn cách đây hơn một năm. Hồi đó tôi chưa về công tác tại Đại đội 16. Cậu Tráng liên lạc người Nghệ An toét miệng khoe với tôi: Đúng là “đến hẹn lại lên” đấy thủ trưởng ạ. Lẽ dĩ nhiên là tôi cũng mừng không kém bởi trước kia tôi đã từng sống trên quê hương quan họ và có một kỷ niệm đáng ghi nhớ bên dòng sông Cầu… Công việc huấn luyện của đại đội chiều hôm ấy được “linh động” tạm dừng lại, tất cả tập trung chuẩn bị để làm sân khấu và đón đội văn nghệ. Một nhóm do trung đội tưởng Bùi Quang Vịnh phụ trách được tức tốc cử đi đón đội văn nghệ vì đường rừng núi sợ anh chị em đi lạc, hai nữa chắc đồ đạc cũng nhiều và nặng, cần được trợ giúp. Đại đội trưởng Hưởng nhận phụ trách phần thiết kế, thi công “sân khấu”. Gọi là sân khấu cho sang chứ thực ra đó chỉ là một bãi đất bên mỏm đồi, được san phẳng, sửa sang để đủ chỗ cho diễn viên và khán giả. Còn tôi là phó đại đội trưởng được giao phụ trách hậu cần, có nhiệm vụ chuẩn bị bữa “ăn tươi” để tiếp khách. Được giao việc này tôi cứ áy náy, gãi đầu gãi tai bởi trong kho đại đội chỉ còn hai món “đặc sản” bộ đội ta khi đó quen dùng là cá khô và mắm tôm! Ngoài vườn, rau cải có nhưng đã nở hoa tung tóe cả rồi. Mổ lợn ư? Không được. Làm như thế e rằng “to” quá mà chắc gì các đồng chí trong đội văn nghệ đã vui vì biết lính ta điều kiện còn nhiều khó khăn vất vả. À đúng rồi! Tôi vui như vừa có một phát kiến lớn. Trong chuồng gà “tăng gia” của “xê bộ” còn mấy con gà mái đang nhảy ổ. Tôi bàn với anh Hưởng về ý định thịt gà để làm cơm tiếp khách. Sau phút băn khoăn do dự, anh cũng đồng ý vì không còn cách nào khác khả dĩ hơn. Lính biên giới chúng tôi vào đầu những năm 80 này không được sung túc cho lắm, mỗi khi có khách quý đến là cứ lóng ngóng như gà mắc tóc.
Trên mỗi gương mặt của cán bộ, chiên sỹ đại đội 16 chúng tôi hôm đó đều lộ vẻ hân hoan khác thường. Niềm vui ánh lên trên từng nụ cười, từng khóe mắt. Kể cũng đúng, hàng năm trời may mắn lắm chúng tôi mới được xem một tối phim hoặc văn công. Cả đại đội chỉ có một cái đài cũ, khi thời tiết xấu nghe cứ ọc ạch. Vậy mà vào các buổi tối, mọi người đều có mặt đông đủ để nghe chương trình phát thanh dành cho các bạn trẻ trong quân đội và chương trình ca nhạc dành cho chiến sỹ biên giới và hải đảo. Những ai phải đi canh gác, tuần tra vào giờ đó đều rất tiếc.
Mãi chập choạng tối đội văn nghệ mới tới đơn vị. Mọi người ai nấy mồ hôi nhễ nhại vì đã phải vượt nhiều dốc, lội nhiều khe. Anh chị em trong đội cho hay là đã ăn cơm chiều ở nhà khách Trung đoàn và xin phép được chuẩn bị để biểu diễn luôn. Tôi tiu nghỉu vì mâm cơm thịnh soạn chờ tiếp khách đã làm xong đang nguội dần. Anh Hưởng vê cằm râu tua tủa vẻ tư lự rồi bỗng gật gù bảo tôi:
- Thôi được! Ta cứ để đấy. Khi nào anh chị em biểu diễn xong sẽ ăn thêm “ca ba” cũng được.
- Hay là... ta nấu nồi cháo gà? Tôi do dự.
-Ừ, cũng hay đấy. Ăn cháo nhanh lại sức mà lại được tiếng là gọn nhẹ, không cầu kỳ.
Lửa trại được thắp lên trên một bãi đất rộng. Chương trình biểu diễn bắt đầu. Với lý do cao tuổi hơn, anh Hưởng nhường phần cho tôi ra xem trước. Anh trực chỉ huy để đôn đốc việc tuần tra, canh gác của các Trung đội.
Mở đầu chương trình văn nghệ là tiết mục song ca bài “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Tuy nhạc cụ đơn sơ, mộc mạc mà sao tôi nghe vẫn thấy hay và xúc động một cách lạ lùng. Một cái hay chân chất, giản gị nhưng sâu lắng.
Đế tiết mục đơn ca của nữ diễn viên Thùy Phương, khi giọng hát cất lên tôi bỗng giật mình vì nghe giọng hát sao thân quen đến thế! Đúng rồi! Tôi còn nhớ lắm giọng hò bên bờ sông Cầu những đêm trăng ấy, những đêm hò đối đáp...
Hồi đó tôi đóng quân ở một xóm nhỏ bên bờ con sông Cầu thơ mộng. Dân làng quen gọi bến sông ấy là Bến Đò và xóm bên kia sông là xóm Bến Đò. Các buổi tối, sau khi sinh hoạt xong, tôi và thằng Điệp đồng hương thường rủ nhau ra bờ sông hóng mát. Vào một đêm trăng, tôi và Điệp đang ngồi trầm ngâm nhìn dòng nước lững lờ trôi bỗng nghe một giọng hát cất lên từ bờ sông bên kia. Cô gái hát bài “Bèo dạt, mây trôi” với chất giọng ấm áp, dụi dàng. Tiếng hát bay lên như lưu luyến giữa bầu trời vằng vặc ánh trăng. Tôi và Điệp lặng im, cố nín cho hơi thở nhẹ nhàng để nghe như nuốt lấy từng lời bài hát “... một mảnh trăng treo, chốn đêm thâu, anh ơi, em vẫn đợi, bèo dạt...” Tiếng hát đã lặng đi được một lúc lâu nhưng hai chúng tôi vẫn ngồi lặng lẽ như cố hồi tưởng lại câu hát, hồi tưởng lại giọng ca ấm áp, thân thương ấy. Chợt Điệp bảo tôi:
- Này, hay là ta hò lên một câu đi. Con gái ở đây hay hò đối lắm. Tớ tin rằng với tài “ứng khẩu thành thơ” của cậu khó có cô nào “địch” nổi.
Trong đại đội 5 Công binh hồi đó, tôi là một chiên sỹ có “máu” văn chương, hay làm thơ và ứng tác cũng nhanh. Tôi biết thơ mình không hay song mọi người vẫn tấm tắc khen, cốt để động viên.
Sau phút suy nghĩ, tôi cất giọng hò:
“Hò... ơ...!
Cách nhau chỉ một con đò
Người thương đâu chẳng thấy mà câu hò bay ngang?
Ơ hò!...”
Bờ sông bên kia vẫn lặng im. Gió thổi sóng gợn lăn tăn trên mặt sông làm ánh trăng vỡ ra như muôn vàn mảnh bạc tỏa ánh sáng lấp lánh.
Lát sau, chắc vẫn giọng cô gái hát ban nãy cất lên câu hò:
“Dòng sông như thảm lụa đào
Thương nhau hãy vượt gian lao, thác ghềnh”.
Như được tiếp thêm cảm xúc, chẳng cần lâu cho lắm, tôi lại lên tiếng:
“Sông Cầu mà chẳng có cầu
Mong ai chớ để dòng sâu ngăn lòng”.
Cô gái bên sông cũng ứng đáp nhanh không kém:
“Sông Cầu em chẳng bắc cầu
Nối đôi bờ lụa bởi câu ân tình
Ơi người chiến sỹ áo xanh
Màu thân thương ấy em dành riêng ai”.
Thì ra cô đã biết chúng tôi là bộ đội. Có lẽ bờ bên kia đã được “bổ sung” thêm lực lượng. Chúng tôi nghe thấy tiếng các cô gái cười rúc rích.
Và cứ như thế, các buổi tối, khi sinh hoạt xong là tôi và Điệp lại rủ nhau ra bến sông. Tôi cất lên giọng hò, và chỉ một lát sau là cô gái đã lên tiếng đáp lại. Cũng từ đó tôi như yêu trộm, nhớ thầm giọng hò của cô gái mà mình chưa hề biết mặt. Nhiều khi tôi cứ muốn qua đò, sang xóm Bến Đò để hỏi thăm tung tích cô gái, để xem người ra sao mà giọng hò say lòng đến thế. Những hôm cô gái không ra hò, nỗi nhớ trào lên trong tôi cồn cào, da diết. Thằng Điệp có lẽ đã hiểu rõ lòng tôi, một hôm nó hỏi:
- Này, hình như cậu phải lòng cô gái bên sông rồi thì phải? Tôi đỏ mặt ngượng nghịu. Điệp nói tiếp - Cậu hãy coi chừng. Những người có giọng ca say đắm thế dễ lại có dung nhan xấu xí đấy!
- À ... ừ... nhưng mà... - Tôi ngập ngừng không biết nói thế nào để chống chế. Dù sao tôi vẫn nhớ giọng hò ấy, nhớ đến nôn nao. Chắc thằng Điệp muốn nhắc để tôi nhớ về câu chuyện của ông lão Trân và bà cụ Huyền mà chúng tôi được nghe dân làng ở đây kể lại. Ông Trân ngày ấy là một chàng thanh niên khỏe mạnh và đẹp trai. Nhiều cô gái cứ mê mẩn khi gặp ông. Còn bà Huyền là thiếu nữ có giọng hò mê hồn. Nghe giọng hò của cô, các chàng trai ngẩn ngơ, đứng ngồi không yên. Rồi những đêm trăng trong mùa trẩy hội đầu xuân, hai người đã gặp nhau qua giọng hát. Ban đầu, câu hò đôi bên nghe cứ xa vời vợi. Rồi câu hò như có sức mạnh vô hình kéo dần họ lại và họ đã đến với nhau. Lúc ấy ông mới biết bà là một cô gái không xinh đẹp mà trái lại, bà bị căn bệnh đậu mùa lúc nhỏ để lại di chứng trên gương mặt. Song điều ấy chẳng thể suy suyển tình yêu của họ. Mọi người đều rất ngạc nhiên về điều đó. Tục lệ của làng xóm ngày ấy còn nặng nề lắm. Hai ông bà ở vào hai làng đã kết chạ cùng nhau. Ở vùng quan họ, khi hai làng đã kết chạ (kết bạn) thì trai gái đôi bên là liền anh, liền chị, không được yêu đương và lấy nhau! Thế nhưng hai người vẫn cương quyết đến với nhau, cùng nhau chung sống. Trường hợp của ông Trân và bà Huyền lần đầu tiên phá vỡ tục kết chạ ở đây. Hai người đã bỏ qua lời dèm pha của bạn bè, lời dị nghị của làng xóm và họ hàng. Đến nay con của hai ông bà đã lên hàng các cụ râu trắng, tóc bạc…
Một hôm thằng Điệp bỗng hỏi độp tôi một câu:
- Giả sử cô gái bên sông có hình thức xấu xí, cậu có dám yêu cô ta không?
Quá bất ngờ, tôi bị động, lúng túng:
- Sao?... à... ừ... mà còn... còn do tình cảm đôi bên nữa chứ?
Vào một buổi chiều, bầy quạ Mỹ bỗng ập tới giội bom bừa bãi xuống những xóm ven sông. Xóm Bến Đò bị hai trái bom ném trúng. Nghe nói là có thiệt hại về người. Tối hôm đó bên bến sông, tôi và Điệp ngồi lặng lẽ nhìn sang bờ bên kia. Làng xóm chìm trong màn sương mờ lạnh lẽo. Từ mặt sông như vẳng lên tiếng khóc ấm ức. Chúng tôi không dám cất tiếng hò mà cứ ngồi lặng im như thế…
Mãi hơn tuần sau, cũng vào một buổi tối, chúng tôi lại cùng nhau ra bến sông. Thú thực, tôi đã rất nóng lòng. Nỗi nhớ như những cơn sóng ngầm thỉnh thoảng lại trào lên. Sau phút bàn bạc, băn khoăn, chúng tôi nhất trí cất tiếng hò để gọi cô gái bên kia. Tôi hò:
“Tiếng hát ta át tiếng bom,
Người thương đâu xa vắng, tiếng hò còn chơi vơi”…
Đúng là câu hò của tôi cất lên chơi vơi giữa không gian mênh mông, trống trải. Xóm Bến Đò vẫn lặng im. Những bụi tre mờ đen đổ bóng xuống dòng sông âm thầm. Không có một câu hò đáp lại. Dòng sông Cầu nhẹ trôi như mang nỗi nhớ của tôi về nơi biển cả…
- Hay là... trong trận bom ấy, cô ta đã... - Thằng Điệp bỗng hỏi tôi với giọng lo âu. Tôi không nói gì, dõi đôi mắt về nơi chân trời phía đông. Nơi ấy thường vọng lại tiếng ầm ì của bầy giặc trời.
Cũng từ đó chúng tôi không còn được nghe giọng hò thân thương của cô gái bên bến sông Cầu...
Suốt những năm sống trong rừng Trường Sơn, những năm gian khổ ác liệt, giọng hò của cô gái như đọng mãi trong tôi, thúc dục tôi chắc tay súng để giành lại những đêm trăng như thê, để giữ lấy cảnh thanh bình và câu dân ca yêu thương.
Cho đến hôm nay, giữa vùng rừng núi biên cương đông bắc của Tổ quốc bỗng tôi được nghe lại một giọng ca quen thuộc quá chừng! Hay là... chẳng lẽ lại là cô ấy? đã 10 năm rồi!..
- Thủ trưởng khắt khe quá đấy! Hay hay không thì cũng phải vỗ tay thật to để cổ vũ chứ lại - Thằng Tráng liên lạc ngồi bên nhắc làm tôi bừng tỉnh khỏi những kỷ niệm. Tôi ngượng ngập, ậm ừ rồi cùng vỗ tay theo mọi người. Lúc đó hình như đã qua mấy tiết mục rồi thì phải.
Tiếp đến là tiết mục ngâm thơ của nữ diễn viên ban nãy - Thùy Phương. Tiết mục do cô tự sáng tác và biểu diễn. Tôi lại ngỡ ngàng khi nghe tới câu thơ quen thuộc:
“…Ơi người chiến sỹ áo xanh,
Màu thân thương ấy em dành riêng ai.”
Trời!...Lẽ nào cô gái năm xưa chính là Thùy Phương? Đúng rồi, nếu không thì sao cô lại biết hai câu thơ này?
Buổi biểu diễn kết thúc. Chúng tôi nài nỉ bằng được để anh chị em cùng ăn với đơn vị bát cháo đạm bạc. Ăn uống xong, tranh thủ lúc mọi người đang chuyện trò vui vẻ, tôi nhắn Thùy Phương ra ngoài với lý do là “có chút việc riêng”. Thùy Phương vẻ hơi ngạc nhiên và hấp tấp bước ra. Trời tối nên có lẽ cô không nhìn rõ mặt tôi. Còn tôi đã ngắm kỹ cô từ trước, tuy đứng tuổi song Thùy Phương vẫn khá xinh và duyên dáng.
- Có phải... có phải anh gọi em không ạ? - Thùy Phương ngập ngừng.
-Ừ! Mình muốn nhờ... à, Phương này, Phương có nhớ câu thơ này không:
“Sông Cầu em chẳng bắc cầu,
Nối đôi bờ lụa bởi câu ân tình?”
Trong bóng tối tôi vẫn nhận ra vẻ bàng hoàng, thảng thốt của Phương. Cô nói nhỏ, giọng hơi run:
- Có phải anh là người... chắc hẳn anh đã đến xóm Bến Đò quê em?
- Đúng! Mình đã ở gần đó và được dự những đêm hò đối đáp cùng Phương!
- Trời!... Thì ra là anh? Anh là người thường ra bến sông và hò đối cùng chúng em ngày ấy? Anh còn nhớ câu này chứ:
“Cách nhau chỉ một con đò,
Người thương đâu chẳng thấy mà câu hò bay ngang?”
Thế là chúng tôi đã nhận ra nhau là những người quen qua giọng hò từ 10 năm về trước. Ngày ấy, sau trận đánh phá của giặc vào xóm làng, cô đã lên đường ra tiền tuyến theo tiếng gọi căm hờn... Sau những năm lăn lộn trên các trọng điểm, các tuyến đường ác liệt của chiến tranh, cô trở về quê hương và vào đội văn nghệ xung kích của huyện nhà. Chồng cô cũng là một sỹ quan Công binh, hiện anh đang công tác ở một vùng đảo xa...
Sau giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, biết còn một số cán bộ, chiến sỹ do bận nhiệm vụ chưa được xem, anh chị em đội văn nghệ cương quyết tổ chức biểu diễn lại để phục vụ số anh em này. Ngày mai đội đã phải sang phục vụ đơn vị khác. Vì số người xem ít nên “sân khấu” được dựng ngay trước cửa nhà ban chỉ huy đại đội.
Lửa lại được đốt lên. Tiếng hát lại cất lên. Tôi ngồi trầm tư từ xa nhìn lại. Bóng diễn viên và khán giả lung linh, huyền ảo như một bức sơn mài. Trầm ngâm suy tư, tôi ngồi lặng lẽ nhìn các chiến sỹ thân yêu. Họ đang nghĩ gì về lời hát? Lời ca đọng lại trong họ những tình cảm ra sao? Có lẽ mọi người cũng đang nhớ về những vùng quê, những xóm mạc thân thương của mình với bao hoài niệm. Đáng yêu biết bao người ở hậu phương đã một nắng hai sương giành dật với đất trời cho chúng tôi từng hạt gạo, từng manh áo, lại còn mang tới cho chúng tôi lời ca của lòng thuỷ chung son sắt! Phải chăng chúng tôi đã vượt qua được những khó khăn gian khổ vì biết rằng phía sau mình có một hậu phương như thế? Đúng rồi, tiếng hát ấy đã cho chúng tôi thêm nguồn sức mạnh, cho đôi chân dẻo dai và đôi tay luôn vững vàng cây súng.
Cuối chương trình, Thùy Phương lại hát bài “Bèo dạt, mây trôi”. Tôi bâng khuâng như được ru trong bao kỷ niệm êm đềm. “... Một mảnh trăng treo, chốn đêm thâu, anh ơi, em vẫn đợi...” Vẫn tiêng hát ấm áp năm xưa, nay tôi được nghe bên ánh lửa bập bùng giữa vùng rừng núi. Tiếng hát bay xa, vang ngân như sưởi ấm một vùng biên cương thân yêu của Tổ quốc.
Hà Cối, đêm cuối đông 1982
Đinh Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét