Thưởng hiện vật, ai vui,
ai buồn?
Từ khi con
người phát minh ra đồng tiền thay thế hình thức vật đổi vật, vật đổi hàng hay
hàng đổi hàng, đồng tiền đã trở nên phổ biến trong các quan hệ, giao dịch giá
trị.
Đồng tiền
đã và đang được hầu hết các quốc gia sử dụng trả lương, thưởng cho người lao
động (NLĐ) dù nó có thể được biểu hiện bằng các hình thức mới (như tiền kĩ
thuật số).
Theo Điều
103 Bộ luật Lao động năm 2012 thì tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng
lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và
mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
Tuy nhiên,
trong Bộ Luật lao động mới thông qua năm 2019, Điều 104 quy định về “thưởng”
thay vì chữ “tiền thưởng” có ý nghĩa như một “bước ngoặt”. Cụ thể, thưởng là
số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động
thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành
công việc trong năm.
Không biết
có quốc gia nào trên thế giới luật pháp quy định doanh nghiệp (DN) được trả
thưởng hằng năm bằng hiện vật (tài sản và các hình thức khác)? Và hình thức
mới này có gì văn minh, tiện lợi hơn đồng tiền? Sự “mở” của luật pháp đã cho
phép DN vận dụng rất nhiều hình thức thưởng có lợi cho mình nhưng bất lợi cho
NLĐ. Thưởng bằng tài sản bằng xe, nhà, vàng bạc… đã có nhưng chỉ là hi hữu.
Việc thưởng bằng hiện vật “của nhà làm ra” từng gây nên chuyển “dở khóc dở
cười”. Có người từng nêu giả thuyết nếu một công ty sản xuất phân bón do hàng
hóa tồn kho, ế ẩm cuối năm đành trả thưởng bằng hiện vật phân bón thì NLĐ sẽ sử
dụng phần thưởng ấy thế nào, nhất là dịp năm hết tết đến?
Có câu “một
trăm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. NLĐ được nhận đồng tiền
thưởng không chỉ vui vì giá trị phần thưởng mà còn coi đó như một sự ghi nhận
của chủ sử dụng lao động với công lao, đóng góp của mình cho DN. Luật pháp
không bắt buộc DN phải thưởng cuối năm mà đây như sự tri ân của DN, động viên
NLĐ tiếp tục nỗ lực đồng hành để DN phát triển. Doanh nghiệp làm tốt điều này
sẽ phát huy được năng lực, trí tuệ và nỗ lực của NLĐ, đó là nền tảng tạo nên
lợi nhuận cho DN đồng thời tiếp tục thu hút lực lượng lao động có chất lượng
cao.
Tuy nhiên
không phải DN nào cũng nhận thức được vấn đề này. Có không ít DN chỉ coi
thưởng cuối năm như một nghĩa vụ phải làm, lo lợi nhuận giảm sút vì chi phí
khen thưởng. Có DN làm ăn khấm khá nhưng không muốn tăng trần mức lương chung
mà “gom lại”, cuối năm dùng nguồn đó trích thưởng để lấy tiếng. Với những DN
dạng này thì điều luật mới đã thực sự giúp họ dễ dàng có những cách thưởng
“đối phó” với NLĐ. Và chuyện thưởng tết bằng phân bón, giấy vệ sinh… là hoàn
toàn có thể!
Ảnh minh họa
Đến năm
2021 Điều 104 của Bộ Luật lao động 2019 mới có hiệu lực song nó đã nhận được
những ý kiến trái chiều và sự lo ngại của NLĐ. Ai vui, ai buồn khi thưởng
bằng hiện vật xem ra đã rõ, dù pháp luật chưa đi vào cuộc sống!/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 31 tháng 12 năm 2019 |
Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019
Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019
Hướng tới những trường học xanh
Nói trường học xanh
nhiều người nghĩ ngay đến một môi trường có nhiều cây xanh tạo ra bầu không
khí trong lành. Việc đó là hiển nhiên.
Tuy nhiên, hiện nay học
sinh các bậc học từ tiểu học đến trung học phổ thông và cả đại học đang gián
tiếp tàn phá một lượng không nhỏ cây xanh của môi trường sống. Thoạt nghe có
vẻ lạ nhưng đó là một thực tế.
“Sự tàn phá” gián tiếp
nằm ở việc chúng ta đang bắt các em phung phí một lượng giấy vở khổng lồ được
sản xuất mỗi năm học có nguồn gốc từ cây xanh.
Năm học 2019-2010 cả
nước có 22,5 triệu học sinh tựu trường. Với số sách giáo khoa, vở viết mỗi em
chỉ cần vài kilôgram nhân lên đã có một lượng giấy rất lớn. Số giấy này không
thể lấy từ đâu khác ngoài việc khai thác rừng và cây. Như vậy, mỗi năm học,
các em học sinh như bị người lớn buộc phải tàn phá những cánh rừng.
Học sinh
tiểu học đang phải đeo những chiếc ba lô nặng trĩu (Ảnh: tuoitre.vn).
Cách đây chỉ chừng vài
chục năm, khi mà mạng Internet chưa ứng dụng rộng rãi, việc vận dụng làm việc
trên môi trường mạng còn lạ lẫm, khi đó các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp
hằng năm tiêu thụ một lượng giấy rất lớn cho in ấn văn bản, tài liệu. Đến nay
sự kết nối, làm việc trên không gian mạng đã góp phần giảm thiểu đáng kể việc
tiêu thụ giấy.
Các ngành rất nỗ lực
giảm thiểu sử dụng giấy trong hoạt động hành chính, kinh doanh nhưng xem ra
ngành giáo dục, nhất là các nhà xuất bản như không nghĩ tới điều này. Thậm
chí tần suất thay đổi, điều chỉnh, sửa chữa sách để in mới ngày càng tăng lên.
Tiến trình đổi mới toàn diện giáo dục đang được nỗ lực triển khai nhưng có
một “diện” bị bỏ quên, đó là tiết kiệm chi phí sách vở cho học sinh cùng với
bảo vệ môi trường.
Sách giáo khoa hầu như được chỉnh sửa, in mới hằng năm với khối lượng lớn
Tại sao chưa thấy ai đưa
ra ý tưởng dùng sách giáo khoa điện tử cho toàn bộ bậc học phổ thông? Ngoại
trừ vùng núi, vùng sâu khó khăn tiếp cận mạng Internet, còn tại thành phố,
nông thôn đồng bằng đều đã phủ sóng. Hệ thống cung cấp sách giáo khoa online cho
học sinh, giáo viên là hoàn toàn có thể thực hiện được. Khi đó các em học
sinh sẽ không phải đeo những chiếc túi sách vở nặng trĩu trên vai. Tất nhiên,
thực hiện ý tưởng này các nhà xuất bản sẽ thất thu rất lớn lợi nhuận từ mảng
sách phục vụ học sinh hằng năm.
Cách đây 5 năm, Bộ Chính
trị đã có nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp
ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Một số lĩnh vực được xác
định là trọng
tâm thực hiện, trong đó có giáo dục.
Hiện Chính phủ, các bộ ngành đang đẩy nhanh tiến
độ xây dựng chính phủ điện tử, vừa khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia…
Đã đến lúc ngành giáo dục cần có động thái tích
cực trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển xanh, bảo vệ
môi trường sống, không thể như “người ngoài cuộc” trong vấn đề này./.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 25 tháng 12 năm 2019
|
Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019
Chờ… thảm họa?
Có chuyên gia từng cảnh báo, nếu động đất
trên 5 độ rich te, hầu hết chung cư cũ của Hà Nội sẽ sập đổ! Khi đó một thảm
họa tầm cỡ lớn sẽ diễn ra.
Hiện nay có thể Hà Nội là thành phố đang sở
hữu nhiều chung cư cũ nhất cả nước. Trong gần 30 chung cư cũ có nhiều căn
được xây dựng từ những năm 1960 cho đến 1985 đã quá cũ nát như tại các khu
tập thể Thành Công, Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thanh Xuân...
Cùng với sự xuống cấp của kết cấu xây
dựng, các căn chung cư như “cụ già” đang phải gánh trên vai sức nặng nhiều
thế hệ bằng những chiếc “chuồng cọp”.
Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là yêu
cầu cấp bách song nhiều năm qua Hà Nội và một số thành phố vẫn đang lúng
túng, chưa tìm ra giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được nhu cầu của cả cư dân và
nhà đầu tư.
Chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng.
Lợi nhuận không hấp dẫn nhà đầu tư; người
dân khó khăn, không đủ nguồn lực để đóng góp vốn cho dự án và quyền lợi cũng
khác nhau; thành phố không đủ nguồn lực tài chính hỗ trợ cư dân… là những trở
lực khiến cho tiến trình thực hiện chủ trương cải tạo, xây dựng chung cư cũ
hàng thập kỉ vẫn dẫm chân tại chỗ.
Một nguyên nhân quan trọng khiến nhà đầu
tư không mặn mà tham gia dự án chung cư cũ là lợi nhuận. Muốn có lợi nhuận
thì chung cư cần xây vượt nhiều tầng so với căn cũ, số tầng tăng thêm đó làm
căn hộ thương mại. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại cho rằng làm như vậy
sẽ phá vỡ quy hoạch dân cư, gây áp lực lên hạ tầng xã hội, giao thông…
Liệu cái lí do phá vỡ quy hoạch đất ở và
dân số có thực sự là chính yếu?
Không ít người cho rằng “lí do chỉ là… lí
do”!
Dù mật độ cư dân các quận nội thành cũ đã quá tải từ lâu nhưng nay rất nhiều dự án nhà chung cư thương mại cao 20-35 tầng vẫn đang tiếp tục mọc lên. Sát khu tập thể Thành Công có mấy tòa chung cư cao cấp đang mở bán rầm rộ. Cách Lăng Bác chỉ 500m, tại đường Thụy Khuê hai tòa chung cư hạng sang của Sun Group mọc lên chót vót 21 tầng trên mảnh đất của Công ty xe điện Hà Nội, được mở bán từ năm trước, dân cư đã sắp “lấp đầy”. Mảnh đất lẽ ra là bãi xe Ngọc Khánh (Ba Đình), sát tòa nhà Lotte cũng đang mọc lên 3 tòa nhà chung cư thương mại ngót 30 tầng. Khu này cũng chỉ cách chung cư cũ Thành Công chừng 1km… Mỗi tòa chung cư này dân số đã có thể tới hàng nghìn. Điểm qua như thế để xem cơ quan quản lí có thực sự quan tâm tới quy hoạch dân cư, quy hoạch sử dụng đất hay chưa mà thôi.
Tại sao không tính đến phương án chuyển
3-4 tòa chung cư cũ thành một tòa nhà mới có chiều cao gấp 3-4 lần. Sao không
đấu giá quỹ đất (nơi trụ sở, công ty di dời khỏi nội thành) để tạo nguồn ngân
sách hỗ trợ người dân, nhà đầu tư…?
Có thể thấy nhan nhản quảng cáo bán căn
hộ chung cư thương mại mà chủ sở hữu nói rằng mình bán “suất ngoại giao” giá
phải chăng. Trong các tòa chung cư thương mại thường có những “suất ngoại
giao”, vậy nó là của ai?
Có lẽ những chung cư cũ khi cải tạo cũng
cần có “suất ngoại giao” để tiến độ được đẩy nhanh và người dân thoát cảnh
sống “chờ thảm họa”./.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 24 tháng 12 năm 2019
|
Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2019
Đừng phí phạm lòng thương
Chuyện ăn xin có lẽ xuất phát từ thời đất
nước còn đói kém, nghèo nàn lạc hậu, khi nhiều người không đủ cơm ăn, áo mặc
hằng ngày. Người đi xin để ăn, để duy trì sự sống qua tháng ngày bĩ cực, có
thể từ đó nên người ta gọi “ăn xin”. Bản chất người phải đi xin ăn là lương
thiện, dù đói kém, túng quẫn song họ không trở thành phường trộm cắp, bất
lương.
Trong nhà chùa cũng có tục khất thực,
những tăng ni hành hương xin đồ ăn thức uống trên đường. Đó là cách nuôi thân
một cách chân chính do Phật dạy cho những đệ tử xuất gia.
Truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng”
của người Việt chính là tình thương với đồng loại, nhất là khi họ rơi vào
tình cảnh khốn quẫn. Tình thương giúp cho những người rơi vào tình cảnh không
thể làm gì khác sẽ duy trì được sự sống.
Khi cuộc sống chung khá giả hơn người ta
bắt đầu như có sự thay đổi tư duy, rộng tay hơn khi cho người ăn xin. Ít
người cho đồ ăn thức uống mà thường là những thứ giá trị hơn như quần áo và
nhất là tiền lẻ để người được cho có thể linh hoạt sử dụng. Suy nghĩ, tâm lí
đó khiến cho một số người lười lao động nhưng lại muốn hưởng thụ tốt hơn lợi
dụng và họ trở thành những kẻ ăn xin không chân chính! Ở một số thôn làng tại
Quảng Xương (Thanh Hóa), Lộc Hà (Hà
Tĩnh), Đồng Xuân (Phú
Yên)… gần như cả làng đi ăn xin. Có thể nhiều người đã coi cái nghề thấp
hèn này là kế “sinh nhai”!
Gần đây, thông tin về những kẻ bảo kê
chuyên “chăn dắt” người ăn xin giữa Thủ đô để bóc lột họ với thu nhập hàng
triệu đồng mỗi người/ngày khiến dư luận bất ngờ! Tiểu phẩm hài từ nhiều năm
trước của danh hài Hoài Linh có cảnh người Việt ăn xin bên Mỹ thu được hàng
trăm USD/ngày, dùng cả thẻ ATM… nay là chuyện có thật ở Hà Nội! Những người
ăn xin không thuộc đường dây bảo kê cũng có thu nhập khủng không kém, họ chia
sẻ rằng đi ăn xin là để hoàn thiện căn nhà tầng đang xây ở quê!
Hiện nay ở các địa phương đều đã có cơ sở
bảo trợ xã hội, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều nhận được sự
quan tâm của làng xóm, cộng đồng và các tổ chức xã hội, ít người phải cầu bơ
cầu bất đi xin ăn để sống qua ngày. Thực chất nhiều người ăn xin chốn đô thị
đang lợi dụng lòng thương hại, bất chấp liêm sỉ, danh dự để kiếm tiền mà
không cần bỏ nhiều sức lực.
Có thể cho rằng vài ba chục nghìn là nhỏ
bé nên nhiều người nhìn thấy kẻ ăn xin là cho tiền ngay không cần đắn đo suy
nghĩ. Nếu biết rằng sự dễ dãi cho đi lòng thương hại có thể đã góp phần nuôi
dưỡng thói xấu, làm mất mĩ quan đô thị văn minh thì người ta sẽ cân nhắc mỗi
khi trao gửi lòng thương cho người lạ.
Đã đến lúc chính quyền tại các thành phố
cần có biện pháp mạnh tay dẹp nạn ăn xin, điều tra triệt phá những băng nhóm
bảo kê bóc lột sức lao động những người yếu thế bị dụ dỗ ra thành phố làm
thuê cho chúng. Có như vậy mới không còn cảnh nhếch nhác giữa những đô thị
diện mạo hiện đại, văn minh./.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 20 tháng 12 năm 2019
|
Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019
Không thể như loài ếch
Vị giáo sư nọ cho một con ếch vào chiếc bình thủy tinh chứa nước
rồi đặt đun bằng ngọn đèn cồn.
Giữa trời đông tháng giá, thấy vậy ếch ta cười khẩy: “Hắn định
luộc ta chắc? Nực cười! Ta đang cần sưởi ấm đây”!
Ngày này qua ngày khác, nước trong bình ấm lên như thỏa nỗi mong
ước của con ếch. Ếch ta cảm nhận nhiệt độ nước ấm lên và cơ thể thích ứng
cùng quá trình gia nhiệt. Rồi ếch thấy hiện tượng kì lạ: Hơi bốc lên, những
bọt nước lăn tăn. Thực ra ếch ta không thể nhìn thấy nhiệt độ gần nửa bình
nước đã đạt độ sôi và dần truyền lên bề mặt. Đến khi thấy không còn chịu được
nữa, ếch ta lấy đà nhảy lên nhưng bất lực. Nhiệt độ tiếp tục tăng lên theo
tiến trình không thể đảo ngược…
Câu chuyện giả dụ trên cũng tựa tình trạng con người trên hành
tinh trước thảm họa trái đất nóng lên.
Quá trình biến đổi khiến nhiệt độ trái đất đã diễn ra hàng trăm
năm qua, có thể khởi nguồn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, khi cỗ
máy hơi nước đầu tiên ra đời. Đến nay đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp
lần thứ tư song con người vẫn phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng hóa thạch.
Cùng với bùng nổ dân số, tốc độ khai thác, sử dụng nguồn năng lượng không tái
tạo có thể đã đến đỉnh điểm trong lịch sử nhân loại.
Ô nhiễm môi trường không chỉ đơn thuần phát thải CO2, hiệu ứng
nhà kính khiến nhiệt độ trái đất nóng lên. Sự tương tác các hình thái ô nhiễm
đã và đang tàn phá nguồn sống lớn nhất của con người, đó là đại dương.
Trước thềm Hội nghị COP 25, Tổng thư kí Liên Hợp Quốc cảnh báo
loài người đối mặt một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, đang tiến gần
tới “điểm không thể cứu vãn”. Kết thúc hội nghị này, ông cho rằng lãnh
đạo các quốc gia đã bỏ lỡ cơ hội!
Trước tình trạng thảm họa khí hậu ngày một gia tăng về tần suất,
lãnh đạo các quốc gia bắt đầu nhận thức được phần nào nguy cơ tiềm tàng đang
đến gần, nhưng vừa rồi chỉ đạt được kết quả khiêm tốn tại Tây Ban Nha. Cỗ máy
tăng trưởng đang có sức mạnh quán tính quá lớn, khó có thể hãm nhanh bởi nó
sẽ gây ra sự đổ vỡ của các nền kinh tế. Vấn đề có thể đảo ngược nếu tất cả
các quốc gia đồng lòng “rà phanh” tốc độ phát thải, tìm nguồn năng lượng thay
thế than đá, dầu mỏ.
Xu hướng phát triển xe điện, ô tô điện và cả máy bay điện là một
tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nếu những chiếc bình ắc quy, công cụ trữ điện
vẫn được nạp từ nguồn năng lượng sản xuất bằng xăng dầu, than đá thì việc làm
này không có ý nghĩa.
Băng ở Bắc cực đang tan
nhanh khiến nước biển dâng cao
Con người đang sở hữu một nguồn năng lượng vĩnh cửu đó là gió,
ánh sáng mặt trời, thủy triều và cả những tia vũ trụ… Tài nguyên này phải
được phát triển chiếm tỉ lệ áp đảo, tiến tới thay thế hoàn toàn nhiên liệu
hóa thạch. Con người không thể như loài ếch vì có tri thức tạo nên công nghệ
để “vặn nhỏ và tắt đi ngọn đèn cồn”.
Hi vọng một tương lai không xa, những mẫu than đá, dầu mỏ chỉ còn
thấy trưng bày trong nhà bảo tàng. Khi các em học sinh đến tham quan sẽ được
nghe thuyết minh rằng: “Đến tận đầu thế kỉ XXI cha ông chúng ta vẫn còn sử
dụng những thứ độc hại, nguy hiểm này để tạo ra năng lượng cho cuộc sống!”./.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 19 tháng 12 năm 2019
|
Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019
Giống đa cấp biến tướng sẽ sụp đổ!
Mô hình đa cấp biến tướng luôn hướng tới
một kịch bản là… sụp đổ.
Kịch bản của mô hình này là huy động vốn
bằng nhiều hình thức như mua hàng hóa không đúng giá trị thực (cao hơn nhiều
lần); mua hàng hóa đồng thời với góp vốn hưởng lãi suất rất cao; giới thiệu
thêm thành viên tham gia hệ thống để hưởng hoa hồng... Nguồn tiền trả cho
thành viên được trích từ người góp vốn sau trả cho người trước. Sau thời gian
huy động lượng vốn đủ lớn, số người mới gia nhập giảm sút, số tiền trả lãi,
hoa hồng bắt đầu tăng lên thì chủ doanh nghiệp đa cấp cho mô hình sụp đổ để
chiếm đoạt toàn bộ vốn đã huy động.
Mô hình căn hộ khách sạn du lịch condotel
hiện nay có phần nào mang dáng nét của huy động vốn đa cấp. Giá cả sản phẩm
(căn hộ) do chủ đầu tư quyết định, được giới thiệu sẽ mang lại lợi nhuận cao
trong tương lai (12-14%). Căn hộ cũng được gieo hi vọng cho nhà đầu tư (NĐT) thứ
cấp sẽ là tài sản cố định, sở hữu như chung cư, khi cần có thể bán cho NĐT khác.
Cũng như khách hàng của mô hình đa cấp
biến tướng, người mua căn hộ mục đích là hưởng lãi suất, không hề quan tâm
xem chủ đầu tư sản xuất kinh doanh như thế nào để có lợi nhuận, họ chỉ cần
kết quả!
Theo mô hình condotel, lợi nhuận tạo ra
từ kinh doanh dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng. Với mức lợi nhuận 12-14%, một căn
hộ trị giá 2,5-3 tỉ sẽ có nhuận hơn 300 triệu mỗi năm. Mức này cao gần gấp
đôi giá thuê căn hộ chung cư cao cấp dưới 100m2 tại Time City Hà
Nội, chỉ chừng 12-14 triệu/căn mỗi tháng. Căn hộ khách sạn không phải bao giờ
cũng lấp đầy khách thuê vì tính mùa vụ. Mùa Đông, Xuân với những khách sạn
ven biển khu vực phía Bắc lại càng thưa vắng khách hàng. Trong khi đó với lượng
khách sạn phát triển bùng nổ những năm qua thì cạnh tranh để thu hút khách
không dễ dàng. Tóm lại để đạt lợi nhuận đủ bù trừ chi phí vận hành, vừa trả
lãi cho NĐT thứ cấp mức 12% trở lên là không tưởng.
Khó bảo đảm lợi nhuận song họ vẫn mạnh
tay mở rộng đầu tư, thu hút NĐT thứ cấp để lấy một phần nguồn vốn NĐT sau trả
lợi nhuận theo cam kết cho NĐT trước. Khi lượng NĐT thứ cấp chững lại, không
thể bán những căn hộ mới, đó là lúc có nguy cơ vỡ trận!
Condotel đã bão hòa tại các thành phố biển
Có thể nói, lợi nhuận kinh doanh dịch vụ
lưu trú mới là nền móng để phát triển căn hộ condotel. Trong khi giải pháp
đúng đắn là tìm nguyên nhân, cách thức vận hành kinh doanh dịch vụ khách sạn
cho hiệu quả thì người ta lại đang tìm công cụ pháp lí để trấn an khách hàng và
tiếp tục mở rộng. Quy mô thị trường căn hộ condotel không phải là vô hạn,
thậm chí tại các địa danh bờ biển đẹp đã đến lúc bão hòa.
Trên thị trường vốn gần đây cũng có một
khu vực thu hút đầu tư hấp dẫn, đó là trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều doanh
nghiệp trả lãi suất tới 10-14%/năm. Tuy nhiên, thông tin về hoạt động sản
xuất kinh doanh lại khá “bí mật”. Nhiều chuyên gia cho rằng không ít doanh
nghiệp làm ăn thua lỗ vẫn mạnh tay phát hành trái phiếu vì họ đang “khát
tiền”.
Đầu tư condotel hay phát hành trái phiếu
doanh nghiệp cách thức như trên chẳng khác mấy mô hình đa cấp biến tướng, dù
nó chỉ có một cấp đầu tư.
Một ngôi nhà được xây dựng không dựa trên
nền móng vững chắc thì nguy cơ sụp đổ là tất yếu, nhất là khi có tác động
thêm từ yếu tố bên ngoài./.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 17 tháng 12 năm 2019
|
Thứ Năm, 12 tháng 12, 2019
Tiền chỉ đạo
Đi qua ngõ thấy ông Quân tổ trưởng dân
phố đang đôn đốc mấy tay thợ đổ bê tông sửa đường tôi nán lại, đùa tếu táo:
- Hè đường cả năm không làm, nay năm hết
tháng tận mới bới ra, chắc lại để giải ngân chứ gì?
- Có ngân để mà giải thì đã tốt, đây là
mấy hộ tự nguyện đóng góp để chỉnh trang ngõ phố của mình thôi - ông Quân
phân bua.
Vừa lúc đó ông Bộ, một cán bộ cùng tổ hưu
đi qua, thấy chúng tôi liền oang oang góp chuyện:
- Tổ trưởng kiêm Phó bí thư chi bộ bận
rộn suốt ngày thế này “tiền chỉ đạo” tiêu sao hết, chẳng nhẽ không khao anh
em được chầu bia hơi?
Ông Quân:
- Các ông cứ làm như phường, tổ dân phố
lắm tiền để chi tiêu quá không bằng. Cái chân tổ trưởng dân phố mấy trăm
nghìn một tháng có khác gì “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đâu!
Ông Bộ truy vấn tiếp:
- Thế ông không biết chuyện Bộ Giáo dục
và Đào tạo mấy năm qua chi hàng trăm triệu để thuê cán bộ lãnh đạo sở ở cấp
dưới về việc chỉ đạo biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đó à? Nghe đâu mỗi
người được thuê cũng đến 5-6 triệu mỗi tháng đấy…
Nghe câu chuyện bán tín bán nghi, về nhà
tôi liền vào mấy trang báo điện tử chính thống để kiểm tra thông tin.
Thì ra chuyện đó là có thật. Chính xác là
Nhà xuất bản Giáo dục Việt
Nam đã chi thù lao biên soạn sách giáo khoa hằng tháng (từ 2,5 - 6
triệu đồng/người) cho hàng chục cán bộ, từ lãnh đạo đến chuyên viên của Sở Giáo
dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh từ năm 2015 đến nay.
Bộ sách Chân trời sáng tạo được
lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM chỉ đạo biên soạn
Là cán bộ, công chức hưởng lương bằng
thuế của dân nên việc lãnh đạo, chỉ đạo là “nghề tay phải” cần được hoàn
thành trong 8 giờ hành chính vàng ngọc. Những việc “làm thêm” như trên chắc
họ phải thực hiện ngoài giờ. Nếu không, khác nào ăn cắp thời gian của dân để
đi kiếm tiền?
Có lẽ tôi cũng phải sang góp ý ông Quân
tổ trưởng dân phố thử lên phường hỏi xem những thời gian chỉ đạo đôn đốc
chỉnh trang ngõ phố ngoài giờ có được trả thù lao không? Nếu phường thiếu
tiền thì cứ đi vay ngân hàng mà chi. Như Bộ Giáo dục và Đào tạo họ còn đi vay
lãi Ngân hàng Thế giới 16 triệu USD để viết sách giáo khoa mà nay vẫn chưa
biết chi tiêu thế nào cho hết đó sao?/.
Đinh
Hoàng
Bài
mục chuyện làng chuyện phố đăng Báo Người cao tuổi
ngày 12 tháng 12 năm 2019
|
Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019
Tư duy quyền lực đồng tiền
Mới đây,
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) công bố bản góp ý dự thảo Thông
tư ban hành Quy chế quản lí, sử dụng nhà chung cư, trong đó có kiến nghị tính
quyền biểu quyết hội nghị nhà chung cư theo đơn vị mét vuông!
Được biết
theo quy định hiện hành, quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm
nhà chung cư được tính theo đơn vị căn hộ. Theo đó, mỗi căn hộ tương ứng với
một phiếu biểu quyết. Đối với phần diện tích khác trong nhà chung cư không
phải là căn hộ thì mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích
sàn xây dựng của căn hộ lớn nhất theo thiết kế được phê duyệt tại nhà chung
cư đó có một phiếu biểu quyết.
Những chung cư cũng tựa làng xóm nơi đô thị. Hình minh họa
Đề xuất của
hiệp hội trên thoạt nghe xem ra cũng có lí. Nhưng đi sâu phân tích những hệ
lụy có thể xảy ra thì thấy là không thể ứng xử như vậy.
Mỗi tòa
chung cư với hàng trăm, thậm chí cả nghìn căn hộ tạo nên một quần cư có thể
coi như những thôn xóm hiện đại nơi đô thị. Truyền thống văn hóa người Việt
từ xa xưa trong một quần thể người ta quan hệ với nhau nể trọng từ cách ăn ở,
ứng xử và phẩm giá hơn tiền bạc. Cách làm theo đề xuất trên là tư duy lấy tài
sản, tiền bạc làm thước đo quyền lực. Trong điều kiện phân hóa giàu nghèo
đang gia tăng hiện nay, cách ứng xử như vậy sẽ không ổn.
Ta đã biết,
quy tắc, quy định, luật pháp có tính phổ quát, nơi này được làm, nơi khác
tương tự cũng có thể làm. Giả sử kiến nghị trên được chấp nhận liệu sau nay
nơi làng xóm thôn quê áp dụng được chăng?
Gia đình là
tế bào của xã hội, nó cũng là tế bào tạo nên những quần cư hay thôn làng Việt
Nam. Nhiều chuyên gia xã hội học, cả ở nước ngoài đánh giá cao hình thức quần
cư làng xóm riêng có của người Việt. Từ nghìn năm qua, làng là “pháo đài thép”
mà ngoại xâm không bao giờ có thể xâm lăng. Từ những làng quê đã tạo nên đất
nước. Làng của người Việt còn thì nước không thể bị mất. Có đặc trưng ấy bởi
trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt mỗi làng quê luôn
dựa vào nhau để chống chọi với thiên tai địch họa. Sức mạnh dân tộc Việt suy
cho cùng, là tổng hòa khối đại đoàn kết người dân từ mỗi thôn làng.
Tình làng xóm đối với người Việt Nam luôn lớn hơn
đồng tiền. Hình minh họa
Nay, giả sử
làng quê cũng bỏ phiếu cho công việc làng xóm tính theo mét vuông thì thế
nào? Sẽ có những gia đình hai ông bà già sân vườn rộng rãi mấy sào nhưng cũng
có gia đình 4-5 người trẻ khỏe chỉ có vài trăm mét vuông. Lúc này cái “phiếu
tài sản” sẽ làm méo mó quyền lực quản lí trật tự xã hội nơi làng quê, nó cũng
có thể làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm.
Nền kinh tế nước
ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phân hóa giàu nghèo là
thực tiễn mà mọi chính sách cần hướng tới để điều chỉnh, khắc chế, không để
dẫn tới bất công bằng. Một xã hội nhân văn không thể lấy tài sản, đồng tiền
để làm nền tảng cho quan hệ hay ứng xử giữa người với người./.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 11 tháng 12 năm 2019
|
Sự lạ kì nhìn từ một tấm
bản đồ
Theo thói
quen cứ năm hết tết đến tôi lại lục soạn, sắp xếp lại tủ sách cũ, cũng là
kiểm kê xem trong năm đã mua được cuốn nào đáng đọc. Tình cờ một cuốn sách in
bản đồ các nước trên thế giới rơi ra trong đó có kẹp một mảnh báo được tôi
cắt ra từ trang báo in Biển Đông có đường đứt đoạn cùng nét gạch chéo màu đỏ
mà nay ta quen gọi: Đường lưỡi bò.
Như một sự
gợi ý, tôi lật mở xem bản đồ của từng quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới
và như mới nhận ra: Gần 200 quốc gia trong đó hơn một trăm nước có biển song
chẳng nước nào ghi đường nét thể hiện biên giới trên biển, ngoại trừ tấm bản
đồ “khác người” tôi cắt ra từ một trang báo.
Bản đồ 10 đoạn, do Trung Quốc xuất bản gần
đây, bị phản đối ở trong và ngoài Trung Quốc.
Ta đã biết,
mọi quốc gia ven biển đều có chủ quyền của mình, được xác định trên cơ sở
công ước của Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển - UNCLOS (viết tắt tiếng
Anh: United Nations Convention on Law of the Sea). Hầu hết các nước đang thực
thi công ước này và không xảy ra tranh chấp. Đó cũng là nền tảng để thế giới
có được hòa bình trên 4 đại dương bao la mấy chục năm qua.
Lẽ thường ở
đời, cái người ta không có đôi khi khiến họ muốn thể hiện ra bằng cách này
hay cách khác để mọi người nghĩ rằng họ có. Giả dụ, ai đó khi ra trước đám
đông lại viết lên mặt mình cụm từ “Tôi là Người tốt” thì mọi người sẽ nghĩ sao?
Theo tôi, sẽ có người cho rằng kẻ đó thần kinh không bình thường. Có người
nghi ngờ. Còn đa số sẽ suy luận theo chiều ngược lại và cho rằng “người tốt
chẳng ai làm thế”! Cái tốt cần được thể hiện qua cách hành xử với người khác,
với cộng đồng theo chuẩn mực đạo đức, luật pháp và sự văn minh.
Theo nguyên
tắc chung và luật pháp quốc tế, chủ quyền biển đảo phải được thể hiện bằng
lịch sử khai thác, chiếm hữu một cách hòa bình trên thực địa. Theo đó, nhiều
quần đảo trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông đã được
cha ông ta khai thác và quản lí trên thực địa một cách hòa bình, có trách
nhiệm từ mấy trăm năm trước. Không ít tư liệu lịch sử, bản đồ tại các nước
đang lưu giữ có thể chứng minh điều này.
Người ta có
thể ra rả tuyên truyền cho người dân nước mình, cho thế giới rằng chuyện chủ
quyền là thế này, thế kia… nhưng rồi có những thực tiễn không thể giải thích
khác. Trung Quốc đang chiếm hữu một số quần đảo, thực thể trên Biển Đông
nhưng rồi chính người dân nước họ cũng sẽ biết rằng vào tháng 1 năm 1974 hải
quân Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa đang được quân
đội Việt Nam cộng hòa quản lí khiến 75 binh sĩ đối phương tử trận. Và 31 năm
trước, ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc tiếp tục gây hấn, giết hại dã man
64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam để chiếm đảo Gạc Ma và một số đảo tại
quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thế đấy! Họ không có lịch sử khai thác, quản
lí chủ quyền một cách hệ thống và hòa bình. Những thứ ngày nay thế giới đang thấy
là những thành quả của sự chiếm hữu bằng vũ lực mà thế giới có chung cách gọi
bằng hai từ xâm lược!
Đã bước
sang thế kỉ XXI song gần đây tư tưởng dân tộc cực đoan lại đang nhen nhóm,
trỗi dậy.
Đầu thế kỉ
trước nhân loại từng chứng kiến chủ nghĩa dân tộc cực đoan nổi lên đã biến
đổi một số quốc gia tư bản “sinh sau đẻ muộn” trở thành nhà nước phát xít.
Cùng với tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, những mâu thuẫn dân
tộc thêm sâu sắc dẫn tới việc một số nước phát xít gây chiến tranh để phân
chia lại thế giới. Trang đen tối nhất của lịch sử nhân loại có nguyên nhân từ
chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Các nước như Đức, Italia, Nhật Bản ngày nay sẽ
chẳng tự hào về cha ông mình với cuộc chiến tranh thảm khốc giữa thế kỉ XX. Mấy
chục triệu người vô tội bỏ mạng nhưng cuối cùng họ đâu có vẽ lại được bản đồ?
Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem tấm bản đồ cổ của Trung Quốc
Vào ngày
28/3/2014, nhân chuyến thăm châu Âu của lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng Đức
Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một tấm bản đồ cổ sau
tiệc chiêu đãi. Tấm bản đồ có tên China Proper (Trung Quốc đích thực), được
nhà bản đồ học người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ, dựa trên
các cuộc khảo sát địa lí do các nhà truyền giáo Dòng Tên thực hiện, một nhà
xuất bản ở Đức ấn hành năm 1735. Tấm bản đồ cho thấy lãnh thổ Trung Quốc từ
cổ đại chỉ tới Hải Nam. Hầu hết giới truyền thông khi đó cho rằng đây là một
“thông điệp” của thủ tướng Đức đối với chính sách về lãnh thổ của Trung Quốc
hiện nay.
Tôn trọng
lịch sử, tôn trọng luật pháp quốc tế trong quan hệ ngoại giao chính là tiêu
chí của nền văn minh nhân loại. Đó cũng chính là nền tảng cho một thế giới
hòa bình cho hôm nay và mai sau./.
Hoàng
Đình Khải (Đinh Hoàng)
Bài đăng Đặc
san (số cuối tháng) 12/2019, Báo Người cao tuổi
|
Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019
Cho và “xin cho”
Dư luận vô cùng bất ngờ khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn
Đức Chung nói tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm về vấn đề liên quan đến
dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor
Nhật Bản: "Đơn vị này vào thử nghiệm nhưng không hề xin phép thành phố
mà thông qua Công ty Thoát nước Hà Nội làm ngay tại sông Tô Lịch...".
Thật lạ lùng, một tổ chức nước ngoài đến thực hiện dự án thử
nghiệm làm sạch môi trường được coi chưa có phép mà ròng rã mấy tháng trời
thành phố chẳng có động thái gì, nay mới thông tin cho cử tri!
Tuy nhiên, Tổ chức xúc tiến thương mại và môi trường Nhật Bản (JEBO)
khẳng định với nhiều tờ báo rằng nội dung phát biểu của ông Chung là chưa
chính xác vì họ đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc
triển khai thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ
Nano-Bioreactor Nhật Bản (11/4/2019). Sau đó, tại trụ sở UBND thành phố Hà
Nội, đơn vị này đã tham dự cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế
Hùng chủ trì về việc xem xét việc Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty Cổ phần
Cải thiện Môi trường Nhật Việt đề nghị tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn
sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây (26/4/2019).
Văn bản của Văn phòng
UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho phía Nhật thí điểm xử lí ô nhiễm.
Những người tốt ở mãi bên nước Nhật cũng đáu đáu trăn trở nỗi
niềm về sự ô nhiễm của Hồ Tây, sông Tô Lịch, muốn góp một chút sức lực để
khắc phục tình hình nhưng xem ra không đơn giản, dễ dàng! Thật buồn khi những
người muốn mang cho ta lòng tốt lại đang phân vân, nghi ngại rằng “có lẽ lòng
tốt của chúng tôi đang đặt không đúng chỗ chăng?”.
Sông Tô Lịch trước nguy cơ trở thành dòng sông chết
Có thể các bạn Nhật đã chưa hoàn thành một khâu nào đó về thủ tục
hành chính hoặc nghĩ đơn giản mình đi làm từ thiện thì đâu đến nỗi phải cạy
cục. Thế nhưng, ở Việt Nam ta một thời gian dài vận hành theo cơ chế xin cho,
nay gắng rũ bỏ song đâu đó “văn hóa xin cho” còn đeo đẳng. Dù hô hào khẩu
hiệu cá nhân, doanh nghiệp có quyền làm mọi điều mà pháp luật không cấm, song
nếu không xin thì cũng khó, dù mang đến điều tốt. Đằng sau cái “văn hóa xin
cho” luôn phảng phất mùi “ô nhiễm” quyền lực.
Liệu các bạn Nhật có nghĩ tới một điều là, muốn cho lòng tốt cũng
vẫn cần phải qua “ải” xin cho?
Các nhân viên người Nhật Bản lắp thiết bị xử lý tại
sông Tô Lịch
Một vị trí thử nghiệm xử lí ô nhiễm Hồ Tây
Từng sống tại TP Hồ Chí Minh vài chục năm trước tôi thấy hệ thống
kênh rạch tại đây ô nhiễm nặng nề hơn Hà Nội hiện nay rất nhiều. Những kênh
Nhiêu Lộc -Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, Tham
Luông… dài mấy chục cây số mang bên mình bao xóm nước đen. Vậy mà đến nay
nhiều kênh đã được cải tạo, xử lí sạch sẽ, hai bờ đẹp tựa công viên, dưới
sông nước trong lành, cá tôm bơi lội tung tăng...
Hệ thống sông hồ tại Thủ đô tuy nhiều nhưng diện tích, chiều dài
không thể bằng TP Hồ Chí Minh, vậy mà mấy chục năm qua vẫn chưa có giải pháp
căn bản và nguồn lực đủ lớn để cải tạo, chỉnh trang cho sạch đẹp gương mặt
Thủ đô.
Khi lòng tốt muốn giúp, muốn cho còn khó thì Hồ Tây, sông Tô và
nhiều sông hồ khác của Hà Nội sẽ còn… bốc mùi!/.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 9 tháng 12 năm 2019
Phía JEBO đã có sơ suất đứng tên phản ánh về phát biểu của ông Chung nên đã xin lỗi ông Nguyễn Đức Chung. Lẽ ra việc này để cho Công ty cổ phần môi trường Nhật Việt (JVE) phát ngôn thì không sao, dù JVE dùng công nghệ của JEBO. Về bản chất sự việc này cũng chẳng thay đổi vì ông Chung nói về đơn vị đang thử nghiệm (JVE) tại sông Tô Lịch và Hồ Tây.
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)