Thưởng Tết thế nào?
Thưởng Tết dường như đã thành
truyền thống của đa số doanh nghiệp với người lao động sau khi kết thúc một
năm sản xuất, kinh doanh.
Đây vừa như sự tri ân của
doanh nghiệp với người lao động (NLĐ) đã nỗ lực đồng hành trong một năm đóng
góp công sức cùng doanh nghiệp, vừa là nguồn động viên, khích lệ để NLĐ tiếp
tục đồng hành trong thời gian tiếp theo.
Lương của đa số người lao động mới chỉ bảo đảm đủ mức sống tối thiểu.
Vừa qua đã có một số địa
phương công bố tổng hợp thưởng Tết cho NLĐ, mức cao nhất đến hàng trăm triệu
đồng và mức thấp chỉ vỏn vẹn 50 nghìn đồng! Sự chênh lệch trên là điều khiến
không ít người chạnh lòng.
Thưởng cuối năm là món tiền
không bắt buộc trong luật mà chủ yếu do sự hào phóng của chủ sử dụng lao động
với người làm công ăn lương. Hiện quy định mức lương tối thiểu vùng của Nhà
nước là cơ sở để các doanh nghiệp trả lương cho NLĐ và rất khó duy trì cuộc
sống nếu mức lương chỉ bằng mức quy định tối thiểu này. Đây chỉ là mốc để
doanh nghiệp lấy làm căn cứ trả lương theo hệ số và thông thường phải từ hệ
số 3 trở lên NLĐ mới duy trì được mức sống tối thiểu trong mặt bằng giá cả
hiện nay. Chính mức lương tối thiểu cũng được nhiều doanh nghiệp “vin” vào để
trả lương NLĐ thấp trong khi khả năng họ có thể trả cao hơn. Trích một phần
nguồn lợi nhuận để chi thưởng Tết cuối năm, doanh nghiệp không bị ràng buộc
về luật pháp, tiết giảm được tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, vừa được tiếng là
“ưu ái” NLĐ. Giả dụ một công nhân đang hưởng lương 6 triệu/tháng, cuối năm
được thưởng 12 triệu đồng (tổng thu nhập cả năm là 84 triệu đồng); một công
nhân hưởng 7 triệu đồng/tháng (tổng cả năm cũng là 84 triệu đồng), cuối năm
không có thưởng thì người không được thưởng sẽ lợi hơn bởi trong 12 triệu
đồng lương chênh cao đó chủ doanh nghiệp còn phải trích thêm % đóng bảo hiểm
xã hội, NLĐ sẽ được nhận số đó trong lương hưu tương lai. Doanh nghiệp bị
“thiệt” vì họ không thể “né” được nghĩa vụ đóng cả chục % tiền bảo hiểm cho
NLĐ. Xét về tác động tâm lí, khi NLĐ có mức lương ổn định cao hơn họ sẽ chủ
động kế hoạch và tiết kiệm chi tiêu nhưng khi có một món thưởng lớn cuối năm
thì người ta dễ mạnh tay chi tiêu phung phí bởi coi đó như là khoản tiền
“trời cho”.
Vị trí làm việc khác nhau thì thưởng Tết khác nhau
Còn việc một doanh nghiệp nào
đó ở Bắc Ninh thưởng cuối năm chỉ vỏn vẹn 50 nghìn đồng thì cần hiểu bản chất
đây không thể gọi là thưởng Tết vì nó chưa bằng một góc một ngày lương (mức
thấp) hiện nay. Đó có thể gọi là đồng tiền “bố thí”, đủ ăn hai bữa cơm bình
dân chứ chẳng thể chi việc gì cho Tết!
Thưởng Tết cũng quan trọng
nhưng mong sao NLĐ có được mức lương ổn định cao hơn mới tạo được nền tảng
bền vững cho cuộc sống còn nhiều khó khăn./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi
và Báo điện tử Ngày mới online ngày 03 tháng
01 năm 2019
|
Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét