Thứ Ba, 15 tháng 5, 2018

Giữ cho đất lành

Người xưa có câu “đất lành chim đậu” nói về những miền quê yên bình, trù phú. Còn nói về người nông dân thôn quê chân chất, hiền lành, cục mịch thì có câu “lành như cục đất”.
Những ngày gần đây "đất lành" nhiều nơi bỗng như phả hơi sốt nóng sình sịch. Phía Bắc có Vân Đồn, miền Trung có Bắc Vân Phong, phía Nam thì có Phú Quốc… đất lên cơn sốt giá từng ngày, từng giờ. Giữa Thành phố Hồ Chí Minh đất như cũng nóng lên trong nước mắt của những người dân Thủ Thiêm mất đất!

Ăn theo thông tin thành lập đặc khu, Vân Đồn bị “thổi” giá đất tăng 5 – 6 lần

Trong những tài sản của mỗi gia đình, có lẽ đất đai là thứ cơ bản và quan trọng nhất.
Sống dưới chế độ phong kiến, thực dân hầu hết người dân nghèo có rất ít hoặc không có đất nên đã bị bần cùng hóa. Với mục tiêu để “người cày có ruộng” Đảng ta đã vận động được đông đảo nông dân cùng các giai cấp khác tiến hành thắng lợi công cuộc cách mạng mang lại ruộng đất cho người dân cày. Những dòng nước mắt sung sướng, hạnh phúc của người nông dân đã tưới lên mảnh đất vừa được chính quyền cách mạng cắt trao và từ đó người dân nghèo đã có “tấc đất cắm dùi”.
Vấn đề tranh chấp đất đai ngày một nóng trong hàng chục năm qua. Hầu hết các vụ khiếu kiện, khiếu nại đông người đều có nguyên nhân từ thu hồi, bồi thường và tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng đất. Rõ ràng việc quản lí đất đai đang tồn tại những bất cập cần được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, công bằng.
Từ sau Luật Cải cách ruộng đất năm 1953, đến năm 2013 Luật Đất đai đã thêm 6 lần được sửa đổi, hoàn thiện, là nền tảng pháp lí căn bản phục vụ việc quản lí, khai thác và sử dụng tài nguyên đất đai. Tuy nhiên, ngay cả khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai cũng vẫn còn những ý kiến khác đáng suy ngẫm. Quy định Nhà nước thu hồi đất cho phát triển kinh tế trong Luật Đất đai là nội dung nhiều ý kiến tranh luận trái chiều trước khi Quốc hội thông qua và thực tiễn điều luật này đã và đang bị làm biến dạng khi thực thi. Khái niệm “phát triển kinh tế” quá rộng cho nên dự án bất động sản của một doanh nghiệp ngoài nhà nước suy cho cùng cũng là “phát triển kinh tế”. Nhưng ít người thẳng thắn chỉ ra sự “phát triển kinh tế” đó mang lại lợi ích lớn nhất cho những ai? Danh nghĩa thực hiện mục tiêu “phát triển kinh tế” đang tiềm ẩn nguy cơ nhà nước “vô tình” tước đoạt đất đai của những người yếu thế giao cho những nhóm lợi ích nhiều “quyền lực” và từ đó “phát triển” những đại gia siêu giàu không hẳn do tài năng kinh doanh.

Tranh chấp đất do quyết định thu hồi khiến nhiều người dân khiếu kiện nhiều năm qua. Ảnh Việt Báo 
Một mảnh đất mà người mất đất chỉ nhận được đền bù vài trăm nghìn đồng/m2 rồi lại chứng kiến người khác được giao mảnh đất đó bán với giá vài trăm triệu đồng/m2, điều đó khó tránh khỏi nảy sinh bất ổn.
Chính quyền của dân phải giữ cho đất luôn “lành”, đừng để hình thành những vùng đất “dữ”!./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi  và báo điện tử Ngaymoionline
 ngày 15 tháng 5 năm 2018 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét