Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

 Minh bạch lúc… nửa đêm!

Từng có câu chuyện một ông nhà giàu mang tiền ra đường phố lúc đông người rồi tung ra cho bàn dân tranh cướp để lấy đó làm vui. Lòng tham của con người được tạo môi trường và kích hoạt khiến một cảnh hỗn loạn đã xảy ra. Quy luật mạnh được yếu thua của tự nhiên được thể hiện rõ nhất trong cuộc tranh cướp những đồng tiền nhàu nhĩ, bụi bặm.
Câu chuyện cho thông quan điện tử tự động lúc 0 giờ khiến tôi liên tưởng tới câu chuyện trên. Tuy nhiên ở đây sẽ không có chuyện cơ quan chức năng muốn “mua vui” từ việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tranh dành nhau trên môi trường mạng, nơi được cho là rất minh bạch! Để một chuyện nhạy cảm được minh bạch, làm vào ban ngày đã khó, làm lúc nửa đêm càng khó vạn lần!
Giữa lúc nhu cầu xuất khẩu gạo đang “khát” như nắng hạn thì một hạn mức được đưa ra chẳng khác nào “trận mưa rào”.
Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là những cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ để có số lượng 400 nghìn tấn gạo hạn mức được phép thông quan xuất khẩu. Có lẽ văn bản của Bộ Công Thương ghi cụ thể thời gian hiệu lực tính đến giờ, phút, mà lại là 0 giờ lâu nay rất hiếm. Thường người ta chỉ lấy ngày làm mốc hiệu lực và giờ lấy theo thời gian làm việc hằng ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, tránh ngày nghỉ.


Hạn ngạch xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo mau chóng hết chỉ trong ít giờ đăng ký thủ tục hải quan điện tử

Mọi người đều biết, trước khi được lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo, tiến trình thương mại như một dòng sông đang chảy. Chặn một dòng chảy tất yếu sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc ở những đoạn khúc nhất định. Cơ quan quản lí không thể nói rằng họ không biết những doanh nghiệp nào đã có hợp đồng xuất khẩu, số lượng và giá trị bao nhiêu. Thậm chí hàng nghìn tấn gạo đã được một số doanh nghiệp chuyển đến cảng biển chờ thông quan thì họ lại càng phải biết, bằng không đó là cơ quan quan liêu.
Quay lại con số 400 nghìn tấn được thông quan điện tử, vậy thì cơ quan quản lí căn cứ vào đâu để đưa ra con số trên? Chẳng lẽ họ đang “lơ mơ” trên trời cao? Trong phát biểu thanh minh trước công luận, lãnh đạo Tổng cục Hải quan không đả động đến căn cứ của số lượng gạo được đề xuất. Nếu biết thực tiễn và nhu cầu của các doanh nghiệp họ phải có cách xử lí hợp tình, hợp lí và tương đối công bằng chứ không thể để tự do tranh dành. Thả hạn mức 400 nghìn tấn cho các doanh nghiệp “tự xử” lúc này chẳng khác nào tháo hồ nước dự phòng vào một dòng sông sắp tràn và chỉ làm tăng khả năng “vỡ đê” mà thôi.
Minh bạch thông quan vào nửa đêm một ngày nghỉ dẫu có quy tội được cho máy móc vô tri rất khó có thể nói không có vấn đề. Nhất là đằng sau việc này sẽ mang đến không ít lợi nhuận cho doanh nghiệp nào dành được “miếng bánh”!/.
Đinh Hoàng
Bài đăng Tạp chí Người cao tuổi ra ngày 29/4/2020

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

 Tham vàng bỏ ngãi

Ca dao xưa có câu “Tham vàng bỏ ngãi, anh ơi! Vàng thì ăn hết, ngãi tôi hãy còn” .
Chữ tín và đạo đức kinh doanh ngày nay được nhiều người coi trọng hơn cả vàng bạc vì nó là nền tảng vững chắc cho xây dựng và phát triển của mọi loại hình doanh nghiệp.
Ấy vậy mà nay một số doanh nghiệp “tên tuổi” lại sẵn sàng làm cái việc “không đẹp đẽ” là tham tiền, bỏ nghĩa!
Đó là chuyện một số doanh nghiệp lớn bỗng “xù” cung cấp gạo dự trữ quốc gia sau khi đã trúng thầu, với tổng 190 nghìn tấn.


Nhiều doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng lại có tên trong danh sách xuất khẩu gạo - Ảnh minh hoạ

Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) chia sẻ với báo chí: có 4 doanh nghiệp nằm trong danh sách nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020 nhưng từ chối kí hợp đồng, đó là: Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng 4.500 tấn; Công ty TNHH Phát Tài trúng 17.940 tấn; và 2  doanh nghiệp nữa là Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Minh.
Giải thích lí do không kí hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia, họ đều viện rằng, do giá gạo lên, không thu mua đủ để thực hiện hợp đồng dù đã trúng thầu! Đây có lẽ là chuyện lạ và khá hiếm hoi trong việc cung cấp gạo dự trữ quốc gia lâu nay.
Lí do trên của cả 4 doanh nghiệp tựa hồ những chiếc mặt nạ đã nhanh chóng rơi xuống, hiện rõ “gương mặt thật”. Ấy là trong kì “cạnh tranh” đăng kí tờ khai xuất khẩu gạo họ đều có tên với lượng gạo “tương đối lớn”: Tổng công ty Lương thực miền Bắc đăng kí xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn; Công ty TNHH Phát Tài đăng kí 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn; Công ty CP Mỹ Tường và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Minh đăng kí tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn… Rõ ràng việc bán gạo cho nước ngoài và bán cho dự trữ nhà nước đang có khoản chênh lệch lợi nhuận đáng kể để cho họ bõ mang tiếng “lật kèo”!
Trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia không chỉ đơn thuần là một hoạt động cạnh tranh kinh tế, nó còn thể hiện uy tín, vị thế cùng với trách nhiệm to lớn của doanh nghiệp với đất nước. Vì thế nhiều doanh nghiệp thậm chí không đặt lợi nhuận quá cao trong hoạt động có ý nghĩa chính trị này.
Sau vụ việc không rõ các doanh nghiệp trên kiếm được bao nhiêu lợi nhuận nhưng có điều chắc chắn là uy tín của họ trước cơ quan quản lí và doanh nghiệp bạn sẽ không còn “sáng đẹp”.
Bên cạnh đó, việc “chọn mặt gửi thầu” của cơ quan quản lí từ nay cũng nên có tiêu chí tín nhiệm để tránh xảy ra những vụ “xù thầu” tương tự.
Gạo dự trữ quốc gia là mặt hàng bảo đảm an ninh lương thực của đất nước, không thể giao phó cho những đối tác “tham vàng bỏ ngãi”!/.
Đinh Hoàng
Bài đăng Tạp Chí Người cao tuổi ngày 28/4/2020

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2020

“Một cục” và cuộc đời

Lâu lắm tôi mới gặp lại anh bạn cũ tại một đám cưới hồi cuối năm trước. Dù cùng tuổi nhưng nhìn anh nay dáng vẻ tiều tụy, già trước cả chục tuổi. Sau hồi tâm sự, hỏi thăm gia cảnh của nhau, anh trầm tư tâm sự: “Tôi sai lầm quá ông ạ, nhất là khi nhìn thấy những người bạn, trong đó có ông nay cuộc sống ổn định, chủ động vì có thu nhập khi về già. Tôi nay đi ăn cưới con cái bạn bè thế này cũng là tiền của con cháu nó đưa, tuy không phải xin nhưng chẳng tránh được cái cảm giác ngửa tay”.
Anh bạn này vừa là bạn học lại vừa là đồng ngũ với tôi. Lực học khi còn học cấp 3 và năng lực khi trở thành sĩ quan quân đội cũng “sàn sàn”, không hơn kém nhau là bao, tuy nhiên xét về nhạy bén trong cuộc sống anh có vẻ hơn tôi.

Cuộc đời quân ngũ được chừng 14 năm thì anh đã có một quyết định bước ngoặt cuộc đời: Anh xin nghỉ “một cục”, thanh toán số năm công tác được một món tiền, khi đó cũng tương đối lớn. Lúc ấy anh có thể còn sự lựa chọn khác, chờ thêm chút thời gian để hưởng chế độ bệnh binh, dạng như nghỉ mất sức lao động, nhưng có lẽ còn sức trẻ, anh chọn phương án lấy “một cục” để tạo vốn làm ăn khi rời quân ngũ. Khi đó tôi cũng nghĩ anh đã nhạy bén thời cuộc để chuyển hướng cho cuộc đời bởi khi đó có câu “một gạch ba sao không bằng sào tăng sản”, lương sĩ quan quân đội sống khá chật vật…
Nhớ lại câu chuyện của anh bạn kể trên bởi mấy ngày gần đây rộ lên chuyện hàng nghìn công nhân ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng... đua nhau đi rút, thanh toán sổ bảo hiểm xã hội lĩnh một lần. Việc này cũng giống chuyện anh bạn tôi cách đây mấy chục năm xin nghỉ “một cục”. Tuy nhiên, cũng có điểm khác nhau giữa 2 thời kì: Khi anh bạn tôi nghỉ chế độ như vậy đa số nghĩ đó là sự thức thời, những người “bám trụ” hưởng lương chưa chắc ai hơn ai. Nay thì ngay từ đầu việc thanh toán bảo hiểm xã hội một lần đã được các chuyên gia, nhà quản lí cảnh báo người lao động sẽ rất thiệt thòi nếu không giữ để hưởng chế độ hưu trí cùng nhiều chính sách thiết thực sau này. Thậm chí có người còn đem bán cho những kẻ thu gom với giá rẻ hơn nhiều so với bảo hiểm xã hội chi trả.


Kỳ lĩnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội của người cao tuổi

Đóng bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí nay đang lan tỏa sang cả đối tượng là người nông dân, lao động tự do… Việc làm của những người lao động kể trên như thể đi ngược xu thế của xã hội, tự đẩy mình vào cái thế không có gì “bảo hiểm” trong tương lai.
Khi về già sức khỏe giảm sút nhưng có một khoản thu nhập ổn định (có thể không cao) nhưng nó như một chỗ dựa vật chất và cả về tinh thần, ví như anh bạn tôi kể trên luôn mang tâm thế phải xin tiền con cháu cho những nhu cầu rất đời thường./.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 17 tháng 4 năm 2020

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2020

 Cho và xin 

Trước nay người ta hay nhắc đến cụm từ “cơ chế xin - cho”.
Nay đang có chuyện cho đồng thời với xin đáng bàn của một doanh nghiệp Nhà nước, đó là EVN.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân đang đồng tâm hiệp lực chống dịch. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã có những hành động đáng trân trọng đóng góp tiền của, công sức cùng Nhà nước để sớm vượt qua những sóng gió do đại dịch gây ra. Tiếc rằng nhiều “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước đang “im hơi lặng tiếng”, dù tiềm lực chẳng ai bằng.
Có lẽ cũng nhận ra rằng tất cả cần có trách nhiệm chung tay giữa lúc đất nước khó khăn nên vừa qua cơ quan chủ quản của EVN là Bộ Công Thương đã đề xuất giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân với mức giảm 10% so với biểu giá tại Quyết định 648/QĐ-BCT, trong thời gian 3 tháng.


Hơn 10 năm qua, ngành điện đã 7 lần tăng giá, nay đã có khái niệm giảm nhưng chỉ trong 3 tháng

Chưa rõ tác động của hành động “cho” này sẽ hiệu quả thế nào nhưng gần như đồng thời Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ “một vài thứ”, đó là được giảm giá bán than trộn cho hoạt động sản xuất điện; miễn thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước của các đơn vị sản xuất thủy điện với thời gian là 6 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 10/2020! Lí do có lẽ cũng do tình hình chung bởi “cái anh” Covid-19. Tóm lại là “cho” đã đi liền với “xin”, chưa biết cái nào lợi hơn cái nào nhưng “cho” trong 3 tháng trời, còn “xin” chỉ là 6 tháng!
Trong cuộc sống, khi cái sự cho gắn với xin xỏ khiến người ta nghĩ ngay tới một mối quan hệ “có đi có lại” và cuối cùng không có người xin và cũng chẳng có kẻ cho. Đó như một sự mặc cả!


Giá xăng giảm đến 50% chỉ trong thời gian ngắn.

Hiện nay giá xăng dầu thế giới đã giảm tới ngưỡng thấp kỉ lục so với mấy chục năm qua. Trước nay mỗi khi đề xuất tăng giá điện, xăng dầu tăng giá luôn không thể thiếu là một trong những lí do của đề xuất mà họ đưa ra. Giá xăng tiêu dùng trong nước luôn bám sát giá thị trường nên người dân, doanh nghiệp đang được hưởng lợi, trong đó hình như có cả EVN. Cứ tưởng đây cũng là một lí do để EVN xem xét đề xuất giảm giá điện cho phù hợp thị trường chứ không chỉ do đại dịch Covid-19.
Khi người ta có lòng thành muốn giúp ai việc gì đó chẳng bao giờ lại ra điều kiện bởi điều kiện chính là sự tính toán lợi ích, là cái phủ nhận lòng thành.
Đại dịch Covid-19 cùng với sự tàn phá, chết chóc, nó cũng khiến phát lộ nhiều điều, ngay cả những cử chỉ hành động để thể hiện “lòng tốt”./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 16 tháng 4 năm 2020

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

  Lòng tốt thời đại dịch

Cả thế giới như đang cùng nhau đối phó vơi cơn sóng thần mang tên COVID-19.
Có lẽ chẳng khi nào cả thế giới lại có chung một kẻ thù vô hình lớn như đại dịch này. Các quốc gia đều hiểu rẳng, một mình sẽ chẳng thể chiến thắng trong cuộc chiến với COVID-19. Chỉ có sức mạnh đoàn kết mới chiến thắng được dịch bệnh trong thời đại toàn cầu là một mái nhà chung.
Khi dịch bệnh bùng phát dữ dội tại Vũ Hán, Việt Nam ta là một trong số ít quốc gia có hành động cụ thể để chung tay giúp bạn chống chọi với dịch bệnh. Số vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay và khẩu trang y tế tổng trị giá 500.000 USD được chuyển sang nước bạn kịp thời. Giá trị quy ra tiền có thể không lớn, nhưng có những thứ, những cảnh huống người ta không thể đo đếm bằng giá trị vật chất đơn thuần cho lòng tốt. Người Việt có câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.


Cảnh trên bờ: Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng trao tặng số trang thiết bị, vật tư y tế tới Đại sứ Trung Quốc.

Những ngày qua, Việt Nam tận tâm điều trị cho bệnh nhân không chỉ là công dân nước mình, mọi công dân từ các quốc gia khác cũng được quan tâm như vậy. Đó là truyền thống nhân văn, là lòng tốt chân thành của người Việt Nam.
Trong những ngày này Việt Nam và hầu hết các nước đang căng mình chống chọi với đại dịch thì bỗng có dòng tin làm quặn thắt lòng người: Tàu cá của ngư dân Trần Hồng Thọ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) sáng 2/4/2020 khai thác tại ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm, 8 ngư dân bị bỏ mặc giữa trùng khơi! Cứ ngỡ đó chỉ là hành động bộc phát của một số cá nhân nước bạn khi thực thi công vụ. Khi tôi nghe anh bạn nói mới đọc bản tin được biết người có trách nhiệm phát ngôn của nước bạn cho rằng “tàu ngư dân Việt cố tình đâm vào tàu hải cảnh” khiến tôi bật cười! Chẳng lẽ ngư dân với con thuyền nhỏ nhoi định đâm chìm con tàu sắt lớn gấp nhiều lần? Một sự hài hước và trơ tráo khó chấp nhận!
          Từ xưa tới nay ai cũng biết rằng lúc gian nan, khó khăn nhất, người vẫn ở bên ta  là người tốt nhất. Trong những ngày đại dịch bùng phát rất dễ nhận ra đâu là vàng, đâu là thau.


Cảnh dưới biển: Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tại Hoàng Sa ngày 2/4 Ngư dân cung cấp

          Nhiều người từng biết câu chuyện tiếu lâm về anh nhà giàu nọ rơi xuống hồ sâu trong khi chẳng biết bơi. Một kẻ đứng trên bờ đã ra giá trong khi người sắp chìm đang chới với dưới hồ nước. Cuối cùng không có được một “thỏa thuận”, anh nhà giàu chìm dần, còn kẻ bất lương cũng chẳng được gì… 
      Câu chuyện về sự bất lương trên như đang được tái hiện khi đã xuất hiện sự tranh chấp và trục lợi trên thị trường vật tư y tế toàn cầu. Không những thế, trong tình cảnh khó khăn ở tầm quốc gia đôi khi cũng dễ bị toan tính chính trị trục lợi.
      Tốt, xấu, thiện, ác không khi nào dễ bộc lộ như thời khắc khó khăn hoạn nạn thế này!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi tháng 4 năm 2020

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

  Thoát hiểm nơi cao nguyên đá!

Di sản công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là một thắng cảnh kì vĩ. Nơi đây sẽ mãi đẹp đẽ hoang sơ nếu các núi đá một ngày nào đó không bị người ta xẻ phá nung vôi.
Cao nguyên đá không nguy hiểm với ai nhưng gần đây một số người đã tự đưa mình vào “thế hiểm” rồi lại tìm mọi cách để “thoát hiểm”!
Cách đây hơn 2 năm xảy ra vụ sai phạm trong kì thi THPT quốc gia tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang. Lần đầu tiên phát lộ việc những người tổ chức kì thi lại chính là người sai phạm, làm sai lệch kết quả thi (nâng điểm) trục lợi.
Trong khi hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình khá nhanh chóng, quyết liệt vào cuộc điều tra, xử lí nghiêm các cá nhân vi phạm pháp luật thì Hà Giang lại “thủng thẳng” khiến dư luận nghi ngờ. Sau một năm, tận giữa năm 2019 bên hành lang Quốc hội, khi báo chí chất vấn, Bí thư tỉnh khi đó, ông Triệu Tài Vinh nói: “Hôm nay, tôi vừa gọi điện về bảo khẩn trương làm cuộc kiểm điểm đi”, và “...Vấn đề là xử lí những người có tên liên quan, ví dụ như cá nhân tôi đúng không? Tôi thì dư luận phán xét xong rồi”. Khi nghe câu nói đó của ông Vinh, có người nghĩ lãnh đạo Hà Giang đã “thoát hiểm”!
Cuối cùng phải có sự đốc thúc của Trung ương, các cá nhân sai phạm thi cử tại Hà Giang (trong đó có một số người nhà của ông Vinh) mới được xử lí trước pháp luật chứ không chỉ là “làm cuộc kiểm điểm”.


 Các bị cáo tại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang

Một vụ việc khác tại Hà Giang gây xôn xao dư luận mà đến nay chưa ngã ngũ, đó là “khối bê tông” xây không phép bên đỉnh Mã Pí Lèng. Một công trình sừng sững mọc cạnh vùng di sản thiên nhiên thế giới nhưng lại được xây trái luật! Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dù công trình Mã Pì Lèng Panorama không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ 1 và 2 của Di tích danh thắng quốc gia nhưng nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO ghi danh. Điều 36, Luật Di sản văn hóa quy định khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích mà có khả năng ảnh hưởng xấu tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng Hà Giang đã “quên” xin ý kiến thẩm định của Bộ đối với công trình này. Với nhiều sai phạm như thế cứ nghĩ công trình Panorama sẽ sớm được dỡ bỏ, trả lại cảnh quan đẹp bên dòng Nho Quế. “Trao đi đổi lại, lật lên lật xuống” cuối cùng vừa qua UBND tỉnh Hà Giang đã thống nhất cho công trình được tồn tại (không bị phạt) làm điểm dừng chân ngắm cảnh cho khách du lịch với quy mô, kiến trúc phù hợp! 

Công trình xây dựng không phép trên đèo Mã Pí Lèng

Có lẽ vì “của đau con xót” nên Hà Giang quyết giữ bằng được một công trình sai phép, cũng đồng nghĩa đổi kỉ cương lấy lợi ích. Nhưng so với tòa nhà 8B Lê Trực hàng trăm tỉ đồng tại Hà Nội thì công trình này chẳng thấm vào đâu. Lãnh đạo Hà Nội khẳng định có thể dỡ bỏ toàn bộ tòa nhà 8B Lê Trực nếu chủ đầu tư mãi chây ì.
Liệu công trình Mã Pì Lèng Panorama có “thoát hiểm” ngoạn mục!?
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi tháng 04 năm 2020

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2020

Tầm nhìn đáng lo ngại

Tầm nhìn của một con người phụ thuộc vào trí tuệ, kinh nghiệm và dữ liệu thông tin họ được cập nhật. Chúng ta biết, với các nhà lãnh đạo thường có tầm nhìn xa, trông rộng vì họ được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời - nền tảng cho sự tổng hợp, phân tích và đưa ra kết luận.
Hiện nay hiểm họa COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới đứng trước một tương lai ảm đạm, suy thoái gần như là điều khó tránh.
Đối với Việt Nam ta đang gánh một tai họa kép, vừa phải căng mình chống COVID-19 vừa chống chọi hạn mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Dù cả thế giới đang gồng mình chống đại dịch do vi rút Corona gây ra nhưng đã có những thông tin lo ngại về một đại dịch khác đối với cây trồng - nạn châu chấu. Sau khi phá hoại mùa màng ở nhiều quốc gia Đông Phi và các nước láng giềng với Trung Quốc như Ấn Độ, Pakistan vào giữa tháng 2, “binh đoàn” châu chấu được dự đoán sẽ áp sát Trung Quốc trong thời gian sớm. Với một nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu như Việt Nam ta, nếu xảy ra nạn châu chấu mất kiểm soát sẽ chẳng khác một đại dịch!


Đàn châu chấu được cho là rất tạp ăn và di chuyển nhanh

Sau khi Trung Quốc ngăn chặn thành công bước đầu COVID-19 cũng là lúc bỗng thấy họ gia tăng nhập khẩu gạo và nhiều mặt hàng, trong đó có thị trường Việt Nam.
Vào tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo. Trong khi chờ báo cáo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng kí hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Đây là một chỉ đạo sáng suốt, có tầm nhìn xa của người đứng đầu Chính phủ, bởi trong thời bình nhưng đang có những vấn đề bất ổn kinh tế, an ninh lương thực là vấn đề quan trọng hàng đầu.


Thủ tướng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay cần xem xét kĩ lưỡng, thận trọng việc xuất khẩu gạo

Cứ tưởng một ý kiến chỉ đạo sáng suốt như vậy sẽ được thực thi nhanh chóng, nghiêm túc thì bỗng thấy một động thái lạ: Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương liền có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo! Lí do là từ phản ánh của một số doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ này nhận thấy “cần có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ đông - xuân, các hợp đồng xuất khẩu đã kí cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp”. Từ đó, Bộ này kiến nghị tiếp tục mở tờ khai hải quan, cho xuất khẩu gạo bình thường! Nhiều người tin rằng, chỉ cần chút thời gian “đánh giá sản lượng”, các nhà buôn gạo sẽ “vét sạch” kho để xuất khẩu, khi mà các lái buôn bên kia biên giới phía Bắc đang “khát hàng”!
Tầm nhìn của nhà buôn luôn luôn và cao nhất là lợi nhuận! Với nhà quản lí, người lãnh đạo không phải bao giờ cũng đồng điệu với nhà buôn, nó phải xa rộng hơn và vấn đề an ninh, dân sinh phải là hàng đầu.
Tầm nhìn của một Bộ có chức năng tham mưu cho Chính phủ về mảng kinh tế lớn và quan trọng mà lại như vậy thì thật đáng lo ngại!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 3 tháng 4 năm 2020