Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

 Tham mưu

Trong kì họp lần thứ 8 Quốc hội khóa XIV, một vấn đề nóng được tranh luận tại diễn đàn nghị trường là cho phép hay cấm mô hình doanh nghiệp đòi nợ. Hai luồng ý kiến vẫn chưa ngã ngũ vì không có bên nào đưa ra được những lí lẽ thuyết phục.
Bên đề xuất cho phép thì nói rằng nhu cầu đòi nợ là có thực và quốc tế (không rõ nước nào) cũng đã làm. Bên muốn cấm lại cho rằng mô hình này đang bị xã hội đen lợi dụng, sử dụng các hình thức khủng bố, bạo lực gây bất an trật tự xã hội... Tuy nhiên, cả hai luồng ý kiến đều chưa đưa ra được con số thực tiễn chứng minh. Nếu nói cần, vậy những năm qua hiệu quả hoạt động (đúng pháp luật) của loại hình doanh nghiệp này như thế nào? Không có một con số cụ thể được đưa ra để khẳng định cần duy trì doanh nghiệp đòi nợ. Bên đề xuất cấm cũng chỉ nêu chung chung, dù thực tiễn có nhiều vụ khủng bố tinh thần, dùng bạo lực đòi nợ trái pháp luật. Xem ra cơ quan tham mưu vẫn chưa có tổng kết, đánh giá về mô hình doanh nghiệp đòi nợ. Và như vậy có thể nói, các ý kiến vẫn chỉ dừng ở mức… cảm tính.


Hình ảnh minh họa.

Các bộ sách giáo khoa lớp 1 vừa được thẩm định xong, một số đang được đưa vào phục vụ năm học 2020-2021 nhưng đến nay vẫn còn các ý kiến trái chiều về cả sách được phê duyệt lẫn sách bị loại. Ý kiến bảo vệ cho các bộ sách được thông qua, sách bị loại đều không đưa ra được căn cứ, minh chứng thực sự thuyết phục. Từ khi công bố kết quả thẩm định và nay chuẩn bị đưa bộ sách lớp 1 mới vào lựa chọn để giảng dạy vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều và băn khoăn của đội ngũ giáo viên…
Cơ quan tham mưu xây dựng luật pháp, chính sách khi làm tốt trách nhiệm, có những đề xuất trúng sẽ giúp Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành ban hành được những chính sách, luật pháp bắt kịp, nhắm trúng yêu cầu cuộc sống và sẽ được thực tiễn thừa nhận. Trong hai trường hợp trên, các bộ phận tham mưu có thể coi là chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 2017 Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ Tư vấn kinh tế để tư vấn về các vấn đề phát triển kinh tế gồm 16 thành viên. Với những chuyên gia kinh tế giỏi, có thể coi đây như một “bộ tham mưu” đắc lực của Thủ tướng trong lãnh đạo, điều hành nền kinh tế đất nước. Hai năm qua cũng là thời gian nền kinh tế nước ta tăng trưởng ấn tượng, vươn lên dẫn đầu khu vực và thế giới về tốc độ dù tình hình rất nhiều khó khăn, thách thức. Có nhiều nguyên nhân thành tựu trên nhưng không thể không kể đến sự góp sức đắc lực của đội ngũ tham mưu này.
Từ cấp Bộ, ngành cho đến cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội, chỉ khi nào tập trung được lực lượng tham mưu có bản lĩnh, trí tuệ, công tâm thì mọi vấn đề khó khăn, bức xúc của cuộc sống mới có những chính sách, pháp luật phù hợp để hóa giải, đưa đất nước phát triển./. 
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 31 tháng 01 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét