Cần
ưu tiên cái… phụ
Hồi còn trẻ, sống ở nông thôn
những năm đầu thập kỉ 70 của thế kỉ trước đời sống còn rất khó khăn, có khi
hai ba nhà phải chung nhau một nhà vệ sinh (gọi là hố xí hai ngăn).
Tôi nhớ gia đình mình đã cố gắng tiết
kiệm mới xây được nhà vệ sinh trong khuôn viên đất ở. Tuy nhiên, lại không
lường trước việc ảnh hưởng tới các gia đình khác, công trình nằm đầu hướng
gió hắt vào nhà ông bác ruột. Tuy không thấy ông phàn nàn gì nhưng tôi cũng
sang “thăm dò”, ông thủng thẳng nói: “Bây giờ nhà tôi ngồi ăn cơm cứ như thể
có phân trong mồm”!
Vậy là công trình đành phải tháo dỡ, di
chuyển và dùng nhiều cách xử lí cho hết mùi ô nhiễm.
Người dân sống gần bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) thường chịu nhiều dịch ruồi muỗi.
Ngày nay mọi người đều biết công trình vệ
sinh đặc biệt quan trọng với mỗi gia đình dù đó chỉ là công trình phụ. Dù chỉ
gánh trách nhiệm bảo đảm vệ sinh cho mỗi gia đình nhưng rất có thể nó lại gây
ô nhiễm cho người khác.
Nói rộng ra ở tầm cộng đồng xã, huyện tới
tỉnh và quốc gia, công trình xử lí chất thải là rất quan trọng. Tuy vậy, lãnh
đạo nhiều địa phương hình như vẫn coi xử lí chất thải là việc phụ nên đầu tư thường
“khiêm tốn”. Hầu hết các khu xử lí chất thải tại các địa phương đều “có vấn
đề” khiến người dân bức xúc. Chỉ khi khu xử lí bị người dân phản ứng quyết
liệt khiến dư luận quan tâm, lúc đó lãnh đạo mới vào cuộc để xử lí “phần
ngọn”.
Bãi rác Nam Sơn chỉ cách khu dân cư 50m.
Những ngày qua, người dân quanh bãi rác Nam
Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) phản ứng quyết liệt bằng cách ngăn cản xe chở
rác ra vào khiến rác thải nhanh chóng “ngập” các khu tập kết gây ô nhiễm nhiều
tuyến phố Thủ đô. Lãnh đạo thành phố phải vào cuộc một cách cương quyết và
điểm nóng tạm thời được “tháo ngòi”. Tuy nhiên, những ô nhiễm và bất cập tại
bãi rác này chưa thể giải quyết một sớm một chiều.
Công nghệ tại đa số khu xử lí rác thải
sinh hoạt hiện nay là chôn lấp và đốt hủy. Đây là công nghệ dễ ứng dụng và rẻ
tiền nhất nhưng để lại hậu quả xấu cho môi trường, nhất là không khí và nguồn
nước.
Hiện nay, khi hình thành dự án xử lí chất
thải sinh hoạt người ta thường chỉ quan tâm là lấy khoảng cách nhất định với
khu dân cư (cho đó là an toàn) rồi tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Thế nhưng sự ô nhiễm theo nguồn không khí, nguồn nước thường vượt xa do công
nghệ xử lí lạc hậu, không triệt để. Sự đánh giá tác động môi trường của dự án
thường chủ quan, thậm chí hời hợt và hệ quả sự phản đối của người dân là tất
yếu.
Bãi rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh là khu xử lý rác thải lớn nhất TP HCM cũng chủ yếu chôn lấp.
Trên cả nước hiện nay những dự án xử lí
chất thải sinh hoạt quy mô lớn còn rất ít, mức đầu tư tầm 2-3 nghìn tỉ có thể
đếm trên đầu ngón tay. Tuy ngân sách hạn hẹp nhưng nhiều địa phương vẫn phóng
tay chi hàng nghìn tỉ đồng cho những công trình chưa cấp bách như tượng đài,
bảo tàng… rồi để cảnh hiu hắt tựa bỏ hoang. Trong khi đó ít địa phương dám
“phóng tay” xây dựng một khu xử lí rác thải quy mô lớn, công nghệ hiện đại
chừng nghìn tỉ đồng trở lên.
Có lẽ do còn nhận thức công trình xử lí chất thải chỉ là những
công trình phụ?./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo
Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới
online ngày 17 tháng 01 năm 2018
|
Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét