“Méo”
quản lí
Nhà “siêu méo” xuất hiện tại Thủ đô và
một số đô thị bắt đầu từ khi mở rộng hoặc mở mới những tuyến đường, phố cách
đây hàng chục năm trước.
Một
ngôi nhà "siêu mẫu - siêu mỏng" ở phố Đào Tấn, Hà Nội
Phải chăng do tư duy triệt để tiết kiệm
nên khi mở mới, mở rộng đường, phố người ta chỉ đo tính và bồi thường cho
những diện tích thu hồi đủ thiết kế xây dựng công trình? Diện tích đất còn
lại của người dân to nhỏ tròn méo thế nào hình như không thuộc phạm vi quan
tâm và trách nhiệm. Khi mà tấc đất là “tấc vàng” thì chẳng ai nỡ bỏ đi những
mét đất quý giá đó, cho dù diện tích chỉ còn mấy thước vuông. Hệ quả là những
ngôi nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” xuất hiện như tô vẽ nét nguệch ngoạc, xấu xí
gương mặt đô thị.
Một ngôi nhà kì dị ở TP HCM.
Những bất cập, tồn tại trong quản lí quy
hoạch xây dựng và hệ quả mĩ quan đô thị gánh chịu thì ai cũng có thể thấy
nguyên do. Thế nhưng sau những phát ngôn thể hiện sự quyết tâm khắc phục tình
trạng này lắng đi thì mọi chuyện đâu lại hoàn đó. Ví như tại Hà Nội, đầu năm
2017 lãnh đạo thành phố đã thể hiện quyết tâm, chỉ đạo các quận huyện quyết
liệt vào cuộc xử lí hơn 200 ngôi nhà méo mó, kì dị. Nhưng đến nay, đầu 2019
chưa thấy thống kê kết quả ra sao trong khi nhiều đường phố vẫn tiếp tục mọc
lên những căn nhà siêu méo mới. Nhiều địa phương khác cũng vậy, bằng cách này
hay cách khác, đúng luật và chưa đúng luật, nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn nối
đuôi nhau mọc lên như thách thức nhà quản lí.
Ngã
tư Trần Cung - Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, đường vừa mở rộng là thêm nhà "siêu méo".
Từ những năm trước, đã có một số đoàn của
cơ quan chức năng sang châu Âu, Trung Quốc học tập kinh nghiệm về thiết kế
kiến trúc, xây dựng, quản lí đô thị. Họ đã biết cách làm bên nước bạn rất
đáng học tập, đó là khi mở rộng một tuyến đường phố người ta thu hồi diện
tích dân cư rất rộng nhưng không bao giờ để từng nhà dân bám sát mặt đường.
Đất sát đường chỉ đấu giá để xây dựng các công trình lớn với chức năng công
cộng như trung tâm thương mại, văn phòng… Một phần diện tích tiếp sau dùng
xây dựng chung cư cao tầng để tái định cư tại chỗ cho người người bị thu hồi
đất. Cách làm đó hạn chế được sự lộn xộn trong xây dựng, chỉnh trang đô thị đẹp
và hiện đại. Thế nhưng từ học đến hành xem ra còn khoảng cách quá xa.
Đường Trường Chinh (Hà Nội) do có "đường cong mềm mại" nên đã hình thành nút cổ chai.
Con phố Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh khi
hoàn thành được xem là một trong những tuyến đường đẹp nhất Hà Nội. Thế nhưng
đoạn đầu Liễu Giai hè đang rộng rãi bỗng nhô ra một góc khuôn viên ngôi nhà
sát mặt đường. Nghe nói đó là nhà của một cán bộ cấp cao, do không thỏa thuận
được về đền bù nên đành chấp nhận hiện trạng. Phải mấy năm sau sự chướng mắt
đó mới được khắc phục. Rồi có tuyến phố khi mở rộng, tốn kém không ít tiền
bồi thường nhưng nhà thiết kế lại không thích con đường đi thẳng, tạo nên nét
uốn lượn với “đường cong mềm mại”…
Có lẽ lực cản lợi ích quá lớn cùng sự
quản lí quy hoạch nửa vời nên những ngôi nhà siêu méo đã và sẽ tồn tại. Biết
đâu rồi đây nhà “siêu méo” lại trở thành sản phẩm kiến trúc riêng có của đô
thị Việt Nam thu hút khách du lịch nước ngoài?
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 24 tháng
01 năm 2019
|
Thứ Năm, 24 tháng 1, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét