Hàng
hóa cổ điển
Có lẽ trong lịch sử kinh tế nước ta chưa
có cuộc thí điểm nào “vĩ đại” như việc thí
điểm ứng dụng khoa học, công nghệ quản lí vận tải hành khách theo hợp đồng
(gọi nôm na là kinh doanh taxi công nghệ) với 2 pháp nhân Uber và Grab.
Uber đã nhượng quyền cho Grab thị trường Đông Nam Á
Gọi là thí điểm nhưng
quy mô hoạt động của 2 hãng công nghệ này ôm trùm 2 thành phố lớn nhất nước
với hàng chục triệu dân. Thí điểm nhưng doanh nghiệp có lực lượng lao động
hàng chục nghìn lái xe cùng tư liệu sản xuất chính là chiếc xe giá trị cả
trăm triệu đồng họ phải mua, doanh nghiệp chẳng mất xu nào cho khối tư liệu
sản xuất khổng lồ.
Gần đây giới lái xe công nghệ Uber bỗng
xôn xao lo lắng khi có thông tin hãng này đã nhượng quyền kinh doanh cho đối
thủ cạnh tranh là Grab tại một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam
để thu về hàng tỉ đô la. Còn đội ngũ lái xe
công nghệ thấy tương lai như thể bất định, chung chiêng.
Vì sao chỉ là “nhượng
quyền kinh doanh” mà mang về giá trị khủng như vậy? Như danh tự xưng của các
hãng công nghệ, họ chỉ cung ứng dịch vụ phần mềm gọi xe trên điện thoại thông
minh, các tài xế là pháp nhân độc lập hoặc thành viên của các hợp tác xã, dù
mối quan hệ hợp tác xã rất lỏng lẻo, không có vai trò gì trong sản xuất, điều
tiết thu nhập. Có câu “danh chính thì ngôn mới thuận”, các hãng công nghệ
ngay từ đầu danh đã không chính nên hệ lụy là xuất hiện nhiều điều không
thuận. Nếu là doanh nghiệp taxi thì kinh doanh phải xin cấp phép đầu tư của
ngành kế hoạch và đầu tư, chịu sự quản lí thuế của ngành thuế chứ không thể
chỉ là sự cho phép của ngành giao thông vận tải mà vẫn “làm mưa làm gió” như
hiện nay. Hàng chục nghìn lao động lẽ ra phải được cư xử như tại bất kì doanh
nghiệp nào, khi phá sản, giải thể hay chuyển nhượng thì quyền lợi của họ được
bảo vệ. Tuy nhiên ở đây với khái niệm “nhượng quyền kinh doanh”, họ chỉ “bán
cái quyền” nhưng thực chất họ đã bán người lao động đi kèm tài sản tư liệu
sản xuất, thứ đã mang lại lợi nhuận cho ông chủ.
Liệu Grab có trở thành hãng độc quyền
Ta đã biết, các nhà tư
bản thu lợi nhuận chính từ nguồn hàng hóa sức lao động của người công nhân.
Nhưng thuở sơ khai mấy thế kỉ trước các ông chủ sở hữu không chỉ sức lao
động, mà sở hữu cả thân xác người lao động, đó là giai đoạn chiếm hữu nô lệ
đầy man rợ. Lúc đó, những nhà tư sản buôn bán nô lệ chẳng khác gì những gã
“lái trâu xuyên lục địa”.
Thời hạn ngày 31/12/2017
cơ quan chức năng phải hoàn thành dự thảo nghị định thay thế Nghị định
86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô
đã qua nhưng tới nay dự thảo vẫn đang trên bàn nghị sự, còn việc “thí điểm”
vẫn tiếp tục.
Nếu
thương vụ “nhượng quyền kinh doanh” của 2 hãng công nghệ trên thực sự diễn
ra, trước hết thị trường này sẽ chỉ còn một doanh nghiệp độc quyền. Tuy
nhiên, điều đáng lo hơn là loại hình kinh doanh này vẫn chưa có chút ràng
buộc nào về trách nhiệm trước quyền lợi của cả người lao động và khách hàng.
Nếu không có giải pháp quản lí hữu hiệu ở tầm vĩ mô, những thương vụ kiểu này
sẽ vô tình biến người lái xe cùng tư liệu sản xuất của họ trở thành thứ hàng
hóa cổ điển như thời tư bản sơ khai!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 03
tháng 4 năm 2018
|
Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét