Thuế tài sản cần tính toán thận trọng
Dự thảo Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính vừa công bố đề xuất
đánh thuế với đất và nhà ở đang được dư luận quan tâm đặc biệt, thậm chí gây
bức xúc trong người dân khiến Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến chỉ đạo.
Theo dự thảo, nhà giá trị 700
triệu đến 1 tỉ đồng trở lên sẽ chịu thuế với căn cứ vốn đầu tư xây dựng nhà ở
bình quân khoảng 7,3 triệu đồng/m2. Căn nhà 100m2 trở lên sẽ chịu thuế mức 0,3-0,4%. Theo
nhiều chuyên gia, đây là mức khá cao.
Trước đây đã có dự định thu thuế
với người sở hữu nhà ở thứ 2 trở lên nhưng có lẽ do sự phức tạp và chưa đồng
bộ trong quản lí nên đành gác lại. Tuy nhiên, việc quy nhà ở vào tài sản để
đánh thuế cũng sẽ gặp không ít khó khăn, phức tạp do việc quản lí dữ liệu nhà
ở và tài sản hiện còn nhiều bất cập. Dù thuế nhà ở chỉ thu diện tích vượt
ngưỡng nhưng với nhà diện tích 100m2 hoặc nhà chung cư tại đô thị hầu hết
vượt xa ngưỡng giá trị 700 triệu đồng. Việc ấn định giá trị tương ứng 100m2 trở lên để đánh thuế sẽ là sự cào
bằng bởi cùng diện tích có căn nhà xây dựng nhiều tỉ đồng song cũng có căn
chỉ mấy trăm triệu.
Chuyên gia cho rằng thuế tài sản cần đánh đúng đối tượng thay vì cào bằng như đề xuất.
Nói về khái niệm, nếu gọi đây là
Luật Thuế tài sản thì cần mở rộng diện tài sản chịu thuế cho đẩy đủ và chuẩn
xác. Trong 6 đối tượng đánh thuế tại dự thảo chủ yếu là nhà, đất và chỉ vài
tài sản như ô tô, du thuyền (không kinh doanh)… Nhiều loại tài sản khác như
tiền gửi ngân hàng, vàng, ngoại tệ, trang sức, tranh nghệ thuật, đồ cổ v.v…
không có trong danh mục thu thuế. Mặt khác ,cần tách bạch thuế nhà và thuế
đất. Khái niệm tài sản cũng không nên mặc định là sở hữu nhà đất cá nhân. Tài
sản công chiếm lượng không nhỏ tài sản xã hội như trụ sở làm việc, xe công...
cần được xem xét đánh thuế nhằm hạn chế việc sử dụng lãng phí, nhất là tình
trạng nhiều cơ quan hành chính nhà nước luôn muốn ôm giữ lượng lớn đất đai,
tài sản.
Để khắc phục những bất cập khi ban
hành sắc thuế này, nên chăng cần phải xác định rõ loại tài sản, ngưỡng giá
trị tài sản chịu thuế, loại ra những tài sản đã đánh thuế để tránh trùng lặp.
Đối với tài sản là nhà cá nhân xây dựng trên đất thì chỉ nên đánh thuế theo
diện tích chiếm đất, nhà chung cư chỉ đánh thuế đất theo diện tích chiếm đất
chung chia đều cho diện tích mỗi căn hộ. Mặt khác cần có giải pháp quản lí
chặt chẽ dữ liệu về nhà ở, dân cư và tài sản khác. Dữ liệu kê khai tài sản
của cán bộ, công chức cũng cần xem xét đưa vào quản lí nếu áp dụng Luật Thuế
tài sản.
Việc tìm nguồn thu cho ngân sách
là áp lực của ngành thuế, nhưng giải quyết bài toán này lâu nay thường là
tăng mức thuế, tìm thêm loại thuế mới mà chưa nỗ lực nâng cao hiệu quả quản
lí để tăng thu, tiết kiệm chi.
Việc bảo đảm an sinh xã hội cần
được ưu tiên, tránh mở rộng diện thu thuế, đánh thuế trùng lặp hoặc hạ thấp
ngưỡng chịu thuế tác động lớn tới đa số người dân. Nếu theo dự thảo này, thuế
tài sản sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến đời sống của tầng lớp thu nhập trung bình và
thấp!
|
Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018
Bình luận: Thuế tài sản
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét