Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

Ngư dân thời 4.0

Tôi còn nhớ câu chuyện không vui của một anh bạn làm lái xe cho thủ trưởng.
Dịp ấy do đưa thủ trưởng đi công tác gần quê, trên đường về anh đã mời thủ trưởng ghé thăm “để biết nhà biết cửa cửa”. Vốn quý anh lái xe thật thà, cần mẫn nên vị thủ trưởng vui lòng ghé thăm và dùng bữa cơm cùng vợ con anh.
Cảnh quê thời bao cấp nghèo khó, chẳng sẵn mọi thứ như bây giờ nên có khách quý đến chơi, vợ anh lái xe khá lúng túng khi sửa soạn mâm cơm khách. Thật may thấy anh hàng xóm đi ngang cổng ôm một con gà mái tơ, vợ anh đã nài nỉ mua và được anh ta để lại. Vậy là vợ chồng đã có được bữa cơm không quá đạm bạc để thết đãi thủ trưởng.
Khi chủ khách đang ăn cơm bỗng thấy một bà (cũng là hàng xóm) dáo dác tìm con gà mái chưa thấy về chuồng. Vừa lùng tìm bà vừa oang oang: “Giờ này mà gà chưa về thì chắc là bị đứa nào bắt trộm thịt mất rồi”!
Đang ngồi ăn cơm vui vẻ nghe thấy mấy câu nói của bà hàng xóm khiến cả chủ và khách chững lại, sượng sùng. Bữa ăn nhanh chóng kết thúc trong sự lặng im của mọi người…
Tiêu thụ hàng không rõ nguồn gốc nay đã được liệt vào hành vi phạm tội. Tuy nhiên, nhiều khi người tiêu dùng quên đi việc đó, chẳng hạn như mua hải sản của những ngư dân đánh bắt bất hợp pháp tại các vùng biển của nước khác cũng giống tiêu thụ hàng ăn trộm. Có lẽ châu Âu họ văn minh hơn ta nên thường xử rất nặng với hàng hóa không rõ nguồn gốc, gian lận hoặc hàng hóa sản xuất hủy hoại môi trường, bóc lột sức lao động trẻ em v.v.
Xưa nay ngư dân của ta và một số nước trong khu vực khá coi nhẹ hành vi đánh bắt cá tại vùng biển nước khác. Cơ quan quản lí cũng chưa có giải pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng này. Chỉ tới khi châu Âu ra quyết định áp thẻ vàng với hải sản xuất khẩu của Việt Nam thì cả ngư dân và cơ quan quản lí mới như giật mình, bừng tỉnh. Sau đợt kiểm tra của Đoàn kiểm tra EC vừa qua, một lãnh đạo Tổng Cục thủy sản đã khuyến nghị rằng chừng nào còn một tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm thì EC sẽ không rút thẻ vàng.


Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Quảng Nam  

Châu Âu là một trong 3 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khi bị cảnh báo thẻ vàng, sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị kiểm tra toàn bộ lô hàng. Trường hợp bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ, tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của ta sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Khi đó thực sự là “tai họa” lớn giáng xuống ngư dân và thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp!
Thế giới đã bước sang thời công nghệ 4.0, mọi hoạt động dù trên biển khơi bao la nhưng hành vi vi phạm chủ quyền kinh tế nước khác rất khó che giấu. Tuy nhiên, công nghệ cũng là công cụ để cơ quan quản lí và cả ngư dân biết rằng chúng ta có vi phạm luật pháp quốc tế hay không. Ngư dân cũng cần nhận thức được việc làm này là nhằm bảo vệ “miếng cơm manh sáo” của chính mình./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét