Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

 “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”

 Đó là lời dạy người xưa cả trong dụng việc lẫn dùng người. Nhưng có một thời người ta vận đảo lại “quý hồ đa, chẳng kể hồ tinh”. Đó là giai đoạn các “đại gia” thế lực kinh doanh vui và rôm rả, kiếm tiền dễ tựa "thò tay vào hang bắt cua". Vậy nên “ông buôn viễn dương” cũng lên bờ xây bán biệt thự; “ông đào mỏ” nhảy ra mở nhà băng; “ông trồng rừng” về thị thành “chơi” chứng khoán; “ông nhà đèn” ngẩng cao đầu bán sóng viễn thông… có nghĩa ai cũng có thể kinh doanh bất kể cái gì, nghề “tay trái” có khi kiếm nhiều tiền hơn “tay phải”.

Ví von hình tượng là vậy nhưng thực tiễn nền kinh tế từng có chuyện na ná. Cách đây chừng hơn chục năm có lẽ là thời kinh doanh đa ngành nở rộ. Lúc đó cảm giác những giá trị ảo cũng đem lại “tiền tươi thóc thật”, khi mà bất động sản, ngân hàng, chứng khoán… phát triển "nóng rực". Rồi kinh tế cũng trở lại đúng quy luật, giá trị trở lại sự trần trụi của nó. Kiếm đồng tiền phải đổ mồ hôi, "sôi" nước mắt. Mọi người chứng kiến những “ông đa ngành” đổ như ngả rạ, được "lệnh" nhanh chóng thoái vốn ngoài ngành. Xin điểm một vài cái tên lớn: Công ty mẹ EVN vốn điều lệ chỉ có gần 77.000 tỉ đồng nhưng đầu tư ra ngoài ngành đến hơn 121.000 tỉ đồng (2011) không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng; Tập đoàn Dầu khí kinh doanh đa ngành hơn 6.700 tỷ đồng (trong đó 5.636 tỷ đồng đổ vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản); Tập đoàn Công nghiệp cao su cũng đầu tư ra ngoài hơn 3.800 tỷ đồng…

Làn gió thị trường đã thổi lan "Bệnh đa ngành" sang lĩnh vực giáo dục. Cùng với "nở rộ" trường đại học cao đẳng, khoa y, dược tại các trường cũng được mở tràn lan. Chuẩn tuyển sinh hạ thấp như thể "vét" sinh viên vào để thu học phí. Ngoài các trường y, dược đào tại chuyên ngành từ trước, nay rất nhiều trường mở khoa này. Xin điểm một số cái tên đại học tư thục, ngoài công lập non trẻ có đào tạo y, dược: Đại Nam, Võ Trường Toản, Công nghệ Đồng Nai, Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, Lạc Hồng, Quốc tế Miền Đông, Tây Đô, Thành Tây, Tân Tạo, Nam Cần Thơ v.v. Nếu kể hết thì có cả thảy 70 trường. Nhận thấy điều chưa ổn này nên năm 2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải ban hành quy định tạm dừng tuyển sinh đào tạo ngành y, dược với các trường mở khoa ngoài ngành đào tạo chính. Điều này là cần thiết bởi đã có nghịch lí sinh viên thi vào Đại học Y Hà Nội 26, 27 điểm vẫn trượt nhưng có sinh viên chỉ đạt điểm sàn vẫn đỗ vào khoa y, dược các trường khác.
Dư luận sẽ ít quan tâm hơn nếu không có chuyện vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo bỗng dưng cho phép Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở khoa y, dược. Dù lãnh đạo Bộ này đã lên VTV thanh minh “Trường chuẩn bị điều kiện ở mức… cao hơn so với quy định”, song lí do này khó thuyết phục được dư luận, bởi không ít trường cũng thỏa mãn được những điều kiện như vậy. 

Điều quan trọng nhất của cơ quan quản lí nhà nước là tạo một môi trường bình đẳng thông qua những chính sách nhất quán. Hệ lụy đa ngành kinh tế đã gây thiệt hại lớn tiền của, tài sản xã hội, một bài học chưa xa. Đa ngành trong đào tạo y, dược hệ lụy còn nguy hiểm gấp bội vì nó liên quan đến tính mạng con người. Đào tạo cử nhân y khoa không thể coi như huấn luyện những nhân viên thú y. Lương y cần "quý hồ tinh, bất quý hồ đa".
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét