Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

Trả lại danh tiếng cho GS, PGS đích thực

Theo điều 71 của Luật Giáo dục năm 2005, giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học. Điều 70 của Luật này ghi: Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác.
Vậy thì GS, PGS chắc chắn đã hoặc đang là nhà giáo. Điều luật thật ngắn gọn và dễ hiểu, nhưng khi thực hiện lại “dây cà ra dây muống”, để rồi nhiều vị lãnh đạo, quản lí trong các cơ quan công quyền cũng làm hồ sơ đề nghị phong GS, PGS. Họ “dán mác” GS, PGS vì mục đích gì? Liệu có ai muốn quay xuống cơ sở làm nhà giáo? Không khó để tìm ra những GS, PGS chưa bao giờ giảng dạy ở các nhà trường. Có thể họ chỉ được mời thỉnh giảng, nói chuyện chuyên đề, thậm chí chỉ truyền đạt nghị quyết! Nhờ sự “tích điểm, cộng giờ” đã giúp đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

Ảnh minh họa

Hệ thống văn bản dưới luật như quyết định, nghị định… đôi khi “sáng tạo” vượt cả luật gốc. Đã đến lúc cần nghiêm túc nhìn nhận, xem xét lại những văn bản tạo ra “lỗ hổng” pháp lí mở cơ hội cho việc lợi dụng, lách luật. Chính lỗ hổng và chuẩn thấp, điều chỉnh tiêu chuẩn không kịp thời đã giúp nhiều người được phong GS, PGS, đỉnh điểm là đợt xét duyệt năm 2017, với hơn 1000 ứng viên, khiến dư luận nghi ngờ, làm giảm thanh danh cao quý của những GS, PGS chân chính.
Danh sách đề nghị PGS, GS 2017 tăng vọt
Trước năm 2008 GS, PGS là học hàm do Nhà nước phong. Từ năm 2008 trở đi GS, PGS là viên chức của một trường đại học chứ không do Nhà nước phong. Hội đồng chức danh GS Nhà nước chỉ có nhiệm vụ xét và công nhận đạt chuẩn; việc công nhận GS, PGS do nhà trường quyết định. Tuy nhiên, các GS, PGS không còn làm việc tại nhà trường vẫn thường danh xưng bậc giảng viên như một thành tích và xã hội đang mặc nhiên thừa nhận. Cũng không thấy ai danh xưng các bậc giảng viên khác như trợ giảng, giảng viên… Thế nhưng, bậc GS, PGS thì nhiều người không còn giảng dạy và công tác tại trường vẫn luôn xưng danh khi có dịp. Đó là “căn bệnh” háo danh khá phổ biến ở nước ta. GS, PGS ở nhiều nước luôn gắn với tên một trường đại học nào đó, uy tín của họ ngoài thành tựu khoa học còn là uy tín ngôi của trường họ giảng dạy. Nhà nước cũng không tuyên phong cho người đạt giảng viên bậc cao như của ta. 
Hi vọng dự thảo mới về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn bổ nhiệm GS, PGS sẽ khắc phục được những hạn chế của các quy định hiện hành đồng thời cần đổi mới quy trình, thủ tục xét duyệt công nhận bậc giảng viên một cách chặt chẽ. 
Việc phong học hàm GS, PGS bảo đảm thực chất, chất lượng mới trả lại được danh tiếng cho những nhà giáo, nhà khoa học chân chính.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi  
và Ngày mới online ngày 09 tháng 5 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét