Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017
Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017
Bình luận: Kinh tế chia sẻ
Kinh tế chia sẻ, sẻ chia kinh tế
Có lẽ từ thực tiễn nhu cầu chia sẻ phương tiện giao thông cá nhân
để tiết kiệm chi phí đã ra đời các hãng cung cấp phần mềm gọi xe qua điện
thoại thông minh Uber, Grab.
Sự xuất hiện loại hình doanh nghiệp với cách điều hành mới lạ,
tiện ích đã khiến làng taxi toàn cầu lao đao. Từ vụ kiện của Hiệp hội tài xế taxi chuyên nghiệp ở Barcelona (Tây
Ban Nha), tòa án cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) vừa qua đã
phán quyết Uber cần được phân loại là một dịch vụ vận tải và chịu sự điều
tiết như các hãng taxi khác.
Mới được thí điểm 2 năm nhưng sự đổ bộ của 2 hãng Uber, Grab đã
khiến các doanh nghiệp taxi tại Việt Nam điêu đứng vì sụt giảm doanh thu cùng
sự giảm sút nguồn thuế của Nhà nước. Ưu thế công nghệ vượt trội, không bị
ràng buộc nhiều điều kiện của xe taxi, nhưng Uber, Grab có đúng là loại hình
kinh tế chia sẻ, tận dụng lái xe nhàn rỗi?
Ai cũng biết, sở hữu một chiếc ô tô hầu hết là người khá giả hoặc
thu nhập tương đối cao và có việc làm ổn định. Không có người thu nhập thấp
lại đi vay tiền mua xe rồi để nhàn rỗi, chờ chia sẻ. Người khá giả, người có
công việc ổn định thì mấy ai chấp nhận sự điều hành của hãng công nghệ bất kể
lúc nào chỉ nhằm kiếm thêm mấy đồng bạc lẻ? Nhiều nhà quản lí vận tải khẳng
định 100% các xe Uber, Grab do người lái xe đầu tư (kể cả vay trả góp) để
kinh doanh.
Các hãng Uber, Grab đang minh chứng mình chỉ là bên cung ứng dịch
vụ phần mềm gọi xe, không phải là công ty vận tải. Nhưng thực tế họ là người
trực tiếp thu tiền của hành khách, quyết định giá cước (thậm chí theo giờ) và
trả tiền thuê lái xe. Mọi khâu quan trọng nhất trong dây chuyền kinh doanh
đều do hãng công nghệ đảm nhận. Người lái xe trực tiếp cầm vô lăng đưa đón
khách và nhận tiền thù lao! Vậy thì Uber, Grab đâu phải loại hình kinh tế
chia sẻ?
Ban đầu giá cước của Uber, Grab khá cạnh tranh nhưng đến nay giá
cả đã tương đồng với taxi truyền thống, thậm chí giờ trọng điểm còn cao hơn.
Sự bất bình đẳng ai cũng nhận thấy giữa 2 loại hình vận tải này: Thuế GTGT
của taxi truyền thống 10%; Uber, Grab 3%. Taxi truyền thống phải đóng các
loại bảo hiểm cho người lao động, hành khách đi xe cùng hàng loạt điều kiện
về lưu thông trên đường, tiêu chuẩn bắt buộc của lái xe... trong khi Uber, Grab
không bị ràng buộc. Người lái xe cho hãng taxi công nghệ liệu có biết mình
đang bị tước đi quyền lợi khi chỉ nhận chút thù lao trên mỗi cây số đường?
Nếu xảy ra tai nạn, hành khách rất khó đòi hỏi sự bồi thường từ những người
tài xế vốn chẳng khá giả, còn hãng công nghệ thì như vô can!
Dù nắm mọi mắt xích quan trọng trong kinh doanh nhưng Uber, Grab
nói họ chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải, 80% doanh thu vận tải còn lại
được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác. Với danh xưng cung ứng phần mềm gọi
xe, các hãng taxi công nghệ như đang “núp” sau tấm lưng gầy của người lái xe
để hưởng lợi. Với 20% doanh thu tự nhận và 3% đóng góp thuế GTGT, hết trách
nhiệm sau khi thanh toán tiền công cho lái xe, vậy thì họ đã “sẻ chia” được
bao nhiêu cho cộng đồng xã hội và nền kinh tế?./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận
đăng Báo Người cao tuổi ngày 27 tháng 12 năm 2017
|
Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017
Bình luận: Khuyến khích dân đi máy bay?
Khuyến khích dân đi máy bay?
Do chi phí đầu tư cao nên giao thông hàng
không chủ yếu dành cho người có thu nhập khá trở lên. Ngay công chức thừa
hành công vụ cũng chỉ người có tiêu chuẩn và tiêu chí nhất định mới được bảo đảm
chi phí mua vé. Việc khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thường áp
dụng với xe buýt công cộng. Ngay các nước phát triển trên thế giới cũng chưa
thấy nước nào có chính sách “xa xỉ” là khuyến khích, hỗ trợ sử dụng giao
thông hàng không.
Vậy mà hiện nay Việt
“Phong trào” xây dựng sân bay cấp tỉnh nở rộ nhiều
năm qua, đến nay cả nước đã có 22 cảng hàng không, sân bay. Theo quy hoạch
đến năm 2020 sẽ có 81 dự án về sân bay được triển khai. Một đất nước phát
triển như
Hỗ trợ giá vé cho hành khách, phải chăng Cần Thơ chủ
trương hỗ trợ cho người có thu nhập cao? Nói là vậy, thực ra bản chất là bù
lỗ cho doanh nghiệp hàng không để sân bay không bị đóng cửa! Trong nền kinh
tế thị trường, bất kì doanh nghiệp nào cũng phải chấp nhận “lời ăn, lỗ chịu”,
khi kinh doanh không có lợi nhuận, thua lỗ kéo dài thì nên cho phá sản. Quy
luật đó giúp cho nền kinh tế phát triển lành mạnh. Nếu doanh nghiệp vì chủ
trương kinh doanh sai, quản lí yếu kém dẫn đến làm ăn “bết bát” nhưng lại
được đỡ đầu sẽ để lại nhiều hệ quả xấu. Trước
hết, nó triệt tiêu động lực phát triển của nền kinh tế vì doanh nghiệp
không cần nỗ lực, sáng tạo. Thứ hai,
là gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, triệt tiêu cạnh tranh. Thứ ba, là xâm phạm nguồn lực của dân
vì ngân sách thực ra là tiền thuế của người dân đóng góp, không thể sử dụng
hỗ trợ cá nhân hay doanh nghiệp nào, trừ phi là doanh nghiệp công ích.
Một số chuyên gia đã khuyến cáo chủ trương đầu tư
lĩnh vực giao thông vận tải của ta đang mất cân đối lớn. Đường bộ cao tốc và cảng
hàng không chiếm khá nhiều nguồn lực trong khi đường sắt, đường thủy như bị
“ghẻ lạnh”, lãng quên. Cơ quan tham
mưu rất cần có sự đánh giá, rà soát tổng thể giúp Chính phủ định hướng đúng
đắn cho sự phát triển các loại hình giao thông. Đừng để nguồn lực đất nước
phải chi phí giải cứu cho những doanh nghiệp thua lỗ./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 15
tháng 12 năm 2017
|
Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017
Suy ngẫm:
Đại gia và
lãnh đạo
Trong xã hội Nho giáo xưa, mối quan hệ tam cương ngũ thường
là chuẩn mực đạo đức để mọi người rèn dũa. Nhiều chuẩn mực trong xã hội phong
kiến nay không còn phù hợp. Tuy nhiên, vẫn có những điểm còn nguyên giá trị,
trong đó có mối quan hệ giữa lãnh đạo với Nhân dân, giữa cấp trên và cấp
dưới, giữa công chức với cá nhân…
Nhà giáo lỗi lạc Chu Văn An nổi
tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu
danh lợi. Trong quan hệ với học trò ông luôn nghiêm khắc đến khắt khe song
lại rất quý mến những học trò giữ được phẩm giá, liêm sỉ. Với học trò cũ, dù
đã làm quan nhưng nếu không có liêm sỉ, ưa tham lại nếu muốn đến thăm thầy cũ
ông cũng quyết không tiếp. Còn những học trò thành tài và giữ được phẩm giá
trở lại thăm, với ông đó là món quà quý giá. Ông cũng tuyệt nhiên không nhận
quà biếu vật chất. Ngay cả vua tặng lụa là ông cũng chỉ nhận cho đúng phép
vua tôi rồi mang tặng lại người già, kẻ thiếu chứ không dùng thứ không phải
do lao động của mình mà có.
Người lãnh đạo không phải là nhà giáo nhưng về mặt nào đó, phẩm
chất đạo đức, mối quan hệ, ứng xử cũng chính là tấm gương giáo dục và là niềm
tin đối với người dân. Hiện có tình
trạng nhiều cán bộ chức quyền quan hệ khá dễ dãi, thân thiết với doanh nhân,
người giàu (sau khi họ là lãnh đạo, không kể bạn cũ, họ hàng). Tất nhiên,
luật pháp không cấm người lãnh đạo có mối quan hệ ngoài công việc vì đó là
quyền của mỗi người.
Một người khi có quyền lực trong tay cũng giống như họ đang được
giữ một "kho tài sản" của công. Chức tước càng to thì cái
"kho" ấy càng lớn. Nếu nhận thức bản chất chuyện này thì người giữ
"kho" phải luôn cảnh giác trước các mối quan hệ, nhất là quan hệ
mới. Đơn giản, xuề xòa thì cái "kho" sẽ bị kẻ gian tìm hiểu và đột
nhập bất kì lúc nào mỗi khi sơ hở. Còn khi người giữ "kho" cố ý
quan hệ với những người không đáng tin thì đằng sau mối quan hệ đó chính là sự không đáng tin.
Cái "trục" lãnh đạo - đại gia - đại ca đã được đại biểu
Quốc hội nhắc tới. Mở rộng đấu tranh chống tham nhũng sang khu vực kinh tế tư
nhân cũng đã được Quốc hội bàn thảo vì thực tiễn đã có những "cánh
hẩu", trục lợi từ quan hệ. Có không ít dự án kinh tế tư nhân đã được
chính quyền địa phương "vô tình" làm lợi cho doanh nghiệp, xâm phạm
thô bạo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, nhất là trong lĩnh vực
đất đai…
Trong xã hội thông tin kết nối dễ dàng ngày nay, mọi mối quan hệ
đều dễ kết nối. Cách ứng xử của nhà giáo Chu
Văn An rất đáng để người cán bộ lãnh đạo muốn giữ được mình trong sạch và
liêm sỉ noi theo. Một chính quyền kiến tạo trước tiên phải liêm chính. Chính
quyền liêm chính chỉ có được khi trong đó bao gồm những con người liêm chính,
trọng liêm sỉ hơn vật chất./.
Đinh Hoàng
Bài mục suy ngẫm,
đăng Báo Người cao tuổi ngày 12 tháng 12 năm 2017
|
Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017
Phức tạp “con cháu" của Luật
Hệ thống
văn bản quy phạm pháp luật nước ta có lẽ khác so với các nước tiên tiến trên
thế giới, đó là ngoài Hiến pháp và các Luật ra còn có các tầng nấc khác như
Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn… để cụ thể hóa từng bộ luật.
Lẽ thường,
mỗi luật được ban hành cần cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, thuận tiện khi triển
khai và thực hiện được ngay. Tuy nhiên, thực tiễn hầu hết các luật sau khi
ban hành đều phải chờ thêm việc cụ thể hóa bằng nghị định, thông tư. Vì vậy
đã xảy ra chuyện có khi Thông tư "to" hơn Nghị định, Nghị định
"to" hơn luật… Ví dụ việc một số bộ, ngành ban hành quy chế bổ
nhiệm hàm, chức danh không có trong luật nào và thế là nhiều vụ trưởng, vụ
phó "không vụ" được "sinh ra", Nhà nước phải “chạy theo”
bảo đảm chế độ, chính sách cho những chức danh mới...
Việc Bộ
Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 33/2017 quy định chi tiết một
số điều Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ trong đó sửa đổi, bổ sung quy
định ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia
đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất… đã gây nhiều ý kiến trái
chiều. Theo cơ quan ban hành, mục đích của việc này nhằm bảo đảm quyền lợi
cho các thành viên có chung quyền sở hữu, hạn chế tranh chấp…
Theo Khoản
2, Điều 98 của Luật Đất đai năm 2013 “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều
người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải
ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung
nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận;
trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy
chứng nhận và trao cho người đại diện”. Như
vậy điều luật đã khá rõ ràng, không cần thiết ban hành thông tư trên rồi
tuyền truyền không đến nơi đến chốn gây sự hiểu lầm trong dư luận.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 45/2017/TT-BGTVT
đã đưa một số giấy tờ không có giá trị là giấy tờ tuỳ thân khi đi máy bay gồm
Thẻ đảng viên, Thẻ nhà báo, Giấy phép lái xe khiến dư luận phán ứng gay gắt.
Sai sót được nhận thức ngay nhưng “trái bóng trách nhiệm” cũng bị chuyền qua
lại giữa một số cơ quan giúp việc và cuối cùng chốt lại do “đánh máy”! Cũng
tại Bộ này, việc Cảng hàng
không quốc tế Nội Bài quy định xe taxi hoạt động khai thác tại sân bay này
phải có niên hạn không quá 6 năm khiến nhiều doanh nghiệp giật mình! Phải
chăng nay một doanh nghiệp cũng có quyền ban hành văn bản quy định điều kiện
kinh doanh của doanh nghiệp khác?
Đã đến lúc
các cơ quan chức năng cần rà soát lại quy trình và quyền hạn ban hành các văn
bản dưới luật của cơ quan tham mưu để bảo đảm chất lượng, hạn chế sai sót.
Đừng để sinh ra những “con cháu” dư thừa và khuyết tật của luật.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 6 tháng 12 năm 2017
|
Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017
Bình luận: Giá điện… ô-van!
Dòng quan họ-Cách đây đúng 2 năm Báo Người cao tuổi đăng bài bình
luận Giá điện “ô van” và blog Dòng quan họ đăng lại ngày
29/12/2015. Cũng như lượng độc giả báo giấy của Báo Người cao tuổi, số lượng
truy cập vào trang blog Dòng quan họ tăng vọt cùng một số
bạn đọc tâm huyêt gửi email cho tác giả chia sẻ tâm đắc, coi bài viết như
điểm vào đúng “huyệt” của EVN. Việc tăng giá của EVN từ đó chững lại, không
đều nhịp “đến hẹn lại lên” như trước đó. Đến nay, sau những chuẩn bị hậu
trường pháp lí, EVN đã có bảo bối trong tay để lại duy trì nhịp tăng giá
trong phạm vi 5%. Hôm nay giá điện của EVN được Bộ Công Thương cho tăng 6,08%. Dòng quan họ xin đăng lại bài viết
Giá điện… ô-van!
Thời gian dài trước đây hễ xăng dầu, than
tăng giá là y như rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại nhấp nhổm đòi
tăng giá với lí do đầu vào sản xuất tăng. Nay giá xăng dầu giảm đã mấy tháng,
xuống gần 70% song có vẻ giá điện đang “án binh bất động”. Cách đây chưa lâu
khi hàng loạt hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt, khiến dư luận bức
xúc, EVN đã phải trình 3 phương án bậc thang giá để chuyên gia, người dân
tham khảo, lựa chọn. Tuy nhiên cái “thang” ấy chiều cao không đổi, tức giá
điện cao nhất vẫn là 2.587đồng/kW. Vậy là các đối tượng dùng điện phải tự
thỏa thuận với nhau xem theo phương án nào có lợi.
Cái “thang” giá điện có gì bí mật, phải
chăng đó là bí quyết kinh doanh của EVN? Chưa trông đợi việc giảm giá song ta
hãy xem cái “thang” giá điện hiện nay đã hợp lí hay chưa?
Hãy hình dung chiếc thang tre để xem EVN
đã vận dụng "đóng" giá điện bậc thang ra sao: Thông thường chiếc
thang được đóng theo nguyên tắc bậc ở chân thang rộng, càng lên cao càng thu
hẹp lại để bảo đảm an toàn chịu lực. Nhưng EVN đã thiết kế “thang” giá điện
theo nguyên tắc khác biệt, chỉ thu lợi cho người “bán thang” chứ không phải
vì người “leo thang”. Xem khoảng cách giữa các bậc thang của EVN đã “đóng”:
Bậc 1: 1.484 đồng/kW; bậc 2: 1.533 đồng/kW; bậc 3: 1.786 đồng/kW; bậc 4:
2.242 đồng/kW; bậc 5: 2.503 đồng/kW; bậc 6: 2.587 đồng/kW. Tương ứng độ rộng
các bậc thang lần lượt là: 49 đồng; 253 đồng; 456 đồng; 261 đồng và 84 đồng.
(Lúc này bậc 6 cao hơn bậc khởi đầu là 1.103 đồng, tương đương tăng 74%).
Sơ đồ “thang” giá này cho thấy khoảng từ
bậc 2 đến 5 có độ rộng “khủng” nhất. Lẽ ra theo nguyên tắc “thang tre” khi
bậc đầu độ rộng là 49 đồng thì các bậc trên phải ngắn dần (chẳng hạn là 47;
45; 43; 41 đồng…). Nhưng EVN đã không theo nguyên tắc đó, bảng giá của họ
thực ra là giá điện… ô-van, phình rất to ở giữa chứ đâu phải hình thang. Với
"chiếc ô-van" giá này, chỉ người dùng bậc đầu (50kW) hưởng giá
thấp. Tuy nhiên với mức sống và tiêu thụ điện của dân ta hiện nay thì số
người dùng bậc giá đầu không nhiều, nếu không nói là rất ít. Mức tiêu thụ
điện phổ biến các hộ ở nông thôn đều trên 50 đến 100kW. Con số người dùng
điện ở các mức là bí mật của EVN, cùng với sự không minh bạch các yếu tố cấu
thành giá điện có lẽ là “bí quyết kinh doanh” của họ. EVN cho rằng giá điện
bình quân đang là 1.622,01đ/kWh, cần nâng lên. Tuy nhiên nếu cộng 6 mức giá
điện tại bảng trên chia 6 thì phải là 2.202đ/kW. Không hiểu vì sao kết quả
lại được EVN hạ xuống như vậy. Thực tiễn tiêu thụ điện còn khác xa cái gọi là
giá bình quân. Ví dụ số hộ dùng bậc 1 là 1, số hộ dùng bậc 3, 4, 5… là 100
thì giá điện bình quân là bao nhiêu? Nhìn vào “chiếc ô-van” giá trên đây mọi
người có thể đoán ra, số hộ dùng điện ở những bậc nào là nhiều nhất, và bên
bán điện lợi nhiều hay ít chính là ở nhóm này.
Tại sao EVN không theo nguyên tắc “đóng
thang” đúng nghĩa? Tại sao họ không hạ độ cao của cây thang (2.587đ) xuống
1.747đ hay 1.800đ… chẳng hạn? Lẽ ra với mức tiền điện nhiều hộ tăng vọt như
mấy tháng Hè vừa qua, EVN phải lắng nghe rồi thu hẹp “chiều rộng” bậc và hạ
chiều cao “cây thang” giá xuống cho phù hợp mức sống của người dân? Nhưng EVN
vẫn đang “chùng chình” giữ giá điện hiện nay và biết đâu khi có thời cơ sẽ
tăng giá tiếp để tối đa hóa lợi nhuận.
EVN là doanh nghiệp nhà nước, đang độc
quyền mua bán điện. Cái mà EVN mang lại lợi ích lớn nhất cho Quốc gia chính
là tạo điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu chỉ vì lợi nhuận của
EVN để so đo, tính toán thì nền kinh tế sẽ thiệt hại không nhỏ, lợi riêng đó
cao đến mức nào cũng không thể bù đắp. Nếu người lãnh đạo vĩ mô nhìn rõ điều
này thì rất cần có bàn tay cứng rắn để “uốn nắn” EVN, trước hết là “chỉnh”
lại cách đóng "chiếc thang ô-van" giá điện.
Đinh
Hoàng
(Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
28/12/2015)
|
Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017
Bình luận: Đừng đưa “hổ báo” vào nhà
Đừng đưa “hổ
báo” vào nhà
Trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu người giúp việc (NGV) tại gia
đình ngày càng tăng, nhất là những gia đình trẻ, hộ ít người tại đô thị. Cũng
từ nhu cầu đó, thị trường cung ứng NGV ngày một nở rộ. Công việc thường được
thuê làm là dọn nhà, trông nom chăm sóc người già yếu, trẻ sơ sinh…
Tuy có nhan nhản các trung tâm cung ứng NGV tại nhà nhưng để có một Oshin thực thụ (tên một nữ nhân vật làm nghề giúp việc có đức tính cần mẫn, trung thực trong một bộ phim Nhật Bản) thì không phải dễ. Thường mọi người nếu có họ hàng, thân quen ở quê nhờ làm giúp việc là thuận lợi nhất, nhưng rất hiếm chọn được người vừa ý lại thông thạo công việc. Do vậy, giải pháp chính vẫn là tới các trung tâm giới thiệu NGV để tìm thuê. Từ năm 2014 Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2014/NĐ-CP và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH về lao động là NGV gia đình với những quy định khá chi tiết, đầy đủ, chặt chẽ. Nhưng, thực hiện được như quy định tại Thông tư trên khá nhiêu khê, không nhiều trung tâm và NGV đáp ứng được. Đối tượng Nguyễn Thị Hàn thừa nhận hành vi hành hạ bé gái tại cơ quan Công an
Đa số người lao động đến trung tâm xin giới thiệu đi làm giúp
việc chỉ cần tấm chứng minh nhân dân, một bộ sơ yếu lí lịch do cấp xã, phường
xác nhận. Cũng ít có trung tâm giới thiệu việc làm nào lại cất công đi xác
minh nhân thân lao động mà họ bảo lãnh xem đạo đức tốt xấu ra sao và đòi hỏi
có bằng cấp nghề. Đó là chưa nói có khi hồ sơ nhân thân của người lao động
còn bị làm giả. Vì chưa có trường nghề đào tạo nên hầu hết NGV được cung ứng
chỉ là tự học và tích lũy kinh nghiệm cá nhân, thiếu kĩ năng cần thiết cho
công việc. Hầu hết người đến thuê lao động tại các trung tâm chỉ tin vào sự
bảo lãnh, không biết khả năng và phẩm chất, tư cách của NGV. Việc chọn được
một NGV ưng ý chỉ là may rủi.
Vụ việc một người bảo mẫu bạo hành đứa trẻ mới hơn tháng tuổi mới đây khiến dư luận sững sờ và phẫn nộ. Kẻ ác đã bị bắt và sẽ bị xử lí theo pháp luật nhưng đây cũng là lời cảnh báo cho cả người thuê giúp việc và cơ quan quản lí về loại hình lao động đặc thù này, khi mà thực tiễn đã có nhiều vụ NGV đạo đức, tư cách xấu gây hậu quả cho gia chủ. Để cung ứng và quản lí tốt loại hình lao động này, thiết nghĩ cơ quan quản lí cần định hướng, hỗ trợ các trường nghề đào tạo loại hình lao động giúp việc gia đình. Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức cung ứng lao động, nhất là thực hiện các quy định trong Thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, không thể buông lỏng các trung tâm môi giới cung cấp lao động dễ dãi, tràn lan như hiện nay. Với những gia đình có nhu cầu sử dụng NGV cần hết sức cân nhắc, tìm hiểu kĩ người định thuê. Nếu có điều kiện, tốt nhất là tự kiểm tra, thẩm định nhân thân, tư cách NGV từ chính quyền nơi họ sinh sống. Quá trình sử dụng NGV cũng cần có biện pháp giám sát và phòng ngừa cần thiết, bởi không cẩn thận sẽ đưa “hổ báo” vào nhà và hiểm họa có thể đến bất cứ lúc nào./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng
Báo Người cao tuổi ngày 29 tháng 11
năm 2017
|
Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017
Bình luận:
Đằng sau chiếc "áo cà sa"
Người xưa có câu "đi với
bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" ý nói con người thay đổi bộ
dạng để phù hợp cảnh huống, che đậy bản chất thực cho mục đích nào đó. Rồi
câu "tấm áo không làm nên thầy tu" cũng vậy, hàm chỉ hình thức
không làm thay đổi bản chất con người.
Nay có những chiếc "áo cà
sa" đã che đậy danh tính, đánh lừa được mọi người trong một thời gian
dài khiến cứ ngỡ trong chiếc áo là tấm lòng phật, con người tài ba, đức độ.
Đó là chuyện một số người được coi là doanh nhân lớn, nhiều đóng góp cho sự
phát triển kinh tế, làm nên thương hiệu "đình đám" bỗng dưng sơ
suất tuột mất tấm "áo cà sa" doanh nhân, lộ nguyên hình gian
thương!
Người tiêu dùng đặt nhầm niềm tin vào sản phẩm lụa Khaisilk made in Viet Nam hàng chục năm qua
Vụ ông chủ doanh nghiệp
Khaisilk buôn hàng Trung Quốc về gắn mác Made in Việt Nam suốt 30 năm bị phát
lộ một cách tình cờ khiến dư luận ngỡ ngàng. Thế rồi ít ngày sau lại thêm một
nữ doanh nhân đang đà "phất lên" cả việc kinh doanh lẫn danh tiếng
phái đẹp là bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Công ty TS Việt Nam bị phát hiện
buôn lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc gắn mác ngoại "xịn" giá trị
hàng chục tỉ đồng. Bà Trang cũng là người được cử đại diện Việt Nam sẽ tham
dự cuộc thi Hoa hậu Quý bà châu Á 2017 diễn ra tại Trung Quốc trong tháng 11
này. Nếu không phát lộ rất có thể nữ "doanh nhân" này sẽ được vinh
danh, là gương mặt đại diện cho người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, giỏi giang,
năng động!
Bà chủ lô hàng mỹ phẩm giả trị giá 11 tỷ đồng làm việc với cơ quan chức năng (Ảnh: PL)
Sau những vụ việc trên dư luận
rất băn khoăn vì sao những chiếc "áo cà sa" che đậy sự lừa dối lại
tồn tại an toàn lâu dài như vậy trong khi từ cấp quận, huyện có tới cả chục
đội quản lí thị trường, quản lí thuế hùng hậu? Đáng nói, khi dư luận đang bức
xúc, doanh nhân Khaisilk đã thừa nhận làm ăn gian dối suốt 30 năm nay thì
bỗng một Đội quản lí thị trường bản địa lại "tích cực, chủ động"
đến kiểm tra cơ sở của doanh nghiệp này rồi báo cáo lên trên rằng "do sơ
suất trong quản lí, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến dịp 20/10, nhân viên
cửa hàng tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc
Made in China sau đó khâu nhãn KhaiSilk Made in Việt Nam... Tổng số hàng hóa
cơ sở đã mua về chỉ là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc…"!
Động thái kì lạ này khiến dư luận sững sờ. Phải chăng lực lượng quản lí tại
đây đang cố bảo vệ doanh nghiệp vi phạm?
Được biết tới đây Bộ Công
Thương sẽ thành lập Tổng cục Quản lí thị trường trên cơ sở Cục Quản lí thị
trường. Và hệ thống ngành dọc của cơ quan này tại các địa phương chắc cũng sẽ
có sự nâng cấp đồng bộ. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ, trách nhiệm và cách
làm việc mới là vấn đề người dân trông chờ lúc này chứ không phải cấp quản lí
to hay nhỏ. Nếu vẫn cách quản lí như cũ thì rất dễ lực lượng quản lí nhiều
nơi vẫn bị biến thành "bùa hộ mệnh" cho chiếc "áo cà sa"
trên thân thể những gian thương!
Khi cơ quan quản lí chỉ
"đồng hành cùng doanh nghiệp", quên đi trách nhiệm bảo vệ người
tiêu dùng - những người đang dùng tiền thuế để nuôi lực lượng này, thì người
dân biết trông cậy vào ai?
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 22
tháng 11 năm 2017
|
Thứ Năm, 16 tháng 11, 2017
Bình luận: Bitcoin và pháp luật 4.0
Bitcoin và pháp luật 4.0
Cách đây chừng 5 năm tôi có
anh bạn đã nghiên cứu và lao vào đào
Bitcoin. Vừa đào vừa mua anh khoe có gần chục Bitcoin. Tôi nghĩ anh này mê
công nghệ quá nên đang sống ảo với những giá trị không có thực.
Thế nhưng 5 năm qua là quãng thời gian
đồng Bitcoin nhảy múa
"điên loạn" lúc lên lúc xuống nhưng theo xu thế ngày càng tăng. Mấy
ngày qua nhảy lên 7.600 USD rồi lại sụt xuống và hiện 1 Bitcoin có giá hơn
6.857 USD. Tôi có cảm giác mình đã sai khi nghĩ về anh bạn đầu tư Bitcoin.
Tháng 5/2010 Bitcoin được giao dịch ở Florida với 10.000 Bitcoin đổi được 2 hộp pizza. Nếu quy giá
trị thời điểm hiện nay, 2 hộp pizza trên có giá hơn 68 triệu USD! Năm 2013 Chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang
Mỹ Ben Bernanke phải thừa nhận rằng "Fed không có thẩm quyền trong khâu
quản lí những đồng tiền ảo và rằng nó có
mang lại nhiều hứa hẹn về lâu về dài...”. Lãnh đạo nhiều ngân hàng, chuyên
gia kinh tế thế giới cũng đang có quan điểm rất trái ngược về Bitcoin.
Ban đầu khi mạng Internet mới xuất hiện
một số người lo ngại kho dữ liệu sẽ mất nếu mạng này bỗng dưng bị sập trên
phạm vi thế giới. Hiện nay chúng ta biết đó là điều không tưởng. Nay nhiều
chuyên gia nhận định đồng Bitcoin chỉ biến mất nếu mạng Internet toàn cầu
không tồn tại!
Kim cương là loại vật chất giá trị rất
cao không phải do giá trị sử dụng, nó chủ yếu đảm nhiệm vai trò hàng hóa giá
trị. Vậy liệu có thể coi Bitcoin là một loại hàng hóa không tồn tại ở dạng
vật chất? Dù là giá trị ảo nhưng Bitcoin đang tồn tại khó phủ nhận với một
giá trị rất cao. Nó đang tiếp tục khẳng định giá trị thông qua niềm tin của
hàng triệu nhà khai thác và đầu tư trên khắp thế giới. Đồng Bitcoin đang
tồn tại theo quy luật niềm tin. Đã có những quyết định hành chính cấp nhà
nước và một số ngân hàng, tổ chức kinh tế lớn về Bitcoin khiến đồng tiền này
chao đảo nhưng rồi nó lại tự cân bằng, đứng vững và tăng thêm giá trị.
Bitcoin do Satoshi Nakamoto sáng tạo ra năm
2008. Theo tiếng Nhật Satoshi Nakamoto nghĩa là trí tuệ nguyên thủy. Cuộc
cách mạng công nghiệp 4.0 đang "xồng xộc" ào tới khó có thể cưỡng lại mà bản chất chính là cách
mạng trí tuệ nhân tạo. Vậy thì luật pháp trong giai đoạn này cũng cần bám sát
thực tiễn để thích ứng chứ không thể phủ nhận bằng biện pháp hành chính.
Vừa qua trên trang Facebook cá nhân, một
lãnh đạo Trường Đại học FPT chia sẻ "Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp
học phí bằng Bitcoin. Trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại". Tuy nhiên
đây là việc làm không đúng pháp luật. Trên lãnh thổ Việt Nam chỉ đồng tiền hợp
pháp mới có giá trị thanh toán. Nhưng điều đáng lo là Bitcoin đang có khả
năng thanh toán linh hoạt và hấp dẫn hơn nhiều loại tiền tệ!
Dù ảo nhưng khi hiện thực hóa, Bitcoin
vẫn phải thông qua dịch vụ thanh toán mới có giá trị (vật chất, tiền tệ). Đây
chính là "gót chân Asin"
có thể giúp nắm bắt, quản lí. Nên chăng, cơ quan quản lí cần
nghiêm túc nhìn nhận Bitcoin như một loại hàng hóa đặc biệt và tìm giải pháp
quản lí? Bởi nếu không quản lí hữu hiệu thì rất có thể nguồn lực của quốc gia
bị "chảy máu" theo con đường Bitcoin!
Đinh Hoàng
Bài bình luận
đăng Báo Người cao tuổi ngày 16 tháng 11 năm 2017
|
Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017
Chính sách vô tình
Mọi người đều biết pháp luật luôn vô tình vì nó
là công cụ bảo vệ công lí, lẽ phải, không thể thiên vị theo tình cảm. Thế
nhưng chính sách thì lại khác, đây là công cụ điều chỉnh trách nhiệm, quyền
lợi cho các thành phần trong xã hội một cách hợp lí, hợp tình, để “không ai
bị bỏ lại phía sau”.
Những ngày qua dư luận dậy sóng khi được biết
thông tin cô giáo mầm non Trương Thị Lan (Hà Tĩnh) tham gia đóng Bảo hiểm xã
hội (BHXH) 22 năm 8 tháng và có tổng 37 năm cống hiến nhưng chỉ nhận được
lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng! Nghĩa là mỗi ngày cô chỉ có chừng hơn 40
nghìn đồng để chi cho mọi nhu cầu cuộc sống tuổi già!
Cô giáo mầm non Trương Thị Lan
Rất nhanh, các cơ quan chức năng và cả một số
đại biểu Quốc hội đã dò xét, đối chiếu các quy định, thực tiễn quá trình tham
gia BHXH của cô giáo Lan thì thấy việc thực hiện chính sách trong trường hợp
này không có gì sai. Và, không chỉ cô giáo Lan mà còn hàng nghìn giáo viên,
người lao động khác cũng trong hoàn cảnh tương tự, họ cam chịu, không lên
tiếng vì biết đó là chính sách, quy định của Nhà nước.
Mỗi cán bộ, công chức, người lao động tham gia
đóng BHXH đều tâm niệm sau những năm lao động, cống hiến khi hết tuổi lao
động sẽ có một khoản lương hằng tháng đủ cho an dưỡng tuổi già. Chẳng ai nghĩ
rằng khi nghỉ mình sẽ làm việc nọ việc kia để bù vào lương hưu cho đủ sống
ngoại trừ muốn có sự cải thiện cao hơn. Để bảo đảm nhu cầu chính đáng đó của
người lao động thì người làm chính sách phải bám sát thực tiễn cuộc sống để
đề xuất điều chỉnh, xây dựng chính sách phù hợp, không thể cứng nhắc.
Chính sách không có “lỗi”, người lao động lại
càng không có lỗi, chỉ có người làm ra chính sách đôi khi vô tình và lạnh lùng!
Chuyện các giáo viên mầm non tại một số địa phương có mức lương quá thấp đã
được dư luận nói tới nhiều (như ở Thanh Hóa cách đây vài năm có thông tin mức
lương hưu chỉ 320-500 nghìn đồng/tháng). Tuy nhiên chuyện đó đã rơi vào quên
lãng. Có vẻ đó không phải chuyện lớn lao như “đổi mới, cải cách giáo dục” để
cơ quan chức năng phải bận tâm.
Cô giáo Nguyễn Thị
Loan, thôn Ba Chè, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) 39 năm công
tác cũng có mức lương hưu 1.3 triệu.
Khi mức lương làm việc còn chưa đủ cho cuộc
sống hiện tại thì lương hưu (bằng 65-75% lương công tác) không đủ sống là
chuyện tất yếu. Thu nhập của đa số người lao động là vậy nhưng thi thoảng họ
lại được biết thông tin về tài sản, biệt phủ khủng của lãnh đạo này, công
chức nọ càng thêm mủi lòng. Phải chăng một số cán bộ, công chức có thu nhập
quá cao đến mức họ chẳng quan tâm đến đồng lương của chính mình chứ nói chi
để tâm mức lương của người khác?
Năm qua đầu vào của ngành sư phạm có
trường chỉ cần 3 điểm/môn đã khiến dư luận bất ngờ. Ở một đất nước truyền
thống hiếu học nghìn năm, người thầy có vị thế cao quý với quan niệm “nhất tự
vi sư, bán tự vi sư” thì chuyện đầu vào đại học sư phạm tụt thấp tới “kịch
sàn” là không bình thường. Con số trên là chỉ báo sự hấp dẫn của một nghề
nhọc nhằn nhưng vinh quang đã không còn. Phải chăng chính sách đối với giáo
viên đã góp phần hạ thấp vị thế của người thầy - những người đang nỗ lực vun
xới, chăm sóc cho thế hệ tương lai?/.
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 8 tháng 11 năm 2017
|
Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017
Bình luận: Đất nước vĩ đại
Đất
nước vĩ đại
Ngày 7/11 năm nay nhiều dân tộc chung vui
với nước Nga kỉ niệm 100 năm sự kiện trọng đại Cách mạng tháng Mười. “Mười ngày rung chuyển thế giới” như
tựa đề thiên phóng sự của nhà báo Mỹ Giôn Rít, đã tạo sự thay đổi sâu sắc
trên hành tinh. Nước Nga đầu tiên hiện thực hóa xã hội chủ nghĩa trên thế
giới theo lí luận chủ nghĩa Mác, như ánh mặt trời soi đường giúp nhiều quốc
gia, dân tộc đứng lên giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân.
Điện Kremlin
Nước Nga có thể gọi là một đất nước vĩ
đại cả trong quá khứ và hiện tại.
Thế kỉ XIX và XX thế giới phải đương đầu
với 2 cuộc chiến tranh lớn thì nước Nga đều là chủ công hóa giải và mang lại
nền hòa bình.
Năm 1812 sau khi chinh phục châu Âu, cỗ
xe chiến tranh bất chiến bại của Napoleon đã bị chặn đứng tại Mátxcơva. Không
những vậy, trên đường truy kích Napoleon đến sào huyệt cuối cùng, quân đội
của Hoàng đế Nga Aleksandr I còn giúp nhiều dân tộc giải phóng
và tự giải phóng khỏi sự đô hộ của nước Pháp.
Hơn 100 năm sau lịch sử châu Âu như lặp
lại nhưng lần này họa phát xít thảm khốc hơn rất nhiều. Quân đội phát xít Đức
tựa cỗ xe tăng khổng lồ chinh phục khắp châu Âu và hòng nghiền nát ngước Nga.
Với sức mạnh đoàn kết, chiến đấu quật cường, dân tộc Nga đã chặn đà tiến công
như bão tuyết của đội quân phát xít tại Mátxcơva. Trên đường truy kích
Hitler, Hồng quân Liên Xô đã giải phóng và tạo cơ hội nổi dậy tự giải phóng
cho hàng loạt các nước châu Âu, châu Á.
Quảng trường Đỏ Mátxcơva
Trên đường phát triển với mô hình xã hội
mới, nước Nga không tránh khỏi những bước thăng trầm của lịch sử. Sự sụp đổ
của của mô hình Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết tưởng chừng nước
Nga không thể gượng dậy cùng bóng ma li khai, nội chiến rập rình. Nhưng, như
sự tất yếu của lịch sử, dân tộc anh hùng sẽ sinh ra những người con kiệt
xuất. Trong chiến tranh năm 1812 nước Nga có nguyên soái G. Kutuzov…
Đầu thế kỉ XX nước Nga có VI. Lenin, IV. Stalin, nguyên soái GK. Zhukov… Sau
sự kiện Liên Xô tan rã, tiếp tục khủng hoảng, nước Nga đã chọn được người con
của mình để trao trách nhiệm lãnh đạo khôi phục đất nước, đó là Tổng thống
Vladimir Vladimirovich Putin.
Chưa bình phục sau khủng hoảng những năm
cuối thế kỉ XX, năm 2015 nước Nga lại chịu một “trận đòn hội đồng” sau sự
kiện người dân bán đảo Crưm quyết định trở về với nước Nga sau 60 năm sáp
nhập vào Ukraina. Đòn bao vây, cấm vận ngặt nghèo của phương Tây giữa lúc
nước Nga gặp vô vàn khó khăn tưởng chừng khó có thể gượng dậy một sớm một
chiều. Tuy nhiên, bằng sự chèo lái khôn khéo, tự tin của vị “thuyền trưởng”
tài ba, con thuyền nước Nga vững vàng thoát khỏi bão tố và bắt đầu lấy đà
băng băng hướng về tương lai.
Tổng thống
Vladimir Vladimirovich Putin.
Nước Nga hôm nay thực sự đã trở lại vị
trí siêu cường. Chỉ cách đây vài năm khó có ai nghĩ rằng sẽ có một ngày Quốc
vương Saudi Arabia Salman, rồi Thủ
tướng Israel Netanyahu - những đồng minh thân thiết nhất của Mỹ lại có các cuộc
viếng thăm nước Nga và hội đàm với Tổng thống Putin! Nhiều vấn đề gai góc của
châu Âu và thế giới đang được nước nga góp phần giải quyết với đầy tinh thần
trách nhiệm. Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới kể cả nước không thân thiện
cũng phải ngưỡng mộ người cầm lái của một đất nước vĩ đại - Nước Nga!
Đinh Hoàng
Bài bình luận
đăng Báo Người cao tuổi ngày 7 tháng 11 năm
2017
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)