Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

 Hợp thức

Trong chi tiêu kinh phí có thuật ngữ hợp thức. Hiểu nôm na là một khoản chi tiêu không hợp lệ được thanh, quyết toán bằng một sự hợp lệ, hợp pháp. Ví như thủ trưởng đi tiếp khách song quy định tài chính rất khắt khe, hạn chế việc này, trong khi kinh phí chi cho văn phòng phẩm, thiết bị văn phòng vẫn còn “dư giả”, thế là được “quân sư” tham mưu thanh toán khoản tiếp khách đó bằng hóa đơn mua văn phòng phẩm. Khoản chi sai này nếu truy đến cùng và không có sự chấp thuận của người chủ trì thì sẽ khó lọt qua. Nếu mua hàng hóa thì cần có khâu nhập kho, xuất kho, kí nhận trách nhiệm của từng người cụ thể. 
Có lẽ cũng từ chuyện hợp thức diễn ra trong thực tế mà chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực đã có “sáng kiến” hiến tặng Hà Nội phần công trình sai phép phải tháo dỡ. Giả sử Hà Nội chấp nhận ý kiến trên thì chủ đầu tư đã dùng một “mũi tên” đạt 2 đích: Giảm nhẹ mức độ vi phạm (vì họ đã đóng góp một phần tài sản cho Nhà nước); thứ nữa là không phải bỏ ra hàng tỉ đồng cùng thời gian, công sức tháo dỡ phần công trình xây trái phép. Rất may lãnh đạo Hà Nội đã nhanh chóng khẳng định không chấp nhận đề xuất hợp thức sai phạm trên.
Câu chuyện xóa nợ thuế khi bàn về Luật Quản lí thuế tại nghị trường Quốc hội đã để lại những băn khoăn trong dư luận và cả đại biểu. Đã có đề xuất “cần thiết phải quy định xóa nợ thuế” đối với một số trường hợp. Lí do được đưa ra là: Doanh nghiệp nhà nước sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu mà có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế, để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện sắp xếp lại; doanh nghiệp đã cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước đó; doanh nghiệp nhà nước đã có quyết định giải thể còn nợ tiền thuế, tiền phạt... Tóm lại là để lược bớt vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, một công việc rất cấp bách hiện nay.
Chúng ta có thể khẳng định, với mọi lí do, việc chây ì, nợ thuế quá hạn là vi phạm quy định của pháp luật. Nếu nguyên nhân nợ thuế không phải do đối tượng nộp thuế thì trách nhiệm sẽ thuộc cơ quan quản lí nhà nước. Không có sai phạm nào lại không có “chủ nhân”. Nếu việc xóa nợ thuế được chấp nhận thì mọi trách nhiệm trước sai phạm đó coi như được “xí xóa”, đồng nghĩa sẽ có “ai đó” thoát tội. Tại Quốc hội rất nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất trên. Có đại biểu nghi ngờ “lợi ích nhóm” nằm sau đề xuất này. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) còn khẳng định “Quốc hội là cơ quan ban hành các chính sách nhưng làm chính sách mà hợp thức hóa tiêu cực là không được!”.
Đúng vậy, dù lí do gì cũng không thể hợp thức sai phạm. Tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là việc phải làm song trong quá trình đó không thể bỏ qua việc tái cấu trúc đội ngũ cán bộ, nhất là "tái cấu trúc trách nhiệm" của đội ngũ này.
Hiện số nợ thuế đã lên tới 67.000 tỉ. Bộ Tài chính đang hi vọng sẽ thu hồi được chừng 34 ngàn tỉ để bù cho ngân sách trong năm tới đang thiếu hụt. Đồng ý xóa nợ thuế khác nào khuyến khích doanh nghiệp chây ì, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Hợp thức cho sai phạm chẳng khác gì “đồng phạm”. Một khi sai phạm được hợp thức, hệ lụy về kỉ cương, phép nước sẽ đối diện với thảm họa khôn lường!
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét