Sử
dụng biểu tượng danh dự thế nào?
Sau những năm tháng công tác,
cống hiến, mỗi người ít nhiều được khen thưởng, thấp thì biểu dương, lao động
tiên tiến, tặng giấy khen, bằng khen, cao hơn có danh hiệu Chiến sĩ thi đua,
Huân chương, Huy chương và các danh hiệu cao quý khác. Cùng với việc khen
thưởng thường có các biểu tượng danh dự để người được khen có thể sử dụng
công khai như một sự tôn vinh.
Những biểu tượng kèm theo khen
thưởng thường được cất giữ cẩn thận hoặc treo trong nhà ở những vị trí trang
trọng. Trong những dịp lễ tết, ngày truyền thống cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp… người có công dùng đeo trên ngực. Được sử dụng nhiều nhất có lẽ là
những tấm Huân chương, Huy chương, Huy hiệu… Đó là niềm vinh dự, tự hào của
người được khen, cũng là để thế hệ kế tiếp nhìn vào học tập, noi theo, như
một cách giáo dục truyền thống trực quan, hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện nay những biểu
tượng vinh dự đôi khi được sử dụng không đúng mục đích hoặc lạm dụng vì động
cơ khác, không thể hiện sự tôn vinh. Có khi người được vinh danh bị đối tượng
xấu thuê đi làm những việc không đúng, chẳng hạn trong đoàn đi khiếu kiện đôi
khi thấy có những người già ngực đeo Huân, Huy chương trong những bộ quần áo
nhếch nhác...
Một biểu tượng được sử dụng
nhiều hiện nay có tấm Huy hiệu thương binh. Đây là biểu tượng được trao cho
những thương binh đã cống hiến một phần xương máu cho Tổ quốc. Nhìn vào người
đeo tấm huy hiệu này mọi người thêm trân trọng, quý mến. Lẽ ra biểu tượng cao
quý đó chỉ nên được sử dụng vào những ngày truyền thống, ngày lễ hay những
hoạt động quan trọng của các cơ quan, tổ chức… nhưng nay đang bị một số người
lạm dụng. Phổ biến nhất là việc vẽ thành "lô-gô" dán lên phương
tiện giao thông cá nhân. Thực tiễn chẳng có chiếc "xe thương binh"
mà chỉ có người sử dụng xe gắn "mác" thương binh. Việc gắn biểu
tượng như vậy không hề có trong quy định của pháp luật. Vừa qua Cảnh sát giao
thông Hà Nội kiểm tra một số xe gắn biểu tượng này khi vi phạm quy định an
toàn giao thông đã phát hiện nhiều người không hề là thương binh điều khiển.
Có thể là con, cháu, người thân, thậm chí là thuê xe của thương binh. Gắn
biểu tượng như vậy vô hình trung bất kì ai ngồi điều khiển chiếc xe cũng được
nhìn nhận như một thương binh. Khi họ chấp hành nghiêm thì không sao, nhưng
khi họ có hành vi vi phạm pháp luật thì đương nhiên hình ảnh người thương
binh đã bị bôi xấu. Không những thế, hiện nay một số đối tượng xấu còn lôi
kéo, thuê một số người đeo biểu tượng cao quý này tham gia vào những vụ tranh
chấp, kể cả đi đòi nợ thuê… gây phản cảm và bức xúc cho người dân và các cựu
chiến binh.
Thiết nghĩ Bộ Lao động, Thương
binh và Xã hội cần phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam và cơ quan liên
quan có quy định cụ thể sử dụng các biểu tượng danh dự, trong đó có Huy hiệu
thương binh. Bên cạnh đó cần phối hợp với chính quyền các cấp, nhất là ở cơ
sở đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người trân trọng và sử dụng biểu tượng danh
dự đúng quy định. Cần khắc phục tình trạng sử dụng tùy tiên hiện nay, làm xấu
đi hình ảnh cao đẹp về anh Bộ đội Cụ Hồ.
Đinh Hoàng
(Bài đăng
Báo Người cao tuổi)
|
Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét