Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

 Cho và “xin cho”

Dư luận vô cùng bất ngờ khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm về vấn đề liên quan đến dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản: "Đơn vị này vào thử nghiệm nhưng không hề xin phép thành phố mà thông qua Công ty Thoát nước Hà Nội làm ngay tại sông Tô Lịch...".
Thật lạ lùng, một tổ chức nước ngoài đến thực hiện dự án thử nghiệm làm sạch môi trường được coi chưa có phép mà ròng rã mấy tháng trời thành phố chẳng có động thái gì, nay mới thông tin cho cử tri!
Tuy nhiên, Tổ chức xúc tiến thương mại và môi trường Nhật Bản (JEBO) khẳng định với nhiều tờ báo rằng nội dung phát biểu của ông Chung là chưa chính xác vì họ đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc triển khai thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản (11/4/2019). Sau đó, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, đơn vị này đã tham dự cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng chủ trì về việc xem xét việc Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt đề nghị tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây (26/4/2019).

Văn bản của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đồng ý cho phía Nhật thí điểm xử lí ô nhiễm.
Những người tốt ở mãi bên nước Nhật cũng đáu đáu trăn trở nỗi niềm về sự ô nhiễm của Hồ Tây, sông Tô Lịch, muốn góp một chút sức lực để khắc phục tình hình nhưng xem ra không đơn giản, dễ dàng! Thật buồn khi những người muốn mang cho ta lòng tốt lại đang phân vân, nghi ngại rằng “có lẽ lòng tốt của chúng tôi đang đặt không đúng chỗ chăng?”. 


Sông Tô Lịch trước nguy cơ trở thành dòng sông chết

Có thể các bạn Nhật đã chưa hoàn thành một khâu nào đó về thủ tục hành chính hoặc nghĩ đơn giản mình đi làm từ thiện thì đâu đến nỗi phải cạy cục. Thế nhưng, ở Việt Nam ta một thời gian dài vận hành theo cơ chế xin cho, nay gắng rũ bỏ song đâu đó “văn hóa xin cho” còn đeo đẳng. Dù hô hào khẩu hiệu cá nhân, doanh nghiệp có quyền làm mọi điều mà pháp luật không cấm, song nếu không xin thì cũng khó, dù mang đến điều tốt. Đằng sau cái “văn hóa xin cho” luôn phảng phất mùi “ô nhiễm” quyền lực.
Liệu các bạn Nhật có nghĩ tới một điều là, muốn cho lòng tốt cũng vẫn cần phải qua “ải” xin cho?


Các nhân viên người Nhật Bản lắp thiết bị xử lý tại sông Tô Lịch

Một vị trí thử nghiệm xử lí ô nhiễm Hồ Tây


Từng sống tại TP Hồ Chí Minh vài chục năm trước tôi thấy hệ thống kênh rạch tại đây ô nhiễm nặng nề hơn Hà Nội hiện nay rất nhiều. Những kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, Tham Luông… dài mấy chục cây số mang bên mình bao xóm nước đen. Vậy mà đến nay nhiều kênh đã được cải tạo, xử lí sạch sẽ, hai bờ đẹp tựa công viên, dưới sông nước trong lành, cá tôm bơi lội tung tăng...   
Hệ thống sông hồ tại Thủ đô tuy nhiều nhưng diện tích, chiều dài không thể bằng TP Hồ Chí Minh, vậy mà mấy chục năm qua vẫn chưa có giải pháp căn bản và nguồn lực đủ lớn để cải tạo, chỉnh trang cho sạch đẹp gương mặt Thủ đô.
Khi lòng tốt muốn giúp, muốn cho còn khó thì Hồ Tây, sông Tô và nhiều sông hồ khác của Hà Nội sẽ còn… bốc mùi!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 9 tháng 12 năm 2019

Phía JEBO đã có sơ suất đứng tên phản ánh về phát biểu của ông Chung nên đã xin lỗi ông Nguyễn Đức Chung. Lẽ ra việc này để cho Công ty cổ phần môi trường Nhật Việt (JVE) phát ngôn thì không sao, dù JVE dùng công nghệ của JEBO. Về bản chất sự việc này cũng chẳng thay đổi vì ông Chung nói về đơn vị đang thử nghiệm (JVE) tại sông Tô Lịch và Hồ Tây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét