Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Sức ép lương tâm

Vụ án gây chết người do chạy thận nhân tạo tại bệnh viên đa khoa tỉnh Hòa Bình thu hút đông đảo dư luận quan tâm suốt quá trình xét xử. Rất nhiều ý kiến trái chiều của người dân mà phần đông cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội và không đồng tình với nhiều điều đang diễn ra tại phiên tòa.

Bị cáo Hòang Công Lương (giữa) tại phiên tòa. Ảnh ANTĐ

Đỉnh điểm dư luận như được tích tụ tại diễn đàn kì họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Một đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã gay gắt phản ứng cho rằng Tòa án đang xét xử không nên gây sức ép hoặc tác động làm mất tính khách quan của phiên tòa bởi họ đang nhân danh Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam!
Đúng, không ai có thể ra lệnh cho các thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phán quyết đúng sai ngoài sự thật khách quan. Tuy nhiên, dư luận lại có quyền năng riêng tạo nên tiếng nói lương tâm để bảo vệ lẽ phải. Vụ án oan với ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang với hơn 10 năm tù; vụ án oan “kép” với ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận với hơn 17 năm tù là những bài học còn mới của ngành hành pháp nước ta. Có ai khẳng định rằng những phiên tòa kết oan sai trên không nhân danh Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam?
Việc bảo đảm tính khách quan của phiên tòa không đồng nghĩa với “đóng cửa” dư luận. Nếu muốn vậy thì cách dễ nhất là cấm báo chí đưa tin, phiên tòa chỉ có bị cáo, bị hại, nhân chứng, luật sư và cán bộ hành pháp thực thi nhiệm vụ. Trong khi dư luân đang sôi lên như vậy mà đại biểu Quốc hội lại im tiếng để “bảo đảm phiên tòa khách quan” thì họ đâu còn là đại diện của Nhân dân?
Chính nhờ báo chí cập nhật mọi diễn biến của phiên tòa này người dân mới nhận ra những bất thường của việc xét xử. Những chứng cứ, nhân chứng, lí lẽ có thể bảo vệ bị cáo khi được đưa ra đều bị chủ tọa bác bỏ. Chứng cứ thiếu thuyết phục, bất lợi với bị cáo lại được chủ tọa kiên định quan điểm bảo vệ. Mấy dòng viết tay trong cuốn sổ giao ban (nghi ngờ là được bổ sung về sau) lại được coi như văn bản pháp lí tương đương quyết định của người có thẩm quyền giao một nhiệm vụ ngoài chuyên môn cho bác sĩ điều trị để kết tội họ về trách nhiệm v.v và v.v.

Phiên tòa xét xử vụ án chạy thận khiến nhiều người tử vong. Ảnh VOV

Luật pháp yêu cầu các phiên xét xử được tranh tụng là để cùng đi đến chân lí, không bỏ sót tội phạm và không hàm oan người vô tội. Luật sư, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa… dù sao vẫn là những con người với năng lực, phẩm chất, tình cảm và cả bản năng khác nhau. Muốn hay không những yếu tố đó sẽ tác động tới quan điểm cá nhân trong hành xử. Tuy nhiên, sức ép lương tâm mới có sức nặng nhất khi người ta vẫn còn cái đó.
"Một ngày tù nghìn thu ở ngoài". Một ngày tù cũng có thể thay đổi sinh mệnh chính trị của một con người, gây tai ương cho cả gia đình họ. Sự oan khuất dù được sửa sai bằng tiền tỉ cũng chẳng thể bù đắp. Hơn lúc nào hết hãy để lương tâm lên tiếng, để lẽ phải không bị vùi dập vì những động cơ riêng./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi và Báo điện tử Ngày mới online ngày  30 tháng 5 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét