Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Sức ép lương tâm

Vụ án gây chết người do chạy thận nhân tạo tại bệnh viên đa khoa tỉnh Hòa Bình thu hút đông đảo dư luận quan tâm suốt quá trình xét xử. Rất nhiều ý kiến trái chiều của người dân mà phần đông cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội và không đồng tình với nhiều điều đang diễn ra tại phiên tòa.

Bị cáo Hòang Công Lương (giữa) tại phiên tòa. Ảnh ANTĐ

Đỉnh điểm dư luận như được tích tụ tại diễn đàn kì họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Một đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã gay gắt phản ứng cho rằng Tòa án đang xét xử không nên gây sức ép hoặc tác động làm mất tính khách quan của phiên tòa bởi họ đang nhân danh Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam!
Đúng, không ai có thể ra lệnh cho các thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phán quyết đúng sai ngoài sự thật khách quan. Tuy nhiên, dư luận lại có quyền năng riêng tạo nên tiếng nói lương tâm để bảo vệ lẽ phải. Vụ án oan với ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang với hơn 10 năm tù; vụ án oan “kép” với ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận với hơn 17 năm tù là những bài học còn mới của ngành hành pháp nước ta. Có ai khẳng định rằng những phiên tòa kết oan sai trên không nhân danh Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam?
Việc bảo đảm tính khách quan của phiên tòa không đồng nghĩa với “đóng cửa” dư luận. Nếu muốn vậy thì cách dễ nhất là cấm báo chí đưa tin, phiên tòa chỉ có bị cáo, bị hại, nhân chứng, luật sư và cán bộ hành pháp thực thi nhiệm vụ. Trong khi dư luân đang sôi lên như vậy mà đại biểu Quốc hội lại im tiếng để “bảo đảm phiên tòa khách quan” thì họ đâu còn là đại diện của Nhân dân?
Chính nhờ báo chí cập nhật mọi diễn biến của phiên tòa này người dân mới nhận ra những bất thường của việc xét xử. Những chứng cứ, nhân chứng, lí lẽ có thể bảo vệ bị cáo khi được đưa ra đều bị chủ tọa bác bỏ. Chứng cứ thiếu thuyết phục, bất lợi với bị cáo lại được chủ tọa kiên định quan điểm bảo vệ. Mấy dòng viết tay trong cuốn sổ giao ban (nghi ngờ là được bổ sung về sau) lại được coi như văn bản pháp lí tương đương quyết định của người có thẩm quyền giao một nhiệm vụ ngoài chuyên môn cho bác sĩ điều trị để kết tội họ về trách nhiệm v.v và v.v.

Phiên tòa xét xử vụ án chạy thận khiến nhiều người tử vong. Ảnh VOV

Luật pháp yêu cầu các phiên xét xử được tranh tụng là để cùng đi đến chân lí, không bỏ sót tội phạm và không hàm oan người vô tội. Luật sư, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa… dù sao vẫn là những con người với năng lực, phẩm chất, tình cảm và cả bản năng khác nhau. Muốn hay không những yếu tố đó sẽ tác động tới quan điểm cá nhân trong hành xử. Tuy nhiên, sức ép lương tâm mới có sức nặng nhất khi người ta vẫn còn cái đó.
"Một ngày tù nghìn thu ở ngoài". Một ngày tù cũng có thể thay đổi sinh mệnh chính trị của một con người, gây tai ương cho cả gia đình họ. Sự oan khuất dù được sửa sai bằng tiền tỉ cũng chẳng thể bù đắp. Hơn lúc nào hết hãy để lương tâm lên tiếng, để lẽ phải không bị vùi dập vì những động cơ riêng./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử Ngày mới online ngày  30 tháng 5 năm 2018

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

 Mô hình hay cần được học tập

 

Hiệp sĩ đường phố được biết đến nhiều năm qua tại một số tỉnh phía Nam như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh... Với nhiệt huyết và dũng cảm, họ đã lập được những chiến công đáng khâm phục trong ngăn chặn tội phạm, để lại niềm tin yêu trong đông đảo người dân thành phố. Tuy nhiên, bình tâm suy nghĩ thì thấy có gì đó chưa thật ổn cho mô hình này bởi những người nghĩa hiệp luôn phải “tay không bắt giặc”!


Hai tên cướp (đứng giữa) bị các "hiệp sĩ" tại Bình Dương và bảo vệ, người dân bắt "nóng" khi vừa gây án. Ảnh Báo Công Lý

Cách đây chừng gần chục năm chuyện cướp giật trên đường phố Hà Nội cũng xảy ra như cơm bữa. Từ người lái xe ôm, taxi hay phụ nữ đeo nữ trang, túi xách ra đường luôn phấp phỏng lo trở thành “con mồi” của bọn trộm, cướp. Có người lái xe ôm bị cướp cứa cổ giã man trong đêm; người lái taxi nọ bị điểu ra chỗ vắng và lột hết tiền bạc; có người phụ nữ bị giật đồ, cố đuổi theo tên cướp rồi bị tai nạn tử vong…
Trước sự hoành hành phức tạp của tội phạm, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-CAHN-PV11 ngày 29/7/2011 nhằm lập lại trật tự đô thị, tập trung kiểm tra, xử lí các đối tượng điều khiển mô tô, xe gắn máy lạng lách, đánh võng, chở người sai quy định… mang vũ khí tham gia giao thông. Kế hoạch này được thực hiện từ ngày 3/8/2011. Các tổ, nhóm triển khai kế hoạch này thường được gọi chung một cái tên Lực lượng 141.

Hung khí do lực lương 141 Công an Hà Nội thu giữ

Ngay sau mấy tháng của năm đó hiệu quả của Kế hoạch 141 đã được khẳng đinh. Những năm tiếp theo kết quả ngày một khả quan hơn. Lực lượng 141 đã bắt giữ hàng nghìn đối tượng có dấu hiệu tội phạm; thu giữ nhiều súng quân dụng, vũ khí thô sơ, tự chế, bình xịt hơi cay, đao, kiếm, dùi cui, vam phá khóa xe… Có thể rất nhiều vụ phạm pháp đã bị chặn đứng từ khi manh nha do lực lượng 141 phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Nhiều loại tội phạm giảm đi rõ rệt. Trước những kết quả đáng khích lệ đó, trong dịp sơ kết công tác này của công an TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2012, một lãnh đạo Bộ Công an đã nêu ý kiến cần nhân rộng mô hình 141 của Công an Hà Nội ra toàn quốc. Tuy nhiên không hiểu do bảo thủ hay các địa phương có cách làm hay hơn nên đến nay Lực lượng 141 có vẻ vẫn chỉ là “đặc sản” của riêng công an Hà Nội.

Vụ việc các hiệp sĩ tại TP Hồ Chí Minh bị băng trộm sát hại dã man khi phát hiện truy bắt chúng như đã gióng lên lời cảnh tỉnh về phương pháp đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này. Giả sử công an TP Hồ Chí Minh cũng có một mô hình tương tự lực lượng 141 trên lại được gắn kết với các nhóm hiệp sĩ, biết đâu hiệu quả còn tốt hơn so với mô hình của công an Hà Nội?

Dù Thủ đô vắng bóng những hiệp sĩ đường phố nhưng những năm qua người dân luôn được sống trong cảnh yên bình. Kết quả đó phải chăng nhờ phần lớn từ hiệu quả Mô hình 141? Một mô hình hay, thiết nghĩ các địa phương cần sớm nhìn nhận, học tập và làm theo để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử Ngày mới online ngày 29 tháng 5 năm 2018

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

“Nắm dao đằng lưỡi”!

Câu chuyện người mua căn hộ chung cư trở thành “con tin” khi chủ đầu tư thế chấp dự án để vay tiền ngân hàng rồi bị ngân hàng cưỡng chế gây xôn xao dư luận năm trước, song đến nay quyền lợi của hàng nghìn khách hàng như đã rơi vào quên lãng!

Ở nhiều thành phố, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có hàng chục dự án chung cư bị thế chấp vào ngân hàng thương mại khiến người mua đã bỏ tiền tỉ lại như đang “mượn” nhà và có thể bị đuổi ra đường bất kì lúc nào vì không có giấy chứng nhận quyền sở hữu (GCNQSH). Có thể kể ra hàng chục dự án chung cư với cả những nhà đầu tư “tên tuổi”.


Chung cư CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông, TP Hà Nội) người mua nhà đã chuyển về ở
được vài năm nay nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ.   

Theo Khoản 1, Điều 147 Luật Nhà ở năm 2014, “chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó”. Như vậy, việc thế chấp dự án để vay vốn đầu tư là hoạt động bình thường, được pháp luật cho phép. Tuy nhiên cũng tại Điều 147 có quy định ràng buộc chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi kí hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán… với khách hàng. Điều luật là vậy nhưng ít khách hàng hiểu cặn kẽ, biết dự án có thế chấp và đã giải chấp hay chưa?

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng hầu hết các dự án đều được thế chấp để vay ngân hàng thương mại. Mặt khác, các dự án lại được nhà đầu tư bán căn hộ hình thành trong tương lai cho người mua bằng đặt cọc theo hợp đồng mà thực chất là hình thức bán nhà để huy động vốn (điều này là không được phép nếu thực hiện đúng quy định ràng buộc tại Điều 147, tức là phải giải chấp ngân hàng). Như vậy, cùng lúc chủ đầu tư huy động vốn từ 2 nguồn: Vay ngân hàng có lãi suất, phải thế chấp bằng chính  dự án; vay người mua căn hộ không lãi suất, không cần thế chấp! Người mua ngay từ đầu đã phải chấp nhận những bất lợi này.


Chung cư 6-Nguyễn Quốc Trị, TP Vinh (Nghệ An) từng bị ngân hàng đòi cưỡng chế thu hồi nợ.

Lẽ ra trong bản mẫu hợp đồng mua bán nhà của chủ đầu tư (do Bộ Xây dựng quy định) phải có điều khoản ghi rõ căn hộ thuộc dự án không còn trong tình trạng thế chấp vay ngân hàng và người mua đủ điều kiện thủ tục cấp GCNQSH. Tuy nhiên trong các nội dung mẫu hợp đồng không có dòng nào về nội dung trên. Có lẽ đây là lỗ hổng pháp lí khiến hầu hết người mua căn hộ chung cư hiện nay như “nắm dao đằng lưỡi”, còn chủ đầu tư và ngân hàng luôn “nắm chuôi”!

Người mua căn hộ chung cư khi chưa có GCNQSH như thể mua một sản phẩm chưa hoàn chỉnh. Để khắc phục tình trạng tranh chấp và vi phạm quyền lợi khách hàng, nên chăng cần có quy định người mua được giữ lại một tỉ lệ nhất định, khi sản phẩm hoàn thiện (có GCNQSH) sẽ thanh toán hết tiền cho chủ dự án? Đồng thời cần gắn trách nhiệm ngân hàng cho vay phải giám sát quá trình chủ đầu tư bán căn hộ. Có như vậy người mua chung cư mới không bị chiếm dụng quyền sở hữu đồng thời sẽ nâng cao trách nhiệm đến cùng với khách hàng của chủ đầu tư./.
  Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử Ngày mới online
ngày 25 tháng 5 năm 2018

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Hi vọng “hỏi ngắn, đáp ngay”

 Trong một phiên họp nhiệm kì Quốc hội khóa trước tại buổi trả lời chất vấn của một lãnh đạo có rất nhiều nội dung quan trọng, dư luận bức xúc trông đợi sẽ có những ý kiến giải trình thỏa đáng. Dù thời gian không nhiều song người trình bày lại khá thong thả kể lể những thành tựu đạt được của một số ngành như buổi báo công. Gần hết thời gian thì những nội dung trọng tâm mới được đề cập theo cách “nhẹ nhàng lướt qua”. Phiên trả lời chất vấn (thực ra là độc thoại) được mong chờ nhất đã để lại sự thất vọng lớn trong cử tri.

Đai biểu Quốc hội Khóa XIII tham gia chất vấn

Điều trông đợi nhất của cử tri là những yếu kém, tồn tại và vi phạm của cá nhân, tổ chức trong thực hiện được nhìn nhận thẳng thắn cùng những giải pháp mạnh mẽ tháo gỡ, khắc phục có tính khả thi. Rất mừng là Quốc hội khóa XIV đã và đang mạnh dạn đổi mới, cải tiến phương thức chất vấn, trả lời chất vần trong các kì họp theo hướng thẳng thắn, thực chất, hiệu quả. Phiên họp tháng 3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành “chất vấn và trả lời chất vấn ngay” với hai vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo cách thức này, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu, thời gian không quá 3 phút/lần. Đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời có thể sử dụng bảng đăng kí tranh luận, thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên. Cách làm này đã được cử tri cả nước đồng tình, đại biểu hài lòng, vì vậy Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu ý kiến kì họp Quốc hội trong tháng 5 tiếp tục cải tiến chất vấn theo phương thức mỗi đại biểu chỉ đặt một câu hỏi trong 1 phút, sau 3 câu hỏi thì Bộ trưởng trả lời trong 9 phút.
Một phút cho việc đặt câu hỏi không dễ để đưa ra được một câu hỏi trúng, xác đáng và đầy đủ. Ba phút để giải đáp câu hỏi lại càng khó hơn, nhất là những vấn đề lớn, nhạy cảm đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri. Để thực hiện được bước cải tiến này, về phía người hỏi cần có sự nghiên cứu, chọn lọc trúng vấn đề, tổng hợp được ý kiến nổi cộm của cử tri và thực tiễn tồn tại, vướng mắc của bộ, ngành đang cần có lời giải. Ba phút để trình bày một vấn đề lớn đòi hỏi người trả lời phải thực sự nắm chắc tình hình của ngành mình phụ trách, có bản lĩnh và thẳng thắn nhìn nhận khi có khuyết điểm, tồn tại. Nếu chỉ trông đợi vào những báo cáo do người khác chuẩn bị thì khó có thể giải đáp thỏa đáng vấn đề trong vòng 3 phút. Thời gian ngắn cũng không có cơ hội cho cách trả lời vòng vo, né tránh.
Hỏi ngắn, đáp ngay sẽ là “phép thử” năng lực, bản lĩnh của cả đại biểu Nhân dân và “tư lệnh” ngành tại diễn đàn Quốc hội. Hi vọng sự đổi mới sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV trong tháng 5 này./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 22 tháng 5 năm 2018

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

 Những “bữa trưa miễn phí”

Người châu Âu có câu “Không có bữa trưa nào miễn phí”, hay “Đằng sau miếng mồi ngon thường có chiếc bẫy chuột”. Trong cuộc sống ít có mối lợi nào mang đến cho người ta một cách dễ dàng mà không có giá.
Lâu nay những dịch vụ gắn với miễn phí, khuyến mại thường được nhiều doanh nghiệp thực hiện để thu hút khách hàng mà thực chất là một cách kích cầu tiêu dùng.


Sản phẩm giường massage được quảng cáo là chữa bách bệnh.

Gần khu dân cư tôi ở có một cơ sở dịch vụ miễn phí cho mát xa bằng giường điện Hàn Quốc. Từ ban đầu một vài người dùng thấy hay rỉ tai nhau nay có khá đông người cao tuổi hằng ngày ra nằm giường điện 1-2 tiếng. Ai cũng nhận thấy sau mát xa sảng khoái, đỡ đau xương khớp. Trong quá trình mát xa khách hàng được các nhân viên tỉ tê tâm sự đủ mọi chuyện và thường “giúp” nhận ra một điều là “nếu có điều kiện thì sở hữu một chiếc giường mát xa trong nhà vẫn là tiện nhất”. Với người cao tuổi, ít nhiều sau những năm tháng làm ăn, công tác đều có khoản tiền tiết kiệm dưỡng già. Và đến nay khu tôi đã có một số người đặt mua giường mát xa giá trị từ 25 đến hơn 60 triệu đồng về dùng, không cần ra dịch vụ miễn phí nữa. Có lẽ chi phí miễn phí đã nằm cả trong những sản phẩm cơ sở này bán được vì có ai biết giá của những chiếc giường điện kia thực sự bao nhiêu là hợp lí?


Được khuyến mại cao, khách hàng viễn thông vui vẻ móc ví chi trả dịch vụ hằng tháng. 
Ảnh minh họa

Những năm qua, dịch vụ viễn thông liên tục khuyến mại khách hàng thuê bao trả trước rất cao khiến mọi người vui vẻ, hằng tháng móc túi mua gói khuyến mại không chút suy tính. Khuyến mại liên tục nhưng có vẻ nhà mạng vẫn “sống khỏe” với giá cước đó. Nhưng theo quy định mới, hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động từ 1/3/2018 các thuê bao di động trả trước chỉ còn 20%. Không được khuyến mại, rồi người dùng sẽ thấy giá cước không rẻ và có nguy cơ khách hàng hạn chế sử dụng để tiết kiệm túi tiền. Và rồi từ ngày 1/5, giá cước kết nối đối với cuộc gọi giữa hai mạng di động đã được quy định giảm khoảng 20% so với hiện hành. Có lẽ đây là một giải pháp cần thiết để giữ chân khách hàng và khuyến khích sử dụng dịch vụ?
Gần đây xôn xao câu chuyện một số người (thu nhập thấp, không có nghề nghiệp ổn định) được mời gọi sử dụng dịch vụ chăm sóc da mặt miễn phí của Công ty mĩ phẩm Deaura tại Hà Nội. Khách hàng sử dụng dịch vụ được nhân viên dẫn dụ mua gói sản phẩm trả góp có giá trị hơn 40 triệu đồng. Công ty này liên kết với một công ty tài chính cho vay tiêu dùng, tất nhiên không có “lãi suất miễn phí”. Bản hợp đồng mua hàng mà người kí không được biết thông tin cụ thể, chỉ khi mang về mới “tá hỏa” đây là hợp đồng vay tiêu dùng lãi suất cao với nhiều điều khoản bất lợi. Dù đang kiếm từng đồng nhưng nhiều người bỗng dưng ôm khoản nợ “kếch xù”, tỉnh ngộ thì đã muộn!


Khách hàng mua trả góp bộ sản phẩm của Công ty Deaura với giá 43 triệu đồng

Còn không ít ví dụ như trên trong cuộc sống. Vấn đề cốt yếu là mỗi người cần hết sức tỉnh táo trước những mời gọi mang lại lợi ích cho mình vô điều kiện. Cần biết kiềm chế lòng tham và luôn nhớ câu ngạn ngữ “Không có bữa trưa nào miễn phí”!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử Ngày mới online
ngày 16 tháng 5 năm 2018

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Giữ cho đất lành

Người xưa có câu “đất lành chim đậu” nói về những miền quê yên bình, trù phú. Còn nói về người nông dân thôn quê chân chất, hiền lành, cục mịch thì có câu “lành như cục đất”.
Những ngày gần đây "đất lành" nhiều nơi bỗng như phả hơi sốt nóng sình sịch. Phía Bắc có Vân Đồn, miền Trung có Bắc Vân Phong, phía Nam thì có Phú Quốc… đất lên cơn sốt giá từng ngày, từng giờ. Giữa Thành phố Hồ Chí Minh đất như cũng nóng lên trong nước mắt của những người dân Thủ Thiêm mất đất!

Ăn theo thông tin thành lập đặc khu, Vân Đồn bị “thổi” giá đất tăng 5 – 6 lần

Trong những tài sản của mỗi gia đình, có lẽ đất đai là thứ cơ bản và quan trọng nhất.
Sống dưới chế độ phong kiến, thực dân hầu hết người dân nghèo có rất ít hoặc không có đất nên đã bị bần cùng hóa. Với mục tiêu để “người cày có ruộng” Đảng ta đã vận động được đông đảo nông dân cùng các giai cấp khác tiến hành thắng lợi công cuộc cách mạng mang lại ruộng đất cho người dân cày. Những dòng nước mắt sung sướng, hạnh phúc của người nông dân đã tưới lên mảnh đất vừa được chính quyền cách mạng cắt trao và từ đó người dân nghèo đã có “tấc đất cắm dùi”.
Vấn đề tranh chấp đất đai ngày một nóng trong hàng chục năm qua. Hầu hết các vụ khiếu kiện, khiếu nại đông người đều có nguyên nhân từ thu hồi, bồi thường và tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng đất. Rõ ràng việc quản lí đất đai đang tồn tại những bất cập cần được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, công bằng.
Từ sau Luật Cải cách ruộng đất năm 1953, đến năm 2013 Luật Đất đai đã thêm 6 lần được sửa đổi, hoàn thiện, là nền tảng pháp lí căn bản phục vụ việc quản lí, khai thác và sử dụng tài nguyên đất đai. Tuy nhiên, ngay cả khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai cũng vẫn còn những ý kiến khác đáng suy ngẫm. Quy định Nhà nước thu hồi đất cho phát triển kinh tế trong Luật Đất đai là nội dung nhiều ý kiến tranh luận trái chiều trước khi Quốc hội thông qua và thực tiễn điều luật này đã và đang bị làm biến dạng khi thực thi. Khái niệm “phát triển kinh tế” quá rộng cho nên dự án bất động sản của một doanh nghiệp ngoài nhà nước suy cho cùng cũng là “phát triển kinh tế”. Nhưng ít người thẳng thắn chỉ ra sự “phát triển kinh tế” đó mang lại lợi ích lớn nhất cho những ai? Danh nghĩa thực hiện mục tiêu “phát triển kinh tế” đang tiềm ẩn nguy cơ nhà nước “vô tình” tước đoạt đất đai của những người yếu thế giao cho những nhóm lợi ích nhiều “quyền lực” và từ đó “phát triển” những đại gia siêu giàu không hẳn do tài năng kinh doanh.

Tranh chấp đất do quyết định thu hồi khiến nhiều người dân khiếu kiện nhiều năm qua. Ảnh Việt Báo 
Một mảnh đất mà người mất đất chỉ nhận được đền bù vài trăm nghìn đồng/m2 rồi lại chứng kiến người khác được giao mảnh đất đó bán với giá vài trăm triệu đồng/m2, điều đó khó tránh khỏi nảy sinh bất ổn.
Chính quyền của dân phải giữ cho đất luôn “lành”, đừng để hình thành những vùng đất “dữ”!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi  và báo điện tử Ngaymoionline
 ngày 15 tháng 5 năm 2018 

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

Đóng cửa rừng nhưng cửa chưa có “khóa”?

Trong Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên cách đây gần 2 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo chính quyền địa phương các tỉnh Tây nguyên cần phải nhanh chóng thực hiện các giải pháp để sớm khôi phục lại rừng. Trong 8 vấn đề lớn Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện thì vấn đề đầu tiên là “các tỉnh phải thực hiện nhanh gọn, kiên quyết đóng cửa rừng”.

Công an bắt giữ Phượng “râu” vận chuyển hàng chục khối gỗ lậu tại thị trấn Ea T’Ling

Tuyên bố cứng rắn của Thủ tướng mang lại niềm hi vọng tình trạng khai thác, tàn phá rừng sẽ sớm chấm dứt.
Tuy nhiên, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như đang thách thức quyết tâm của Chính phủ. Liên tục các vụ khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản vẫn xảy ra tại nhiều địa phương trong hai năm qua, nổi cộm như tại các tỉnh Quảng Nam, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Định, Đà Nẵng... Gần đây nhất là vụ Phan Hữu Phượng (biệt danh Phượng “râu” vận chuyển hàng chục khối gỗ lậu tại thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Điều khác thường là vụ bắt giữ này lại do các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thực hiện trong khi tại tuyến đường có nhiều đơn vị chức năng giữ rừng như kiểm lâm, biên phòng, công an án ngữ với lực lượng không hề “mỏng” (gần chục chốt, trạm)! Điều kì lạ hơn là kho gỗ lậu chỉ cách đơn vị “giữ rừng” mấy trăm mét và được đơn vị này giúp đấu điện cho sử dụng nhờ!

Rừng Tây Nguyên vẫn đang bị tàn phá

Theo lẽ thường, việc phá rừng xảy ra trên địa bàn một xã thì lãnh đạo xã đó phải chịu trách nhiệm; trên địa bàn 2 xã thì cả lãnh đạo huyện và ngành chức năng huyện đó chịu trách nhiệm... Thế nhưng, hầu hết các vụ phá rừng bị phát hiện chưa thấy lãnh đạo địa phương nào bị xử lí kỉ luật nặng. Chủ yếu chỉ là xử lí như thể cho có với đối tượng trực tiếp vi phạm và cán bộ, nhân viên tại cơ sở. Có cán bộ còn bao biện giúp cấp dưới rằng “anh em nhầm lẫn vì quá nhiều phương tiện trong đó có cả phương tiện được phép vận chuyển”... Nếu việc xử lí cứ “nhẹ nhàng” như vừa qua thì chắc chắn tình trạng phá rừng chưa thể chấm dứt.
Theo Luật Lâm nghiệp, việc quyết định đóng cửa rừng được đưa ra khi tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái quy định của pháp luật diễn biến phức tạp, có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên rừng; rừng tự nhiên nghèo cần được phục hồi; đa dạng sinh học và chức năng phòng hộ của rừng bị suy thoái nghiêm trọng. Như vậy cho thấy sự “tồn vong” của rừng tự nhiên đã thực sự nguy cấp nên Chính phủ phải quyết định đóng cửa rừng.
Việc liên tục xảy ra các vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép gỗ rừng khiến dư luận không khỏi nghi ngờ rằng dù đóng cửa rừng nhưng cửa vẫn chưa có “khóa”. Chưa có lãnh đạo tỉnh nào đứng ra nhận trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Phải chăng thực trạng “trên nóng, dưới lạnh” khó thay đổi?./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử
Ngày mới online ngày 10 tháng 5 năm 2018

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Trả lại danh tiếng cho GS, PGS đích thực

Theo điều 71 của Luật Giáo dục năm 2005, giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học. Điều 70 của Luật này ghi: Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác.
Vậy thì GS, PGS chắc chắn đã hoặc đang là nhà giáo. Điều luật thật ngắn gọn và dễ hiểu, nhưng khi thực hiện lại “dây cà ra dây muống”, để rồi nhiều vị lãnh đạo, quản lí trong các cơ quan công quyền cũng làm hồ sơ đề nghị phong GS, PGS. Họ “dán mác” GS, PGS vì mục đích gì? Liệu có ai muốn quay xuống cơ sở làm nhà giáo? Không khó để tìm ra những GS, PGS chưa bao giờ giảng dạy ở các nhà trường. Có thể họ chỉ được mời thỉnh giảng, nói chuyện chuyên đề, thậm chí chỉ truyền đạt nghị quyết! Nhờ sự “tích điểm, cộng giờ” đã giúp đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

Ảnh minh họa

Hệ thống văn bản dưới luật như quyết định, nghị định… đôi khi “sáng tạo” vượt cả luật gốc. Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận, xem xét lại những văn bản tạo ra “lỗ hổng” pháp lí mở cơ hội cho việc lợi dụng, lách luật. Chính lỗ hổng và chuẩn thấp, điều chỉnh tiêu chuẩn không kịp thời đã giúp nhiều người được phong GS, PGS, đỉnh điểm là đợt xét duyệt năm 2017, với hơn 1000 ứng viên, khiến dư luận nghi ngờ, làm giảm thanh danh cao quý của những GS, PGS chân chính.
Danh sách đề nghị PGS, GS 2017 tăng vọt
Trước năm 2008 GS, PGS là học hàm do Nhà nước phong. Từ năm 2008 trở đi GS, PGS là viên chức của một trường đại học chứ không do Nhà nước phong. Hội đồng chức danh GS Nhà nước chỉ có nhiệm vụ xét và công nhận đạt chuẩn; việc công nhận GS, PGS do nhà trường quyết định. Tuy nhiên, các GS, PGS không còn làm việc tại nhà trường vẫn thường danh xưng bậc giảng viên như một thành tích và xã hội đang mặc nhiên thừa nhận. Cũng không thấy ai danh xưng các bậc giảng viên khác như trợ giảng, giảng viên… Thế nhưng, bậc GS, PGS thì nhiều người không còn giảng dạy và công tác tại trường vẫn luôn xưng danh khi có dịp. Đó là “căn bệnh” háo danh khá phổ biến ở nước ta. GS, PGS ở nhiều nước luôn gắn với tên một trường đại học nào đó, uy tín của họ ngoài thành tựu khoa học còn là uy tín ngôi của trường họ giảng dạy. Nhà nước cũng không tuyên phong cho người đạt giảng viên bậc cao như của ta. 
Hi vọng dự thảo mới về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn bổ nhiệm GS, PGS sẽ khắc phục được những hạn chế của các quy định hiện hành đồng thời cần đổi mới quy trình, thủ tục xét duyệt công nhận bậc giảng viên một cách chặt chẽ. 
Việc phong học hàm GS, PGS bảo đảm thực chất, chất lượng mới trả lại được danh tiếng cho những nhà giáo, nhà khoa học chân chính.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi  
và Ngày mới online ngày 09 tháng 5 năm 2018

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2018

Bình luận: Tiền bạc và nhân phẩm



Tiền bạc và nhân phẩm



Tiền bạc đơn giản chỉ là công cụ giá trị mà con người dùng để thanh toán trong hoạt động kinh tế, thương mại và các hoạt động khác của đời sống xã hội. Do có thể đáp ứng nhiều nhu cầu, nhất là của cá nhân nên con người luôn có xu hướng muốn sở hữu càng nhiều càng tốt với đồng tiền.

Người Việt thường nói “tiền bạc”. Người Trung Quốc có từ “tiền tệ” hay đồng tệ. Hiểu một cách tiêu cực thì đồng tiền rất dễ trở nên “tệ bạc”. Nhiều triết gia đã chỉ ra rằng đồng tiền luôn thường trực nguy cơ tha hóa nhân phẩm, làm biến đổi nhân cách con người.  

Ảnh minh họa 


Từ khi đất nước bước vào sự nghiệp đổi mới, những quan điểm khắt khe của xã hội về kinh tế tư nhân, tư hữu đã có sự thay đổi, cởi mở… kinh tế đất nước không ngừng khởi sắc, người giàu có ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, sự chi phối của đồng tiền ngày càng sâu sắc vào các mối quan hệ, nhất là các giá trị đạo đức. Tệ tham ô, tham nhũng ngày càng lan rộng chính là sự phát tác mặt trái của giá trị đồng tiền. Phát ngôn của một cán bộ ở Hải Phòng “sinh mạng con người không quan trọng” gây sốc dư luận mấy ngày qua cũng là hệ quả sự tha hóa nhân cách bởi thói ích kỉ, trọng đồng tiền, vật chất hơn mọi giá trị tốt đẹp khác.

 Ảnh minh họa


Những cán bộ, công chức tham nhũng hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng đã và đang đối mặt trước sự trừng phạt của luật pháp liệu đã nhận ra rằng đồng tiền bất chính có được quá nhiều cuối cùng để làm gì trong khi nhu cầu của họ cũng có giới hạn? Cái mất đi là nhân phẩm, danh dự của chính họ cùng gia đình, dòng tộc có thể còn lớn gấp vạn lần tiền bạc, của cải.

Trong những năm đất nước khó khăn sau chiến tranh, từ người dân đến lãnh đạo đều rất thiếu thốn kể cả cán bộ cấp cao như Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ. Thế nhưng có thứ lại rất giàu có, đó là niềm tin, sự trân trọng của Nhân dân vào những người lãnh đạo các cấp. Có thể ví đất nước thiếu tiền bạc nhưng lại “giàu có” niềm tin Nhân dân. Chính điều đó chứ không phải tiền bạc đã giúp đất nước có sức mạnh từng bước vượt qua mọi khó khăn để vươn lên.

Những năm gần đây, niềm tin của Nhân dân vào Đảng giảm sút bởi chính một số cá nhân lãnh đạo bị đồng tiền tha hóa. Họ có thể quá giàu nhưng lại nghèo nàn về nhân phẩm, ích kỉ trước cộng đồng. Nhiều người coi chỗ đứng trong hệ thống công quyền như là nơi trục lợi nên tìm mọi cách chạy chọt, sẵn sàng mua bán. Chỉ có một đội ngũ cán bộ liêm chính, thực sự tài năng, hết lòng vì dân mới củng cố được niềm tin của Nhân dân vào Đảng và kiên định cùng Đảng trên con đường đã chọn.

 Các cán bộ trở thành bị cáo bị cáo tại một phiên tòa. Ảnh: TTXVN.
 

         Cùng với sự quyết liệt đến cùng của cuộc đấu tranh chống tham nhũng thì việc xây dựng, lựa chọn được đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” sẽ là là nền tảng vững bền để Đảng ta xây dựng thành công chế độ xã hội XHCN./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi vàBáo điện tử

Ngaymoionline.vn ngày 08 tháng 5 năm 2018