Sao phải lo giải cứu condotel?
Vụ “vỡ trận” của
siêu dự án condotel Cocobay Đà Nẵng khiến “làng condotel” rúng
động!
Do không thể bảo đảm
lợi nhuận 12%/năm, chủ dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư
phát triển và Xây dựng Thành Đô đã đơn phương chấm dứt việc chi trả thu nhập
cam kết với nhà đầu tư thứ cấp.
Tự phá hợp đồng nhưng công ty này cũng đưa ra vài phương án giải quyết như cùng hợp tác để tiến hành chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư với chi phí dự kiến 15% giá trị căn hộ; hoặc vẫn giữ lại các condotel, tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh với các điều kiện mới, tất nhiên không thể có mức lợi nhuận 12%/năm!
Tổ hợp dự án Cocobay tại
phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng
Lo ngại vụ Cocobay
tác động dây chuyền có thể đổ vỡ thị trường, một số ý kiến đề xuất các cơ
quan chức năng nghiên cứu hướng giải quyết nhằm hỗ trợ một mô hình kinh doanh
mới và đang được các bộ nghiên cứu. Ý kiến từng được đề xuất, vận động năm
trước là sửa luật để cấp quyền sở hữu condotel như căn chung cư. Thậm chí họ
cho rằng việc kinh doanh không được như kì vọng của condotel một phần do chưa
có quy định pháp lí rõ ràng!
Thật lạ, tính pháp lí (cụ thể là quyền sở hữu căn hộ condotel) thì có ảnh hưởng gì tới hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn? Kinh doanh hiệu quả hay không là do việc quản lí, vận hành thu hút khách sử dụng dịch vụ, việc sở hữu căn hộ thế nào thì có liên quan gì? Được biết, đất đai được các chủ dự án xây dựng condotel đều trong quy hoạch cho dịch vụ, thương mại, du lịch. Căn hộ chung cư phải nằm trong quy hoạch đất ở nên dự án được đầu tư, vận hành có các nghĩa vụ, điều kiện khác so với đất thương mại, dịch vụ. Nếu chấp nhận cho chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư thì sẽ phải sửa nhiều luật liên quan đồng thời chắc chắn nó phá vỡ hoàn toàn các quy hoạch sử dụng đất.
Công ty Thành Đô nói
ở trên thậm chí đã đưa ra một phương án giải quyết rất chủ quan là hứa hẹn chuyển đổi các
condotel thành căn hộ chung cư trong khi luật pháp chưa có quy
định cho phép làm như vậy!
Một bất cập trong kinh doanh mô hình condotel, đó là chủ dự án phải vận hành ở hai lĩnh vực: Giai đoạn đầu là xây dựng căn hộ để bán (“vai” của doanh nghiệp bất động sản); giai đoạn hai lại là kinh doanh dịch vụ khách sạn lưu trú. Giai đoạn đầu có thể mang lại lợi nhuận nhanh chóng cho chủ dự án khi bán hết căn hộ. Giai đoạn hai chủ dự án phải kinh doanh dịch vụ khách sạn nhằm mang lại lợi nhuận để trả cho nhà đầu tư thứ cấp theo thỏa thuận (thường là khá hấp dẫn). Người xưa đã dạy, “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”. Nhiều doanh nghiệp đa ngành những năm trước từng thất bại thảm hại, nay như đang được doanh nghiệp kinh doanh condotel diễn lại! Việc kinh doanh hiệu quả hay khó khăn, thậm chí thất bại là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường. Luật pháp chỉ nhằm tạo hành lang bình đẳng, an toàn để doanh nghiệp kinh doanh mang lại lợi nhuận chứ không thể chạy theo để giúp cho một hoặc một nhóm doanh nghiệp dễ dàng mang lại lợi nhuận riêng. Có thể một số người (thậm chí cả một vài ngân hàng) đang lo mô hình condotel sụp đổ dây chuyền. Tuy nhiên, hãy để thị trường và thực tiễn thanh lọc. Như vậy mới có những doanh nghiệp trưởng thành, lớn mạnh từ cạnh tranh lành mạnh./.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 3 tháng 12 năm 2019
|
Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét