Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

 Tham nhũng có quá khó tìm?

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta đang có những bước đi khiến người dân vui mừng, khích lệ. Cái “bộ phận không nhỏ” được nói nhiều cuối cùng cũng đang phát lộ bằng những con người và vụ việc cụ thể.
Chỉ từ một chuyện có vẻ như vô tình xuất hiện chiếc xe tư nhân lại mang biển xanh (biển số xe công) đã lộ ra vụ việc ở Bộ Công Thương và người đứng đầu Bộ này dẫu đã “hạ cánh” cũng phải lãnh trách nhiệm trước dân, bước đầu chịu hình thức kỉ luật Đảng. Cũng từ đây đang phát lộ thêm những trường hợp khác cho thấy sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở một số nơi đã bị vô hiệu hóa bằng cách hành xử chuyên quyền, vô nguyên tắc, mất dân chủ của chính những đảng viên là người đứng đầu. Hậu quả của nó không chỉ hiển hiện là mấy chục nghìn tỉ đồng của dân ở những dự án “đắp chiếu”. Cái hậu quả không dễ nhìn ra, đó là uy tín của Đảng, là niềm tin của Nhân dân vào một thể chế của dân, do dân có thể bị lái theo hướng không còn vì dân.
Một điều được nhiều người đặt ra là tham nhũng khó tìm vậy sao, khi mà nó đang trở thành phổ biến, thực sự đang diễn biến, làm chuyển hóa thể chế Nhà nước của dân? Hầu hết các vụ việc tham nhũng lại không phải do các tổ chức Đảng phát hiện. Công luận, báo chí như một áp lực để các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc trước các vụ việc tham nhũng. Áp lực đó phải chăng là nguyên nhân khiến vị lãnh đạo của một cơ quan mang trách nhiệm chống tham nhũng lại công khai mách nước cấp dưới cách vô hiệu hóa báo chí!
Những ngày gần đây cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện một vài vụ việc không phải lớn nhưng nó lại là cơ hội cho công cuộc chống tham nhũng: Những tờ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) được sử dụng làm công cụ “rửa tiền” ngân sách. Đó là việc lực lượng an ninh kinh tế, công an Hà Nội phát hiện 2 đường dây mua bán, tiêu thụ hóa đơn GTGT: Một vụ do Hoàng Lệ Hằng (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) cầm đầu, chỉ 2 năm hoạt động đã xuất khống gần 3.200 hóa đơn với tổng giá trị hơn 780 tỉ đồng của 33 công ty "ma" cho hơn 500 doanh nghiệp, tổ chức, gây thất thu hơn 78 tỉ đồng tiền thuế. Một vụ do Phạm Hồng Sơn (trú tại Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) cầm đầu. Chưa đầy 1 năm Sơn đã bán 50 quyển hóa đơn GTGT, trị giá doanh thu ghi trên các hóa đơn khoảng trên 30 tỉ đồng. “Khách hàng” của Sơn là một số ngân hàng thương mại, doanh nghiệp lớn và tổ chức chi tiêu ngân sách nhà nước.
Các ngân hàng, doanh nghiệp, cơ quan là "khách hàng" mua hóa đơn lậu làm gì? Câu trả lời có lẽ không khó với cơ quan bảo vệ pháp luật và người dân. Nhiều người ngạc nhiên vì tiền thuế của dân sao mà dễ "đục khoét" đến vậy!
Chỉ cần 2 vụ việc trên, nếu cơ quan chức năng quyết tâm lần tìm theo “đường đi” của những tờ hóa đơn GTGT có “tên tuổi” đàn hoàng, thiết nghĩ, việc tìm ra những thủ phạm đục khoét tiền của Nhà nước đâu đến nỗi quá khó khăn? Vấn đề là sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi  ngày 23/12/2016

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

 Tài nguyên


Đang mải tưới cây cảnh trước sân, trưởng thôn Văn Hán không nhận ra tay Vơ, cán bộ địa chính đến từ lúc nào đang nghênh đầu, vê cằm râu lởm chởm nói:
      - Hết thời cây cảnh rồi bác Hán ơi, nghĩ cách khác mà kiếm tiền.
      - Chú Vơ đấy à? - Trưởng thôn Hán không ngừng tay, nói - Chú có cách gì kiếm tiền? Chân trưởng thôn quèn như tôi bận tối mắt, kiếm chác gì? Đất đai thôn mấy năm đô thị hóa đã cắt, chia bán hết rồi.
      - Đất hết thì phải tìm nguồn tài nguyên mới chứ. Bác đang có nguồn tài nguyên không bao giờ cạn! - “Vơ địa chính” nheo nheo cặp mắt lươn tủm tỉm.
      Trưởng thôn Văn Hán:
      - Cậu từng là đầu nậu khai thác cát sông, sở trường chỉ là hút cát đem bán, nộp thuế tí ti gọi là, lãi bao nhiêu bỏ túi hết. Làm cán bộ quản lí đâu dễ. Mà này, ý cậu muốn nói tài nguyên gì thế?
      - Là 2.000 nhân khẩu trong thôn! - Vơ nói như đinh đóng cột.
      - Cậu cứ nói chơi, dễ tôi đem dân đi bán được chắc?
       - Ai lại bán dân. Xin hỏi bác nhé, nếu mỗi khẩu nộp 10.000 đồng thì thôn có bao nhiêu tiền?
      Nhẩm tính vài giây, trưởng thôn nói:
      - 20 triệu. Nhưng bỗng dưng ai người ta nộp tiền?
      - Thế mới phải có sáng kiến. Theo em, có rất nhiều cách thu tiền có lí, đúng luật. Ví như ta lập cái gọi là “Quỹ chỉnh trang thôn văn hóa”, yêu các hộ cưới xin, ma chay… đóng đôi ba triệu gọi là. Hoặc mở cái "Quỹ Xây dựng" yêu cầu ai xây nhà mới hay cơi nới, sửa chữa phải đóng cho thôn 10% giá trị công trình. Hay “Quỹ giữ gìn môi trường” thu trên đầu nhân khẩu vì càng đông người thì càng nhiều rác. Quỹ này có thể thu mỗi khẩu 5.000 - 10.000 đồng/tháng chẳng hạn. Chỉ vậy mỗi tháng đã có khối tiền rồi. Lúc ấy bác chỉ nghĩ cách mà chi…
      Vơ  cao hứng ba hoa, trưởng thôn Văn Hán xua tay:
      - Thôi thôi… tôi hiểu rồi, cậu đúng không hổ danh gốc kinh doanh, ranh mãnh! 
    “Vơ địa chính” đã về, trưởng thôn Văn Hán tiếp tục tưới cây, vừa làm vừa ngẫm nghĩ: Chẳng lẽ, túi dân cũng là… tài nguyên!?

Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi  số cuối tháng 12/2016

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Đèn cù

Đèn cù là cách gọi khác của người xưa về chiếc đèn kéo quân, một trong số đèn Trung Thu, đồ chơi cho trẻ em. Trên đèn ta nhìn thấy hoạt cảnh xã hội những hình nhân, voi giấy, ngựa giấy tít mù nó chạy vòng quanh...
Hiện nay nhiều khi người dân cũng phải “chạy” chẳng khác mấy trên chiếc đèn cù đồ chơi trẻ em mà nguyên nhân xuất phát từ những quy định trên mây!
Cách đây hơn chục năm có một thông tư hướng dẫn, theo đó mỗi người dân chỉ được đăng kí xe mô-tô một lần nhằm hạn chế tình trạng tăng nóng phương tiện này tại các thành phố lớn. Tuy nhiên nhu cầu sở hữu xe của người dân là rất lớn và đa dạng. Nhiều người đã mua, đăng kí xe rồi lại bán trao tay để thay xe. Về nguyên tắc trường hợp này sẽ “hết đường” mua xe mới. Nhưng người dân rất linh hoạt “ứng phó” với chính sách. Hàng loạt người ở nội đô về quê để nhờ bạn bè, người thân đứng tên sở hữu giùm phương tiện. Cuối cùng quy định trên cũng bị vô hiệu hóa, tự đi vào quên lãng và sau 2 năm được sửa sai bằng một thông tư khác. Người dân chịu một hệ lụy phiền toái “xe không chính chủ” cùng sự tốn kém tiền của.
Những tưởng nhờ người thân đứng tên giùm sẽ yên tâm sử dụng phương tiện (coi như mượn xe) thì gần đây người dân lại lo lắng về việc quy định sử dụng xe phải chính chủ. Ai đã nhờ người thân đứng tên đăng kí hộ nay lại phải làm thủ tục để phượng tiện trở lại đúng là “của mình”, tránh gặp phiền phức khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Cách đây 3 năm Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 38/2013/TT-BGTVT, theo đó giấy phép lái xe hai bánh và ô-tô bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang giấy phép mới bằng vật liệu PET theo lộ trình từng loại. Và sau đó, Thông tư 58/2015/TT-BGTVT của Bộ này còn quy định rõ chế tài buộc sát hạch lại lí thuyết đối với những người không đi đổi giấy phép sang thẻ PET (không hiểu giữa cầm tấm bằng giấy bìa và tấm bằng thẻ PET liên quan gì đến nhận thức, trình độ của người dùng giấy phép?).
Một lần nữa người dân lại nháo nhác chạy để đổi bằng kịp thời hạn khiến các cơ quan đăng kí ùn tắc. Trước bức xúc của dư luận, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã thanh tra và kết luận việc buộc người dân chuyển đổi giấy phép lái xe còn thời hạn từ giấy bìa sang vật liệu PET là tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, không phù hợp với pháp luật hiện hành. Cuối cùng lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã phải lên công luận thông báo rằng không bắt buộc việc đổi bằng như trên khi bằng lái còn hạn sử dụng. Nhiều người lại một lần nữa bị phiền toái và mất tiền oan vì chính sách (và người dân cũng chưa nhận được lời xin lỗi từ cơ quan ban hành quy định này)!
Việc ban hành chính sách xa rời thực tiễn, thiếu tính khả thi gần đây xuất hiện ngày một nhiều ở các ngành. Phải chăng sự quan liêu, xa rời thực tiễn và năng lực hạn chế của đội ngũ tham mưu là nguyên nhân của thực trạng này? Cơ quan chức năng cứ đưa ra những quy định khiến người dân phải chạy vòng quanh như đèn cù thì biết đến bao giờ mới có một chính quyền kiến tạo?
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi  ngày 8/12/2016

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Chuyện những con số, đẹp và chưa đẹp


Những cặp số 05-21-31-33-38-42; 03-05-08-10-13-22… hay 12-16-17-18-22-30… với mọi người chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên khi đó là kết quả giải xổ số điện toán Vietlott vừa qua thì với người trúng giải, đó lại là những số "siêu đẹp" bởi giá trị của nó lên tới nhiều chục tỉ đồng.


Kết quả hình ảnh cho xe ô tô biển số đẹp


Những con số như 6868, 8686, những cặp 4 số 6666, 8888, hay 9999… được không ít người coi là "số đẹp" (trong tiếng Hán 6 là lục, nghe như từ lộc, 8 là bát, âm như từ phát, 68 là lộc phát; cụm 4 số giống nhau gọi là tứ quý, nhiều số 9 là cửu tuyền v.v). Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm mang màu sắc duy tâm, không có cơ sở khoa học hay thực tiễn, bởi không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra với xe có biển "số đẹp"!

Gần đây dư luận quan tâm hiện tượng đa số xe sang, đắt tiền mang những biển số được coi là "rất đẹp". Việc cấp biển số xe nay đã được thực hiện bấm số tự động ngẫu nhiên, khách quan. Tuy nhiên dư luận nghi vấn bởi rất ít người bấm được những dãy số "đẹp" trong khi người sở hữu xe đắt tiền thường lại rất "may mắn"! Xem ra quy trình bấm số chưa hẳn đã khách quan.

Và, chuyện "số đẹp" vừa qua đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội khóa XIV. Nhiều ý kiến cho các "số đẹp" (cả biển số xe, số điện thoại…) là tài sản công, cần được thu về và đưa ra đấu giá thu tiền cho ngân sách nhà nước. Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên chuyện "tài sản số đẹp" chưa ngã ngũ.

Lẽ thường kho số điện thoại là sở hữu của doanh nghiệp viễn thông, kể cả khi đó là doanh nghiệp nhà nước. Nếu dùng biện pháp hành chính can thiệp để thu lại các "số đẹp" xem ra chưa thật hợp lí trong môi trường doanh nghiệp cần được tự chủ kinh doanh. Còn giữ lại các "số đẹp" trong đăng kí phương tiện giao thông cũng là không công bằng với người dân và doanh nghiệp khi đăng kí, chẳng khác nào công ty xổ số giữ lại "kho số", không cho ra số trúng thưởng! Giữ lại "số đẹp" của phương tiện giao thông thì việc bấm số ngẫu nhiên có thể chẳng còn ý nghĩa! 

Tóm lại những số được coi là "đẹp" (của phương tiện, số điện thoại…) không nên coi đó là tài sản công và thực tế cũng chưa có điều luật nào quy định. Nhà nước muốn đó là tài sản công cần mua lại của doanh nghiệp hoặc cá nhân đã sở hữu hợp pháp và tổ chức bán đấu giá. Cơ quan quản lí cần có biện pháp quản lí, giám sát hữu hiệu trong việc bán số sim, trong cấp số đăng kí phương tiện giao thông bảo đảm tính khách quan, công bằng, không để cá nhân hay tập thể lợi dụng quyền hạn để trục lợi.

Những cặp số luôn vô tri, có thể được coi là đẹp hoặc không đẹp nhưng cách quản lí của cơ quan chức năng rất cần phải… đẹp!

Hoàng Đình Khải
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 30/11/2016

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

 Lời thề công bộc

Ai từng là quân nhân trong quân đội Nhân dân Việt Nam không thể quên 10 lời thề danh dự của quân nhân. Lời thề thứ 9 nói về quan hệ quân dân ghi: Khi tiếp xúc với Nhân dân làm đúng ba điều nên: Kính trọng dân/Giúp đỡ dân/Bảo vệ dân, và ba điều răn: Không lấy của dân/Không dọa nạt dân/Không quấy nhiễu dân. Mỗi buổi sáng thứ Hai trong lễ chào cờ đầu tuần, 10 lời thề lại được đọc dưới cờ cùng 10 lần vang lên giọng xin thề hào sảng của cán bộ, chiến sĩ mỗi đơn vị. Cùng với các hình thức giáo dục khác của quân đội, 10 lời thề quân nhân đã góp phần tạo dựng phẩm chất và phong cách người quân nhân cách mạng, được Nhân dân tin yêu gọi bằng danh từ trìu mến Bộ đội Cụ Hồ. Mỗi chiến sĩ luôn tâm niệm mình là con em của Nhân dân, vì Nhân dân mà phục vụ. Cũng chính vì thế mà Đảng ta đã xây dựng được một đội quân bách chiến, bách thắng. Hầu hết những người được tôi luyện trong môi trường quân đội, khi rời quân ngũ vẫn giữ vững được những phẩm chất của người quân nhân.

Những ngày gần đây liên tục xảy ra những vụ việc cán bộ, công chức (vốn được coi là công bộc của dân) có hành vi không đúng mực, thậm chí côn đồ trong quan hệ, hành xử với người dân khiến dư luận bất bình. Đó là vụ cảnh sát hình sự “vung tay, đá chân” với phóng viên; một trưởng công an huyện coi chuyện liên quan đến sinh mệnh người dân chỉ nhỏ “như cái móng tay”; một cán bộ thanh tra giao thông hành hung nhân viên hàng không giữa nhà ga hàng không quốc tế; gần đây nhất là một cán bộ trẻ hành hung cả người đáng tuổi cha ông mình...
Lực lượng trong cơ quan hành chính Nhà nước không có 10 lời thề danh dự như quân nhân trong quân đội. Tuy nhiên Luật Cán bộ, công chức cũng có các quy định cụ thể để điều chỉnh hành vi của đội ngũ này. Phần quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức có 3 Điều. Ngoài ra còn 3 Điều quy định những việc cán bộ, công chức không được làm. Thực tế có thể nhiều công chức chưa thuộc, hoặc chưa hề biết đến những quy định trong luật. Hằng tuần, tháng, cán bộ, công chức cũng không được nghe đọc những điều trên và thề dưới lá cờ đỏ sao vàng như quân nhân. Phải chăng có những khiếm khuyết hay lỗ hổng trong việc quản lí, giáo dục đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay?
Chính phủ đang nỗ lực xây dựng một bộ máy liêm chính, kiến tạo. Để xây dựng được bộ máy kiến tạo cần những con người có năng lực, trí tuệ. Để xây dựng được bộ máy liêm chính cần một đội ngũ có phẩm chất đạo đức chuẩn mực. Những biểu hiện đáng buồn trên thực sự là một thách thức với các cấp chính quyền và cơ quan hành chính Nhà nước trong thực hiện mục tiêu của Chính phủ. Nên chăng Chính phủ cũng cần có những hình thức, biện pháp cụ thể hơn trong xây dựng đội ngũ liêm chính, ví  như đề ra những cam kết dạng như lời thề của công chức trước tổ chức, trước Nhân dân. Hiện các vị trí lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, Nhà nước và Quốc hội đã thực hiện nghi thức tuyên thệ trước Quốc hội và Hiến pháp khi nhậm chức.
Thiết nghĩ, có một quy định chuẩn dạng như lời thề và thường xuyên nhắc nhớ công chức về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình dưới là cờ Tổ quốc là một hình thức giáo dục thiết thực. Như vậy đội ngũ cán bộ, công chức sẽ luôn nhớ trách nhiệm và vinh dự trước niềm tin và sự ủy thác của Nhân dân. 
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 22/11/2016

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

 Đa nguyên

Đây là cụm từ thường được một số phần tử chính trị lưu vong, một vài tổ chức chống phá Việt Nam định cư ở nước ngoài hay dùng với mục tiêu lòe bịp người ít hiểu biết về dân chủ. Họ từng “góp ý” trong dịp sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trước khi ban hành Hiến pháp năm 2013. Trong  những điều góp ý đề nghị sửa đổi, nổi lên vấn đề cốt yếu nhất, đó là loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và “phi chính trị hóa quân đội nhân dân”. Mục tiêu họ hướng tới là có một thể chế đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập - điều mà một vài nước thù địch với Việt Nam trước kia hằng mong đợi. Tuy nhiên nay hầu như không còn quốc gia nào công khai thù địch với một nước Việt Nam hòa bình, thể chế chính trị ổn định, uy tín, vị thế trên trường quốc tế ngày một nâng cao.
Vậy đa nguyên là cái gì và vì sao một số người muốn có nó như vậy? Liệu trên thế giới đã có đa nguyên chính trị?
Trước hết ta thử xem nước Mỹ có đa nguyên hay không? Tác giả cho là không bởi mấy căn cứ: Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa là hai đảng không hề đối lập về chính trị. Nó chỉ là hai nhánh quyền lực của một đảng của giai cấp tư sản Mỹ. Hai đảng này luân phiên nhau phân chia quyền lực, bảo vệ lợi ích của các nhà tư bản. Mỗi kỳ tranh cử chỉ là sự biểu diễn, trang hoàng cho một chế độ được gọi là dân chủ. Có người sẽ nghĩ, Đảng Cộng sản Mỹ là một đảng đối lập? Khía cạnh nào đó về tư tưởng thì đúng là hai đảng này đối lập. Tuy nhiên Đảng CS Mỹ chỉ được tồn tại khi không trở thành mối nguy cơ trước quyền lợi của giai cấp tư sản. Cho Đảng CS Mỹ tồn tại ở mức như hiện thời, được phép đấu tranh nghị trường “cải lương” cũng là một cách trang trí cho một thể chế được xem là dân chủ của xã hội Mỹ.
Ở các nước tư bản phát triển khác như Anh, Pháp, Đức… mô hình đảng phái được thể hiện có đôi chút khác nhau về hình thức song bản chất cũng tương tự nước Mỹ. Các đảng gọi là “đối lập” nhưng thực chất chỉ cạnh tranh ảnh hưởng quyền lợi kinh tế, về chính trị không có sự đối lập. Đảng Cộng sản tại mỗi nước chỉ mang tính nghị trường, đấu tranh cải lương, không bao giờ thực sự là đối trọng về chính trị, muốn tồn tại thì không được đe dọa tới quyền lợi của giai cấp tư sản và an toàn của Nhà nước tư bản.
Tóm lại, trên thế giới hiện tại, những quốc gia phát triển nhất chính là những nước có sự “độc đảng” ở tầm cao nhất. Sự độc đảng đã quy tụ được sức mạnh chính trị - nền tảng phát triển kinh tế của một quốc gia. 
Nhìn lại lịch sử dân tộc ta hàng nghìn năm, tuy chưa có đảng phái nhưng thể chế đương quyền mỗi thời kỳ cũng có thể gọi là một đảng, người đứng đầu đảng chính là đức Vua. Thời kỳ nào mà “vua sáng”, “tôi hiền” thì thể chế vững mạnh, kinh tế phát triển, dân sinh sung túc, đất nước thái bình, ngoại bang không có cớ ngó nhòm thôn tính. Những khi xuất hiện một lực lượng chính trị đối lập cùng sự tha hóa của thể chế đương thời, đó là sự bắt đầu của những nội chiến, phân tranh, đầu rơi, máu chảy... Đó cũng là cơ hội cho ngoại bang nhảy vào “đục nước béo cò”, “đè đầu, cưỡi cổ”, dựng nên những thể chế tay sai phục vụ cho việc vơ vét tài nguyên, bóc lột dân lành.
Một số người đang nhầm lẫn, coi hình mẫu Nhà nước tư bản là thể chế đa nguyên mặc dù chính các nước này không hề và chưa bao giờ chấp nhận sự “đa nguyên” đúng nghĩa như nói ở trên.
Đảng Cộng sản VN trong 86 năm tồn tại, phát triển đã có một số giai đoạn phạm sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, những sai lầm, khuyết điểm đều được nhận ra, kiên quyết sửa chữa, chính vì vậy đã quy tụ được sức mạnh của cả dân tộc, đánh đuổi hết ngoại xâm, đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển không ngừng. Thành tựu kinh tế, vị thế chính trị của Việt Nam đã và đang được cả thế giới thừa nhận, tôn trọng. Chỉ nhìn vào những thiếu sót, sai lầm của một số chính sách, biện pháp thực hiện, sai phạm của một số cá nhân cụ thể để rồi quy kết đó là bản chất của Đảng Cộng sản VN là một sự thiên kiến không thể chấp nhận. Họ thừa biết, chỉ cần một nhóm mấy trăm người, xưng danh một đảng “đại diện” của dân, dựng lên một ngọn cờ là đủ cớ cho sự can thiệp từ nước ngoài, tương tự như tại Apghanistan, Libya hay Syria hiện nay. Cùng với thể chế “đa nguyên”, quân đội cũng được vô hiệu hóa bằng mục tiêu “phi chính trị hóa” - tức là trung lập khi an ninh của Đảng, của chế độ bị đe dọa. Một khi quân đội không còn bản chất chính trị là quân đội của Đảng, của giai cấp công nhân, khi đó nòng súng chỉ biết hướng lên trời để bắn “chỉ thiên” cho vui tai.
Đa nguyên chính là cái bẫy dân chủ của Chủ nghĩa tư bản và các thế lực thù địch.
Đinh Hoàng

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

 Giữ cho tiếng Việt sáng trong


          Tiến trình hình thành và phát triển lịch sử dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay đã hội đủ những yêu cầu cho sự nghiệp phát triển văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội.
          Tuy nhiên, bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế, ngôn ngữ tiếng Việt chịu sự chi phối mạnh mẽ của nhiều ngôn ngữ trên thế giới, trong đó nổi bật là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga...Việc sử dụng một số từ nước ngoài trong các văn bản pháp quy dần dần mặc nhiên được thừa nhận bởi trong tiếng Việt còn thiếu. Đó là điều tất yếu với bất kì ngôn ngữ nào trong một thế giới ngày càng “phẳng” và “hẹp” hiện nay.

Thế nhưng, hiện đã có sự lạm dụng thái quá trong tiếp cận, sử dụng ngôn ngữ nước ngoài. Đặc biệt, việc sử dụng tiếng Anh lai tạp, tuỳ tiện đến mức báo động trong giới trẻ, học sinh, sinh viên, kể cả trên truyền thông, báo chí. Trên các trang mạng, nhất là trên phây-búc (facebook), thư điện tử…, lứa tuổi học sinh, sinh viên đã biến thái tiếng Việt thành những kí hiệu kì quái khó hiểu. Một số người mẫu, ca sĩ, phát thanh viên, dẫn chương trình truyền thông, báo chí khi nói thích đệm vào một vài từ tiếng Anh rất phản cảm. Sử dụng ngoại ngữ như vậy rõ ràng không phải vì mục đích thông tin, nó chỉ thông tin cho người khác rằng họ biết ngoại ngữ.
Việc viết tên người, địa danh nước ngoài một số người cứ bê nguyên xi ngoại ngữ vào trang viết, trên chương trình phát sóng khiến khán, thính giả “bó tay chấm com”. Nhiều thuật ngữ được Việt hoá từ lâu như Ác-hen-ti-na, Bra-xin, a-xit, ba-zơ, can-xi... lại được thay bằng nguyên dạng hoặc gần dạng Anh, Pháp: Argentina, Brazil, acid, base, calcium... Còn cách đọc thì mỗi nơi một kiểu, chẳng hạn tên viết tắt của nhóm G7, G20 nơi đọc là “gờ bảy”, “gờ hai mươi”; nơi lại đọc là “giê bảy”, “giê hai mươi”; chữ GDP nơi đọc là “giê-đê-pê”, nơi đọc là “gi-đi-pi”; chữ CPI người thì đọc xê-pê-i, người đọc xi-pi-ai, v.v.
 Hiện các chữ cái tiếng Việt đang nhảy múa xoay quanh ba hệ thống thường chưa được thống nhất là “a-bờ-cờ, “a-bê-xê”, “ây-bi-xi” (Việt, Pháp, Anh ngữ) và cách phiên âm ra tiếng Việt. Ảnh hưởng của ngoại ngữ vô tình làm lệch chuẩn tiếng Việt. Việc các chữ trong bảng chữ cái “nhảy múa” bằng cách gọi khác nhau làm tiếng Việt trở nên thiếu chặt chẽ và kém chính xác.  
Nhiều chuyên gia ngôn ngữ trên thế giới đã thừa nhận vẻ đẹp, sự trong sáng, phong phú của tiếng Việt. Đây cũng là công cụ giúp cho bao thế hệ văn nhân, hào kiệt viết nên những áng văn bất hủ. Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhắc nhở: “Khi xã hội có nhiều người nói tiếng bồi, đó là một xã hội bị nô dịch về ngôn ngữ”. Là một quốc gia đầy tự hào với hàng ngàn năm lịch sử văn hiến, một đất nước anh hùng đấu tranh giải phóng dân tộc, đã có nền độc lập tự chủ, lẽ nào ta lại tự đưa mình vào cái vòng “nô dịch” về ngôn ngữ?


Trước đây có một số ý kiến của các nhà giáo dục, nhà khoa học nêu lên sự cần thiết có một Bộ Luật về ngôn ngữ để thống nhất cách nói, cách viết tiếng Việt. Bẵng đi, nay ít người đề cập lại vấn đề này. Khi ngôn ngữ đã được luật hoá, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và sự tiếp nhận ngôn ngữ bên ngoài để làm giàu tiếng Việt sẽ đi vào thực chất và bền vững. Và đó chính là cách làm khoa học, đúng đắn để tiếng Việt thực sự là một ngôn ngữ quốc gia, một công cụ giao tiếp và tư duy hữu hiệu để phát triển đất nước. 
(Theo Báo Người cao tuổi) Hoàng Đình Khải

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Tật hiếu kì  

Sự quan tâm luôn đối lập với thái độ vô cảm. Tuy nhiên sự quan tâm vô thức, thiếu lí trí đôi khi lại trở thành sự hiếu kì.
Nhiều người còn nhớ trước đây từng xảy ra chuyện một người đàn ông tập thể dục buổi sáng đứng ngửa măt lên trời tập vai gáy. Trước mặt ông là khu nhà cao tầng. Một người chưa biết đó là động tác ông tập thể dục, tưởng có chuyện gì xảy ra nên cũng đứng lại ngước nhìn lên. Thế rồi một người khác, một người khác nữa… tất cả cùng hiếu kì ngước nhìn và nháo nhác hỏi nhau “chuyện gì thế?”. Chẳng ai biết chuyện gì! Chỉ sau chừng mười phút đã hình thành một đám đông tràn cả ra đường. Giao thông bắt đầu ùn tắc nhưng người mới đến vẫn tiếp tục dừng lại và nháo nhác hỏi nhau. Tất nhiên chẳng ai biết là có chuyện gì. Người đàn ông tập thể dục đã về từ lúc nào, để lại một đám đông vô định.
Tâm lí hiếu kì của đám đông nơi công cộng, trong cộng đồng là một tật xấu nay đã bị lợi dụng cho lợi ích cá nhân.
Dư luận cộng đồng mạng và cả báo chí từng “sốt” với một số hiện tượng lạ như ca sĩ Lệ Rơi, Bà Tưng (Nguyễn Thị Huyền Anh) rồi Công chúa Thủy Tề (Tùng Sơn)… Những nhân vật trên chẳng có tài năng đặc biệt gì. Họ chỉ đưa lên mạng những hành xử kì dị, lạ đời của mình mà thôi. Sự hiếu kì của đám đông như đã “tôn” lên khiến họ nổi tiếng. Rồi họ đã tranh thủ sự nổi tiếng giả tạo ấy cho mục đích riêng.
Chuyện phở mắng, bún chửi trước kia chỉ nghe phong thanh đâu đó ở Hà Nội thì nay đã có một “gương mặt điển hình” - một bà chủ quán bán bún. “Phong cách” vừa bán vừa chửi khách bỗng dưng thu hút sự hiếu kì của nhiều người. Sự hiếu kì được đẩy lên đỉnh điểm khi một hãng truyền thông nước ngoài đưa lên sóng (không rõ họ khen hay chê văn hóa Việt?). Lẽ ra ta nên hiểu đó là một sự tủi hổ thì có tờ báo đưa thông tin này như một sự độc đáo, chẳng khác gì như cổ súy cho cách hành xử thiếu văn hóa. Các cụ ta xưa từng khuyên dạy “Trời đánh còn tránh miếng ăn”, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” và “lời chào cao hơn mâm cỗ” v.v. Có lẽ trong môi trường giáo dục của mình, bà chủ quán trên chưa bao giờ được nghe những lời dạy như trên. Và nhiều người không biết do thèm muốn món ăn hay hiếu kì vẫn kéo đến quán này để “thưởng thức” món… chửi. Phải chăng những thực khách đó chưa nghe câu “miếng ăn là miếng nhục”? 
Tật hiếu kì như đã lan nhiễm vào giới truyền thông. Chỉ vì thông tin không được kiểm chứng cẩn trọng của một tờ báo rằng “nước mắm cá truyền thống có tới 67% là nhiễm asen!”. Thế rồi giống như sự hiếu kì, mấy tờ báo khác cùng hàng nghìn chủ trang facebook hùa theo đăng tải mà chẳng ai kiểm chứng. Món đặc sản cha ông ta từ bao đời cùng làm một loại chất liệu, cùng một quy trình sản xuất chưa bao giờ gây độc hại mà nay còn được thế giới biết đến. Vậy mà truyền thông và mạng xã hội đã giáng một “trận đòn hội đồng” xuýt khai tử nghề sản xuất truyền thống.
 Tật hiếu kì tưởng vô hại nhưng thực tế đã để lại những hậu họa không lường.
Hoàng Đình Khải
 Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 4/11/2016

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

 Truyền thông có bị “mượn tay”?

Câu chuyện nước mắm đang như sôi lên trong dư luận cả nước.
Người tiêu dùng bừng tỉnh khi ngày 10/10 một tờ báo đăng bài viết khá chi tiết về thực chất của nước chấm công nghiệp đang được nhiều người theo nhau tin dùng. Rõ ràng loại nước chấm này đạt được những yếu tố mà nhiều bà nội trợ mong muốn là vừa rẻ vừa ngon lại giữ được lâu không chuyển mùi như nước mắm cá. Bài báo cũng đưa ra sự thật của nước chấm công nghiệp chính là công thức: Nước + hóa chất, trong đó có 17 loại hóa chất khác nhau. Loại nước chấm chỉ việc pha chế như trên đã rút ngắn thời gian sản xuất, hạ giá thành sản phẩm nên nước mắm truyền thống khó lòng cạnh tranh. Từ chỗ “tay không”, nước chấm công nghiệp đã chiếm lĩnh 76% thị phần trong nước với hàng nghìn tỉ đồng doanh thu mỗi năm.
Hãy xem quy trình làm nước mắm cá của cha ông ta từ ngàn xưa:
Từ sản phẩm nguyên liệu cá tươi, việc làm mắm gồm các bước: 1/Làm chượp (cá được trộn muối) với công thức 3 cá + 1 muối (tỉ lệ muối 25-30%). 2/Vào chượp: Nạp từng lớp cá vào thùng chứa (gỗ), xả nước vừa đủ. Trên cùng phủ lên mặt chượp một lớp muối; 3/Nén chượp: Dùng thanh dằn, đá dằn nén làm cho cá ép thành một khối, rút ra nước bổi. Sau khi đã chằn chượp, đổ lại nước bổi vào phủ mặt chượp. Trong 15 ngày đầu kéo rút liên tục để trao đổi nước bổi trong và ngoài; 4/Chàm soi chượp: Sau 15 ngày kéo rút, để chượp nguyên trạng, nước bổi thừa cho vào thùng chứa riêng không đậy kín. Thùng hoặc bể mắm đặt khô ráo, thông thoáng và có ánh sáng trời. Duy trì chượp đến cuối tháng thứ ba; 5/Kéo rút: Trong 3 tháng đầu định kì kéo rút không để nước tràn, cũng tránh rút kiệt nước trơ mặt chượp; 6/Ra thành phẩm: Thành phẩm là nước mắm các loại được rút ra từ chượp chín (cuối tháng thứ 4 đến tháng thứ 6), gồm: Nước mắm cốt là loại nước mắm thượng hạng có màu vàng rơm đến cánh gián, hương thơm, vị ngọt dịu đậm, độ đạm cao (25 g/l), càng để lâu càng thơm ngon và có màu u đen lại, làm gia vị cho thức ăn cao cấp; Nước mắm loại 1: Do nước chan kéo qua chượp đã rút 90% cốt, hàm lượng đạm 15 g/l, dùng làm nước chấm; Nước mắm loại 2: Nước chan kéo qua bã chượp đã rút 90% loại 1, hàm lượng đạm 10 g/l, dùng nấu, nêm; Nước mắm loại 3: Đã rút 90% loại 2, hàm lượng đạm thấp, dùng làm nước chan chượp cho mùa mắm sau.  
Với quy trình công phu, tỉ mỉ, tốn thời gian, công sức như trên nên người Việt mới tạo được loại nước chấm dùng hằng ngày, nay đã nổi tiếng thế giới. Nước mắm Việt đã hiện diện trên thị trường châu Á, châu Úc, châu Mỹ và cả thị trường khó tính nhất là châu Âu.
Kì lạ thay, chỉ sau mấy ngày nước chấm công nghiệp bị “vạch mặt, chỉ tên” thì Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) lại hăng hái tự đi lấy mẫu xét nghiệm nước mắm cá (dù không phải hội khoa học và không có chức năng, quyền hạn) rồi nhanh chóng tung ra một khái niệm mập mờ “asen tổng” (thực chất là asen hữu cơ vô hại) trong nước mắm truyền thống! Tiếc rằng thông tin của VINASTAS đã nhanh chóng được nhiều tờ báo đăng tải, cùng với mạng xã hội lan truyền tạo thành “trận đòn hội đồng” với một sản phẩm đặc sản lâu đời!
Trong “cuộc chiến” này, liệu truyền thông có bị “mượn tay”? Các cơ quan chức năng đã và đang vào cuộc làm rõ để xử lí nghiêm vi phạm. Cần trả lại giá trị đích thực, chỗ đứng tin cậy của nước mắm Việt Nam trong niềm tin của người tiêu dùng.
Đinh Hoàng

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Để thiện tâm tỏa sáng

Đồng cảm nỗi đau của đồng bào chịu ảnh hưởng của mưa lũ những ngày qua tại các tỉnh miền Trung, MC Phan Anh đã dành ra số tiền 500 triệu đồng của mình để góp phần nhỏ giúp những người đang oằn mình chịu họa thiên tai đồng thời mở tài khoản kêu gọi mọi người chia sẻ lòng thiện tâm.
Hành động của MC Phan Anh ngay lập tức nhận được hưởng ứng của đông đảo cộng đồng mạng mọi tầng lớp, nhất là tuổi trẻ. Chỉ sau một ngày số tiền góp vào tài khoản quỹ của MC Phan Anh đã lên tới 2 tỉ đồng, nay đã được hơn 18 tỉ đồng và đang tiếp tục tăng thêm.
 Trong ngày 17/10 Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch MTTQ, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi, phát động cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và người dân tổ chức đợt quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng thiên tai.
 Có lẽ truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt khó điều gì có thể làm lu mờ mà trái lại, nó càng tỏa sáng khi đất nước có thiên tai, địch họa...
Để lòng tốt của mọi người được phát huy, tỏa sáng thiết nghĩ các cấp chính quyền cũng cần có cách làm sáng tạo, linh hoạt, không nên theo lối mòn. Trước nay thông thường khi có phát động gây quỹ thiện nguyện của trên, các cơ quan, đơn vị chỉ thông báo chủ trương rồi mặc nhiên trừ vào lương của cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương dù chưa biết họ đồng ý hay không. Vô hình trung một quỹ tự nguyện trở thành bắt buộc và cào bằng có thể gây tâm lí không thỏa mái với nhiều người. Một ngày lương với người thu nhập chỉ 5-6 triệu/tháng và không có nguồn thu nhập nào khác thì cũng là khoản không nhỏ. Trái lại dăm ngày lương với người khác lại là chuyện nhỏ. Lẽ ra trước khi tổ chức quyên góp cần có sự truyên truyền sâu sắc về hậu quả, thiệt hại của đồng bào chịu thiên tai, mục tiêu, chủ trương gây quỹ, định hướng, phương cách trợ giúp đồng bào và cách thức ủng hộ của từng cá nhân. Có thể chủ trương có mức tối thiểu nhưng tuy điều kiện, hoàn cảnh người đóng góp có thể ủng hộ nhiều hơn hoặc thấp hơn. Cần tránh kiểu "đè đầu" cả người còn khó khăn để thu cho đạt chỉ tiêu.
Mấy năm trước, từng xảy ra chuyện cán bộ cơ sở (thôn, xã) một vài địa phương miền Trung đã bớt xén, xà xẻo, không công bằng, minh bạch, thậm chí "ỉm đi" tiền trợ cấp bão lụt khiến lòng tin của người dân cả nước phần nào giảm sút. Vì vậy, cùng với kêu gọi sự ủng hộ của mọi người, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp thiết thực, hiệu quả và chặt chẽ hơn trong việc trợ giúp đồng bào vùng bão lụt, để lòng tốt của người dân cả nước "đến đúng địa chỉ", kịp thời. Làm tốt việc này sẽ là nền tảng cho thiện tâm trong cộng đồng không ngừng tỏa sáng. 
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 21/10/2016

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Cận huyết thống

Một vài dân tộc ít người đang tồn tại tập quán hôn nhân cận huyết thống gây hệ quả thoái hóa giống nòi đã được báo chí thông tin nhiều lần. Khái niệm hôn nhân cận huyết thống hiểu nôm na là kết hôn giữa đôi trai gái có cùng dòng máu. Những gien khiếm khuyết di truyền từ 2 người vợ và chồng sẽ “tích hợp” làm trầm trọng thêm, hệ quả là cho ra đời những đứa trẻ yếu ớt, bệnh tật, thâm chí quái thai. 
Hiểu sâu về chuyện này phải nhờ các chuyên gia y học hoặc chuyên ngành di truyền. Ở đây xin nói về câu chuyện mà hệ quả tương tự việc hôn nhân cận huyết thống, đó là hiện tượng "công quyền cận huyết thống"!
Cách đây 1 năm dư luận xôn xao về chuyện "cả họ làm quan" ở huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Rất nhiều người trong cơ quan huyện có quan hệ họ hàng, thông gia... của vợ chồng Bí thư Huyện ủy huyện này.

Tranh minh họa. Báo Dân trí

Gần đây báo chí đưa tin nhiều trường hợp lãnh đạo ở các tỉnh như Hà Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu,  Bình Định... thanh minh về chuyện "bỗng dưng" con cháu, họ hàng, người thân "bị" bổ nhiệm, quy hoạch, bố trí sắp xếp vào các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh ở những vị trí mà nhiều người đỗ đạt, bằng cấp cao cũng phải mơ. Rồi chuyện con đẻ, người thân cận cựu Bộ trưởng nọ được bổ nhiệm vào những cơ quan, doanh nghiệp lớn gây nghi ngờ trong dư luận v.v.
           Điểm chung những chuyện trên là việc sắp xếp, bổ nhiệm người thân của lãnh đạo đều được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật. Nhiều ý kiến cho rằng nếu đúng quy trình mà không chọn được người thực sự tài đức nhưng lại "ngẫu nhiên" chọn toàn người thân của lãnh đạo thì quy trình đó có vấn đề. Còn nếu quy trình đúng đắn, khoa học thì cần xem lại việc thực hiện quy trình đó thế nào? Một cỗ máy tốt nếu không biết cách sử dụng hoặc cố tình sử dụng sai thì sẽ cho ra sản phẩm hỏng hoặc không được như mong đợi.
 Từ thời vua Lê Thánh Tông cách đây hơn 500 năm đã có Bộ luật Hồng Đức trong đó Luật Hồi tỵ quy định cụ thể việc bổ nhiệm quan lại, những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… thì không được làm quan cùng một chỗ. Đến thời vua Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới để hạn chế quan lại lợi dụng. 
Cha ông ta tuy ở thời phong kiến nhưng đã manh nha quan điểm dân chủ tiến bộ. Việc chọn người tài đức chủ yếu thông qua khoa cử minh bạch và thực hiện nghiêm luật vua ban nên đã chọn được nhiều người tài đức, thu hút được người thực tài phụng sự đất nước.
 Quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức của ta hiện nay chắc chắn tiến bộ, khoa học hơn những điều luật của cha ông xưa. Tuy nhiên quy định, luật pháp luôn có khe hở dễ bị lợi dụng. Ví như nguyên tắc dân chủ sẽ phát huy tốt khi tập thể đó gồm những con người trung thực, những nhân cách độc lập. Khi mà cả cơ quan toàn thấy người nhà của một vài cán bộ thì ý chí tập thể sẽ chỉ là của một vài người. Lúc đó quy trình được dùng như "bức tranh đẹp" che đậy cho những "khuôn hình không đẹp". Kết quả là có những cơ quan quyền lực thấy toàn người "cận huyết thống". Và, giống như cận huyết thống trong hôn nhân, cái xấu, khuyết điểm sẽ bị che dấu, "tích hợp".
 Dần dần, đội ngũ công quyền sẽ có những cán bộ ốm yếu về năng lực, dị dạng về nhân cách, tiềm ẩn hậu quả khôn lường.
Hoàng Đình Khải
Bài đăng Báo Người cao tuổi 7/10/2016

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Giá trị để lại

Khi được hỏi về việc tại sao ông chỉ để lại cho 4 người con mỗi người 10 triệu USD, tỉ phú hàng đầu thế giới Bill Gates cho biết, ông không muốn cho con quá nhiều tiền, bởi ông muốn để con tự do chọn lựa điều chúng muốn làm trong cuộc đời. "Tôi nghĩ một đứa trẻ nên được nuôi dạy để hiểu rằng, chúng sẽ phải tự mình tìm việc và không nên mặc định rằng sẽ có một khoản tiền nào đó hoặc sẽ được trao tất cả số tiền chúng cần", ông Bill Gates chia sẻ. Theo ông, việc để lại cho con một khoản tiền lớn có tác động tiêu cực hơn là tích cực. 
Mark Zuckerberg người giàu thứ 16 thế giới với 46,8 tỉ USD tài sản. Trong bức thư hai vợ chồng gửi con gái đăng trên facebook của ông chủ mạng xã hội, hai người viết: “Max, bố mẹ yêu con và cảm thấy mình có trách nhiệm rất lớn rằng phải tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho con và toàn bộ trẻ em. Bố mẹ mong con có một cuộc sống đầy tình yêu, hi vọng và sự vui vẻ như con đã mang lại cho bố mẹ. Bố mẹ rất nóng lòng muốn trông thấy con sẽ mang đến điều gì cho thế giới này”. Họ thông báo sẽ hiến tặng 99% số cổ phiếu facebook đang nắm giữ, tương đương 45 tỉ USD để cải thiện chất lượng sống và tiềm năng con người trên thế giới. “Mục tiêu hiện tại của chúng tôi là cải thiện giáo dục, y tế, kết nối mọi người và xây dựng các cộng đồng vững mạnh. Chúng tôi biết đây chỉ là sự đóng góp rất nhỏ với tất cả nguồn lực và nhân tài đang giải quyết những vấn đề này”.  
            Năm 2010 khi còn sống tỉ phú Yu Pang-lin người Trung Quốc tuyên bố sẽ chuyển số tài sản trị giá 9,3 tỉ nhân dân tệ (tương đương 2 tỉ USD) vào ngân hàng và di chúc số tiền sẽ được làm từ thiện sau khi ông qua đời. “Nếu các con tôi tài giỏi hơn tôi, chúng sẽ không cần tới số tiền này. Còn nếu chúng không đủ năng lực, gia sản của tôi sẽ chỉ làm hại chúng mà thôi”, ông nói…

Câu chuyện của các cụ tổ hưu phố Thụy Khuê khá rôm rả xung quanh các tỉ phú sử dụng đồng tiền thừa kế cho con cái. Cụ Nhân cho rằng “Tuy chưa thể so với tỉ phú thế giới nhưng Việt Nam ta nay không hiếm những người rất giàu và “siêu giàu”. Nhiều người dù kín kẽ nhưng khi nghỉ hưu thì khối tài sản phần nào cũng phát lộ”. Cụ Cương thì khẳng định: “Ở ta, người dùng phần lớn tài sản để làm từ thiện hay phục vụ lợi ích cộng đồng rất khiêm tốn. Có lẽ tâm lí người Á Đông hay nuông chiều con cái đến mức ích kỉ đã định hình trong nếp nghĩ nên nhiều người chỉ quan tâm thừa kế cho con cháu, chẳng cần biết chúng sẽ sử dụng đống tài sản ấy thế nào”. Cụ Khánh cho biết: “Có người nỗ lực cả đời, thậm chí bất chấp pháp luật, đạo lí, tham nhũng để có đống của cải mà mấy đời dùng chưa chắc đã hết. Ai cũng biết con người khi chết đi thì tiền của chẳng thể mang theo. Nhưng để lại cho con cháu, dường như nhiều người chưa biết rằng có thể họ đã để lại những mầm họa cho tương lai từ đống tài sản”.

Là nhà giáo vừa nghỉ hưu, cụ Tuệ khái quát vấn đề như triết gia: “Không nhiều người giàu hiểu rằng cái mà họ để lại khi từ giã cõi đời giá trị nhất chính là phẩm giá, nhân cách của những đứa con và tấm gương của chính mình. Các tỉ phú Bill Gates, Mark Zuckerberg, Yu Pang-lin… để lại cho đời giá trị lớn nhất không phải hàng tỉ đô-la mà là họ để lại những tấm gương sáng!”.

Đinh Hoàng
 Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 5/10/2016

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Đâu phải sức ì?   

           Thanh Hóa là quê hương cố nhà văn Phùng Gia Lộc, tác giả của câu chuyện “Cái đêm hôm đó, đêm gì” từng gây xôn xao dư luận cả nước năm đầu sau đổi mới. Đó là chuyện người dân tại xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân năm 1983 sống cảnh như những năm 30 của thế kỉ trước. Nửa đêm trống dục trống dồn, dân quân đi thu phí thuế làm náo động làng quê nghèo. Người dân nai lưng đóng góp hàng chục loại phí khiến cuộc sống vô cùng khốn đốn. Những tưởng bài học này không bao giờ lặp lại ở xứ Thanh. 
Nhưng giữa năm trước câu chuyện cũ ở tỉnh này tái diễn thâm thúy và cay đắng chẳng kém “cái đêm hôm ấy...”. Tại một xã thuộc huyện Hậu Lộc người dân đang nai lưng vì những khoản đóng góp, thậm chí trẻ em vừa sinh ra đã thành con… nợ! Đó là chuyện có thật: Theo quy định của chính quyền xã, tất cả nhân khẩu từ 1 đến 60 tuổi phải đóng mỗi năm 50.000 đồng khoản tiền phí “xây dựng trường”. Cùng đó, địa phương này còn thu hàng chục loại phí khác khiến nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần, cuộc sống lao đao. Những người chậm, nợ tiền phí với xã, khi con em đến xin xác nhận hồ sơ, lí lịch... thường được “quan” xã xác nhận xanh rờn: “Bản khai lí lịch của anh, chị… là đúng. Gia đình chưa chấp hành nghiêm chính sách, quy định của địa phương”!  
Thông báo các khoản thu của thôn Phú Nhi

Cứ ngỡ câu chuyện năm 2015 sẽ nhắc chính quyền các cấp từ tỉnh tới thôn ở Thanh Hóa có biện pháp chấn chỉnh ngay. Thế nhưng nhìn vào các khoản đóng góp ở một thôn của xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc (mà Báo Dân trí mới đây đăng tải) tôi chợt nghĩ, có lẽ sức ì của chính quyền một số nơi ở địa phương này lớn quá rồi chăng? Tại thông báo của thôn Hợp Minh (xã Minh Lộc) gửi các hộ dân ghi: “Thu quỹ thiếu niên, bóng đá là 30.000đ/khẩu/năm, phúc lợi xã hội 20.000đ/khẩu/năm, quỹ thôn làng văn hóa 20.000đ/khẩu/năm, quỹ khuyến học 10.000đ/khẩu/năm, quỹ họp dân 50.000đ/hộ/năm”. Ngoài các khoản thu từ thôn, xã cũng đặt ra một loạt các khoản thu khác. Chẳng biết hiệu quả các quỹ mang lại thế nào nhưng gánh nặng thì đang đè lên đôi vai những người dân. Hơn một lần báo chí, công luận lên tiếng nhưng xem ra đây chưa phải chuyện mà chính quyền nhiều nơi ở Thanh Hóa quan tâm. Phải chăng sức ì đã thành căn bệnh cố hữu nơi đây?


Tuy nhiên, khi đọc thông tin về việc hệ thống cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang “cấp tập” vào cuộc trước “tin đồn” Bí thư Tỉnh ủy có bồ nhí và khối tài sản khủng của nữ trưởng phòng tuổi 8X này tôi chợt nghĩ mình đã lầm? Sau tin đồn, hệ thống cơ quan chức năng tỉnh đã vào cuộc một cách mà khó nơi nào làm nhanh hơn. Ngày 17/9 (thứ Bảy) khi thông tin “bịa đặt” lan truyền trên mạng, lập tức ngày 19/9 (thứ Hai) Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công văn số 296-CV/TU gửi các cơ quan đề nghị chỉ đạo, xử lí việc đưa tin bịa đặt, sai sự thật về Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và các lãnh đạo khác. Ngày 21/9, Sở Xây dựng Thanh Hóa cũng ra văn bản số 5332/SXD-VP gửi đến các cơ quan báo chí phủ nhận những thông tin về cán bộ Sở này trên một số trang mạng xã hội. Văn bản còn khẳng định “mạng xã hội phản động đăng thông tin lên liên quan đến cán bộ Sở là hoàn toàn sai sự thật, bịa đặt, vu khống, không có căn cứ, vi phạm Điều 122 Bộ luật Hình sự”…

Kết quả hình ảnh cho hot girl thanh hóa thăng tiến
Dư luận dậy sóng vì sự thăng tiến của một cô gái

Chỉ sau 1 - 2 ngày mà “thông tin bịa đặt” bôi nhọ cán bộ đã được điều tra rõ đúng sai và quy cụ thể chương điều trong Bộ Luật Hình sự thì sao bảo hệ thống công quyền tỉnh này có sức ì?
Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 29/9/2016

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

 Kĩ năng… móc túi


Nghe vậy ai cũng nghĩ ngay đến chuyện những kẻ gian hành nghề chốn bến tàu xe, nơi công cộng chen chúc đông người. Kĩ năng móc túi của bọn này thì chẳng kém những diễn viên xiếc hay nhà ảo thuật tài ba.
Nhưng xin không kể chuyện của chúng ở đây. Cũng là chuyện kiếm tiền nhưng “kẻ gian” lại là những “đại gia” doanh nghiệp tên tuổi.
Dư luận rất bức xúc về chuyện nhà mạng viễn thông (không hiểu do vô tình hay cố ý) đã tiếp tay cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ từ nước ngoài móc túi khách hàng trong nước đến cả trăm tỉ đồng mà họ chẳng biết.
Cụ thể Công ty Sam Media Limited (có trụ sở tại Hồng Kông) sau 3 năm đã thu được từ người dùng điện thoại Việt Nam số tiền gần 230,5 tỉ đồng. Đáng buồn, sau khi phát hiện, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội chỉ có thể phạt doanh nghiệp này 55 triệu đồng dựa theo các quy định hiện hành.
Cái gọi là “kĩ năng kinh doanh” của công ty này thực ra chẳng có gì phức tạp. Họ gửi tin nhắn tới người sử dụng điện thoại một dịch vụ, cuối tin có dòng chữ rất nhỏ đề nghị nếu người dùng không chấp nhận thì thao tác hủy dịch vụ. Ai không hủy đương nhiên là chấp nhận dịch vụ đó, kiểu như “im lặng có nghĩa đồng ý”! Và như vậy rất nhiều người không xem tin nhắn mặc nhiên trở thành nạn nhân để doanh nghiệp lặng lẽ móc túi! Hiện mỗi người sử dụng điện thoại ở ta đang hằng ngày phải nhận hàng chục tin nhắn rác nên đâu phải ai cũng có thời gian để tâm đến những tin nhắn? Đây chính là khe hở “chết người” mà nhà mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lợi dụng để lừa đảo khách hàng. Tuy nhiên, nếu nhà mạng quản lí thực sự nghiêm túc, không vì lợi nhuận hoặc không tiếp tay thì doanh nghiệp ứng dụng khó thực hiện được những chiêu trò như trên.
Kết quả hình ảnh cho nhà mạng viễn thông

Còn nhớ vài năm trước, 3 nhà mạng đang thống lĩnh thị trường viễn thông trong nước là Viettel, Vinaphone, Mobifone đã cùng sử dụng “chiêu thức” tự tích hợp ứng dụng trên Simcard mà không thông báo cho khách hàng, mỗi năm cứ thế tự động “móc túi” gần 200 tỉ đồng gây xôn xao dư luận khi phát lộ. Chẳng biết nay họ còn dùng “chiêu thức” trên nữa hay không nhưng thỉnh thoảng vẫn có khách hàng khiếu nại về cước phí cao bất thường hàng triệu đồng. Nhiều khách hàng thấy cước phí tăng đột biến dăm bảy chục hay đôi ba trăm nghìn có khi cũng tặc lưỡi cho qua. Nhưng dăm bảy chục nghìn với cả triệu khách hàng thì con số không thể là nhỏ. Các nhà mạng đã từng có cách làm ăn gian lận như thế thì sao họ không hiểu rõ chiêu trò của Công ty Sam Media Limited kể trên? Điều nghi vấn nhà mạng cũng hưởng lợi trong chuyện doanh nghiệp “móc túi” khách hàng là hoàn toàn có cơ sở.

Hiện trong lĩnh vực ngân hàng cũng đang xảy ra nhiều vụ việc khách hàng mất tiền vô cớ bởi tội phạm công nghệ thông tin. Các nhà mạng hay hệ thống ngân hàng nếu muốn xây dựng uy tín, kinh doanh trên nền tảng bền vững thì trước hết họ phải bảo vệ khách hàng của chính mình chứ không thể dựa vào những kẻ móc túi!

Đinh Hoàng
Bài đăng Báo Người cao tuổi ngày 28/9/2016