Thứ Ba, 7 tháng 1, 2020

Nghỉ hưu sống bằng đồng tiền năm nào?

Hỏi như thế có người sẽ nghĩ chỉ là đùa vui vì ai chẳng biết hưu hay chưa đều sống bằng đồng tiền thời hiện tại với mức lương cao nhất 75% của khi đang làm việc. Nghỉ hưu sớm thì mức lương thấp do số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ít.
Cách tính lương hưu những năm qua lấy bình quân 60 tháng (5 năm) cuối cùng trước khi nghỉ rồi nhân tỉ lệ, cao nhất là 75%. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi cách tích lương hưu sẽ có thay đổi theo lộ trình, mức lương là tỉ lệ % của bình quân thu nhập của số tháng đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, lấy bình quân 5 năm, 18 năm hay cả quá trình… đều có sự bất cập nếu không xử lí linh hoạt giữa đồng tiền và đồng lương!  
Lương hưu thực chất là đồng tiền người đóng BHXH tích cóp được trong quá trình làm việc. Lấy bình quân của cả quá trình đó để hưởng, về nguyên tắc là chính xác. Một người thợ khi lương bậc 1 đóng BHXH số tiền khác với khi họ đã lên bậc 7. Lương hưu không thể lấy bình quân của bậc 7 cho toàn bộ thời gian đóng BHXH nếu 5 năm cuối ở bậc này.  
Còn nhớ cách đây hơn 30 năm, cuối những năm 80 thế kỉ trước, lúc ấy lương tối thiểu 220 đồng, lương thợ bậc 7 có hệ số cao nhất là 1,45 nên tờ 500 đồng (mệnh giá rất lớn khi ấy) cao hơn cả tháng lương. Nay thì tờ 500 đồng đã biến mất khỏi các cuộc giao dịch mua bán hằng ngày, có chăng chỉ thấy người ta dùng cúng viếng thần linh thay tiền âm phủ.  


Tờ 500 đồng có mệnh giá lớn năm 1989 đã biến mất khỏi các cuộc giao dịch mua bán hiện nay

Giá trị đồng tiền trong nền kinh tế luôn biến động theo chiều hướng giảm dần. Nếu lạm phát 10% trong 10 năm thì giá trị đồng tiền chỉ còn ½. Nước ta từng có thời kì lạm phát 3 con số. Do vậy, chính sách tiền lương cũng luôn được điều chỉnh tăng lên để bảo đảm an sinh xã hội.  
Cùng xóm phố nơi tôi sống có gia đình hai vợ chồng là nhân viên, công nhân nghỉ hưu, lương cả hai cộng vào mỗi tháng cũng chỉ chừng hơn 5 triệu đồng nên chi tiêu khá chật vật, nhất là vào các mùa nhiều đám xá, hiếu hỉ…
Không tính số cán bộ, công chức cao cấp trở lên hay sĩ quan quân đội, công an có mức lương hưu tương đối cao, còn đa số công nhân, nhân viên, viên chức bình thường có mức lương khá “khiêm tốn”, nếu sống tại đô thị thì việc chi tiêu phải rất tằn tiện. Phải chăng do quỹ BHXH có nguy cơ thiếu hụt nên người ta tính đến giải pháp hạ bớt mức lương hưu?
Trở lại câu chuyện đồng tiền hơn ba chục năm trước, với mức lương mấy trăm đồng, nếu đóng BHXH 21,5% (chỉ khoảng năm, sáu mươi đồng) nhưng mỗi năm cũng là “để dành” chừng 2,5 tháng lương cho tương lai. Vậy 2,5 tháng lương (mấy trăm đồng) năm ấy nay ra chợ có mua được mớ rau? Cách tính bình quân đơn thuần số tháng của toàn bộ quá trình đóng BHXH chẳng khác nào “triệt tiêu” giá trị đồng tiền người lao động đã tích cóp trong quá khứ.


Người nghỉ hưu sống bằng đồng tiền hiện tại chứ không phải của 30 năm trước

Trong lịch sử, do sự biến động của tiền giấy, có giai đoạn người ta sử dụng định chế đồng tiền bản vị vàng, tức là lấy vàng làm thước đo giá trị. Nay không còn nước nào sử dụng định chế này nhưng do đồng tiền biến động, khi vận dụng chính sách họ có tính đến giá trị tương đương. Ví như tính bình quân lương người thợ từ bậc 1 đến bậc 7 khi nghỉ hưu phải lấy mức lương bậc 1, bậc 2… của người thợ hiện tại chứ không thể lấy mức lương bậc 1, 2 của 18, 20 hay 30 năm trước.
Nhà nước ta đang chủ trương khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện khi không làm việc trong tổ chức, doanh nghiệp. Nếu biết rằng đưa số tiền mấy tháng lương mỗi năm cho BHXH giữ hộ y hệt đút vào hũ chôn xuống đất, mấy chục năm sau đào lên nó còn giá trị tựa vài tờ tiền âm phủ thì ai dám tham gia?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 7 tháng 01 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét