“Loài vi rút” nguy hiểm
Những
ngày qua thông tin về hoạt động của cái gọi là “Hội thánh Đức Chúa Trời'
dày đặc trên các báo và trang mạng xã hội. Từ nhiều năm trước, tổ chức này đã
xuất hiện ở một số địa phương, lén lút lôi kéo người tham gia, đến nay đã lan
ra khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam!
Một buổi truyền đạo trái phép của Hội thánh Đức Chúa Trời
tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: Báo Pháp luật TPHCM
Người bị lôi
kéo được hứa “tham gia hội thánh sẽ khỏi mọi bệnh tật bằng cách uống nước
thánh; cuộc sống ngày càng tươi sáng, có lối thoát, không phải làm gì cũng có
tiền bạc; sống hạnh phúc, khi chết thì được lên thiên đàng”, v.v. Những người
theo hội thánh hầu hết rời bỏ gia đình, sống cách li với các hoạt động xã hội.
Họ còn được khuyên không nên vì gia đình, hãy sống vì chính mình vì sắp tới
ngày tận thế. Có nơi người tham gia còn phải nộp 10% thu nhập cho hội thánh. Vì
vậy đã có nhiều gia đình rơi vào cảnh bất hòa, li tán, sinh viên bỏ học,
người lao động, kinh doanh bỏ bê công việc… vì theo "Hội thánh Đức
Chúa Trời".
Gia đình là
tế bào xã hội. Theo quan niệm truyền thống phương Đông, trong gia đình nhiều
thế hệ thì con cháu được bố mẹ, ông bà giáo dưỡng, trưởng thành; người trên
được con cháu kính, lễ, chăm nom báo đáp khi về già, hương hỏa hiếu lễ khi
mất đi. Với những khuyên răn của hội thánh này thì người ta phải phá bỏ văn
hóa, đạo đức truyền thống, quên hết người thân, sống ích kỉ chỉ mong khi chết
được lên thiên đàng - nơi hư ảo không có thực.
Theo thống
kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện ở nước ta có 37 tổ chức tôn giáo đã được
Nhà nước cấp đăng kí hoặc công nhận về tổ chức và 1 pháp môn tu hành, nhưng
trong đó không có cái tên “Hội thánh Đức Chúa Trời”! Như vậy đây là một
tổ chức hoạt động phi pháp, không có giáo lí, tín ngưỡng rõ ràng được đăng
kí. Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 nêu rõ: Các hành vi bị cấm
như ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín
ngưỡng, tôn giáo; xâm hại đạo đức xã hội; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt
động tôn giáo để trục lợi…
Các thành viên tại một cơ sở "Hội thánh của đức chúa trời". Ảnh: Báo Công an
Chiếu theo quy
định của pháp luật, thì “Hội thánh Đức Chúa Trời” là tà đạo, hoạt động
trái phép. Tiếc rằng việc tuyên truyền, lôi kéo người dân vẫn diễn ra trên
quy mô ngày càng rộng chẳng khác gì loài vi rút bệnh hoạn đang xâm nhập, lây
lan phá hoại nền tảng gia đình truyền thống. Những truyền thống đẹp của gia
đình, dòng tộc là chất keo gắn kết tạo nên truyền thống và sức mạnh dân tộc
có nguy cơ bị bào mòn, phá hủy.
Hệ lụy xấu
của tà đạo này đã và đang phát tác nhưng cơ quan quản lí chức năng chưa có
những biện pháp xử lí cụ thể, nghiêm minh, thậm chí có ý kiến vẫn cho rằng nên
thận trọng, cần thêm thời gian kiểm chứng!
Hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người
tham gia với những tư tưởng lệch lạc, tiêu cực, nhân lên nhanh chóng như vậy
là rất nguy hại cho trật tự, an toàn xã hội. Hoạt động này liệu có những con
người hay tổ chức đứng đằng sau “bảo kê”? Hệ lụy sẽ rất khó lường khi “loài
vi rút” này nhân lên thành đại dịch!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 27 tháng
4 năm 2018
|
Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018
Bình luận: "Loài vi rút" nguy hiểm
Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018
Bình luận: Mờ mắt và mắt mờ
Mờ mắt và “mắt mờ”
Vụ việc tẩm than pin vào cà
phê kém chất lượng đưa đi tiêu thụ của một cơ sở thu mua chế biến cà phê nhân
tại Đắk Nông khiến dự luận bàng hoàng chẳng kém vụ sản xuất thuốc điều trị
ung thư Vinaca vừa bị phát hiện.
Thu mua cà phê thứ phẩm giá
rẻ rồi sơ chế, làm đẹp bằng mọi cách để đưa đi tiêu thụ như loại cà phê bình
thường chắc chắn đã mang lại lợi nhuận không nhỏ. Có thể bà chủ cơ sở “cà phê
pin” này không có mục tiêu đầu độc người dùng nhưng cũng hiểu thứ than pin đi
vào cơ thể là vô cùng nguy hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, những đồng
tiền lợi nhuận đã làm mờ mắt và những cục than pin như đã nhuộm đen lương
tâm, đạo đức kinh doanh của chủ doanh nghiệp này.
Thực ra việc làm mờ ám của cơ
sở chế biến cà phê đã được người dân nghi ngờ và báo cho cơ quan công an địa
phương từ năm 2016. Việc thu mua, chế biến nhiều tấn cà phê như vậy không
phải là quy mô nhỏ. Rồi việc thu gom hàng trăm ki- lô gam pin Con Ó không
phải là chuyện bình thường với cơ sở không kinh doanh mặt hàng này. Ròng rã
hằng năm trời, việc làm mờ ám đó không bị phát hiện là dấu hỏi lớn về cơ quan
quản lí bản địa. Không kịp thời phát hiện ngăn chặn, trong gần 2 năm qua đã
có bao nhiêu tấn “cà phê pin” trở thành những giọt cà phê phin hoặc loại thực
phẩm nào đó ngấm vào cơ thể bao người tiêu dùng? Rồi sau này sẽ có bao nhiêu
làng, xã… ung thư mà không thể biết được nguồn độc hại từ đâu. Đây như một vụ
đầu độc hàng loạt và là tội ác với sức khỏe đồng loại, cần nghiêm trị.
Những thùng pin được nghiền để tẩm vào cà phê bị phát hiện. Ảnh Zing.vn
Trong kinh doanh, bất kì ai
cũng mong có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, để việc kinh doanh có thể phát triển
bền vững không thể thiếu yếu tố đạo đức kinh doanh. Có số ít doanh nghiệp
muốn bỏ qua yếu tố này nhưng do các quy định, điều luật và sự giám sát buộc
họ không thể làm trái. Thế nhưng khi cơ quan chức năng lơi lỏng hoặc thậm chí
cố tình làm ngơ thì doanh nghiệp sẽ bị lợi nhuận làm cho mờ mắt, sẵn sàng
bước qua đạo đức kinh doanh.
Những tưởng việc làm vô lương
tâm này đã “hai năm rõ mười” nhưng cơ quan chức năng địa phương mới chỉ “nghi
ngờ cà phê của doanh nghiệp này được bán chế biến làm đồ uống” và điều ra.
Không biết có nước nào trên thế giới sử dụng loại hạt quý này chế biến làm
thứ khác ngoài thực phẩm, đồ uống? Trước ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại
Hội nghị chuyên đề về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu năm 2018, chiều 23/4 Cơ quan điều tra tỉnh Đắk Nông mới tạm giữ khẩn cấp
5 đối tượng trong đó có chủ cơ sở là Nguyễn Thị Thanh Loan.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, chủ cơ sở sản xuất phế phẩm cà phê. Ảnh: Vnexpress
Doanh nghiệp có thể mờ mắt vì
lợi nhuận nhưng cơ quan quản lí không thể “mắt mờ”. Một nghịch lí là trong
khi đội ngũ công chức hưởng lương ngân sách của ta đông đảo hàng nhất nhì khu
vực nhưng chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ lại “chưa hơn ai”. Không ít
vụ việc những kẻ lừa đảo hoạt động công khai, rầm rộ dụ dẫn người dân mà cơ
quan quản lí không biết cho đến khi hậu quả nặng nề mới bị phát hiện. Cơ quan
quản lí nhiều nơi như bị “mắt mờ” khiến người dân giảm sút niềm tin vào lực
lượng thực thi công vụ. Nếu việc quản lí không có bước chuyển biến nghiêm túc
thì những vụ “đầu độc hàng loạt” như trên sẽ chưa phải là cuối cùng!
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 25 tháng 4 năm 2018
|
Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018
Bình luận: Thuế tài sản
Thuế tài sản cần tính toán thận trọng
Dự thảo Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính vừa công bố đề xuất
đánh thuế với đất và nhà ở đang được dư luận quan tâm đặc biệt, thậm chí gây
bức xúc trong người dân khiến Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến chỉ đạo.
Theo dự thảo, nhà giá trị 700
triệu đến 1 tỉ đồng trở lên sẽ chịu thuế với căn cứ vốn đầu tư xây dựng nhà ở
bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/m2. Căn nhà 100m2 trở lên sẽ chịu thuế mức 0,3-0,4%. Theo
nhiều chuyên gia, đây là mức khá cao.
Trước đây đã có dự định thu thuế
với người sở hữu nhà ở thứ 2 trở lên nhưng có lẽ do sự phức tạp và chưa đồng
bộ trong quản lí nên đành gác lại. Tuy nhiên, việc quy nhà ở vào tài sản để
đánh thuế cũng sẽ gặp không ít khó khăn, phức tạp do việc quản lí dữ liệu nhà
ở và tài sản hiện còn nhiều bất cập. Dù thuế nhà ở chỉ thu diện tích vượt
ngưỡng nhưng với nhà diện tích 100m2 hoặc nhà chung cư tại đô thị hầu hết
vượt xa ngưỡng giá trị 700 triệu đồng. Việc ấn định giá trị tương ứng 100m2 trở lên để đánh thuế sẽ là sự cào
bằng bởi cùng diện tích có căn nhà xây dựng nhiều tỉ đồng song cũng có căn
chỉ mấy trăm triệu.
Chuyên gia cho rằng thuế tài sản cần đánh đúng đối tượng thay vì cào bằng như đề xuất.
Nói về khái niệm, nếu gọi đây là
Luật Thuế tài sản thì cần mở rộng diện tài sản chịu thuế cho đẩy đủ và chuẩn
xác. Trong 6 đối tượng đánh thuế tại dự thảo chủ yếu là nhà, đất và chỉ vài
tài sản như ô tô, du thuyền (không kinh doanh)… Nhiều loại tài sản khác như
tiền gửi ngân hàng, vàng, ngoại tệ, trang sức, tranh nghệ thuật, đồ cổ v.v…
không có trong danh mục thu thuế. Mặt khác ,cần tách bạch thuế nhà và thuế
đất. Khái niệm tài sản cũng không nên mặc định là sở hữu nhà đất cá nhân. Tài
sản công chiếm lượng không nhỏ tài sản xã hội như trụ sở làm việc, xe công...
cần được xem xét đánh thuế nhằm hạn chế việc sử dụng lãng phí, nhất là tình
trạng nhiều cơ quan hành chính nhà nước luôn muốn ôm giữ lượng lớn đất đai,
tài sản.
Để khắc phục những bất cập khi ban
hành sắc thuế này, nên chăng cần phải xác định rõ loại tài sản, ngưỡng giá
trị tài sản chịu thuế, loại ra những tài sản đã đánh thuế để tránh trùng lặp.
Đối với tài sản là nhà cá nhân xây dựng trên đất thì chỉ nên đánh thuế theo
diện tích chiếm đất, nhà chung cư chỉ đánh thuế đất theo diện tích chiếm đất
chung chia đều cho diện tích mỗi căn hộ. Mặt khác cần có giải pháp quản lí
chặt chẽ dữ liệu về nhà ở, dân cư và tài sản khác. Dữ liệu kê khai tài sản
của cán bộ, công chức cũng cần xem xét đưa vào quản lí nếu áp dụng Luật Thuế
tài sản.
Việc tìm nguồn thu cho ngân sách
là áp lực của ngành thuế, nhưng giải quyết bài toán này lâu nay thường là
tăng mức thuế, tìm thêm loại thuế mới mà chưa nỗ lực nâng cao hiệu quả quản
lí để tăng thu, tiết kiệm chi.
Việc bảo đảm an sinh xã hội cần
được ưu tiên, tránh mở rộng diện thu thuế, đánh thuế trùng lặp hoặc hạ thấp
ngưỡng chịu thuế tác động lớn tới đa số người dân. Nếu theo dự thảo này, thuế
tài sản sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến đời sống của tầng lớp thu nhập trung bình và
thấp!
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 19 tháng 4 năm 2018
|
Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018
Dẹp nạn “sản xuất bình phong”
Hiện
nay có những kẻ xấu, nhưng có biệt tài trong sử dụng bình phong khiến cho bao
người khốn đốn, kiệt quệ vì tin tưởng cái bình phong hào nhoáng bên ngoài.
Chúng có thể sử dụng bình phong, bởi còn có một số cá nhân, tổ chức vô tình
hay cố ý bán rẻ những “tấm bình phong”!
Thông tin thuốc chữa ung thư mang tên
Vinaca của Công ty TNHH Vinaca làm bằng bột than tre khiến dư luận sửng sốt, còn
những bệnh nhân đã sử dụng thì bàng hoàng, lo lắng. Điều ngạc nhiên không kém
là doanh nghiệp sản xuất ra thứ hàng giả này lại được Viện Chống làm giả, Hiệp
hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP) trao tặng chứng
nhận tôn vinh. Theo đó, đây là “thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt
Nam và gương mặt doanh nhân tiêu biểu 2017”! Với tấm bình phong “hoành tráng”
này, người bệnh không bị lừa mới là chuyện lạ!
Lâu nay ta thường thấy một số tổ chức xã
hội, hiệp hội này kia cho người đi mời gọi các doanh nghiệp tham gia sự kiện,
hội nghị, lễ hội… kết hợp dự xét tặng các huy hiệu, kỉ niệm chương, danh hiệu
để vinh danh. Có thể họ chẳng biết rõ doanh nghiệp làm ăn thế nào, tốt xấu ra
sao, chỉ cần đăng kí tham dự và đóng tiền phí hoặc tài trợ tiền là tặng danh
hiệu, tôn vinh. Có lẽ danh hiệu cao thấp chỉ phụ thuộc vào số tiền nhiều hay
ít? Những danh hiệu đó đối với doanh nghiệp uy tín, làm ăn nghiêm túc, họ
chẳng mấy quan tâm. Tuy nhiên tấm hư danh trao vào tay những kẻ xấu thì rất
dễ trở thành tấm bình phong vô cùng lợi hại, để chúng thao túng, lường gạt
dân lành. Không chỉ những tấm bằng hư danh, chúng còn sẵn sàng làm giả danh
hiệu khen thưởng hoặc lôi các nhân vật đình đám trong giới showbiz để tạo
lòng tin để lừa đảo như vụ Công ty CP Morden Tech lừa đảo tiền ảo gần đây,
hay Công ty đa cấp Liên kết Việt bị triệt phá năm trước là những điển hình.
Vụ lừa bán thuốc chữa ung thư Vinaca chắc chắn không phải là cá biệt.
Danh hiệu vinh danh Công ty TNHH VINACA, doanh nghiệp sản xuất thuốc trị ung thư giả
Các hình thức khen thưởng được quy định rất rõ trong Luật Thi đua -
Khen thưởng. Mức độ thành tích, kết quả của tập thể, cá nhân được rà xét theo
một quy trình chặt chẽ, qua nhiều cấp thẩm định trên cơ sở tiêu chuẩn cụ thể.
Trong 7 hình thức khen thưởng thì hình thức tặng kỉ niệm chương, huy hiệu dễ
bị lợi dụng nhất theo nhiều cách biến tướng bằng những cái tên khác như chứng
nhận, nhãn hiệu, top 10, thương hiệu vàng v.v và v.v. Những cái tên bóng bẩy
cùng hình thức sang trọng của tấm bằng, khiến ít ai nghi ngờ bản chất của chủ
sở hữu.
Đã đến lúc cơ quan quản lí cần thắt chặt
việc cho phép các đơn vị, hiệp hội tổ chức sự kiện quảng bá và vinh danh
doanh nghiệp. Nếu đó thực sự là những chương trình có nội dung thiết thực thì
việc xét tặng danh hiệu phải được cơ quan quản lí chuyên ngành cho phép và
thẩm định nghiêm túc. Các doanh nghiệp cũng cần tỉnh táo và cương quyết từ
chối những mời gọi tài trợ vừa trục lợi vừa sản xuất ra những “tấm bình
phong” trợ giúp những kẻ làm ăn bất chính.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 18 tháng 4 năm 2018
|
Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018
Cười… thuốc độc!
Dân gian có câu: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc
bổ”. Những nụ cười sảng khoái xuất phát từ tâm hồn lành mạnh, vui tươi, thư
thái là yếu tố tâm sinh lí góp phần mang lại nguồn sức khỏe cho con người.
Thế nhưng hiện nay lại có những nụ cười, nói
đúng hơn là những trận cười đầy… độc hại xuất phát từ quả bóng cười.
Bóng cười là những túi bóng bay được bơm vào đó
một loại khí gây cười, tên hóa học là đinitơ monoxit, hay nitrous oxide, một hợp
chất hóa học có tên công thức N2O. Khoảng thế kỉ XVIII, các câu lạc bộ người
Anh và người Đức đã sử dụng khí này như một loại bình “ma thuật” đặc biệt.
Thời đó giới thượng lưu và những người tỏ ra sành điệu đã sử dụng khí N2O bơm
vào bình, cùng với khói và hương thơm tạo thành một loại khí có tác động gây
hưng phấn nhất thời. Khí N2O ngấm vào cơ thể tạo cảm giác phấn khích, ảo giác
gây cười. Đây chính là nguồn gốc của quả bóng cười ngày nay, còn được gọi tên
tiếng Anh là Funkyball.
Bóng cười thâm nhập vào Việt Nam chưa lâu
nhưng đã nhanh chóng trở thành trào lưu, được một bộ phận giới trẻ yêu thích,
coi nó như một thú vui mỗi khi đi quán bar, hộp đêm và cả quán vỉa hè.
Giới trẻ Hà Nội chơi bóng cười ngay tại vỉa hè
Các bác sĩ trên thế giới từng cảnh báo, việc
hít khí cười sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hệ tim mạch, thần kinh mà hậu
quả xấu nhất nếu lạm dụng là dẫn tới trầm cảm hoặc thiệt mạng. Hít khí này
vào cảm giác tê tê, đặc biệt là nghe nhạc rất rõ, sau đó phấn khích, cười ngả
nghiêng khó kiềm chế.
Theo các nhà khoa học, khi lạm dụng chất gây
ảo giác lâu ngày rất dễ đi đến sử dụng thuốc gây nghiện thật sự,
thậm chí là ma túy. Bởi vì, khi đã quen cảm giá “phê” với ảo giác, người dùng
dễ tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn. Người quen dùng khí cười để “phê”
dẫn đến chơi thử bồ đà, thuốc lắc, “hàng đá”… Rồi đến một lúc nào đó sẽ chơi
thử heroin, từ hút rồi cuối cùng sẽ là nghiện tiêm chích ma túy…
Việc sử dụng bóng cười đang lan truyền
tại nhiều quán cà phê, quán bar ở trung tâm Hà Nội và nhiều thành phố lớn.
Điều rất nguy hại là một bộ phận giới trẻ lan truyền quan niệm bóng cười
không phải là chất gây nghiện. Thế nhưng vừa qua Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)
đã tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc khí N2O do lạm dụng hít bóng cười trong
thời gian dài với các biểu hiện rối loạn cảm giác, giảm vận động; xét
nghiệm thấy tổn thương tủy sống cổ, mất chất liệu tủy sống. Như vậy, những
trận cười khí NO2 nguy hiểm hơn cả mười thang… thuốc độc đã được kiểm chứng!
Tuy hóa chất trong bóng cười hiện chưa có
trong danh mục chất ma túy hay tiền chất ma túy nhưng rất có thể đây cũng là một
chất gây nghiện, độc hại và ẩn chứa nhiều nguy cơ.
Đã đến lúc cơ quan chức năng cần đưa trò
chơi độc hại này vào phạm vi quản lí. Dù chưa có điều luật quy định thì cũng
cần có biện pháp hạn chế sử dụng đồng thời khẩn trương đưa chất khí độc hại
này vào danh mục cấm sử dụng./.
Đinh
Hoàng
Bài bình
luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 13
tháng 4 năm 2018
|
Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018
Trộm trong nhà
Thông thường những gia đình giàu có,
nhiều tiền của thường thiết kế căn nhà của họ kín cổng cao tường, khóa rào,
hòm két chắc chắn. Đây là biện pháp trước tiên, quan trọng để bảo toàn tài
sản.
Tuy nhiên, kín cổng cao tường chưa phải
là tất cả. Nhiều vụ mất tiền lại bởi lí do “trộm” là người trong nhà. Khi đó
những biện pháp kĩ thuật như trên là vô dụng.
Nhìn rộng ra, một số ngân hàng thương mại
có tên tuổi bị “mất trộm” vừa qua với những khoản tiền khủng thì hầu hết có
“tay trong” là cán bộ, nhân viên ngân hàng.
Nói về biện pháp kĩ thuật thì ngân hàng
nào cũng có cách tối ưu phòng ngừa trộm cướp. Trộm bên ngoài hầu như rất ít
cơ hội, kể cả đào tường, khoét ngạch.
Với khách hàng gửi tiền dù muốn cũng
chẳng có cách nào để lợi dụng hay lừa được ngân hàng để trộm tiền. Việc gửi
tiền vào ngân hàng thủ tục luôn rất “thoáng”, người gửi tiền nhận được cuốn
sổ tiết kiệm không thể đơn giản hơn trong khi vay tiền ngân hàng thì bản hợp
đồng có vô số điều khoản chặt chẽ, nhất là nghĩa vụ của người vay.
Vụ mất tiền tại Ngân hàng TMCP xuất nhập
khẩu Việt Nam (Eximbank) đang được dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ là món
tiền tới 245 tỉ mà còn bởi quy trình quản trị và cách xử lí vụ việc của ngân
hàng này. Với quan điểm cho rằng nguyên nhân mất tiền do “cá nhân cán bộ ngân
hàng cùng lỗi của khách hàng” khiến hai bên chưa tìm được tiếng nói chung để
giải quyết vụ việc.
Ai cũng biết cán bộ, nhân viên mỗi ngân
hàng được tuyển dụng, quản lí và sử dụng là trách nhiệm của ngân hàng. Chất
lượng đội ngũ này (cả về năng lực và phẩm chất) cùng quy trình, biện pháp quản
lí chặt chẽ sẽ tạo nên uy tín, thương hiệu của ngân hàng và lòng tin nơi
khách hàng. Niềm tin và thương hiệu sẽ tạo nên giá trị, thứ mà nếu mất đi,
ngân hàng sẽ mất đi giá trị lớn hơn nhiều các vụ trộm.
Với các ngân hàng lớn trên thế giới, việc
xử lí khủng hoảng rất chuyên nghiệp, họ không bao giờ tự đánh mất uy tín. Vụ việc
ở Eximbank, nếu ngân hàng này chưa vội khẳng định nguyên nhân, giải quyết sớm
yêu cầu chính đáng của khách hàng theo quy định hiện hành thì chắc chắn uy
tín của họ có thể sẽ không mất mát quá nhiều. Dù khách hàng có thực sự câu
kết với cán bộ ngân hàng để lừa đảo thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ, lúc đó
khách hàng sẽ phải trả lại tiền, làm sao có thể “nuốt trôi”?
Gần đây một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước còn
khuyên “…khách hàng nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi. Khi
phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho tổ chức tín dụng và các cơ
quan chức năng...” khiến nhiều người gửi tiền hoang mang, nhất là nhóm khách
hàng cao tuổi. Vụ việc tại Eximbank cùng phát ngôn trên của lãnh đạo ngành
ngân hàng càng khiến niềm tin của người gửi tiền giảm sút. Phải chăng ngân
hàng cũng không còn là nơi tin tưởng tuyệt đối để “chọn mặt” gửi tiền?
Đã đến lúc hệ thống ngân hàng cần nâng
cao chất lượng, hiệu quả công tác quản trị để giữ vững uy tín. Một trong
những mục tiêu quan trọng nhất là làm sao không để nảy sinh những kẻ “trộm
trong nhà”!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi và Ngaymoionline ngày 11 tháng 4 năm 2018
|
Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018
“Nghề” và đạo đức
Câu chuyện cấm hay cho phép
hành nghề mại dâm đã được đề cập tại một số diễn đàn và cả trên nghị trường.
Trong khi số đông ý kiến không chấp nhận thì cũng có một số đề nghị pháp luật
thừa nhận mại dâm là một nghề được đăng kí kinh doanh.
Với nền văn hóa Á Đông, từ
nghìn xưa tới nay hầu hết các quốc gia vẫn coi mại dâm là cái xấu, một tệ nạn
xã hội. Hiện trong 193 quốc gia trên thế giới cũng chỉ có 10 nước chấp nhận
mại dâm là một nghề hợp pháp được quản lí bằng các điều kiện.
Mại dâm luôn là vấn đề nóng trong quản lí trật tự xã hội
Ý kiến cho phép biện luận
rằng dù muốn hay không thì mại dâm vẫn tồn tại; nó tạo công ăn việc làm cho
nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; rằng, cho phép hoạt động mại dâm sẽ giúp
quản lí tốt hơn, hạn chế lây truyền bệnh tật, thậm chí cả để… tránh thất thu
thuế, v.v và v.v. Song, quy cho cùng, có câu chuyện này chẳng qua người ta
đang tìm hướng giải tỏa cho sự bất lực trong công tác quản lí xã hội!
Chúng ta biết, xã hội loài người trên con đường tiến lên tất thảy đều hướng
tới giá trị chân, thiện, mĩ. Những gì là giá trị đích thực có ích cho cá
nhân, gia đình, xã hội dần được định hình, trở thành chuẩn mực đạo đức và quy
định pháp luật. Những thứ gây hại cho cộng đồng là phi đạo đức, bị tẩy chay,
ngăn ngừa và loại bỏ. Từ xã hội quần hôn, mông muội nay hầu hết các quốc gia,
dân tộc đều tiến tới một chuẩn mực chung, trở thành luật pháp về chế độ hôn
nhân một vợ một chồng. Người phụ nữ từ chỗ chỉ là phần thứ yếu trong mọi mối
quan hệ và cấu trúc xã hội đã vươn lên ngày càng bình đẳng.
Thử đặt giả thiết, pháp luật chấp nhận mại dâm là một nghề xem sao? Trong một
thị trường mà “người bán” là hợp pháp thì tất nhiên “người mua” cũng chẳng
thể coi là vi phạm pháp luật hay tư cách đạo đức. Lúc này nhiều quan niệm,
quy định, điều luật và cả các mối quan hệ gia đình, xã hội phải thay đổi.
Ảnh minh họa
Liệu những người đề nghị công nhận mại dâm là nghề hợp pháp có đồng ý cho
người thân của họ hành nghề hay tự do mua dâm? Có lẽ mọi người đều biết câu
trả lời. Rồi ngay những người hành nghề mại dâm có dám chính danh đăng kí
hành nghề hay chỉ là tạo cho giới ma cô, chăn dắt được hợp pháp hóa việc bóc
lột thân xác những người phụ nữ sa chân lỡ bước? Có chắc việc quản lí “nghề”
này sẽ tốt hơn trong khi mà nhiều nghề hợp pháp việc quản lí còn lỏng lẻo,
không theo kịp sự phát triển?
Câu chuyện mại dâm không đến nỗi bức xúc khiến dư luận quan tâm nếu làm tốt việc
quản lí. Trong một đất nước nếu nền giáo dục phát huy hiệu quả, nền kinh tế
bảo đảm từng bước công bằng cho mọi nhóm người, đặc biệt là nhóm yếu thế sẽ
là cơ sở hạn chế tệ nạn và tội phạm. Với cơ quan quản lí thì việc tìm giải
pháp nhằm giải quyết công ăn việc làm hợp pháp cho nhóm yếu thế mới là nền
tảng căn cơ giúp hạn chế tệ nạn.
Xây dựng một chế độ xã hội cần
giữ gìn bản sắc truyền thống cùng hướng tới giá trị văn minh, cái đẹp đích
thực chứ không thể vì bất lực mà chấp nhận, hợp thức những tồn tại xã hội./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 06
tháng 04 năm 2018
|
Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018
Hàng
hóa cổ điển
Có lẽ trong lịch sử kinh tế nước ta chưa
có cuộc thí điểm nào “vĩ đại” như việc thí
điểm ứng dụng khoa học, công nghệ quản lí vận tải hành khách theo hợp đồng
(gọi nôm na là kinh doanh taxi công nghệ) với 2 pháp nhân Uber và Grab.
Uber đã nhượng quyền cho Grab thị trường Đông Nam Á
Gọi là thí điểm nhưng
quy mô hoạt động của 2 hãng công nghệ này ôm trùm 2 thành phố lớn nhất nước
với hàng chục triệu dân. Thí điểm nhưng doanh nghiệp có lực lượng lao động
hàng chục nghìn lái xe cùng tư liệu sản xuất chính là chiếc xe giá trị cả
trăm triệu đồng họ phải mua, doanh nghiệp chẳng mất xu nào cho khối tư liệu
sản xuất khổng lồ.
Gần đây giới lái xe công nghệ Uber bỗng
xôn xao lo lắng khi có thông tin hãng này đã nhượng quyền kinh doanh cho đối
thủ cạnh tranh là Grab tại một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam
để thu về hàng tỉ đô la. Còn đội ngũ lái xe
công nghệ thấy tương lai như thể bất định, chung chiêng.
Vì sao chỉ là “nhượng
quyền kinh doanh” mà mang về giá trị khủng như vậy? Như danh tự xưng của các
hãng công nghệ, họ chỉ cung ứng dịch vụ phần mềm gọi xe trên điện thoại thông
minh, các tài xế là pháp nhân độc lập hoặc thành viên của các hợp tác xã, dù
mối quan hệ hợp tác xã rất lỏng lẻo, không có vai trò gì trong sản xuất, điều
tiết thu nhập. Có câu “danh chính thì ngôn mới thuận”, các hãng công nghệ
ngay từ đầu danh đã không chính nên hệ lụy là xuất hiện nhiều điều không
thuận. Nếu là doanh nghiệp taxi thì kinh doanh phải xin cấp phép đầu tư của
ngành kế hoạch và đầu tư, chịu sự quản lí thuế của ngành thuế chứ không thể
chỉ là sự cho phép của ngành giao thông vận tải mà vẫn “làm mưa làm gió” như
hiện nay. Hàng chục nghìn lao động lẽ ra phải được cư xử như tại bất kì doanh
nghiệp nào, khi phá sản, giải thể hay chuyển nhượng thì quyền lợi của họ được
bảo vệ. Tuy nhiên ở đây với khái niệm “nhượng quyền kinh doanh”, họ chỉ “bán
cái quyền” nhưng thực chất họ đã bán người lao động đi kèm tài sản tư liệu
sản xuất, thứ đã mang lại lợi nhuận cho ông chủ.
Liệu Grab có trở thành hãng độc quyền
Ta đã biết, các nhà tư
bản thu lợi nhuận chính từ nguồn hàng hóa sức lao động của người công nhân.
Nhưng thuở sơ khai mấy thế kỉ trước các ông chủ sở hữu không chỉ sức lao
động, mà sở hữu cả thân xác người lao động, đó là giai đoạn chiếm hữu nô lệ
đầy man rợ. Lúc đó, những nhà tư sản buôn bán nô lệ chẳng khác gì những gã
“lái trâu xuyên lục địa”.
Thời hạn ngày 31/12/2017
cơ quan chức năng phải hoàn thành dự thảo nghị định thay thế Nghị định
86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô
đã qua nhưng tới nay dự thảo vẫn đang trên bàn nghị sự, còn việc “thí điểm”
vẫn tiếp tục.
Nếu
thương vụ “nhượng quyền kinh doanh” của 2 hãng công nghệ trên thực sự diễn
ra, trước hết thị trường này sẽ chỉ còn một doanh nghiệp độc quyền. Tuy
nhiên, điều đáng lo hơn là loại hình kinh doanh này vẫn chưa có chút ràng
buộc nào về trách nhiệm trước quyền lợi của cả người lao động và khách hàng.
Nếu không có giải pháp quản lí hữu hiệu ở tầm vĩ mô, những thương vụ kiểu này
sẽ vô tình biến người lái xe cùng tư liệu sản xuất của họ trở thành thứ hàng
hóa cổ điển như thời tư bản sơ khai!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 03
tháng 4 năm 2018
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)