Mờ mắt và “mắt mờ”
Vụ việc tẩm than pin vào cà
phê kém chất lượng đưa đi tiêu thụ của một cơ sở thu mua chế biến cà phê nhân
tại Đắk Nông khiến dự luận bàng hoàng chẳng kém vụ sản xuất thuốc điều trị
ung thư Vinaca vừa bị phát hiện.
Thu mua cà phê thứ phẩm giá
rẻ rồi sơ chế, làm đẹp bằng mọi cách để đưa đi tiêu thụ như loại cà phê bình
thường chắc chắn đã mang lại lợi nhuận không nhỏ. Có thể bà chủ cơ sở “cà phê
pin” này không có mục tiêu đầu độc người dùng nhưng cũng hiểu thứ than pin đi
vào cơ thể là vô cùng nguy hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, những đồng
tiền lợi nhuận đã làm mờ mắt và những cục than pin như đã nhuộm đen lương
tâm, đạo đức kinh doanh của chủ doanh nghiệp này.
Thực ra việc làm mờ ám của cơ
sở chế biến cà phê đã được người dân nghi ngờ và báo cho cơ quan công an địa
phương từ năm 2016. Việc thu mua, chế biến nhiều tấn cà phê như vậy không
phải là quy mô nhỏ. Rồi việc thu gom hàng trăm ki- lô gam pin Con Ó không
phải là chuyện bình thường với cơ sở không kinh doanh mặt hàng này. Ròng rã
hằng năm trời, việc làm mờ ám đó không bị phát hiện là dấu hỏi lớn về cơ quan
quản lí bản địa. Không kịp thời phát hiện ngăn chặn, trong gần 2 năm qua đã
có bao nhiêu tấn “cà phê pin” trở thành những giọt cà phê phin hoặc loại thực
phẩm nào đó ngấm vào cơ thể bao người tiêu dùng? Rồi sau này sẽ có bao nhiêu
làng, xã… ung thư mà không thể biết được nguồn độc hại từ đâu. Đây như một vụ
đầu độc hàng loạt và là tội ác với sức khỏe đồng loại, cần nghiêm trị.
Những thùng pin được nghiền để tẩm vào cà phê bị phát hiện. Ảnh Zing.vn
Trong kinh doanh, bất kì ai
cũng mong có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, để việc kinh doanh có thể phát triển
bền vững không thể thiếu yếu tố đạo đức kinh doanh. Có số ít doanh nghiệp
muốn bỏ qua yếu tố này nhưng do các quy định, điều luật và sự giám sát buộc
họ không thể làm trái. Thế nhưng khi cơ quan chức năng lơi lỏng hoặc thậm chí
cố tình làm ngơ thì doanh nghiệp sẽ bị lợi nhuận làm cho mờ mắt, sẵn sàng
bước qua đạo đức kinh doanh.
Những tưởng việc làm vô lương
tâm này đã “hai năm rõ mười” nhưng cơ quan chức năng địa phương mới chỉ “nghi
ngờ cà phê của doanh nghiệp này được bán chế biến làm đồ uống” và điều ra.
Không biết có nước nào trên thế giới sử dụng loại hạt quý này chế biến làm
thứ khác ngoài thực phẩm, đồ uống? Trước ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại
Hội nghị chuyên đề về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu năm 2018, chiều 23/4 Cơ quan điều tra tỉnh Đắk Nông mới tạm giữ khẩn cấp
5 đối tượng trong đó có chủ cơ sở là Nguyễn Thị Thanh Loan.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, chủ cơ sở sản xuất phế phẩm cà phê. Ảnh: Vnexpress
Doanh nghiệp có thể mờ mắt vì
lợi nhuận nhưng cơ quan quản lí không thể “mắt mờ”. Một nghịch lí là trong
khi đội ngũ công chức hưởng lương ngân sách của ta đông đảo hàng nhất nhì khu
vực nhưng chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ lại “chưa hơn ai”. Không ít
vụ việc những kẻ lừa đảo hoạt động công khai, rầm rộ dụ dẫn người dân mà cơ
quan quản lí không biết cho đến khi hậu quả nặng nề mới bị phát hiện. Cơ quan
quản lí nhiều nơi như bị “mắt mờ” khiến người dân giảm sút niềm tin vào lực
lượng thực thi công vụ. Nếu việc quản lí không có bước chuyển biến nghiêm túc
thì những vụ “đầu độc hàng loạt” như trên sẽ chưa phải là cuối cùng!
Đinh Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 25 tháng 4 năm 2018
|
Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018
Bình luận: Mờ mắt và mắt mờ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét