Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

 Tết ta hay tết “Tây”?

Gần đây cứ sát dịp tết đến Xuân về, chuyện xử sự thế nào với tết (dương lịch và âm lịch, còn gọi tết ta, tết “Tây”) lại được đặt ra.
Thực tế hằng năm mỗi gia đình lo cho cái Tết Nguyên đán ngày càng cầu kì và tốn kém. Nhà nọ nhìn nhà kia với tâm lí “con gà tức nhau tiếng gáy”. Lẽ đời “phú quý sinh lễ nghĩa”, khi đời sống khá giả thì cái tết ngày càng được người ta quan tâm hơn cả về vật chất và tinh thần.

Niềm vui chung các thế hệ trong ngày Tết.

Một số ý kiến cho rằng nên gộp tết âm lịch vào tết dương lịch để xã hội đỡ những tốn kém cả thời gian và của cải, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là khi ta đang tiến tới một nền công nghiệp phát triển, một xã hội hiện đại.
Có người còn dẫn chứng “nền văn hóa ngàn đời chữ nôm và ảnh hưởng nho học sâu nặng ta còn chuyển đổi được sang chữ quốc ngữ thì hà cớ gì có cái tết mà không thể cải tiến”?

Xin chữ ông đồ đầu Xuân.

Huỷ bỏ, thay đổi hay gìn giữ một truyền thống văn hoá là vấn đề lớn, khi đó là di sản cha ông chúng ta gìn giữ suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Nghìn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm binh đao lửa đạn song những giá trị văn hóa của cha ông vẫn trường tồn. Chữ quốc ngữ nay được nhìn nhận như một thành công trong chuyển đổi công cụ văn hóa của một số học giả phương Tây và trong nước. Thế nhưng, không phải nó không để lại những hệ quả về sự đứt gãy dòng chảy văn hóa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Lớp trẻ và thậm chí đa số người thế hệ hiện tại ít có điều kiện tiếp cận giá trị tư liệu văn hóa cổ trong kho tàng Hán Nôm đồ sộ. Có chăng, sự tiếp cận là qua lăng kính của người khác. Ngay những dòng chữ ít ỏi tại các đình chùa, miếu mạo khi ta tiếp cận cũng chỉ hiểu tựa “thầy mù xem voi”. Không hiểu sâu về những nét văn hóa cổ thì thật khó nói đến phát huy bản sắc đó trong hiện tại. Cũng cần biết rằng, nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn dùng chữ cổ tượng hình song đang có sự phát triển thần kì.
Về chuyện vì sao cái tết nay lại nhiêu khê và mệt mỏi (với một số người) đến như vậy. Nào là quà cáp, biếu xén để vừa lòng người này, đẹp mặt người kia, chi phí tốn kém, đi lại vất vả, rượu chè lu bù... Sao ta không thử tìm hiểu xem cha ông xưa có thế chăng? Tết của cha ông thanh tịnh, đơn sơ nhưng đầy nét văn hóa đẹp đẽ. Đó là lễ nghĩa gói gọn trong ba ngày “Mồng một Tết cha - Mồng hai Tết mẹ - Mồng ba Tết thầy”; chỉ có “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh”; trẻ em nhận chút lì xì và đến ông đồ xin chữ để hi vọng học hành, tấn tới... Tết nay cầu kì, thậm chí méo mó đâu phải lỗi của người xưa?

Nhiều trò chơi Xuân nay ít xuất hiện.

Tết cổ truyền là một di sản văn hoá, cũng như những di sản khác, việc gìn giữ đầy đủ giá trị tinh thần đặc trưng, gạn đục, khơi trong và phát huy trong thời đại mới thì bản thân nó không thể là thứ cản trở sự phát triển. Nếu những nép văn hóa bị hành xử kiểu cộng gộp, lai tạp thì hòa nhập dễ dẫn tới hòa tan, lúc đó chẳng còn văn hóa Việt./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 23 tháng 01 năm 2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét