Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

 Giá điện… ô-van!


Thời gian dài trước đây hễ xăng dầu, than tăng giá là y như rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại nhấp nhổm đòi tăng giá với lí do đầu vào sản xuất tăng. Nay giá xăng dầu giảm đã mấy tháng, xuống gần 70% song có vẻ giá điện đang “án binh bất động”. Cách đây chưa lâu khi hàng loạt hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt, khiến dư luận bức xúc, EVN đã phải trình 3 phương án bậc thang giá để chuyên gia, người dân tham khảo, lựa chọn. Tuy nhiên cái “thang” ấy chiều cao không đổi, tức giá điện cao nhất vẫn là 2.587đồng/kW. Vậy là các đối tượng dùng điện phải tự thỏa thuận với nhau xem theo phương án nào có lợi.
Cái “thang” giá điện có gì bí mật, phải chăng đó là bí quyết kinh doanh của EVN? Chưa trông đợi việc giảm giá song ta hãy xem cái “thang” giá điện hiện nay đã hợp lí hay chưa?
Hãy hình dung chiếc thang tre để xem EVN đã vận dụng "đóng" giá điện bậc thang ra sao: Thông thường chiếc thang được đóng theo nguyên tắc bậc ở chân thang rộng, càng lên cao càng thu hẹp lại để bảo đảm an toàn chịu lực. Nhưng EVN đã thiết kế “thang” giá điện theo nguyên tắc khác biệt, chỉ thu lợi cho người “bán thang” chứ không phải vì người “leo thang”. Xem khoảng cách giữa các bậc thang của EVN đã “đóng”: Bậc 1: 1.484 đồng/kW; bậc 2: 1.533 đồng/kW; bậc 3: 1.786 đồng/kW; bậc 4: 2.242 đồng/kW; bậc 5: 2.503 đồng/kW; bậc 6: 2.587 đồng/kW. Tương ứng độ rộng các bậc thang lần lượt là: 49 đồng; 253 đồng; 456 đồng; 261 đồng và 84 đồng. (Lúc này bậc 6 cao hơn bậc khởi đầu là 1.103 đồng, tương đương tăng 74%).
Sơ đồ “thang” giá này cho thấy khoảng từ bậc 2 đến 5 có độ rộng “khủng” nhất. Lẽ ra theo nguyên tắc “thang tre” khi bậc đầu độ rộng là 49 đồng thì các bậc trên phải ngắn dần (chẳng hạn là 47; 45; 43; 41 đồng…). Nhưng EVN đã không theo nguyên tắc đó, bảng giá của họ thực ra là giá điện… ô-van, phình rất to ở giữa chứ đâu phải hình thang. Với "chiếc ô-van" giá này, chỉ người dùng bậc đầu (50kW) hưởng giá thấp. Tuy nhiên với mức sống và tiêu thụ điện của dân ta hiện nay thì số người dùng bậc giá đầu không nhiều, nếu không nói là rất ít. Mức tiêu thụ điện phổ biến các hộ ở nông thôn đều trên 50 đến 100kW. Con số người dùng điện ở các mức là bí mật của EVN, cùng với sự không minh bạch các yếu tố cấu thành giá điện có lẽ là “bí quyết kinh doanh” của họ. EVN cho rằng giá điện bình quân đang là 1.622,01đ/kWh, cần nâng lên. Tuy nhiên nếu cộng 6 mức giá điện tại bảng trên chia 6 thì phải là 2.202đ/kW. Không hiểu vì sao kết quả lại được EVN hạ xuống như vậy. Thực tiễn tiêu thụ điện còn khác xa cái gọi là giá bình quân. Ví dụ số hộ dùng bậc 1 là 1, số hộ dùng bậc 3, 4, 5… là 100 thì giá điện bình quân là bao nhiêu? Nhìn vào “chiếc ô-van” giá trên đây mọi người có thể đoán ra, số hộ dùng điện ở những bậc nào là nhiều nhất, và bên bán điện lợi nhiều hay ít chính là ở nhóm này.
Tại sao EVN không theo nguyên tắc “đóng thang” đúng nghĩa? Tại sao họ không hạ độ cao của cây thang (2.587đ) xuống 1.747đ hay 1.800đ… chẳng hạn? Lẽ ra với mức tiền điện nhiều hộ tăng vọt như mấy tháng Hè vừa qua, EVN phải lắng nghe rồi thu hẹp “chiều rộng” bậc và hạ chiều cao “cây thang” giá xuống cho phù hợp mức sống của người dân? Nhưng EVN vẫn đang “chùng chình” giữ giá điện hiện nay và biết đâu khi có thời cơ sẽ tăng giá tiếp để tối đa hóa lợi nhuận. 
EVN là doanh nghiệp nhà nước, đang độc quyền mua bán điện. Cái mà EVN mang lại lợi ích lớn nhất cho Quốc gia chính là tạo điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu chỉ vì lợi nhuận của EVN để so đo, tính toán thì nền kinh tế sẽ thiệt hại không nhỏ, lợi riêng đó cao đến mức nào cũng không thể bù đắp. Nếu người lãnh đạo vĩ mô nhìn rõ điều này thì rất cần có bàn tay cứng rắn để “uốn nắn” EVN, trước hết là “chỉnh” lại cách đóng "chiếc thang ô-van" giá điện.
Đinh Hoàng (Bài đăng Báo Người cao tuổi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét