Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

 “Nghề” và đạo đức

Câu chuyện cấm hay cho phép hành nghề mại dâm đã được đề cập tại một số diễn đàn và cả trên nghị trường. Trong khi số đông ý kiến không chấp nhận thì cũng có một số đề nghị pháp luật thừa nhận mại dâm là một nghề được đăng kí kinh doanh.
Với nền văn hóa Á Đông, từ nghìn xưa tới nay hầu hết các quốc gia vẫn coi mại dâm là cái xấu, một tệ nạn xã hội. Hiện trong 193 quốc gia trên thế giới cũng chỉ có 10 nước chấp nhận mại dâm là một nghề hợp pháp được quản lí bằng các điều kiện.

Mại dâm luôn là vấn đề nóng trong quản lí trật tự xã hội

Ý kiến cho phép biện luận rằng dù muốn hay không thì mại dâm vẫn tồn tại; nó tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; rằng, cho phép hoạt động mại dâm sẽ giúp quản lí tốt hơn, hạn chế lây truyền bệnh tật, thậm chí cả để… tránh thất thu thuế, v.v và v.v. Song, quy cho cùng, có câu chuyện này chẳng qua người ta đang tìm hướng giải tỏa cho sự bất lực trong công tác quản lí xã hội!
          Chúng ta biết, xã hội loài người trên con đường tiến lên tất thảy đều hướng tới giá trị chân, thiện, mĩ. Những gì là giá trị đích thực có ích cho cá nhân, gia đình, xã hội dần được định hình, trở thành chuẩn mực đạo đức và quy định pháp luật. Những thứ gây hại cho cộng đồng là phi đạo đức, bị tẩy chay, ngăn ngừa và loại bỏ. Từ xã hội quần hôn, mông muội nay hầu hết các quốc gia, dân tộc đều tiến tới một chuẩn mực chung, trở thành luật pháp về chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Người phụ nữ từ chỗ chỉ là phần thứ yếu trong mọi mối quan hệ và cấu trúc xã hội đã vươn lên ngày càng bình đẳng.
          Thử đặt giả thiết, pháp luật chấp nhận mại dâm là một nghề xem sao? Trong một thị trường mà “người bán” là hợp pháp thì tất nhiên “người mua” cũng chẳng thể coi là vi phạm pháp luật hay tư cách đạo đức. Lúc này nhiều quan niệm, quy định, điều luật và cả các mối quan hệ gia đình, xã hội phải thay đổi.
Ảnh minh họa

          Liệu những người đề nghị công nhận mại dâm là nghề hợp pháp có đồng ý cho người thân của họ hành nghề hay tự do mua dâm? Có lẽ mọi người đều biết câu trả lời. Rồi ngay những người hành nghề mại dâm có dám chính danh đăng kí hành nghề hay chỉ là tạo cho giới ma cô, chăn dắt được hợp pháp hóa việc bóc lột thân xác những người phụ nữ sa chân lỡ bước? Có chắc việc quản lí “nghề” này sẽ tốt hơn trong khi mà nhiều nghề hợp pháp việc quản lí còn lỏng lẻo, không theo kịp sự phát triển?
          Câu chuyện mại dâm không đến nỗi bức xúc khiến dư luận quan tâm nếu làm tốt việc quản lí. Trong một đất nước nếu nền giáo dục phát huy hiệu quả, nền kinh tế bảo đảm từng bước công bằng cho mọi nhóm người, đặc biệt là nhóm yếu thế sẽ là cơ sở hạn chế tệ nạn và tội phạm. Với cơ quan quản lí thì việc tìm giải pháp nhằm giải quyết công ăn việc làm hợp pháp cho nhóm yếu thế mới là nền tảng căn cơ giúp hạn chế tệ nạn.
Xây dựng một chế độ xã hội cần giữ gìn bản sắc truyền thống cùng hướng tới giá trị văn minh, cái đẹp đích thực chứ không thể vì bất lực mà chấp nhận, hợp thức những tồn tại xã hội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét