Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

Những “con đường dài” ngành giao thông


Ngành giao thông đang có những “con đường dài” cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng.
Đó là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã “dài thêm” sang năm 2020; là tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân “đắp chiếu” đã 15 năm chưa rõ ngày “mở chiếu”; là “đường dài” một văn bản pháp quy mang tên sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô với hơn chục lần sửa đổi vẫn đang nằm trên bàn nghị sự, chưa rõ ngày “lưu thông”.


Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến khai thác thương mại trong năm 2019 nhưng lại lỡ hẹn.
Tuyến đường sắt trên cao giữa Thủ đô như đã “thách thức” dư luận quá đủ đến mức khi có những thông tin mới cũng chẳng mấy người quan tâm. Gần đây nhất, sau khi chạy thử đoàn tàu được 5 ngày, Ban quản lí dự án đường sắt Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phải yêu cầu tạm dừng do tổng thầu chưa đáp ứng được các điều kiện cần thiết. Và khi tuyến đường này được vận hành, chuyện kinh doanh đủ chi phí, nuôi được bộ máy, có lãi để trả nợ vay sẽ là câu chuyện dài mà dư luận còn bàn tới.
Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được khởi công từ năm 2004. Với chừng 4.000 tỉ đồng chi phí đầu tư, hình hài con đường đã “thấp thoáng”. Thật không may, đầu năm 2011 thực hiện nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, dự án phải tạm dừng. Vừa qua, trả lời cử tri, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Bộ đã triển khai rà soát, đánh giá tổng thể cho thấy dự án sẽ không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã được đầu tư và tiếp tục có những thiệt hại nhất định…”. Được biết, dự án này cần tới 6.000 tỉ nữa trong khi chưa thể bố trí được nguồn vốn, Bộ GTVT đề xuất xã hội hóa những hạng mục còn lại! Liệu có ai dám mạo hiểm đầu tư một dự án “sẽ không phát huy được hiệu quả”?


Đường sắt Yên Viên - Cái Lân đã đắp chiếu 15 năm vẫn chưa thể triển khai tiếp

Nhớ chuyện gần đây Bộ này đề xuất xây dựng tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với tổng vốn khoảng 100 nghìn tỉ mà “lạnh sống lưng”! Nếu được triển khai liệu nó có chiều dài thời gian bằng dự án đang đắp chiếu 15 năm? Có vẻ mỗi khi đề xuất một dự án lớn người ta không cần tính toán khả năng đáp ứng nguồn vốn, hiệu quả kinh tế mà đó là chuyện của… “kì sau”!
Cách đây hơn 3 năm, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Bộ GTVT soạn thảo bản sửa đổi nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo luận lợi cho doanh nghiệp. Đến nay đã là lần soạn thảo thứ 12 nhưng văn bản vẫn chưa được ban hành. Nổi cộm là vấn đề định danh, quản lí các hình thức kinh doanh vận tải mới trên nền tảng công nghệ. Doanh nghiệp vào thử nghiệm mấy năm, kiếm “bộn tiền” rồi “bán cái” rút đi mà văn bản pháp luật quản lí vẫn đang… soạn thảo. “Chặng đường” từ bàn giấy ra cuộc sống của một văn bản xem ra chẳng kém những dự án “đắp chiếu”!
Không biết “tác giả” bản quyền của những “tác phẩm đường dài” trên là ai? Liệu họ có được xử lí trách nhiệm vì những thiệt hại đã gây ra? Đây là những vấn đề dư luận quan tâm mong có câu trả lời thỏa đáng./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 02 tháng 01 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét