Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019

“Méo” quản lí

Nhà “siêu méo” xuất hiện tại Thủ đô và một số đô thị bắt đầu từ khi mở rộng hoặc mở mới những tuyến đường, phố cách đây hàng chục năm trước.

Một ngôi nhà "siêu mẫu - siêu mỏng" ở phố Đào Tấn, Hà Nội

Phải chăng do tư duy triệt để tiết kiệm nên khi mở mới, mở rộng đường, phố người ta chỉ đo tính và bồi thường cho những diện tích thu hồi đủ thiết kế xây dựng công trình? Diện tích đất còn lại của người dân to nhỏ tròn méo thế nào hình như không thuộc phạm vi quan tâm và trách nhiệm. Khi mà tấc đất là “tấc vàng” thì chẳng ai nỡ bỏ đi những mét đất quý giá đó, cho dù diện tích chỉ còn mấy thước vuông. Hệ quả là những ngôi nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” xuất hiện như tô vẽ nét nguệch ngoạc, xấu xí gương mặt đô thị.

Một ngôi nhà kì dị ở TP HCM.

Những bất cập, tồn tại trong quản lí quy hoạch xây dựng và hệ quả mĩ quan đô thị gánh chịu thì ai cũng có thể thấy nguyên do. Thế nhưng sau những phát ngôn thể hiện sự quyết tâm khắc phục tình trạng này lắng đi thì mọi chuyện đâu lại hoàn đó. Ví như tại Hà Nội, đầu năm 2017 lãnh đạo thành phố đã thể hiện quyết tâm, chỉ đạo các quận huyện quyết liệt vào cuộc xử lí hơn 200 ngôi nhà méo mó, kì dị. Nhưng đến nay, đầu 2019 chưa thấy thống kê kết quả ra sao trong khi nhiều đường phố vẫn tiếp tục mọc lên những căn nhà siêu méo mới. Nhiều địa phương khác cũng vậy, bằng cách này hay cách khác, đúng luật và chưa đúng luật, nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn nối đuôi nhau mọc lên như thách thức nhà quản lí.

Ngã tư Trần Cung - Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, đường vừa mở rộng là thêm nhà "siêu méo".

Từ những năm trước, đã có một số đoàn của cơ quan chức năng sang châu Âu, Trung Quốc học tập kinh nghiệm về thiết kế kiến trúc, xây dựng, quản lí đô thị. Họ đã biết cách làm bên nước bạn rất đáng học tập, đó là khi mở rộng một tuyến đường phố người ta thu hồi diện tích dân cư rất rộng nhưng không bao giờ để từng nhà dân bám sát mặt đường. Đất sát đường chỉ đấu giá để xây dựng các công trình lớn với chức năng công cộng như trung tâm thương mại, văn phòng… Một phần diện tích tiếp sau dùng xây dựng chung cư cao tầng để tái định cư tại chỗ cho người người bị thu hồi đất. Cách làm đó hạn chế được sự lộn xộn trong xây dựng, chỉnh trang đô thị đẹp và hiện đại. Thế nhưng từ học đến hành xem ra còn khoảng cách quá xa.

Đường Trường Chinh (Hà Nội) do có "đường cong mềm mại" nên đã hình thành nút cổ chai.
Con phố Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh khi hoàn thành được xem là một trong những tuyến đường đẹp nhất Hà Nội. Thế nhưng đoạn đầu Liễu Giai hè đang rộng rãi bỗng nhô ra một góc khuôn viên ngôi nhà sát mặt đường. Nghe nói đó là nhà của một cán bộ cấp cao, do không thỏa thuận được về đền bù nên đành chấp nhận hiện trạng. Phải mấy năm sau sự chướng mắt đó mới được khắc phục. Rồi có tuyến phố khi mở rộng, tốn kém không ít tiền bồi thường nhưng nhà thiết kế lại không thích con đường đi thẳng, tạo nên nét uốn lượn với “đường cong mềm mại”…
Có lẽ lực cản lợi ích quá lớn cùng sự quản lí quy hoạch nửa vời nên những ngôi nhà siêu méo đã và sẽ tồn tại. Biết đâu rồi đây nhà “siêu méo” lại trở thành sản phẩm kiến trúc riêng có của đô thị Việt Nam thu hút khách du lịch nước ngoài?
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 24 tháng 01 năm 2019

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

 Tết ta hay tết “Tây”?

Gần đây cứ sát dịp tết đến Xuân về, chuyện xử sự thế nào với tết (dương lịch và âm lịch, còn gọi tết ta, tết “Tây”) lại được đặt ra.
Thực tế hằng năm mỗi gia đình lo cho cái Tết Nguyên đán ngày càng cầu kì và tốn kém. Nhà nọ nhìn nhà kia với tâm lí “con gà tức nhau tiếng gáy”. Lẽ đời “phú quý sinh lễ nghĩa”, khi đời sống khá giả thì cái tết ngày càng được người ta quan tâm hơn cả về vật chất và tinh thần.

Niềm vui chung các thế hệ trong ngày Tết.

Một số ý kiến cho rằng nên gộp tết âm lịch vào tết dương lịch để xã hội đỡ những tốn kém cả thời gian và của cải, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là khi ta đang tiến tới một nền công nghiệp phát triển, một xã hội hiện đại.
Có người còn dẫn chứng “nền văn hóa ngàn đời chữ nôm và ảnh hưởng nho học sâu nặng ta còn chuyển đổi được sang chữ quốc ngữ thì hà cớ gì có cái tết mà không thể cải tiến”?

Xin chữ ông đồ đầu Xuân.

Huỷ bỏ, thay đổi hay gìn giữ một truyền thống văn hoá là vấn đề lớn, khi đó là di sản cha ông chúng ta gìn giữ suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Nghìn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm binh đao lửa đạn song những giá trị văn hóa của cha ông vẫn trường tồn. Chữ quốc ngữ nay được nhìn nhận như một thành công trong chuyển đổi công cụ văn hóa của một số học giả phương Tây và trong nước. Thế nhưng, không phải nó không để lại những hệ quả về sự đứt gãy dòng chảy văn hóa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Lớp trẻ và thậm chí đa số người thế hệ hiện tại ít có điều kiện tiếp cận giá trị tư liệu văn hóa cổ trong kho tàng Hán Nôm đồ sộ. Có chăng, sự tiếp cận là qua lăng kính của người khác. Ngay những dòng chữ ít ỏi tại các đình chùa, miếu mạo khi ta tiếp cận cũng chỉ hiểu tựa “thầy mù xem voi”. Không hiểu sâu về những nét văn hóa cổ thì thật khó nói đến phát huy bản sắc đó trong hiện tại. Cũng cần biết rằng, nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn dùng chữ cổ tượng hình song đang có sự phát triển thần kì.
Về chuyện vì sao cái tết nay lại nhiêu khê và mệt mỏi (với một số người) đến như vậy. Nào là quà cáp, biếu xén để vừa lòng người này, đẹp mặt người kia, chi phí tốn kém, đi lại vất vả, rượu chè lu bù... Sao ta không thử tìm hiểu xem cha ông xưa có thế chăng? Tết của cha ông thanh tịnh, đơn sơ nhưng đầy nét văn hóa đẹp đẽ. Đó là lễ nghĩa gói gọn trong ba ngày “Mồng một Tết cha - Mồng hai Tết mẹ - Mồng ba Tết thầy”; chỉ có “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh”; trẻ em nhận chút lì xì và đến ông đồ xin chữ để hi vọng học hành, tấn tới... Tết nay cầu kì, thậm chí méo mó đâu phải lỗi của người xưa?

Nhiều trò chơi Xuân nay ít xuất hiện.

Tết cổ truyền là một di sản văn hoá, cũng như những di sản khác, việc gìn giữ đầy đủ giá trị tinh thần đặc trưng, gạn đục, khơi trong và phát huy trong thời đại mới thì bản thân nó không thể là thứ cản trở sự phát triển. Nếu những nép văn hóa bị hành xử kiểu cộng gộp, lai tạp thì hòa nhập dễ dẫn tới hòa tan, lúc đó chẳng còn văn hóa Việt./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 23 tháng 01 năm 2019

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

Cần ưu tiên cái… phụ

   Hồi còn trẻ, sống ở nông thôn những năm đầu thập kỉ 70 của thế kỉ trước đời sống còn rất khó khăn, có khi hai ba nhà phải chung nhau một nhà vệ sinh (gọi là hố xí hai ngăn).
Tôi nhớ gia đình mình đã cố gắng tiết kiệm mới xây được nhà vệ sinh trong khuôn viên đất ở. Tuy nhiên, lại không lường trước việc ảnh hưởng tới các gia đình khác, công trình nằm đầu hướng gió hắt vào nhà ông bác ruột. Tuy không thấy ông phàn nàn gì nhưng tôi cũng sang “thăm dò”, ông thủng thẳng nói: “Bây giờ nhà tôi ngồi ăn cơm cứ như thể có phân trong mồm”!
Vậy là công trình đành phải tháo dỡ, di chuyển và dùng nhiều cách xử lí cho hết mùi ô nhiễm.

Người dân sống gần bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) thường chịu nhiều dịch ruồi muỗi.

Ngày nay mọi người đều biết công trình vệ sinh đặc biệt quan trọng với mỗi gia đình dù đó chỉ là công trình phụ. Dù chỉ gánh trách nhiệm bảo đảm vệ sinh cho mỗi gia đình nhưng rất có thể nó lại gây ô nhiễm cho người khác.
Nói rộng ra ở tầm cộng đồng xã, huyện tới tỉnh và quốc gia, công trình xử lí chất thải là rất quan trọng. Tuy vậy, lãnh đạo nhiều địa phương hình như vẫn coi xử lí chất thải là việc phụ nên đầu tư thường “khiêm tốn”. Hầu hết các khu xử lí chất thải tại các địa phương đều “có vấn đề” khiến người dân bức xúc. Chỉ khi khu xử lí bị người dân phản ứng quyết liệt khiến dư luận quan tâm, lúc đó lãnh đạo mới vào cuộc để xử lí “phần ngọn”.

Bãi rác Nam Sơn chỉ cách khu dân cư 50m.

Những ngày qua, người dân quanh bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) phản ứng quyết liệt bằng cách ngăn cản xe chở rác ra vào khiến rác thải nhanh chóng “ngập” các khu tập kết gây ô nhiễm nhiều tuyến phố Thủ đô. Lãnh đạo thành phố phải vào cuộc một cách cương quyết và điểm nóng tạm thời được “tháo ngòi”. Tuy nhiên, những ô nhiễm và bất cập tại bãi rác này chưa thể giải quyết một sớm một chiều.
Công nghệ tại đa số khu xử lí rác thải sinh hoạt hiện nay là chôn lấp và đốt hủy. Đây là công nghệ dễ ứng dụng và rẻ tiền nhất nhưng để lại hậu quả xấu cho môi trường, nhất là không khí và nguồn nước.
Hiện nay, khi hình thành dự án xử lí chất thải sinh hoạt người ta thường chỉ quan tâm là lấy khoảng cách nhất định với khu dân cư (cho đó là an toàn) rồi tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thế nhưng sự ô nhiễm theo nguồn không khí, nguồn nước thường vượt xa do công nghệ xử lí lạc hậu, không triệt để. Sự đánh giá tác động môi trường của dự án thường chủ quan, thậm chí hời hợt và hệ quả sự phản đối của người dân là tất yếu.

Bãi rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh là khu xử lý rác thải lớn nhất TP HCM cũng chủ yếu chôn lấp.

Trên cả nước hiện nay những dự án xử lí chất thải sinh hoạt quy mô lớn còn rất ít, mức đầu tư tầm 2-3 nghìn tỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Tuy ngân sách hạn hẹp nhưng nhiều địa phương vẫn phóng tay chi hàng nghìn tỉ đồng cho những công trình chưa cấp bách như tượng đài, bảo tàng… rồi để cảnh hiu hắt tựa bỏ hoang. Trong khi đó ít địa phương dám “phóng tay” xây dựng một khu xử lí rác thải quy mô lớn, công nghệ hiện đại chừng nghìn tỉ đồng trở lên.
Có lẽ do còn nhận thức công trình xử lí chất thải chỉ là những công trình phụ?./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 17 tháng 01 năm 2018

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

Chặt đi và… mọc lên

Hà Nội vốn là một đô thị nhiều cây xanh và hồ nước điều hòa. Những con phố như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng, Láng… một thời rợp bóng cây xanh mà rất hiếm thành phố lớn nào có được. Nét riêng này đã mang đến cho Thủ đô một môi trường trong lành, cảnh quan xinh đẹp, thơ mộng. Nét đẹp ấy còn đi vào thi ca, nhạc họa, làm phong phú thêm văn hóa đất Hà thành.

Đường Phan Đình Phùng (Hà Nội)

Những năm gần đây, Hà Nội như “rộ lên” hoạt động đốn chặt cây xanh vì các mục đích “bất khả kháng” là phục vụ giao thông và phát triển đô thị.
Cách đây gần chục năm, khi hàng cây xà cừ dọc tuyến đường Nguyễn Trãi phải chặt hạ phục vụ dự án đường sắt đô thị khiến nhiều người luyến tiếc, ngậm ngùi. Rồi hơn một năm trước đến lượt hàng cây xà cừ to đẹp dọc đường Phạm Văn Đồng cũng chịu chung số phận, nhường đất cho dự án mở rộng trục giao thông Nam Thăng Long. Nghe nói, cây được đánh lên di dời tới nơi khác chứ không phải thu hoạch gỗ, củi. Nhưng, đã là cây cổ thụ, nhổ lên trồng lại khó mà toàn vẹn. Và hiện nay bắt đầu đến lượt những cây xà cừ cổ thụ soi bóng sông Tô Lịch dọc tuyến đường Láng cũng bắt đầu phải “nhường” đất cho giao thông bởi tuyến này ngày càng tắc ngẽn phương tiện giờ cao điểm.

Những gốc cây xà cừ lớn tới 2 người ôm đã được đánh số thứ tự để "xóa sổ". 

Liệu một ngày nào đó những hàng cây dọc con phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu… có chịu chung số phận những tuyến đường trên?
Có vẻ đường mở thêm nhiều, to rộng mãi nhưng vẫn không thể theo kịp sự phát triển của phương tiện giao thông. Rồi sẽ còn những hàng cây đẹp khác phải nhường đường cho giao thông, bởi “chặt đi” đang đồng hành cùng sự “mọc lên”!
Cây xanh luôn "lép vế" trong cuộc cạnh tranh với nhà cao tầng. Ảnh trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu (Hà Nội). 

Cái gọi là “mọc lên” ở đây không phải từ sự gieo trồng mà là sự mọc còn nhanh hơn cây lá, đó là những tòa chung cư cao tầng trong vùng lõi nội đô.
Ai đến Thủ đô những năm gần đây đều ghi nhận Hà Nội đang như một công trường xây dựng. Vùng ven nội thành cũ như Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì… chung cư mọc lên dày đặc đã đành, trong lõi đô thị gồm các quận nội thành cũ như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Tây Hồ… cũng vẫn tiếp tục xây dựng nhiều tòa nhà chung cư cao tầng mới. Chỗ nào có mảnh đất công được “giải phóng” là chung cư cao to lại mọc lên, rất ít khi đó là vườn hoa, công viên hay không gian công cộng. Chỉ cần một căn chung cư “gòn gọn” nhưng cao vút 25-30 tầng là đã có thể chứa lượng dân cư mới bằng một phường sở tại.
Xem ra khi mà “anh quy hoạch xây dựng” và “chị quy hoạch dân cư” bắt tay nhau cùng tăng trưởng thì ùn tắc sẽ mãi vẫn ùn tắc./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 16 tháng 01 năm 2018  

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019

Nịnh

Tuân Tử, một triết gia nổi tiếng cuối thời Chiến Quốc (Trung Quốc) có câu: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”.


Bậc thầy xu nịnh được điển hình hóa trong một tác phẩm văn học Trung Quốc là Hòa Thân. Do vua coi hắn là người thân cận và tin theo mọi lời nịnh hót nên gia sản của Hòa Thân thu vén được còn to hơn cả quốc khố.
Trong cuộc sống hầu như ai cũng muốn nhận được những lời khen từ người khác. Nhưng lời khen không đúng với thực tế thì đó chỉ là sự nịnh bợ. Lời khen và câu nịnh thường lọt tai, nghe nhiều dễ làm người ta ngộ nhận đó là sự thật. Trái lại, lời phê bình thường “nghịch nhĩ”, khó tiếp thu và người phê thường bị coi là có ý không tốt.  
Lịch sử nước ta có nhiều vị trung thần, hết lòng phò vua, cương trực khi khen chê như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Lịch sử cũng khẳng định, những vị vua anh minh chính là người biết lắng nghe lời nói thật, đó là nền tảng cho sự trị vì vững bền, nước mạnh, dân yên. Ngược lại khi xung quanh vua xuất hiện lũ cận thần giỏi nịnh hót và chúng được trọng dụng cũng là lúc thế nước nguy vong bởi trước mắt vua mọi đen tối cũng được phủ bằng màu hồng.
Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954) một đại thần triều Nguyễn, sau khi thi đỗ đại khoa, ông được cùng các vị tiến sĩ đồng khoa triều kiến vua Thành Thái. Khi nhà vua đề nghị mỗi vị đề xuất góp ý kế sách để phục hưng quốc gia, Nguyễn Khắc Niêm đọc 4 câu: “Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy” được hiểu là: “Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp/ Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan/ Tôn trọng tài năng ắt đại phồn thịnh/ Tôn trọng siểm nịnh ắt đại suy vong”.

Nay những người ngay thẳng, bộc trực chốn công quyền và tại nhiều cơ quan, tổ chức như “thưa vắng” hơn nên đã tạo cơ hội cho thói độc đoán lên ngôi, dân chủ bị lấn át... Trong quan hệ thường nhật thì bợ đỡ, lấy lòng, trong sinh hoạt kiểm điểm như cùng muốn né đi những tồn tại, khiếm khuyết của cá nhân, tập thể bằng những lời phê bình tựa “phất chổi lông”, dĩ hòa vi quý. Câu chuyện văn phòng bộ nọ dùng xe công ra tận cầu thang máy bay đón vợ vị bộ trưởng như một minh họa, cụ thể hóa của hành động nịnh bợ (nếu đó không phải yêu cầu của chính bộ trưởng). Ai cũng biết, kẻ nịnh bợ luôn có động cơ, lợi ích cá nhân, còn người trung thực, cương trực thì ngược lại, luôn vì sự nghiệp chung.

Nhân vật Hòa Đại nhân

Có lẽ các cơ quan đã nhận thức được thực trạng trên nên vừa qua Đề án văn hóa công vụ đã được xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1847/QĐ-TTg. Đề án có nhiều vấn đề, trong đó nội dung được được quan tâm và thảo luận nhiều là việc công chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì mục đích không trong sáng.
Để có một bộ máy công quyền trong sạch, một tổ chức vững mạnh, một môi trường xã hội lành mạnh… tất thảy đều có nguồn gốc từ việc nhỏ của mỗi cá nhân là khen đúng đắn, phê bình ngay thẳng, loại trừ thói xu nịnh./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 11 tháng 01 năm 2018

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

“Đồng tiền bát gạo”

Cận ngày cuối năm 2018 Quảng Ninh khánh thành, đưa vào sử dụng 3 công trình lớn của tỉnh là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long và thông xe kĩ thuật tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Công trình được khởi công sớm nhất là tuyến cao tốc (tháng 9/2015), hai công trình còn lại mới chỉ trong năm 2016 và 2017.

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn

Với cấp tỉnh thì có lẽ đây là địa phương đầu tiên cùng lúc hoàn thành đưa vào sử dụng 3 công trình lớn như thế. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là tổng chi phí đầu tư cả 3 công trình trên vẻn vẹn chỉ 20.000 tỉ đồng, hoàn thành trong thời gian ngắn và như các cụ ta xưa thường nói đây đúng là những thứ “đáng đồng tiền bát gạo”!

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

Nói như vậy, bởi hãy so sánh với vài công trình đầu tư “khủng” kéo lê lết nhiều năm qua vẫn chưa hẹn ngày “chốt hạ” sẽ thấy hiệu quả to lớn mà Quảng Ninh đã làm được trong vỏn vẹn từ 1 đến 3 năm.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) dài chỉ hơn 13km được khởi công xây dựng từ tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD. Do chậm tiến độ và những lí do khác, dự án đến nay đã được điều chỉnh tăng lên 891,92 triệu USD (đội giá thêm 339,1 triệu USD (tương đương 7.000 tỉ đồng). Sau nhiều lần lỡ hẹn, dự án đến nay vẫn chưa biết khi nào sẽ vận hành thương mại trong khi mỗi năm phải trả nợ nước ngoài khoảng 650 tỉ đồng lãi vay.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài chỉ hơn 13km sau 8 năm vẫn chưa đi vào khai thác.

Còn dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh đang gây chú ý vì sai phạm, đã lập kỉ lục về điều chỉnh đội vốn. Tuyến số 1 Bến Thành - Suổi Tiên được phê duyệt lần đầu vào năm 2007 với tổng mức đầu tư hơn 17.388 tỉ đồng, nay đã đội lên 47.325 tỉ đồng (tăng gần 30.000 tỉ đồng). Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương tổng mức đầu tư là 26.116 tỉ đồng, nay dự kiến điều chỉnh là 47.891 tỉ đồng (tăng 21.775 tỉ đồng, nhiều hơn cả 3 công trình của Quảng Ninh kể trên).
Những dự án khủng trên rõ ràng rất “đáng đồng tiền” nhưng chưa biết bao giờ mới làm nên “bát gạo”.

Tuyến số 1 đường sắt Bến Thành - Suổi Tiên 

         Hai năm qua, nợ công của nước ta đã có xu hướng giảm nhưng vẫn chiếm hơn 61% GDP (ước tính khoảng 3,4 triệu tỉ đồng). Hai dự án lớn, chậm tiến độ như trên cùng các dự án mắc tình trạng tương tự trong cả nước là nguyên nhân chính khiến nợ công tăng cao. Các dự án hiệu quả đang phải trả nợ thay cho những “con rùa bò” vì chưa thể biết khi nào chúng mới mang lại hiệu quả để trả nợ cho nhiều khoản đã vay đầu tư.
         Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã công bố những sai phạm tại dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Mong sau này dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hoàn thành cũng sẽ sớm được kiểm toán để làm rõ nguyên nhân tồn tại và sai phạm nếu có.
Hi vọng các lãnh đạo cơ quan, địa phương (nhất là các tỉnh, bộ, ngành vừa qua được mời về tham dự lễ khánh thành 3 công trình của Quảng Ninh) sẽ cầu thị và học tập cách làm của tỉnh này khi điều hành đầu tư phát triển kinh tế, để tiền của dân đáng “đồng tiền bát gạo”!./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 09 tháng 01 năm 2018

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

Thưởng Tết thế nào?

Thưởng Tết dường như đã thành truyền thống của đa số doanh nghiệp với người lao động sau khi kết thúc một năm sản xuất, kinh doanh.
Đây vừa như sự tri ân của doanh nghiệp với người lao động (NLĐ) đã nỗ lực đồng hành trong một năm đóng góp công sức cùng doanh nghiệp, vừa là nguồn động viên, khích lệ để NLĐ tiếp tục đồng hành trong thời gian tiếp theo.

Lương của đa số người lao động mới chỉ bảo đảm đủ mức sống tối thiểu.

Vừa qua đã có một số địa phương công bố tổng hợp thưởng Tết cho NLĐ, mức cao nhất đến hàng trăm triệu đồng và mức thấp chỉ vỏn vẹn 50 nghìn đồng! Sự chênh lệch trên là điều khiến không ít người chạnh lòng.
Thưởng cuối năm là món tiền không bắt buộc trong luật mà chủ yếu do sự hào phóng của chủ sử dụng lao động với người làm công ăn lương. Hiện quy định mức lương tối thiểu vùng của Nhà nước là cơ sở để các doanh nghiệp trả lương cho NLĐ và rất khó duy trì cuộc sống nếu mức lương chỉ bằng mức quy định tối thiểu này. Đây chỉ là mốc để doanh nghiệp lấy làm căn cứ trả lương theo hệ số và thông thường phải từ hệ số 3 trở lên NLĐ mới duy trì được mức sống tối thiểu trong mặt bằng giá cả hiện nay. Chính mức lương tối thiểu cũng được nhiều doanh nghiệp “vin” vào để trả lương NLĐ thấp trong khi khả năng họ có thể trả cao hơn. Trích một phần nguồn lợi nhuận để chi thưởng Tết cuối năm, doanh nghiệp không bị ràng buộc về luật pháp, tiết giảm được tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, vừa được tiếng là “ưu ái” NLĐ. Giả dụ một công nhân đang hưởng lương 6 triệu/tháng, cuối năm được thưởng 12 triệu đồng (tổng thu nhập cả năm là 84 triệu đồng); một công nhân hưởng 7 triệu đồng/tháng (tổng cả năm cũng là 84 triệu đồng), cuối năm không có thưởng thì người không được thưởng sẽ lợi hơn bởi trong 12 triệu đồng lương chênh cao đó chủ doanh nghiệp còn phải trích thêm % đóng bảo hiểm xã hội, NLĐ sẽ được nhận số đó trong lương hưu tương lai. Doanh nghiệp bị “thiệt” vì họ không thể “né” được nghĩa vụ đóng cả chục % tiền bảo hiểm cho NLĐ. Xét về tác động tâm lí, khi NLĐ có mức lương ổn định cao hơn họ sẽ chủ động kế hoạch và tiết kiệm chi tiêu nhưng khi có một món thưởng lớn cuối năm thì người ta dễ mạnh tay chi tiêu phung phí bởi coi đó như là khoản tiền “trời cho”.

Vị trí làm việc khác nhau thì thưởng Tết khác nhau

Còn việc một doanh nghiệp nào đó ở Bắc Ninh thưởng cuối năm chỉ vỏn vẹn 50 nghìn đồng thì cần hiểu bản chất đây không thể gọi là thưởng Tết vì nó chưa bằng một góc một ngày lương (mức thấp) hiện nay. Đó có thể gọi là đồng tiền “bố thí”, đủ ăn hai bữa cơm bình dân chứ chẳng thể chi việc gì cho Tết!
Thưởng Tết cũng quan trọng nhưng mong sao NLĐ có được mức lương ổn định cao hơn mới tạo được nền tảng bền vững cho cuộc sống còn nhiều khó khăn./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 03 tháng 01 năm 2019