Chờ… thảm họa?
Có chuyên gia từng cảnh báo, nếu động đất
trên 5 độ rich te, hầu hết chung cư cũ của Hà Nội sẽ sập đổ! Khi đó một thảm
họa tầm cỡ lớn sẽ diễn ra.
Hiện nay có thể Hà Nội là thành phố đang sở
hữu nhiều chung cư cũ nhất cả nước. Trong gần 30 chung cư cũ có nhiều căn
được xây dựng từ những năm 1960 cho đến 1985 đã quá cũ nát như tại các khu
tập thể Thành Công, Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thanh Xuân...
Cùng với sự xuống cấp của kết cấu xây
dựng, các căn chung cư như “cụ già” đang phải gánh trên vai sức nặng nhiều
thế hệ bằng những chiếc “chuồng cọp”.
Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là yêu
cầu cấp bách song nhiều năm qua Hà Nội và một số thành phố vẫn đang lúng
túng, chưa tìm ra giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được nhu cầu của cả cư dân và
nhà đầu tư.
Chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng.
Lợi nhuận không hấp dẫn nhà đầu tư; người
dân khó khăn, không đủ nguồn lực để đóng góp vốn cho dự án và quyền lợi cũng
khác nhau; thành phố không đủ nguồn lực tài chính hỗ trợ cư dân… là những trở
lực khiến cho tiến trình thực hiện chủ trương cải tạo, xây dựng chung cư cũ
hàng thập kỉ vẫn dẫm chân tại chỗ.
Một nguyên nhân quan trọng khiến nhà đầu
tư không mặn mà tham gia dự án chung cư cũ là lợi nhuận. Muốn có lợi nhuận
thì chung cư cần xây vượt nhiều tầng so với căn cũ, số tầng tăng thêm đó làm
căn hộ thương mại. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lại cho rằng làm như vậy
sẽ phá vỡ quy hoạch dân cư, gây áp lực lên hạ tầng xã hội, giao thông…
Liệu cái lí do phá vỡ quy hoạch đất ở và
dân số có thực sự là chính yếu?
Không ít người cho rằng “lí do chỉ là… lí
do”!
Dù mật độ cư dân các quận nội thành cũ đã quá tải từ lâu nhưng nay rất nhiều dự án nhà chung cư thương mại cao 20-35 tầng vẫn đang tiếp tục mọc lên. Sát khu tập thể Thành Công có mấy tòa chung cư cao cấp đang mở bán rầm rộ. Cách Lăng Bác chỉ 500m, tại đường Thụy Khuê hai tòa chung cư hạng sang của Sun Group mọc lên chót vót 21 tầng trên mảnh đất của Công ty xe điện Hà Nội, được mở bán từ năm trước, dân cư đã sắp “lấp đầy”. Mảnh đất lẽ ra là bãi xe Ngọc Khánh (Ba Đình), sát tòa nhà Lotte cũng đang mọc lên 3 tòa nhà chung cư thương mại ngót 30 tầng. Khu này cũng chỉ cách chung cư cũ Thành Công chừng 1km… Mỗi tòa chung cư này dân số đã có thể tới hàng nghìn. Điểm qua như thế để xem cơ quan quản lí có thực sự quan tâm tới quy hoạch dân cư, quy hoạch sử dụng đất hay chưa mà thôi.
Tại sao không tính đến phương án chuyển
3-4 tòa chung cư cũ thành một tòa nhà mới có chiều cao gấp 3-4 lần. Sao không
đấu giá quỹ đất (nơi trụ sở, công ty di dời khỏi nội thành) để tạo nguồn ngân
sách hỗ trợ người dân, nhà đầu tư…?
Có thể thấy nhan nhản quảng cáo bán căn
hộ chung cư thương mại mà chủ sở hữu nói rằng mình bán “suất ngoại giao” giá
phải chăng. Trong các tòa chung cư thương mại thường có những “suất ngoại
giao”, vậy nó là của ai?
Có lẽ những chung cư cũ khi cải tạo cũng
cần có “suất ngoại giao” để tiến độ được đẩy nhanh và người dân thoát cảnh
sống “chờ thảm họa”./.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 24 tháng 12 năm 2019
|
Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét