Thưởng hiện vật, ai vui,
ai buồn?
Từ khi con
người phát minh ra đồng tiền thay thế hình thức vật đổi vật, vật đổi hàng hay
hàng đổi hàng, đồng tiền đã trở nên phổ biến trong các quan hệ, giao dịch giá
trị.
Đồng tiền
đã và đang được hầu hết các quốc gia sử dụng trả lương, thưởng cho người lao
động (NLĐ) dù nó có thể được biểu hiện bằng các hình thức mới (như tiền kĩ
thuật số).
Theo Điều
103 Bộ luật Lao động năm 2012 thì tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng
lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và
mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
Tuy nhiên,
trong Bộ Luật lao động mới thông qua năm 2019, Điều 104 quy định về “thưởng”
thay vì chữ “tiền thưởng” có ý nghĩa như một “bước ngoặt”. Cụ thể, thưởng là
số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động
thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành
công việc trong năm.
Không biết
có quốc gia nào trên thế giới luật pháp quy định doanh nghiệp (DN) được trả
thưởng hằng năm bằng hiện vật (tài sản và các hình thức khác)? Và hình thức
mới này có gì văn minh, tiện lợi hơn đồng tiền? Sự “mở” của luật pháp đã cho
phép DN vận dụng rất nhiều hình thức thưởng có lợi cho mình nhưng bất lợi cho
NLĐ. Thưởng bằng tài sản bằng xe, nhà, vàng bạc… đã có nhưng chỉ là hi hữu.
Việc thưởng bằng hiện vật “của nhà làm ra” từng gây nên chuyển “dở khóc dở
cười”. Có người từng nêu giả thuyết nếu một công ty sản xuất phân bón do hàng
hóa tồn kho, ế ẩm cuối năm đành trả thưởng bằng hiện vật phân bón thì NLĐ sẽ sử
dụng phần thưởng ấy thế nào, nhất là dịp năm hết tết đến?
Có câu “một
trăm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. NLĐ được nhận đồng tiền
thưởng không chỉ vui vì giá trị phần thưởng mà còn coi đó như một sự ghi nhận
của chủ sử dụng lao động với công lao, đóng góp của mình cho DN. Luật pháp
không bắt buộc DN phải thưởng cuối năm mà đây như sự tri ân của DN, động viên
NLĐ tiếp tục nỗ lực đồng hành để DN phát triển. Doanh nghiệp làm tốt điều này
sẽ phát huy được năng lực, trí tuệ và nỗ lực của NLĐ, đó là nền tảng tạo nên
lợi nhuận cho DN đồng thời tiếp tục thu hút lực lượng lao động có chất lượng
cao.
Tuy nhiên
không phải DN nào cũng nhận thức được vấn đề này. Có không ít DN chỉ coi
thưởng cuối năm như một nghĩa vụ phải làm, lo lợi nhuận giảm sút vì chi phí
khen thưởng. Có DN làm ăn khấm khá nhưng không muốn tăng trần mức lương chung
mà “gom lại”, cuối năm dùng nguồn đó trích thưởng để lấy tiếng. Với những DN
dạng này thì điều luật mới đã thực sự giúp họ dễ dàng có những cách thưởng
“đối phó” với NLĐ. Và chuyện thưởng tết bằng phân bón, giấy vệ sinh… là hoàn
toàn có thể!
Ảnh minh họa
Đến năm
2021 Điều 104 của Bộ Luật lao động 2019 mới có hiệu lực song nó đã nhận được
những ý kiến trái chiều và sự lo ngại của NLĐ. Ai vui, ai buồn khi thưởng
bằng hiện vật xem ra đã rõ, dù pháp luật chưa đi vào cuộc sống!/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 31 tháng 12 năm 2019 |
Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét