Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019

Nịnh

Tuân Tử, một triết gia nổi tiếng cuối thời Chiến Quốc (Trung Quốc) có câu: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy”.


Bậc thầy xu nịnh được điển hình hóa trong một tác phẩm văn học Trung Quốc là Hòa Thân. Do vua coi hắn là người thân cận và tin theo mọi lời nịnh hót nên gia sản của Hòa Thân thu vén được còn to hơn cả quốc khố.
Trong cuộc sống hầu như ai cũng muốn nhận được những lời khen từ người khác. Nhưng lời khen không đúng với thực tế thì đó chỉ là sự nịnh bợ. Lời khen và câu nịnh thường lọt tai, nghe nhiều dễ làm người ta ngộ nhận đó là sự thật. Trái lại, lời phê bình thường “nghịch nhĩ”, khó tiếp thu và người phê thường bị coi là có ý không tốt.  
Lịch sử nước ta có nhiều vị trung thần, hết lòng phò vua, cương trực khi khen chê như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Lịch sử cũng khẳng định, những vị vua anh minh chính là người biết lắng nghe lời nói thật, đó là nền tảng cho sự trị vì vững bền, nước mạnh, dân yên. Ngược lại khi xung quanh vua xuất hiện lũ cận thần giỏi nịnh hót và chúng được trọng dụng cũng là lúc thế nước nguy vong bởi trước mắt vua mọi đen tối cũng được phủ bằng màu hồng.
Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954) một đại thần triều Nguyễn, sau khi thi đỗ đại khoa, ông được cùng các vị tiến sĩ đồng khoa triều kiến vua Thành Thái. Khi nhà vua đề nghị mỗi vị đề xuất góp ý kế sách để phục hưng quốc gia, Nguyễn Khắc Niêm đọc 4 câu: “Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy” được hiểu là: “Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp/ Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan/ Tôn trọng tài năng ắt đại phồn thịnh/ Tôn trọng siểm nịnh ắt đại suy vong”.

Nay những người ngay thẳng, bộc trực chốn công quyền và tại nhiều cơ quan, tổ chức như “thưa vắng” hơn nên đã tạo cơ hội cho thói độc đoán lên ngôi, dân chủ bị lấn át... Trong quan hệ thường nhật thì bợ đỡ, lấy lòng, trong sinh hoạt kiểm điểm như cùng muốn né đi những tồn tại, khiếm khuyết của cá nhân, tập thể bằng những lời phê bình tựa “phất chổi lông”, dĩ hòa vi quý. Câu chuyện văn phòng bộ nọ dùng xe công ra tận cầu thang máy bay đón vợ vị bộ trưởng như một minh họa, cụ thể hóa của hành động nịnh bợ (nếu đó không phải yêu cầu của chính bộ trưởng). Ai cũng biết, kẻ nịnh bợ luôn có động cơ, lợi ích cá nhân, còn người trung thực, cương trực thì ngược lại, luôn vì sự nghiệp chung.

Nhân vật Hòa Đại nhân

Có lẽ các cơ quan đã nhận thức được thực trạng trên nên vừa qua Đề án văn hóa công vụ đã được xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1847/QĐ-TTg. Đề án có nhiều vấn đề, trong đó nội dung được được quan tâm và thảo luận nhiều là việc công chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì mục đích không trong sáng.
Để có một bộ máy công quyền trong sạch, một tổ chức vững mạnh, một môi trường xã hội lành mạnh… tất thảy đều có nguồn gốc từ việc nhỏ của mỗi cá nhân là khen đúng đắn, phê bình ngay thẳng, loại trừ thói xu nịnh./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 11 tháng 01 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét