Trộm trong nhà
Thông thường những gia đình giàu có,
nhiều tiền của thường thiết kế căn nhà của họ kín cổng cao tường, khóa rào,
hòm két chắc chắn. Đây là biện pháp trước tiên, quan trọng để bảo toàn tài
sản.
Tuy nhiên, kín cổng cao tường chưa phải
là tất cả. Nhiều vụ mất tiền lại bởi lí do “trộm” là người trong nhà. Khi đó
những biện pháp kĩ thuật như trên là vô dụng.
Nhìn rộng ra, một số ngân hàng thương mại
có tên tuổi bị “mất trộm” vừa qua với những khoản tiền khủng thì hầu hết có
“tay trong” là cán bộ, nhân viên ngân hàng.
Nói về biện pháp kĩ thuật thì ngân hàng
nào cũng có cách tối ưu phòng ngừa trộm cướp. Trộm bên ngoài hầu như rất ít
cơ hội, kể cả đào tường, khoét ngạch.
Với khách hàng gửi tiền dù muốn cũng
chẳng có cách nào để lợi dụng hay lừa được ngân hàng để trộm tiền. Việc gửi
tiền vào ngân hàng thủ tục luôn rất “thoáng”, người gửi tiền nhận được cuốn
sổ tiết kiệm không thể đơn giản hơn trong khi vay tiền ngân hàng thì bản hợp
đồng có vô số điều khoản chặt chẽ, nhất là nghĩa vụ của người vay.
Vụ mất tiền tại Ngân hàng TMCP xuất nhập
khẩu Việt Nam (Eximbank) đang được dư luận đặc biệt quan tâm không chỉ là món
tiền tới 245 tỉ mà còn bởi quy trình quản trị và cách xử lí vụ việc của ngân
hàng này. Với quan điểm cho rằng nguyên nhân mất tiền do “cá nhân cán bộ ngân
hàng cùng lỗi của khách hàng” khiến hai bên chưa tìm được tiếng nói chung để
giải quyết vụ việc.
Ai cũng biết cán bộ, nhân viên mỗi ngân
hàng được tuyển dụng, quản lí và sử dụng là trách nhiệm của ngân hàng. Chất
lượng đội ngũ này (cả về năng lực và phẩm chất) cùng quy trình, biện pháp quản
lí chặt chẽ sẽ tạo nên uy tín, thương hiệu của ngân hàng và lòng tin nơi
khách hàng. Niềm tin và thương hiệu sẽ tạo nên giá trị, thứ mà nếu mất đi,
ngân hàng sẽ mất đi giá trị lớn hơn nhiều các vụ trộm.
Với các ngân hàng lớn trên thế giới, việc
xử lí khủng hoảng rất chuyên nghiệp, họ không bao giờ tự đánh mất uy tín. Vụ việc
ở Eximbank, nếu ngân hàng này chưa vội khẳng định nguyên nhân, giải quyết sớm
yêu cầu chính đáng của khách hàng theo quy định hiện hành thì chắc chắn uy
tín của họ có thể sẽ không mất mát quá nhiều. Dù khách hàng có thực sự câu
kết với cán bộ ngân hàng để lừa đảo thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ, lúc đó
khách hàng sẽ phải trả lại tiền, làm sao có thể “nuốt trôi”?
Gần đây một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước còn
khuyên “…khách hàng nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi. Khi
phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho tổ chức tín dụng và các cơ
quan chức năng...” khiến nhiều người gửi tiền hoang mang, nhất là nhóm khách
hàng cao tuổi. Vụ việc tại Eximbank cùng phát ngôn trên của lãnh đạo ngành
ngân hàng càng khiến niềm tin của người gửi tiền giảm sút. Phải chăng ngân
hàng cũng không còn là nơi tin tưởng tuyệt đối để “chọn mặt” gửi tiền?
Đã đến lúc hệ thống ngân hàng cần nâng
cao chất lượng, hiệu quả công tác quản trị để giữ vững uy tín. Một trong
những mục tiêu quan trọng nhất là làm sao không để nảy sinh những kẻ “trộm
trong nhà”!
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi và Ngaymoionline ngày 11 tháng 4 năm 2018
|
Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét