Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

Không thể như loài ếch

Vị giáo sư nọ cho một con ếch vào chiếc bình thủy tinh chứa nước rồi đặt đun bằng ngọn đèn cồn.
Giữa trời đông tháng giá, thấy vậy ếch ta cười khẩy: “Hắn định luộc ta chắc? Nực cười! Ta đang cần sưởi ấm đây”!


Ngày này qua ngày khác, nước trong bình ấm lên như thỏa nỗi mong ước của con ếch. Ếch ta cảm nhận nhiệt độ nước ấm lên và cơ thể thích ứng cùng quá trình gia nhiệt. Rồi ếch thấy hiện tượng kì lạ: Hơi bốc lên, những bọt nước lăn tăn. Thực ra ếch ta không thể nhìn thấy nhiệt độ gần nửa bình nước đã đạt độ sôi và dần truyền lên bề mặt. Đến khi thấy không còn chịu được nữa, ếch ta lấy đà nhảy lên nhưng bất lực. Nhiệt độ tiếp tục tăng lên theo tiến trình không thể đảo ngược…
Câu chuyện giả dụ trên cũng tựa tình trạng con người trên hành tinh trước thảm họa trái đất nóng lên.
Quá trình biến đổi khiến nhiệt độ trái đất đã diễn ra hàng trăm năm qua, có thể khởi nguồn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, khi cỗ máy hơi nước đầu tiên ra đời. Đến nay đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư song con người vẫn phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng hóa thạch. Cùng với bùng nổ dân số, tốc độ khai thác, sử dụng nguồn năng lượng không tái tạo có thể đã đến đỉnh điểm trong lịch sử nhân loại.

 Ô nhiễm bụi mịn 2.5 đã đến mức nguy hại tại Hà Nội 

Ô nhiễm môi trường không chỉ đơn thuần phát thải CO2, hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ trái đất nóng lên. Sự tương tác các hình thái ô nhiễm đã và đang tàn phá nguồn sống lớn nhất của con người, đó là đại dương.
Trước thềm Hội nghị COP 25, Tổng thư kí Liên Hợp Quốc cảnh báo loài người đối mặt một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, đang tiến gần tới “điểm không thể cứu vãn”. Kết thúc hội nghị này, ông cho rằng lãnh đạo các quốc gia đã bỏ lỡ cơ hội! 
Trước tình trạng thảm họa khí hậu ngày một gia tăng về tần suất, lãnh đạo các quốc gia bắt đầu nhận thức được phần nào nguy cơ tiềm tàng đang đến gần, nhưng vừa rồi chỉ đạt được kết quả khiêm tốn tại Tây Ban Nha. Cỗ máy tăng trưởng đang có sức mạnh quán tính quá lớn, khó có thể hãm nhanh bởi nó sẽ gây ra sự đổ vỡ của các nền kinh tế. Vấn đề có thể đảo ngược nếu tất cả các quốc gia đồng lòng “rà phanh” tốc độ phát thải, tìm nguồn năng lượng thay thế than đá, dầu mỏ.
Xu hướng phát triển xe điện, ô tô điện và cả máy bay điện là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nếu những chiếc bình ắc quy, công cụ trữ điện vẫn được nạp từ nguồn năng lượng sản xuất bằng xăng dầu, than đá thì việc làm này không có ý nghĩa.


Băng ở Bắc cực đang tan nhanh khiến nước biển dâng cao

Con người đang sở hữu một nguồn năng lượng vĩnh cửu đó là gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều và cả những tia vũ trụ… Tài nguyên này phải được phát triển chiếm tỉ lệ áp đảo, tiến tới thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Con người không thể như loài ếch vì có tri thức tạo nên công nghệ để “vặn nhỏ và tắt đi ngọn đèn cồn”.
Hi vọng một tương lai không xa, những mẫu than đá, dầu mỏ chỉ còn thấy trưng bày trong nhà bảo tàng. Khi các em học sinh đến tham quan sẽ được nghe thuyết minh rằng: “Đến tận đầu thế kỉ XXI cha ông chúng ta vẫn còn sử dụng những thứ độc hại, nguy hiểm này để tạo ra năng lượng cho cuộc sống!”./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 19 tháng 12 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét